Vụ bé 5 tuổi bị xâm hại: Sao lại đẩy trách nhiệm cho nhà chùa?

16/04/2012 05:34
Tuệ Minh
(GDVN) - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Trọng An – Cục phó Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em về vụ việc của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề.
Cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh (5 tuổi bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề trong tình trạng bị bệnh tật và có dấu hiệu bị xâm hại tình dục) xảy ra cách đây khoảng 1 tháng nhưng phải đến khi các cơ quan báo chí liên tục lên tiếng, một số cơ quan chức năng có trách nhiệm trong vụ việc này mới biết thông tin.

Vậy điều gì khiến một sự việc gây chấn động dư luận tại Thủ đô Hà Nội lại không được một số cơ quan chức năng biết đến?

Phó cục trưởng Cục chăm sóc, bảo vệ trẻ em Nguyễn Trọng An
Phó cục trưởng Cục chăm sóc, bảo vệ trẻ em Nguyễn Trọng An

Để tìm hiểu về việc này, Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với BS. Nguyễn Trọng An – Cục Phó Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội). 
Sau khi nghe chúng tôi nói về việc đến chiều 12/4, Phòng Lao động – Thương binh và xã hội quận Long Biên mới biết tin với lý do không thấy phường báo lên, ông An tỏ ra ngạc nhiên, nói: “Vậy à? Nói chung trách nhiệm về lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em còn rất yếu”. 
Khi được hỏi về động thái của Cục trong vụ việc này, ông Nguyễn Trọng An cho biết: “Vì tôi mới đi công tác về nên không biết sự việc về cháu bé. Tôi sẽ kiểm tra lại phía phòng bảo vệ trẻ em có chỉ đạo gì về thành phố không. Chúng tôi không chỉ đạo xuống dưới quận mà chỉ chỉ đạo được đến Sở thôi rồi yêu cầu Sở báo cáo”.
Nói về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, ông An cho biết: “Đối với trường hợp cụ thể của cháu Nguyễn Đàm Hồng Hạnh, cơ quan công an phải vào cuộc rất tích cực để xác định nhân thân cũng như thủ phạm đã xâm hại cháu.

Không biết là trường hợp này cháu bé có bị bắt cóc hay không, có thể là cháu bé bị bắt cóc rồi bị hãm hiếp từ lâu rồi, đến khi thấy cháu bé sắp chết thì mới thả ra… Tuy nhiên, bên cạnh đó là Phòng Lao động – thương binh và xã hội của quận Long Biên cũng phải vào cuộc tích cực để giúp đỡ cháu bé.

Họ phải chịu trách nhiệm về vấn đề chữa trị những tổn thương cho cháu bé về thể chất cũng như là tinh thần. Họ phải phối hợp với bên y tế để xác minh em bé có bệnh tật gì không và nếu có thì phải chữa trị ngay. Hiện tôi thấy em bé đang bị suy dinh dưỡng nặng nề. 
Về chỗ ở, nếu tìm được gia đình cháu bé thì đưa về chỗ ở, còn nếu không tìm được thì Phòng Lao động – thương binh và Xã hội quận Long Biên phải chịu trách nhiệm về trường hợp này. Tạm thời cho em bé ở trung tâm bảo trợ xã hội hoặc tạm thời để em bé ở chỗ nuôi trẻ mồ côi. Việc này rõ ràng chính quyền phải vào cuộc mạnh mẽ. Sinh mạng một con người như vậy sao lại phó mặc, đẩy trách nhiệm cho nhà chùa?”

Theo ông An, sinh mạng một con người như vậy sao lại phó mặc, đẩy trách nhiệm cho nhà chùa?
Theo ông An, sinh mạng một con người như vậy sao lại phó mặc, đẩy trách nhiệm cho nhà chùa?

Nói về biện pháp để tránh tình trạng một vụ việc tương tự xảy ra,  ông Nguyễn Trọng An cho biết: “Cục chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã có thông tư chỉ đạo xuống dưới từ năm 2011 với nội dung hướng dẫn các địa phương quy trình xử lý những trường hợp như thế này. 

Trước đây, đã có một vụ việc ở quận Thanh Xuân trong tình trạng người dân không biết báo ai, UBND bảo không phải việc của tôi, công an thì nói phải có đơn trình báo sự việc…, chúng tôi đã hướng dẫn một quy trình xử lý những trường hợp em bé bị xâm hại. 


Đầu tiên, nếu người dân biết thì phải báo ngay công an ở địa phương, báo ngay UBND, báo ngay tư pháp phường. Sau đó, các tổ chức xã hội vào cuộc. Tùy trường hợp mà phải tách ngay nạn nhân rồi có trợ giúp cho nạn nhân. Nếu em bé bị thương tật thì phải có hỗ trợ y tế, em bé bị đánh đập thì có sang chấn về tâm lý lớn, lo hãi thì phải được hỗ trợ về tâm lý.

Sau khi điều trị xong thì phải có chỗ ở cho em bé, có chỗ tạm lánh. Vấn đề này thì cơ quan bảo trợ xã hội ở đó phải chịu trách nhiệm ví dụ như người phụ trách về lao động – thương binh và xã hội phải báo lên trên tạm thời. Hay nhất là cô dì, chú bác trong họ hàng. Sau đó, nếu không có người trong họ thì đến trung tâm bảo trợ xã hội. 
Sau khi cơ quan công an vào cuộc xác minh có thương tích, có thương tật thì xử lý người đã gây ra những chấn thương cho em bé”. 
Theo ông Nguyễn Trọng An, ở Việt Nam, chưa có điều luật tước quyền nuôi cháu bé của cha mẹ khi cha mẹ làm tổn thương nghiêm trọng đến con cái như bạo hành gia đình.... Và Việt Nam chưa có quy định cụ thể về xác minh em bé đó bị tổn thương về tinh thần như thế nào. Ai sẽ là người xác định em bé bị rối nhiễu, bị ảnh hưởng về tâm lý. Điều này gây ra khó khăn trong những trường hợp cháu bé bị tổn thương như thế này.

Vì thế, hiện nay, phải viện dẫn nhiều điều luật khác nhau để xử lý một trường hợp cụ thế. Điều nay cho thấy pháp luật Việt Nam rất hổng và thiếu những quy định cụ thể để xử lý vi phạm. Hiện đang có 22 tỉnh triển khai xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em trong đó có Hà Nội.

Tuệ Minh