Vụ giàn khoan 981: Ba việc tốt và một việc chưa tốt

19/05/2014 06:52
Ngọc Quang
(GDVN)- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh quân khu IV nhận định, vụ giàn khoan 981 là bài học cho nhiều lãnh đạo các tỉnh thành.

Đã 17 ngày kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù dư luận Việt Nam và thế giới đã liên tục lên án hành vi xấu xa này, nhưng Trung Quốc không những chưa chịu rút giàn khoan về nước mà còn cử thêm tàu chiến tới khu vực này...

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh quân khu IV, chia sẻ: “Tôi rất mừng vì trong suốt 17 ngày vừa qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đã bày tỏ thái độ rất thẳng thắn, quyết liệt để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Những lần trước đây khi Trung Quốc có ý đồ xâm lấn thì chúng ta phản ứng chưa đủ mạnh, nhưng lần này thì rất mạnh mẽ, đó là cầu nối để dư luận thế giới vào cuộc mạnh mẽ theo. Đây là một bài học kinh nghiệm, chúng ta phải tự lực tự cường, phải tự giải quyết vấn đề của mình chứ không thể chờ đợi nguồn sức mạnh nào từ bên ngoài. Nếu ví von thì cũng giống như có kẻ đã mang lửa đến đốt nhà ta, thế thì ta phải tự tìm cách dập lửa trước, rồi mới nghĩ đến sự giúp đỡ của xóm giềng”.

Tuy nhiên, qua 17 ngày đấu tranh với sự ngang ngược của Trung Quốc, Tướng Thước cũng chỉ ra 4 bài học cụ thể:

Bài học thứ nhất: Ngày 14/5 tại Vũng Tàu, ông Lê Xuân Tươi – Bí thư Thành ủy đã cầm loa tay xuống đường cùng đoàn diễu hành, một mặt bày tỏ sự ủng hộ tinh thần yêu nước của bà con phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Mặt khác, vị Bí thư Thành ủy cũng nhắc nhở bà con diễu hành có văn hóa, không quá khích, chính là để bảo vệ công việc của mỗi người. Cuộc diễu hành sau đó diễn ra tốt đẹp.

Ông Lê Xuân Tươi - Bí thư Thành ủy Vũng Tàu xuống đường cùng đoàn diễu hành phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ảnh chụp từ clip.
Ông Lê Xuân Tươi - Bí thư Thành ủy Vũng Tàu xuống đường cùng đoàn diễu hành phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam. Ảnh chụp từ clip.

“Nếu tất cả các lãnh đạo cấp tỉnh trở xuống mà làm được như ông Bí thư Thành ủy Vũng Tàu thì sẽ không bao giờ xảy ra sự việc nào đáng tiếc, bọn phản động không thể có cơ hội phá hoại nền hòa bình của chúng ta. Do đó, tôi cho rằng lãnh đạo các cấp nên học bài học đó, để có những ứng xử phù hợp với cuộc đấu tranh này, đồng thời cũng có sự chuẩn bị tốt cho những tình huống khác nữa. Lãnh đạo phải gần dân, gắn bó với dân thì mới được dân ủng hộ”, Tướng Thước nhấn mạnh.

Bài học thứ hai: Cô giáo dạy văn của Trường PTTH Chu Văn An (Hà Nội) đã ra đề kiểm tra cho học sinh: Viết bài luận 600 chữ trình bày suy nghĩ về chủ quyền dân tộc từ sự kiện: “Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phân tích, sự bày tỏ lòng yêu nước của mỗi công dân Việt Nam cần phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể như vậy.

“Nếu tất cả các giáo viên có thể làm được như thế thì đây chính là bài học giáo dục nhanh nhất, gần nhất về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và âm mưu xâm lược của Trung Quốc với nước ta. Qua đó, các em học sinh cũng hiểu rõ hơn bản chất bành trướng của Trung Quốc, mưu đồ từng bước xâm chiếm nước ta để hình thành ý thức từ rất sớm cảnh giác với âm mưu này”, Tướng Thước bày tỏ.

Bài học thứ ba: Anh Lê Văn Bình, nhân viên thông tin của tàu HP 926 không quản ngại hiểm nguy, bằng mọi cách đảm bảo thông tin liên lạc của tàu 24/24 giờ. Khi bị các tàu Trung Quốc đâm húc, phun nước áp lực cao phá hủy toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc đặt trên nóc tàu, anh Bình đã tìm mọi cách nối lại mạng thông tin cho tàu trong thời gian nhanh nhất, bất chấp sóng to, gió lớn, nóc tàu trơn trượt. Anh Lê Văn Bình đã được chi bộ kết nạp Đảng ngay trong lúc vẫn đang diễn ra cuộc đấu tranh ngoài biển khơi.

Tàu kiểm ngư 766 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hỏng.
Tàu kiểm ngư 766 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hỏng.

Tướng Thước chia sẻ: “Đây là một bài học quý trong cuộc đấu tranh này và cần phải nêu gương cho tất cả các thanh niên Việt Nam. Nếu mỗi thanh niên Việt Nam đều nêu cao tinh thần ấy, Trung Quốc thực sự phải khiếp sợ, cũng giống như những kẻ xâm lược mạnh nhất thế giới từng run sợ khi nói về cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tình đoàn kết chính là sức mạnh vô song vượt qua mọi kẻ thù”.

Tuy nhiên, ngoài những việc tốt, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng nhắc lại những sự việc đáng tiếc xảy ra ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh… và nhận định: “Những sự việc vô cùng đáng tiếc ấy là những bài học quý giá cho lãnh đạo cả từ trung ương cho tới các tỉnh. Chúng ta chưa thực sự hiểu nguyện vọng của nhân dân cho nên chưa có được sự chuẩn bị tốt nhất và xảy ra chuyện kẻ xấu lợi dụng kích động. Ở một số địa phương, lãnh đạo chưa thực sự chủ động, cho nên khi tình huống xảy ra thì chỉ có biện pháp giải quyết việc đã rồi, nhưng nếu chủ động thì sẽ ngăn chặn ngay được từ đầu, không để cho phía Trung Quốc và các thế lực phản động lợi dụng.

Lãnh đạo và đoàn thể ở các địa phương ấy cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, phải tự thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân để chủ động hơn; làm lãnh đạo mà không có tư duy chiến lược, chỉ chờ giải quyết sự vụ thì không ổn”.

Ngọc Quang