Vụ chìm tàu ở Quảng Nam: Tàu lạ vào Cồn Áng là bỏ mạng

27/12/2011 07:34
Nếu không có những ngư dân kịp ứng cứu thì số người chết, mất tích không dừng lại ở con số bảy tại cái cồn sinh tử này…
Đến chiều 26-12, Đại tá Lê Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, vẫn túc trực, chỉ đạo đội tìm kiếm tiếp tục công việc. “Vẫn phải tiếp tục tìm kiếm… Phải nỗ lực hết sức để an ủi phần nào thân nhân người bị nạn” - ông Tùng nói.

Lục tung bờ Cửa Đại

Đến tối 26-12, Chủ tịch UBND TP Hội An Lê Văn Giảng thông tin: Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một xác chết ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Qua xác minh, xác chết này có khả năng là một trong năm chiến sĩ bị mất tích trong vụ chìm tàu ngày 25-12.
Mưa nhẹ, sóng to và lạnh buốt, lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn không ngừng tìm kiếm. Đầu giờ chiều, có thêm ba tàu của ngư dân tham gia cùng với hai tàu của hải quân đã cày nát vùng bờ biển Cửa Đại để tìm kiếm các chiến sĩ gặp nạn. Thân tàu, những mảnh gỗ, vật dụng cá nhân, tấm lưới chài của con tàu bị nạn còn sót lại dưới đáy biển được vớt lên.
Càng về chiều trời càng trở lạnh, sóng dữ và người dân vẫn đổ về nơi xảy ra tai nạn mỗi lúc một đông hơn, hướng mắt về phía biển ngóng tin…
Nhiều bàn thờ được lập. Các ngư dân và bộ đội đặc công nước dùng câu kiều (loại câu chùm nhiều lưỡi) để tìm kiếm thi thể người xấu số. Mỗi khi có ngư dân ra dấu lưỡi câu dính vào vật nặng là thanh niên xóm Ghềnh nhảy xuống nước bơi về phía câu kiều kiểm tra rồi lại bơi vào bờ đến cả mấy chục lần… Lão ngư dân Trần Xía (75 tuổi) nói không nên lời: “Đó là sự mất mát lớn nhất của xóm Ghềnh. Bà con chúng tôi trắng đêm cùng lực lượng chức năng tìm thi thể các anh…”. 
Chiều 26-12, những ánh mắt vẫn hướng về phía biển chờ tin. Ảnh: V.ÚT
Chiều 26-12, những ánh mắt vẫn hướng về phía biển chờ tin. Ảnh: V.ÚT

Đến chiều tối, người làng Ghềnh đã chuẩn bị đồ cúng tế thần Nam Hải. “Các anh đều là lính nên làng làm lễ cúng thần Nam Hải, nhờ thần đưa các anh ấy vào bờ. Đây là lệ làng có từ thời những người lính Hoàng Sa theo lệnh vua đi giữ đảo bị mất tích trên biển không tìm thấy xác. Lúc ấy làng cũng bày lễ như vậy” - cụ Đinh Văn Nga (phường Phước Trạch, Hội An) cho biết.
Giành giật sự sống
Anh Trần Minh Phúc, người đầu tiên phát hiện ra tàu QNA-0063 bị sóng đánh chìm, kể: “Trưa 25-12, tôi đang quăng cần câu thì thấy một thùng dầu trôi dạt vào bờ và nghe nhiều tiếng kêu cứu ngoài xa. Biết có chuyện ở Cồn Áng nên tôi điện thoại báo cho dân làng ra ứng cứu.

Lúc đó có một chiến sĩ đã bơi cách bờ khoảng 25-30 m nhưng kiệt sức, tôi liền bơi ra vớt vào cấp cứu. Chiến sĩ ấy chỉ nói được một câu: “Ghe tiểu đoàn…” rồi ngất lịm”. Sau khi đưa người vào bờ, anh Phúc quấn chặt sợi dây thừng vào bụng rồi cùng các ngư dân trong làng nhào ra phía biển cứu người.
Nghe tin có ghe bị nạn, người dân làng Ghềnh đổ xô về phía biển mang theo dây thừng và các phương tiện cứu hộ. Khi các ngư dân trẻ bơi ra biển cứu người thì dân làng Ghềnh chuẩn bị dụng cụ y tế để cấp cứu người bị nạn. Người già, phụ nữ trong làng kết tay, nối thành hàng dài ra phía biển để vớt các nạn nhân trôi dạt vào gần bờ. Cụ Nga (72 tuổi, người làng Ghềnh) kể lại.
Anh Đỗ Ca (ngư dân làng Ghềnh) nói: “Vụ chìm ghe nhiều người chết quá, mà chết gần bờ mới đau chứ. Khi ra biển, tôi và Võ Thuấn (người cùng làng) thấy 4-5 người bám trên mỗi thùng dầu. Sóng lớn nên cứ bơi đến gần lại bị quật ra xa, chúng tôi mất gần 10 phút mới cột được sợi dây vào thùng để kéo họ vào... Khi phát hiện một cô gái đang vùng vẫy, giơ tay kêu cứu, tôi đã cầm dây thừng lao ra nhưng một cơn sóng lớn đã dội trùm lên người nạn nhân. Tôi lặn ngụp một hồi lâu mới vớt được xác cô gái. Nếu hôm qua sóng không đánh dữ thì tôi đã cứu được các anh ấy rồi” - anh nhớ lại.
Anh Lê Vương (ngư dân làng Ghềnh) kể: “Ghe bị chìm vào thời điểm sóng lớn nên gần 15 ngư dân trong làng bơi ra nhưng phần lớn đều bị sóng đánh ra xa. Người trong làng biết tin muộn quá nên các anh ấy đã kiệt sức”.
Ngư phủ Võ Văn Nhật (người làng Ghềnh) đau xót: “Lúc tôi bơi ra có hai chiến sĩ ôm tấm ván lót thuyền kêu cứu, tôi vừa ngoảnh lại thì họ đã bị sóng đánh mất dạng. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ ánh mắt hoảng loạn, cầu cứu của hai người lính trẻ. Họ mất tích vô lý quá. Đáng lẽ tôi đã cứu được họ”.
Nhiều người đã bỏ mạng nơi Cồn Áng
Ông Nguyễn Trương, một ngư dân lão luyện ở phường Cửa Đại, nhận định: Ghe chở các chiến sĩ bị chìm ở khu vực Cồn Áng (một cồn cát chìm dưới biển rất nguy hiểm - PV) là nơi thuyền bè ngư dân thường xuyên bị nạn do nước xoáy và sóng lớn. “Tôi và các ngư dân trong vùng khi ra khơi phải cho thuyền tránh xa đoạn gò trên. Dãy cát Cồn Áng kéo dài gần 2 km, nếu tàu thuyền đi vào khu vực xoáy đó thì khó mà thoát hiểm an toàn.

Khu vực cửa biển này vô cùng nguy hiểm, bất cẩn là bỏ mạng ngay. Trước đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn chìm ghe tại khu vực này” - ông Trương nói.
Còn lão ngư dân Phan Hiệp với hơn 40 năm hành nghề trên biển thì nói: “Cồn Áng như một mũi dao nhọn, chẻ làm đôi. Chỉ các ngư dân kinh nghiệm và đoán được dòng nước thì mới hóa giải được. Thuyền lạ mà đi qua Cồn Áng thì đến 99% bỏ mạng. Nếu khi đưa tàu vào Cồn Áng, thấy không thể định hình được con nước thì phải lập tức cho tàu ra ngay. Sẩy hướng một tí thôi là chìm tàu. Đã có không biết bao nhiêu mạng người chết vì cái cồn sinh tử này”.
Ngư dân Lê Tám kể: “Năm 2009, một chiếc ghe nhỏ ở xã Cẩm Thanh (TP Hội An) đi câu, vào khu vực Cửa Đại bị sóng đánh chìm. Hai người bị sóng đẩy ra xa, còn một người mắc kẹt trên tàu. Đang neo tàu ở gần, nghe tiếng kêu cứu nên chúng tôi nổ máy chạy đến. Hai lần mang áo phao lao xuống nước bơi đến kéo người bị kẹt thì cả hai lần bị sóng đánh ra xa.

Tôi lấy hơi, lặn sâu xuống nước để tránh bị sức đẩy của sóng nhưng khi lặn xuống, tôi gặp luồng xoáy. Dưới ấy nước xoáy và chảy rất xiết. Nếu không có dây thừng, tôi đã bị sóng đánh bạt ra khơi. Lần ấy thuyền tôi chỉ cứu được hai người, người kia thiệt mạng. Khu vực này rất nguy hiểm!”.
Vinh danh tám người ứng cứu
Chiều 26-12, Trung tướng Đào Duy Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã tới Đồn Biên phòng 260 đóng tại Cửa Đại để thăm hỏi và “thưởng nóng” 33 triệu đồng cho tám cá nhân đã dũng cảm cứu người (gồm bảy người dân và một chiến sĩ của lực lượng biên phòng). Ông cũng cho biết sẽ trao bằng khen cho các cá nhân này. Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ cho gia đình mỗi nạn nhân bị chết 50 triệu đồng.
“Nếu không có sự ứng cứu kịp thời của người dân thì con số người tử nạn sẽ không dừng ở bảy người chết và mất tích” - Trung tướng Đào Duy Minh nói.
TẤN TÀI - LÊ PHI - VĂN ÚT/Pháp luật TPHCM