Vạch mặt các học giả xuyên tạc sự thật chủ quyền biển đảo Việt Nam

03/06/2014 13:18
Ngọc Quang
(GDVN) - GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Trung Quốc đưa ra nhiều tài liệu không có căn cứ về chủ quyền tại Hoàng Sa.

Sáng nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã công bố một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

Sự thật lịch sử phải được tôn trọng

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, tư liệu Hán Nôm ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông không phải là toàn bộ, mà chỉ là bước đầu giới thiệu một số tư liệu Hán Nôm nguyên bản.

“Điều này chứng tỏ, trong lịch sử Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhà nước Trung Quốc mới chiếm đoạt từ đầu năm 1974 mà thôi. Trong lịch sử, các bản đồ của Trung Quốc và phương Tây đã thể hiện rõ điều này. Sự thật lịch sử phải được tôn trọng, không thể nói một cách gian lận và trắng trợn như các nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay”.

Tài liệu Hán Nôm khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Ảnh: Ngọc Quang.
Tài liệu Hán Nôm khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Ảnh: Ngọc Quang.

Theo sử sách thì từ thời nhà Lý đã quan tâm đo đạc bản đồ lãnh thổ quốc gia. Trong cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục có viết: “Mùa thu năm 1075… Lý Thường Kiệt đã cho vẽ bản đồ hình thế núi sông ở ba châu Bố Chính, Ma Linh và Địa Lý”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “… Tháng 11 năm Đại Định thứ 22 (1161) đời vua Lý Anh Tông, nhà vua sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm Phó, đem hai vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam để giữ yên miền biên giới”.

GS Thắng cho biết: “Nói về ghi chép địa lý của đất nước thì từ thời Lê Sơ chúng ta đã có tác phẩm Việt Nam dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380 – 1422). Thời Mạc Cảnh Lịch (1548 – 1553) có cuốn Ô châu cận lục. Thời Lê Trung Hưng có cuốn Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn (1776). Và sau này thời Nguyễn làm chi tiết hơn. Điều này chứng tỏ ngay từ thời Lý, thời Nguyễn thì nhà nước đã quan tâm đến cương giới lãnh thổ, cả đất liền và hải đảo.  Chúng tôi cũng dự kiến dịch các tài liệu này sang tiếng Anh để đưa ra thế giới”.

Vạch mặt các học giả xuyên tạc sự thật

Cũng tại buổi công bố các tài liệu Hán Nôm, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, việc Trung Quốc dựng lên các tài liệu nói về quần đảo Hoàng Sa đã có từ 2000 năm trước và thuộc quyền của Trung Quốc chỉ là giả mạo, nhằm che đậy mục đích xâm chiếm Việt Nam.

“Một số học giả Trung Quốc đã viết bài nói sai sự thật hoàn toàn, chúng tôi có thể chỉ mặt, điểm tên, trong đó có những người đã từng ăn cơm, đọc sách tại viện Hán Nôm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về các tài liệu này. Vì tài liệu là Hán Nôm nên không cần phải dịch thì khi đưa vào Trung Quốc, người dân ở đó vẫn đọc được và hiểu rõ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, PGS Mạnh cho biết.

Theo PGS Mạnh, các tài liệu Hán Nôm đã chỉ rõ lịch sử Việt Nam từ mấy nghìn năm trước đã ghi nhận chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển khác ở Biển Đông.

Các đơn vị tài liệu Hán Nôm đã thể hiện nhất quán lập trường quan điểm của nhà nước phong kiến Việt Nam đã từng quản lý hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Đây là những tư liệu có giá trị khoa học và làm căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biên Đông.

Các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đây là những tài liệu khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Ngọc Quang.
Các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đây là những tài liệu khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Ngọc Quang.

Hàng năm, nhà nước đều phái người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc cắm mốc, vẽ bản đồ về trình tấu triều đình. Bộ ván khắc Đại Nam thực lục từ thời Nguyễn đang lưu giữ trong kho Mộc bản tại Trung tâm lưu giữ quốc gia 4, được tổ chức UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Theo ghi chép trong đó, từ năm Gia Long thứ 14 (1815) thì vua Gia Long khi thiết lập vương triều Nguyễn đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn là phái người đi thăm dò đường biển ra đảo Hoàng Sa, tiếp tục đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Tới thời vua Minh Mệnh, việc thăm dò và khảo sát đo đạc quần đảo Hoàng Sa được tiến hành thường xuyên hơn. Vua Minh Mệnh còn cho cắm mốc chủ quyền quốc gia.

Trong tài liệu Hán Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu cũng đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng ở biển Đông.

“Những dẫn chứng trên cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai địa điểm này từ lâu đã trở thành nơi sinh sống của ngư dân Việt Nam. Căn cứ trên các tài liệu Hán Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng chứng minh một cách thuyết phục hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông là của Việt Nam”, PGS Mạnh khẳng định.

Ngọc Quang