Về cuộc chiến vệ quốc 40 năm trước

16/02/2019 08:09
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
(GDVN) - Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, cuộc chiến ở biên giới phía bắc hoàn toàn không phải do Việt Nam gây ra.

LTS: Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhân dịp 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả!

Đó là cuộc chiến đấu vệ quốc của quân và dân ta tại khu vực biên giới phía bắc năm 1979.

Chúng tôi còn nhớ, khi nghe lời của một bài hát vang lên “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, đưa toàn dân ta vào trận chiến đấu mới, quân xâm lược bành trướng dã man, đã giày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương…”.

Mọi người Việt Nam ai cũng xúc động vì sự hy sinh và chiến đấu anh dũng của quân và dân phía bắc nước ta, nhiều thanh niên ở mọi miền tổ quốc đã xung phong lên đường ra trận để bảo vệ biên cương.

Đây là một cuộc chiến rất khó gọi tên cho đúng, một cuộc chiến không đáng có.

Về nguyên nhân thực chất của cuộc chiến này, cho đến nay, sau 40 năm rồi, nhưng nhiều người vẫn chưa rõ, vì không đủ thông tin, kể cả đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.

Bản thân tôi cũng vậy, chưa đủ rõ mọi điều.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Ảnh do tác giả cung cấp).
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Ảnh do tác giả cung cấp).

Trung Quốc đánh Việt Nam để làm gì? Rõ ràng không phải là chiến tranh ý thức hệ, vì cả hai bên cùng một ý thức hệ, chẳng lẽ “phe ta” phải đánh “phe mình?”.

Cũng có ý kiến cho rằng, do Trung Quốc bành trướng lãnh thổ của Việt Nam.

Nếu đúng vậy thì sao không giành và chiếm lãnh thổ, mà lại đánh nhanh và rút nhanh như vậy, nhanh đến mức nhiều đơn vị chính quy tinh nhuệ của Việt Nam đang chuyển quân đến, chưa kịp tham chiến thì Trung Quốc đã rút quân?

Trung Quốc cũng thừa biết Việt Nam là một dân tộc mỗi khi bị xâm lăng đã từng chiến đấu và chiến thắng phương Bắc hàng chục lần trong lịch sử, lại đang có trong tay một đội quân chính nghĩa và thiện chiến đã qua nhiều lần thử lửa, và đội quân đó đang nắm giữ nhiều loại vũ khí hiện đại kể cả của Liên Xô và của Mỹ lúc bấy giờ.

Điều chưa rõ thì sẽ tiếp tục thảo luận, nhưng chắc rằng cuộc chiến này có liên quan trực tiếp với cuộc chiến ở biên giới tây-nam và không phải do phía Việt Nam gây ra như ai đó vì dụng ý xấu đã cố tình đổ lỗi vu cáo như thế.

Hai cuộc chiến ở biên giới Tây-Nam và phía Bắc xảy ra cách nhau không xa, có thể nói gần như cùng thời điểm, đều do phía bên kia (không phải Việt Nam) khởi sự trước và cuộc chiến ở Tây-Nam cũng có rất nhiều cố vấn của Trung Quốc giúp cho quân xâm lấn Khơ-me đỏ, vì vậy mà có một số nghiên cứu đã gộp chung 2 cuộc đó thành một.

Mà tại sao một dân tộc Trung Hoa có nền văn hóa lâu đời như vậy lại cố tình giúp đỡ, nuôi dưỡng thủy chung một chế độ diệt chủng và hiếu chiến của Polpot trong khi chúng đang diệt chủng dân tộc Campuchia?

Về cuộc chiến vệ quốc 40 năm trước ảnh 2Cuộc chiến trên Mặt trận phía Bắc, những gì đã qua

Hay là ai đó đã cố tình dùng Polpot và dân tộc Campuchia như một công cụ để tiêu diệt cộng đồng người ở phía nam Đông Dương nhằm tạo ra một vùng lãnh thổ trống người để họ đến và sử dụng lâu dài mãi về sau?

Còn nhớ, tiếng súng ở biên giới phía Tây-Nam đã bắt đầu nổ khi quân giải phóng Miền Nam và quân đội nhân dân Việt Nam vừa đặt chân đến Sài Gòn chỉ mấy ngày trước đó và nên nhớ đó là cuộc hành binh thần tốc đã hoàn thành sớm hơn một năm so với dự tính ban đầu.

Vậy là, khi Việt Nam chuẩn bị kết thúc cuộc chiến sau 21 năm ròng để thống nhất non sông, có người đứng đằng sau đã thúc đẩy khẩn trương một cuộc chiến nữa từ phía Tây-Nam để Việt Nam phải đối phó cùng lúc 2 cuộc chiến, cuộc này chưa kết thúc thì cuộc kia đã bắt đầu, nhưng họ không kịp vì lãnh đạo Việt Nam đã đi trước một bước trên bàn cờ chiến trận.

Kế hoạch như vậy để làm gì nếu như không phải để ngăn cản cuộc thống nhất đất nước của Việt Nam?

Còn nếu đúng là để ngăn cản cuộc thống nhất Việt Nam thì cũng tiếp câu hỏi là để làm gì và tại sao khi Việt Nam đã thống nhất rồi mà vẫn còn tiếp tục nổ ra thêm một cuộc chiến ở phía Bắc?

Một số nguyên nhân nữa mà giới nghiên cứu đã nêu ra là lúc đó Trung Quốc cần tổ chức cuộc chiến ấy để kìm chân một đất nước Việt Nam bên cạnh vừa thống nhất đang có cơ hội phát triển vượt lên hoặc để răn đe một Việt Nam không chịu lệ thuộc Trung Quốc hay là để “nịnh” Hoa Kỳ nhằm tranh thủ sự giúp đỡ riêng cho Trung Quốc hiện đại hóa.

Lại còn có ý kiến từ phía Trung Quốc cho rằng do Việt Nam đánh Polpot ở Campuchia trước nên Trung Quốc mới phải đánh Việt Nam?

Đó là kiểu nói ngược nhằm vu cáo Việt Nam và che đậy một sự thật.

Sao không nói cho đầy đủ luôn để người ta có thể hiểu đúng bản chất của lịch sử mà lại xuyên tạc theo kiểu cắt khúc như vậy.

Sao không nói rằng Trung Quốc cố vấn, đạo diễn cho Campuchia đánh Việt Nam từ phía tây-nam trước để buộc Việt Nam phải đánh lại, rồi Trung Quốc lấy cớ đó vừa để đánh Việt Nam vừa đồng thời tuyên truyền ra thế giới là do Việt Nam đánh Campuchia nên Trung quốc phải đánh Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học”.

Về cuộc chiến vệ quốc 40 năm trước ảnh 3Sòng phẳng với lịch sử không phải là kích động hận thù

Cũng cần nhớ thêm rằng, từ xa xưa trong lịch sử, nhiều lần khi Phương Bắc triển khai kế hoạch thực hiện âm mưu đánh Việt Nam thì đều triển khai một mũi khác từ phía nam đánh thốc lên, hoặc là họ trực tiếp hoặc là họ đốc sử một nước ở phương nam làm việc đó.

Ngày ấy cái lý lẽ nói do Việt Nam xâm lược Campuchia đã làm cho không ít quốc gia khác bị lừa, lầm tưởng thế là đúng, đã nghe theo mà phê phán và tham gia cấm vận Việt Nam.

Trong khi Việt Nam gặp vô vàn khó khăn do vừa đi qua một chiến tranh dài và vô cùng khốc liệt nhưng cũng bị buộc phải đánh trả vừa để bảo vệ nhân dân mình đang bị giết hại rất nhiều ở biên giới tây-nam vừa để cứu một dân tộc anh em bên cạnh ra khỏi nạn diệt chủng đang được triển khai tại Campuchia đã giết chết hàng triệu đồng bào bên đó.

Vừa rồi có luồng dư luận đã nêu ý kiến rằng thế giới đang nợ Việt Nam một lời xin lỗi là một ý kiến rất đúng đắn.

Còn có ý kiến nói rằng do lúc đó Việt Nam thân hơn với Liên Xô nên Trung Quốc phải đánh Việt Nam vì họ đang triển khai định hướng đối ngoại chống Nga để tranh thủ Mỹ.

Thử nghĩ đó là cái lý lẽ kiểu gì và có ngạo mạn không?

Mọi quốc gia độc lập đều có quyền tự do lựa chọn đối tác của mình tùy theo hoàn cảnh cụ thể, chứ sao lại phải được lãnh đạo của nước khác phê duyệt cho phép được chơi với ai?

Người ta hô lên và kể công đã giúp Việt Nam trong chiến tranh nhưng Việt Nam lại không nghe lời họ sau khi thống nhất đất nước.

Đã thế thì cũng phải nói rõ thêm, trong cuộc chiến giữa Việt Nam và Mỹ trước đó người ta cũng cần Việt Nam kìm chân Mỹ, để cho Mỹ sa lầy kéo dài tạo điều kiện cho họ vượt lên để chuẩn bị đối đầu với Mỹ, họ không muốn Việt Nam thua mà cũng chẳng muốn Việt Nam thắng và thống nhất đất nước.

Rất có thể là, với hai nửa Việt Nam nhỏ họ dễ chi phối hơn là một Việt Nam lớn.

Chẳng phải họ đã từng khuyên Việt Nam là “chuyện thống nhất đất nước của các đồng chí để con cháu sau này sẽ thực hiện”, “bây giờ chổi ngắn không quét xa được đâu” đó sao.

Một dân tộc thủy chung và trọng nghĩa, chúng ta biết ơn nhân dân Trung Quốc láng giềng đã bao đời gắn bó với nhân dân Việt Nam, đã ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong chiến tranh vệ quốc trước đó.

Về cuộc chiến vệ quốc 40 năm trước ảnh 4Một số mốc chiến đấu đáng nhớ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979

Đồng thời cũng biết tỉnh táo phân biệt giữa nhân dân lao động với một nền văn hóa có nhiều nét tương đồng với Việt Nam và một vài người cầm quyền nào đó đã nhân cơ hội chiến tranh mà tìm cách lợi dụng máu xương của Việt Nam cho những ý đồ đen tối của họ…

Thế đó, rất nhiều lý lẽ và sự phân tích, bình luận về nguyên nhân và bản chất của cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979 mà nhiều người sẽ còn bàn và nói đến nhiều lần nữa.

Nhưng một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, cuộc chiến ở biên giới phía bắc hoàn toàn không phải do Việt Nam gây ra.

Phía Trung Quốc thì có người đã từng giải thích là họ “tự vệ”, “chống xâm lược”, thật là buồn cười và phi lý, như “lấy thúng úp voi”, “lấy nón che mặt trời”.

Một đất nước Việt Nam vừa trải qua hơn 30 năm chiến tranh liên tục, đã mất nhiều sức lực và không có điều kiện hòa bình để hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước, không chuyện gì lại phải đi gây ra một cuộc chiến tranh nữa với một quốc gia bên cạnh to mạnh hơn mình.

Trong khi thực tế lịch sử mấy ngàn năm đã cho thấy Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, chưa bao giờ chủ động trước trong việc nổ ra chiến tranh.

Chuyện người Việt Nam phải cầm súng chiến đấu là do không thể khác, bởi phía Trung Quốc và các đối phương khác đã buộc Việt Nam phải chiến đấu vì độc lập tự do.

Và tất nhiên, một dân tộc tha thiết yêu hòa bình sẽ là một dân tộc biết và dám chiến đấu anh dũng nhất với tinh thần thượng võ vì nền độc lập dân tộc mỗi khi Tổ Quốc cần.

Chẳng có lợi lộc gì khi chiến tranh nổ ra, kể cả cho bên này và bên kia, máu xương của người dân dù ở bên nào cũng đều là xương máu của những con người, thật là không khôn ngoan một chút nào, nhất là khi cùng sống cạnh nhau lâu dài, mãi mãi và trong hoàn cảnh cả hai nước láng giềng ấy đều đang bị tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Về cuộc chiến vệ quốc 40 năm trước ảnh 5Cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979 và bài học quan hệ với nước lớn

Cuộc chiến đã dừng lại và kết thúc.

Đó là cách ứng xử đúng sau khi đã làm sai, dù vẫn còn đó chuyện bên gây chiến cố tình ngụy biện để bào chữa và đổ lỗi.

Cần phải dừng chiến tranh lại, cần hòa bình và hữu nghị thật sự, cần hợp tác để cùng phát triển nên phải xây dựng lòng tin đối với nhau, không chĩa súng vào nhau, không phê phán gay gắt, không đả kích, chửi bới nhau, không tuyên truyền thù hận.

Đó là tư duy đúng.

Tất nhiên là phải thế, và phải thực lòng cả từ hai phía. Việt Nam đã làm như thế, rất nghiêm túc, thậm chí đến mức bị nhân dân phê bình khi họ thấy sao lãnh đạo Việt Nam cứ im lặng trong lúc đó phía Trung Quốc có nhiều biểu hiện không làm đúng như thế, mà nói một đường làm một nẻo.

Bên ấy đã tiến hành không ít công việc tuyên truyền theo hướng đổ lỗi cho Việt Nam, nói xấu Việt Nam, kể cả nói cho trẻ em theo cách xuyên tạc lịch sử và tuyên truyền rộng rãi ra thế giới, không rõ đó là việc làm sai của cấp dưới hay có chỉ đạo từ cấp trên, hay sự không thật lòng trong đối ngoại với lân bang của Phương Bắc.

Chẳng lẽ một nước lớn có nền văn hóa lâu đời mà làm như vậy sao?

Không để vì thù hận mà nóng đầu mất tỉnh táo là bản lĩnh và tư duy đúng, cũng như không mạt sát lẫn nhau để tạo không khí hữu nghị là việc cần thiết, nhưng không nói rõ hết sự thật một cách trung thực và thẳng thắn với nhau để rút ra những bài học chung về văn hóa sống cùng, cũng như không để cho nhân dân biết rõ về bản chất và đặc biệt là chưa tôn vinh đầy đủ và kịp thời công trạng của những người đã chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc ấy thì đó là khuyết điểm.

Khuyết điểm thì phải sửa, đừng để nhân dân hiểu nhầm và những ý kiến không tốt lợi dụng điều ấy để xuyên tạc về động cơ và bản chất của sự việc.

Sửa thì phải công khai hết cho nhân dân biết về bản chất và nguyên nhân của cuộc chiến ấy và tôn vinh đầy đủ những người có công với nước như đối với các anh hùng, liệt sĩ và thương binh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc khác trước đó.

Gần đây, các phương tiện truyền thông của Việt Nam đã bắt đầu nói rõ dần về cuộc chiến ấy. Đó là việc cần làm, là chỉ đạo đúng, dù có chậm.

Nói rõ sự thật nhưng không kích động hận thù dân tộc mà phải với tinh thần thượng võ, biết khoan dung và hòa hiếu, đó mới là một dân tộc đã trưởng thành, có bản lĩnh và có văn hóa cao.

Về cuộc chiến vệ quốc 40 năm trước ảnh 6Khúc quanh lịch sử trong quan hệ Việt - Trung

Sự cảnh giác không bao giờ là thừa, nhất là thực tế lịch sử đã dạy ta như thế, không để bị động bất ngờ, nhưng đồng thời phải mở lòng và chân tình với bạn bè, láng giềng và đối tác.

Biết phân biệt giữa một bên là cộng đồng nhân dân đã từng sống cạnh nhau hàng nghìn năm rồi và sẽ còn sống cạnh nhau nhiều nghìn năm nữa với những người cầm quyền có âm mưu thôn tính hoặc muốn bắt các nước lân bang làm thuộc quốc của họ.

Văn hóa là những giá trị thật, là cách sống, và biết sống cùng, biết trọng nghĩa và tôn trọng lẽ phải.

Dân tộc ta đã từng bản lĩnh và có truyền thống như vậy. Và hoàn toàn có thể tin rằng dân tộc Trung Hoa láng giềng với nền văn hóa lâu đời có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam cũng sẽ ứng xử đúng khi họ có đầy đủ thông tin trung thực, không bị ai bưng bít hoặc xuyên tạc.

Nhân 40 năm ngày kết thúc cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc, xin được kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã vì đất nước Việt Nam mà hy sinh tính mạng trong cuộc chiến ấy cũng như các trận chiến trước và sau đó để bảo vệ vùng biển và các quần đảo của Tổ Quốc!

Và cũng nhân dịp đầu năm, chúng ta chân thành chúc nhân dân Trung Quốc hạnh phúc và thịnh vượng.

(Quảng Nam - Đà Nẵng, ngày 15/02/2019)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng