"Tuyệt đối không nên coi bán dâm là một nghề"

13/06/2012 06:39
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Những người mua dâm bị xử lý hành chính tại chỗ (hầu hết là phạt tiền), còn việc thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan, đơn vị nơi người mua dâm làm việc thì còn ít”.
Xung quanh vấn đề nên hay không nên công khai danh tính người mua dâm, người bán dâm và cả việc công nhận mại dâm như một nghề, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Lê Đức Hiền – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: 

“Pháp lệnh không quy định công khai hay không công khai danh tính người mua dâm. Nhưng nếu thực hiện đầy đủ thì cũng là bán công khai rồi: thông báo về gia đình, địa phương hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị công tác. Nhiều ý kiến cho rằng nên công khai nhưng khi công khai thì nhiều hệ lụy kéo theo, điều đó đã từng xảy ra trước khi có Pháp lệnh phòng chống mại dâm (2003) ở một vài địa phương”.

Theo ông Hiền, không nên công khai danh tính người mua dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc xử lý người mua dâm bằng hình thức xử phạt hành chính như: phạt tiền, cảnh cáo và đưa thông tin về địa phương hoặc cơ quan làm việc đã mạnh tay, đủ nghiêm khắc rồi.  Nhưng vấn đề là chúng ta phải làm đủ, đúng theo Pháp lệnh phòng chống mại dâm. 

Những người mua dâm bị xử lý hành chính tại chỗ (hầu hết là phạt tiền), còn việc thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan, đơn vị nơi người mua dâm làm việc thì còn ít. "Bây giờ mà làm đủ quy trình đó cũng không đơn giản nhưng sẽ tăng hiệu quả hạn chế tệ nạn mại dâm", ông Hiền nói.

Không nên công nhận mại dâm là một nghề

Khi được hỏi về một số ý kiến cho rằng nên công nhận mại dâm như một nghề, ông Hiền khẳng định: “Không nên công nhận là một nghề. Như mọi người nói thì có những tích cực nhất định nhưng tôi đã tham khảo một số nước trên thế giới thấy vấn đề này không hề đơn giản vì đi kèm với đó là những lo ngại về nhân phẩm của con người trong điều kiện thuần phong mỹ tục, tập quán của người Á Đông kéo theo là tội phạm các băng nhóm mua bán người, ma túy… Cũng không hẳn phụ nữ không bị bóc lột…Theo tôi phòng và chống tích cực, thực hiện đồng bộ các biện pháp, nhân dân tham gia thành phong trào mạnh mẽ thì cũng giảm được tệ nạn mại dâm”.

Nói về những lo ngại việc đưa phụ nữ bán dâm vào trung tâm phục hồi nhân phẩm dường như chưa đủ sức răn đe để có thể hạn chế tệ nạn xã hội này, ông Hiền cho biết: 

“Hiện nay, Quốc hội đang nghiên cứu và xem xét việc thông qua luật xử lý hành chính. Và trong vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cũng tranh luận rất mạnh mẽ về vấn đề nên hay không nên đưa các phụ nữ bán dâm vào Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội. Đúng là đưa chị em vào trung tâm mà thực hiện tốt những việc như chữa các bệnh xã hội, dạy nghề, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho chị em trong một môi trường thân thiện thì cũng tốt. Tuy nhiên nếu việc này không làm tốt thì  nguy cơ tái phạm rất cao. 


Nếu Quốc hội quyết định không đưa phụ nữ bán dâm vào các trung tâm hồi nhân phẩm thì đồng thời chúng ta phải phát triển nhanh, tốt các dịch vụ xã hội ngoài cộng đồng: tư vấn cho chị em về bệnh tật, tâm lý, dạy nghề, hướng nghiệp, sinh hoạt nhóm.... Nếu chúng ta chưa chuẩn bị tốt thì cũng sẽ có nhiều khó khăn”.
 
Theo ông Hiền, người nổi tiếng đi bán dâm là sự xuống cấp về đạo đức
Theo ông Hiền, người nổi tiếng đi bán dâm là sự xuống cấp về đạo đức

Người nổi tiếng đi bán dâm là sự xuống cấp về đạo đức

Nói về việc những người nổi tiếng đi bán dâm và môi giới mại dâm, ông Hiền cho rằng: “Để tăng hiệu quả phòng chống tệ nạn mại dâm, hoạt động tuyên truyền đạo đức, lối sống lành mạnh và nhiều hoạt động khác cần được đẩy mạnh. Rõ ràng đó là sự xuống cấp về đạo đức và những người mua dâm, bán dâm đó chỉ thấy lợi trước mắt, sự thiếu hiểu biết, thực dụng. 


Còn việc xử lý thì vẫn phải theo pháp luật: đối với người mua dâm thì phạt hành chính rồi thông báo về địa phương hoặc cơ quan làm việc, còn gái bán dâm với lần đầu bị phạt hành chính, tái phạm thì đưa vào trung tâm. Đáng lẽ những người nổi tiếng được học hành, được tôn vinh thì phải làm gương cho xã hội nhưng đằng này lại có hành vi như vậy thì xã hội phải lên án mạnh mẽ việc làm trái với đạo đức người phụ nữ dân tộc. 

Đấu tranh tệ nạn xã hội vừa là vấn đề cấp bách, vừa là vấn đề lâu dài. Chúng ta đã thu được nhiều kết quả, đã nâng cao nhận thức xã hội. Những rõ ràng tệ nạn xã hội này liên quan đến nhiều vấn đề: hội nhập quốc tế, sự thay đổi về lối sống, nhận thức, các web đồi trụy…

Để hạn chế tệ nạn này thì không chỉ đẩy mạnh xử lý hành chính mà còn là công việc của cả xã hội: phát triển kinh tế - xã hội, phòng ngừa, tuyên truyền về đạo đức, lối sống, quản lý địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm, nhân rộng các mô hình làm tốt… Một trong số đó là tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ bán dâm sau khi ra khỏi trung tâm vì vấn đề kinh tế dường như là vấn đề mấu chốt với đa số những người phụ nữ đi bán dâm. 

Tuy nhiên, cũng có vấn đề ở chỗ, sau khi được đào tạo hướng nghiệp, nhiều chị em có học vấn thấp, sức khỏe không đảm bảo, tay nghề thấp (chỉ được đào tạo sơ cấp), nghề đào tạo không phù hợp với thị trường lao động lại không muốn làm lao động nặng với thu nhập thấp khi nhiều công nhân chân chính hiện nay làm việc vất vả mới chỉ được trung bình 2- 3 triệu đồng/tháng. Nhiều người bán dâm còn nghiện ma túy nữa. Về mặt xã hội, nhiều người còn kỳ thị với chị em, vấn đề xin việc cũng khó khăn. 

Chúng ta đang tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, giải pháp để góp phần hạn chế tệ nạn này”.


Điểm nóng

Nam thanh niên tìm đến khách sạn người yêu tự tử để… tự vẫn

Nhọc nhằn lội mương mưu sinh ở thủ đô

3 em nhỏ 10 tuổi chết đuối trên sông Dinh

Bàng hoàng trà chanh làm từ phụ gia

Hồng Chính Quang