Vụ Văn Giang: Vì sao sau hai tuần các nhà báo bị đánh mới lên tiếng?

09/05/2012 06:01
Nhóm phóng viên
(GDVN) - Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho rằng, mình và đồng nghiệp đã bị tổn hại nghiêm trọng về mặt tinh thần.

Sự việc 2 nhà báo bị hành hung khi đi tác nghiệp trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang- Hưng Yên đã được ghi lại trong một clip dài hơn 1 phút và được phát tán trên mạng ngay trong ngày 24/4/2012.

Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi vì sao từ đó tới nay đã 2 tuần, những nhà báo này mới lên tiếng vè vụ việc. Về điều này, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Ngọc Năm, Trưởng Phòng Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong 2 nhà báo bị hành hung.

Hình ảnh nhà báo VOV bị đánh khi đi tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên đã được quay lại trong một đoạn clip dài hơn 1 phút.
Hình ảnh nhà báo VOV bị đánh khi đi tác nghiệp ở Văn Giang, Hưng Yên đã được quay lại trong một đoạn clip dài hơn 1 phút.

Ông Năm nói rằng, ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông đã làm bản tường trình sự việc bị bắt và hành hung tới ông Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên yêu cầu giải quyết với tinh thần hết sức hợp tác và kiên nhẫn.

Thậm chí Đài Tiếng nói Việt Nam đã gửi công văn tới cơ quan này, nhưng đều không nhận được hồi âm. Đến nay, cá nhân ông cảm thấy đã không còn đủ kiên nhẫn và chuyện bị hành hung thực sự là một tổn hại tinh thần rất lớn với ông và đồng nghiệp của mình.

Theo lời ông, trong bản tường trình, ông đã yêu cầu ông Giám đốc công an tỉnh Hưng Yên trả lời những vấn đề sau: Thứ nhất, yêu cầu lãnh đạo công an Tỉnh Hưng Yên có một cuộc làm việc riêng với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề trên; thứ hai, chỉ rõ ai là người ra lệnh đánh phóng viên, những ai thực thi lệnh này, họ bị xử lý, kỷ luật như thế nào?; Công an Tỉnh Hưng Yên phải có trách nhiệm bồi thường tổn hại sức khỏe, tinh thần cho các nhà báo bị hành hung.

CẬN CẢNH VỤ HÀNH HUNG DÃ MAN HAI NHÀ BÁO TẠI VĂN GIANG QUA ẢNH

Báo cáo trước Thủ tướng sáng 2/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đánh giá, cuộc cưỡng chế "đảm bảo an toàn, không ai bị thương". Ông này cũng cho rằng, "các phần tử chống đối trong và ngoài nước" đã "dàn dựng clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền", nhưng không nói cụ thể clip nào.
Ông Hào cũng cho rằng, vụ cưỡng chế Văn Giang "các cơ quan thông tấn, báo chí chính thức đưa tin tuyên truyền ít, phản ứng chậm", trong khi các mạng xã hội "phản ứng nhanh, đưa tin liên tục".
Trước đó, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bùi Huy Thanh đã yêu cầu các các nhà báo không được có mặt tại khu vực cưỡng chế để "bảo đảm tuyệt đối an toàn".
Cuộc cưỡng chế ngày 24/4, dưới sự chỉ đạo của cả Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và sự hỗ trợ của 1.000 người thuộc các lực lượng nhằm hoàn tất bàn giao 72 ha đợt 2 cho chủ đầu tư dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark)- Theo VNE

Nói về suy nghĩ của mình xung quanh sự việc bị hành hung, ông Năm tâm sự: Tôi cảm thấy bị tổn hại tinh thần nặng nề. Tôi và những đồng nghiệp của mình đang hoạt động một cách công khai, trên lãnh thổ Việt Nam, là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước nhưng lại bị chính những người có trách nhiệm bảo vệ Pháp luật, bảo vệ Nhà nước hành hung.

Một công dân bình thường ở Việt Nam có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, và nhà báo là những người truyền tải những tiếng nói của công chúng thì càng cần được bảo vệ. Hơn nữa, trong hoàn cảnh chúng tôi không có bất kỳ thứ vũ khí nào trong tay, họ hoàn toàn có thể để chúng tôi xuất trình giấy tờ. Nhưng họ đã không làm thế, thậm chí ngay cả khi chúng tôi xưng là nhà báo, vẫn bị hành hung trước mặt hàng trăm người.

Tôi đề nghị chính quyền địa phương cần phải xử lý nghiêm vụ việc này. Bởi vì, có như thế mới lấy lại lòng tin của nhân dân, lấy lại lòng tin cho các nhà báo. Văn Giang còn phải cưỡng chế rất nhiều và nếu những hình ảnh này xuất hiện thêm nữa thì chính cơ quan bảo vệ pháp luật ở đây đang làm xấu hình ảnh của chính quyền, làm méo mó chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Như đã đưa tin, 24/4/2012, khi đang tác nghiệp ở khu vực cưỡng chế Văn Giang, Hưng Yên, 2 nhà báo là Nguyễn Ngọc Năm (44 tuổi) và Hán Phi Long (33 tuổi) của Đài Tiếng nói Việt Nam đã bị một nhóm người xông vào đánh túi bụi. Trong clip có thể thấy rõ, một số người còn mặc trên người sắc phục công an.

Sau đó, 2 nhà báo này bị giải về trụ sở Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Giang để lấy lời khai. Sau 8 tiếng bị giam giữ, 2 nhà báo mới được thả. Từ đó tới nay đã 2 tuần trôi qua, nhưng bất chấp những văn bản, công văn mà ông Năm và Đài Tiếng nói Việt Nam đã gửi, lãnh đạo công an Hưng Yên vẫn im lặng.

Nhóm phóng viên