Vẽ lại chân dung một nhà báo cách mạng tài năng!

19/03/2017 07:34
Theo congluan.vn
(GDVN) - Trong khuôn khổ của Hội Báo toàn quốc 2017, chiều 17/3, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam”.

Trong khuôn khổ của Hội Báo toàn quốc 2017, chiều 17/3, tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam”. 

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam;

Vũ Đình Thường - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương); Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam);

Các đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, cùng các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các Ban - đơn vị của cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam;

Lãnh đạo các Hội Nhà báo địa phương, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc Trung ương; đặc biệt là sự hiện diện của đại diện thân nhân, gia đình nhà báo Lưu Quý Kỳ và nhiều phóng viên báo chí.

Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tấm gương sáng về lao động báo chí và đạo đức nghề nghiệp

Đây là lần thứ 5 Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo, tọa đàm về các nhà báo tiền bối, nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội Nhà báo Việt Nam (trước đấy là nhà báo Hoàng Tùng, Trần Lâm, Đào Tùng, Hồng Chương).

Nhớ về nhà báo Lưu Quý Kỳ, trong phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết:

Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam” là một hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (1925- 2017) và kỷ niệm 35 năm ngày mất của đồng chí Lưu Quý Kỳ (1/8/1982- 1/8/2017).

Thông qua Hội thảo này, Hội Nhà báo Việt Nam mong muốn tạo điều kiện để các nhân chứng, các nhà khoa học, các đồng nghiệp… gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến lịch sử báo chí Việt Nam; coi đây là một hình thức hoạt động tri ân và học tập các bậc nhà báo tiền bối có nhiều đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Đồng thời, đây cũng là những bước đi để góp phần thực hiện việc nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm tài liệu hiện vật lịch sử về truyền thống báo chí, về các nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước, chuẩn bị tư liệu, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam”.

Đồng chí Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: “Đây cũng là dịp để những đồng nghiệp chúng ta tưởng nhớ, thể hiện tình cảm với nhà báo Lưu Quý Kỳ, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo tiêu biểu về thể loại bút ký chính luận trong làng báo Việt Nam.

Và đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Lưu Quý Kỳ thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, học tập, nhằm góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động“Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Các đồng chí: Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) đồng chủ tọa Hội thảo.
Các đồng chí: Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Bé - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) đồng chủ tọa Hội thảo.

Trong không khí hết sức ấm áp và thiêng liêng, thắm tình đồng chí, đồng nghiệp, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu chân thành, tâm huyết và đầy xúc động của nhiều nhà báo là đồng nghiệp, là thế hệ sau của nhà báo Lưu Quý Kỳ như:

Nhà báo Nguyễn Uyển, nhà báo Xuân Lương, nhà báo Nguyễn Bé, nhà báo- nhà thơ - nhà biên khảo Lê Minh Quốc, nhà báo Vũ Duy Thông, nhà báo Dương Phước Thu, nhà báo Trần Bá Dung, nhà báo Đinh Thu Hiền và ý kiến phát biểu của con trai nhà báo Lưu Quý Kỳ, nhà báo Lưu Đình Triều- đại diện cho gia đình.

Những ý kiến phát biểu ngày hôm nay được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, đã góp phần khẳng định cống hiến và đóng góp quý báu của nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam.

Đó là sự sáng tạo lên những tác phẩm báo chí giàu bản sắc, giàu tính chiến đấu và giàu tình nhân văn. Thực sự đây là một cây tùy bút chính luận đạt đến một trình độ nghệ thuật đầy chất đời và chất văn.

Là người “tiếp quản cái ghế quản lý” của nhà báo Lưu Quý Kỳ tại Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều điều kiện gặp gỡ, làm việc, tiếp xúc với người đàn anh Lưu Quý Kỳ.

Nhà báo Phan Quang đặc biệt ấn tượng với chữ dùng mà nhà báo Lưu Quý Kỳ đánh giá bản thân, đó là lối sống “lương thiện bằng đồng lương và tiền nhuận bút”.

Nhà báo Phan Quang đánh giá rất cao tầm nhìn và tư duy của nhà báo Lưu Quý Kỳ.

Theo đó, ngay từ những bài viết đầu tay, mới bước vào nghề, nhà báo Lưu Quý Kỳ “đã có gan tiếp cận một trong những vấn đề lớn nhất của thời đại. Rồi anh viết về tình cảm Bắc Nam da diết khi nước nhà chưa thống nhất, về tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do của Bác Hồ, về anh bộ đội Cụ Hồ, về thời cuộc miền Nam trong nước sôi lửa bỏng, về niềm vui đoàn tụ trong thống nhất, về vị trí của Việt Nam trong lòng nhân dân thế giới…”

Điểm qua bài báo đặc sắc, giàu sức chiến đấu của nhà báo Lưu Quý Kỳ, phê phán nhà văn Mỹ John Steinbeck hay như bài ký đầy xúc động viết vào mùa đông 1972, nói về chín phút mất sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam khi đế quốc Mỹ ném bom rải thảm Hải Phòng, Hà Nội.

Bài ký sau đó đã khởi đầu cuộc vận động ủng hộ các đồng nghiệp Việt Nam của các cơ sở truyền thanh ở Nhật Bản.

Nhà báo Phan Quang đánh giá: “Viết một bài ký mà tạo nên được tác động dây chuyền như vậy, chỉ một bài ấy thôi, tôi nghĩ cũng đủ là một vinh dự, một phần thưởng xứng đáng cho cả cuộc đời cầm bút”.

Cây viết giàu “thần lực” với thể tùy bút

Với lòng kính trọng và thần tượng nhà báo Lưu Quý Kỳ, nhà báo - nhà văn  Nguyễn Uyển - Nguyên Trưởng ban Công tác Hội (Hội Nhà báo Việt Nam) đặc biệt nhấn mạnh đến “thần lực” của nhà báo Lưu Quý Kỳ với thể tùy bút.

Theo nhà báo Nguyễn Uyển, từ tình yêu da diết với dân, với nước, với Đảng và Bác Hồ đã khiến Lưu Quý Kỳ “nhập lực” với thể loại tùy bút - một thể loại khoáng đạt vốn dĩ giao thoa sinh động, uyển chuyển giữa văn với báo, báo với văn để trải lòng mình bằng ngôn ngữ biểu cảm nhất.

Nhà báo Nguyễn Uyển cho rằng, tác phẩm nào của nhà báo Lưu Quý Kỳ cũng đậm dấu ấn của người truyền tin từ nơi đầu nguồn sự kiện.

Ví như các tùy bút: Chân cứng đá mềm (hay là Đường mòn Hồ Chí Minh); Vui lớn buổi giao thừa; Hà Nội của chúng ta; Sông núi vào xuân; Đón xuân cả nước lên đường…

Những bài viết này được viết với “giọng văn hào sảng, cảm xúc mãnh liệt, tự tin hết liên tưởng nọ tới liên tưởng kia, so sánh này tới so sánh kia; ngôn từ luyến lánh, điệp khúc mỗi lúc một hùng tráng trong mạch nối quấn quýt tình non nước một giải, tình dân tộc sắt son, với ý chí cách mạng hừng hực do Đảng và Bác khơi nguồn”.

Đặc biệt, những bài viết về Bác Hồ, nhà báo Lưu Quý Kỳ viết với “cảm xúc thăng hoa cao độ, chân thành và nhất quán trôi về những dòng kết đầy sức khái quát, lưu sâu vào tâm thức người đọc, người nghe”.

Nhà báo Nguyễn Uyển nhấn mạnh, đọc tùy bút của nhà văn - nhà báo Lưu Quý Kỳ, dễ dàng nhận ra ông viết bằng lương tâm, chân thành; bằng tấm lòng trung kiên, trung thực, kiên định, vững chãi, với thái độ tích cực, bản lĩnh.

Tùy bút của ông giàu liên tưởng nhưng rất nhất quán về chủ đề tư tưởng, bài nào cũng găm lại những điểm nhấn.

Viết tùy bút, nhưng Lưu Quý Kỳ luôn tỉnh táo, bản lĩnh, chân thành; chỉ rõ lẽ phải, điều hay.

Tùy bút của ông không hề tô hồng, không dày công trau chuốt ngôn từ; mà nói bằng lòng mình, viết bằng lòng mình, bằng tâm can của mình, bằng cuộc đời từng trải đầy gian nan thử thách của mình…

Đọc ông, tôi có cảm giác, hạnh phúc của đời ông không phải là chức tước, cho dù ông có rất nhiều vai quan trọng trong bộ máy chính trị và báo chí, nhưng văn và báo luôn cho ông được giãi bày tâm đức, ý chí, việc làm, tình cảm chân thành với dân, với nước, với Đảng và Bác Hồ kính yêu, với nhân loại yêu chuộng hòa bình…”, nhà báo Nguyễn Uyển xúc động nói.

Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo.
Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo.

Là người trực tiếp đi nghiên cứu, sưu tầm và kiếm tìm tài liệu để tổ chức nên cuộc Hội thảo này, nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) đã không giấu được niềm xúc động và tự hào:

Nhà báo Lưu Quý Kỳ là một tấm gương sáng, một nhà báo vĩ đại, có nhiều đóng góp cả về mặt văn học và báo chí, đặc biệt là thể tài chính luận.

Nhà báo Lưu Quý Kỳ với tuổi thọ là 62 tuổi nhưng đã có tới 47 năm làm báo, với gia tài đồ sộ là 27 cuốn sách và gần 3.000 bài báo…

Những tham luận được trình bày ngày hôm nay cũng như được tập hợp trong kỷ yếu là những tham luận rất công phu về mặt khoa học, nhưng đồng thời cũng đầy tình cảm thể hiện lòng quý trọng, sự ngưỡng mộ, niềm tự hào và biết ơn của chúng ta đối với nhà báo Lưu Quý Kỳ”.

“Truyền lửa nghề” cho con

Hoài niệm về người cha, người thầy, nhà báo Lưu Đình Triều (Nguyên Tổng Thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ) kể về 21 năm cha con xa cách không được gặp nhau.

Mãi đến năm 1976, khi đất nước thống nhất ông mới được gặp cha mình. Dù ấp ủ ước mơ làm báo từ lâu, nhà báo Lưu Đình Triều cũng chưa thể thực hiện được ngay bởi sự nghiêm khắc của cha.

Nhờ sự quyết tâm, Lưu Đình Triều đã được cha đồng ý nhưng nhà báo Lưu Quý Kỳ đã dặn con rất kỹ về nghề, nhờ đó ông đã học hỏi được rất nhiều từ khi mới chập chững đi làm báo.

Không ít lần trò chuyện về nghề, ba cứ dặn đi dặn lại, làm nhà báo phải xông xáo, tích cực đi thực tế. Đi, quan sát, ghi nhận và khai thác thông tin.

Ba không nhắc về những những chuyến đi thực tế của ông, nhưng tôi sau này biết được thời chiến tranh gian khó, hiểm nguy, ba đã hai lần đi dọc Trường Sơn. Mỗi chuyến đi đều ngót ngét trên dưới nửa năm”, nhà báo Lưu Đình Triều nhớ lại.

Tiếp cận nhà báo Lưu Quý Kỳ ở góc độ tình cha con, nhà báo Đinh Thu Hiền cho rằng, Lưu Quý Kỳ có tình yêu rất đặc biệt với con cái.

Ở lại miền Nam khi cha mẹ tập kết ra Bắc, Lưu Đình Triều đã bị chính quyền ngụy bắt đi quân dịch. Sau giải phóng, Triều phải đi học tập cải tạo.

Ở nơi cải tạo, nhiều người biết chuyện, tỏ ý muốn ưu tiên, giúp đỡ Lưu Đình Triều nhưng nhà báo Lưu Quý Kỳ nhất định từ chối.

Có lần nhà báo Lưu Quý Kỳ đến nơi cải tạo nhưng không vào thăm con mà chỉ gửi cho Triều một lá thư hỏi thăm…

Không hiểu được nỗi lòng người cha, Lưu Đình Triều đã xé ngay lá thư ấy trong sự hờn giận.

Nhà báo Đinh Thu Hiền ghi lại lời tâm sự của Lưu Đình Triều: “Mãi sau này, tôi hiểu ba tôi làm như vậy cũng là một cách thương con, yêu con. Ông muốn rèn luyện con theo cách và suy nghĩ của mình”…

Không giấu được niềm xúc động trước những tình cảm, tâm huyết và sự trân trọng của các đại biểu dành cho cha mình, nhà báo Lưu Đình Triều - con trai nhà báo Lưu Quý Kỳ đã thay mặt gia đình cảm ơn Hội Nhà báo Việt Nam và các nhà báo, đồng nghiệp đã góp phần làm nên thành công của cuộc hội thảo đầy vô cùng ý nghĩa này.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng:

Với tinh thần làm việc khẩn trương và khoa học, Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam” đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp.

Cuộc hội thảo hôm nay còn là một cơ hội đẹp để chúng ta bày tỏ sự kính trọng của các thế hệ làm báo Việt Nam ngày hôm nay đối với nhà báo Lưu Quý Kỳ và đối với các nhà báo tiền bối cách mạng”.

Hội Nhà báo Việt Nam vừa ban hành 10 Điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Chúng ta học tập, nghiên cứu về nhà báo Lưu Quý Kỳ- là một điển hình, một ví dụ sinh động, một tấm gương sáng về lao động báo chí, đạo đức nghề nghiệp, một chiến sĩ tiêu biểu trên mặt trận tư tưởng và văn hóa của Đảng; Một người chiến đấu đến cùng và cũng có thể nói là đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp báo chí.

Một người chiến đấu vì đất nước, vì Tổ quốc, vì nhân dân bằng ngòi bút của mình và cũng dùng ngòi bút để chiến đấu vì công lý và lẽ phải. Một lần nữa chúng ta bày tỏ sự  ngưỡng mộ, kính trọng đối với nhà báo Lưu Quý Kỳ”, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Nhà báo Lưu Quý Kỳ (31/10/1919 – 1/8/1982) - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền miền Nam, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Ban Tuyên huấn Trung ương, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chủ bút tuần báo Thống Nhất; Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) và được OIJ trao huy chương Julius Fucik về Nhà báo cống hiến cho hòa bình và hữu nghị, là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, cũng như đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng.
Theo congluan.vn