Vụ lật xe: Hé lộ bí ẩn kinh hoàng trên cung đường gỗ lậu

14/12/2011 06:40
Xuân Hòa
(GDVN) -Đó chính là những cái chết trùng hợp đến lạ lùng của những phu gỗ và con số trùng khớp đến rợn người mà người nghe cũng không khỏi giật mình, sơn gai ốc.
Con đường 48C từ thị trấn Quỳ Hợp đến xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An kéo dài hơn 60km và nó được người dân địa phương gọi bằng một cái tên quen thuộc khác là “cung đường gỗ lậu”. Cũng chính trên con đường này, bây lâu nay tồn tại những bí ẩn mà chỉ có những người sống tại đây mới biết.

Và cho đến nay nhiều nhân chứng sống nhớ lại vẫn không khỏi bàng hoàng. Đó chính là những cái chết trùng hợp đến lạ lùng của những phu gỗ và con số trùng khớp đến rợn người mà người nghe cũng không khỏi giật mình, sởn gai ốc.

11 cái chết kinh hoàng của 20 năm về trước


Trong những ngày tác nghiệp trong vụ tai nạn thảm khốc sáng ngày 7/12 tại dốc Pù Huột (thuộc xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, Nghệ An) phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có dịp được nghe người dân kể về những bí mật mà chưa từng được tiết lộ về những cái chết thảm thương của các phu gỗ cách đây đúng tròn 20 năm ngay chính trên cung đường gỗ lậu này.
Ông Vi Hồng Xuyên, xã Châu Lý đang kể lại vụ tai nạn thảm khốc làm 11 phu gỗ tử nạn cách đây đúng tròn 20 năm mà ông đã được chứng kiến ngay trên tuyến Quốc lộ 48C này
Ông Vi Hồng Xuyên, xã Châu Lý đang kể lại vụ tai nạn thảm khốc làm 11 phu gỗ tử nạn cách đây đúng tròn 20 năm mà ông đã được chứng kiến ngay trên tuyến Quốc lộ 48C này

Vụ tai nạn sáng ngày 7/12 đã làm 10 phu gỗ tại xã Châu Lý chết đã làm bao nhiêu người phải kinh sợ. Bởi chỉ trong chốc lát cả xã đã mất đi 10 con người. Tuy nhiên đối với ông Vi Hồng Xuyên, trú tại xã Châu Lý thì sự ám ảnh ấy còn tăng lên gấp bội lần vì cũng đúng cách đây tròn 20 năm cũng trong một vụ lật xe gỗ làm 11 người chết. Trong đó có một nạn nhân là anh em họ hàng với ông.

Ông Xuyên nhớ lại, hôm đó là vào ngày 21/11/1991 âm lịch  ( tức là ngày 26/12/1991 dương lịch)  ông và một số anh em làm nghề phu gỗ, phu vàng đang ngồi trên một chiếc xe tải chở đầy gỗ lim, sến chạy theo tuyến đường 48C về thị trấn Quỳ Hợp. Nhưng khi chiếc xe vừa đến bản Chỏong (thuộc xã Châu Lý hiện nay) thì bị lật úp xuống khe Nậm Choọng.  

“Do hồi đó con đường này là đường đất, gập ghềnh sỏi đá cũng gặp phải mưa phùn như hôm nay nên chiếc xe đã bị mất phanh lao xuống vực. Thằng em bên ngoại tôi và 10 người nạn nhân khác đều là phu gỗ đã ra đi mãi mãi trong vụ tai nạn đó …”, ông Xuyên bùi ngùi nhớ lại.

Vụ lật xe gỗ cách đây 20 năm cũng trên con đường này đã làm 11 phu gỗ, phu vàng trẻ tuổi chết thảm và hàng chục người khác bị trọng thương. Trong đó xã Châu Lý có một nạn nhân là ông Vi Văn Bài (lúc đó mới 17 tuổi, trú tại bản Bổn và là em họ bên ngoại của ông Xuyên) tử nạn.

Trong vụ tai nạn đó, cũng chính ông Xuyên là người đã trực tiếp bế đứa em của mình ra khỏi đống gỗ. Và điều trùng hợp đến rợn người là vụ tai nạn vào tháng 12 cách đây đúng 20 năm cũng đã làm 7 người chết tại chỗ bằng số lượng người tử nạn lật xe gỗ vào sáng ngày 7/12/2011 sau đó 20 năm. 4 nạn nhân còn lại trong vụ tai nạn cách đây 20 năm chết trên đường đi cấp cứu.

“Lúc đó tôi mới 20 tuổi nên còn rất khỏe và là Thanh tra nhân dân xã Châu Lý nên khi nghe tin thằng em bị nạn tôi nhanh chân chạy lên hiện trường vụ lật xe. Tôi là một trong những người có mặt đầu tiên tại hiện trường. 
Cách 20 năm sau vụ tai nạn làm 11 phu gỗ chết một vụ tai nạn tương tự cũng đã làm thêm 10 phu gỗ tử nạn
Cách 20 năm sau vụ tai nạn làm 11 phu gỗ chết một vụ tai nạn tương tự cũng đã làm thêm 10 phu gỗ tử nạn 

Tôi lên đến nơi một cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mặt, nước dưới khe suối nhuộm máu đỏ lòm. Một số nạn nhân thì bị gỗ đè chìm dưới nước, xác thẳng em tôi và một số người khác đã bị nước cuốn trôi dạt ra phía sau xe gỗ. Bên cạnh còn có hàng chục người kêu la cầu cứu vì bị gỗ đè lên người”, Ông Xuyên bàng hoàng kể lại.

Ông Xuyên cho biết thêm, cách đây 3 năm cũng trên Quốc Lộ 48C đoạn đi qua Bản Chỏong, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp cũng đã xảy ra một vụ lật xe tải hiệu IFA chở gỗ làm 3 người tử nạn. Trong đó có hai cha con người tại xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp. 

Như vậy trong vòng 20 năm trờ lại đây trên “cung đường gỗ lậu” 48C ít nhất đã xảy ra 3 vụ lật xe chở gỗ làm 24 người tử vong ( kể cả 10 phu gỗ tử nạn trong vụ lật xe gỗ sáng ngày 7/12/2011 tại dốc Pù Huột, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).

Học làm phu gỗ từ thưở còn thơ


Mặc dù những vụ lật xe chở gỗ làm hàng chục người chết nhưng những người dân ở đây hàng ngày vẫn vào rừng chặt gỗ để bán. Họ noi, họ biết làm vậy là vi phạm pháp luật và cũng nguy hiểm cho tính mạng chính mình nhưng cuộc sống quá khó khăn, nghèo đói đeo bám nên họ "tặc lưỡi" phải làm liều.

Điều đặc biệt là việc làm phu gỗ nơi đây được đào tạo từ khi còn là đứa trẻ lên 6, lên 7. Nhiều đứa trẻ nói còn chưa sõi, con chữ còn chưa biết nhưng đi kéo gỗ như thế nào thì chúng thuộc vanh vách. Chúng thuộc từng đường đi lối lại, cách cột gỗ vào trâu để kéo gỗ từ trong rừng ra.

Đó như là một tất yếu mà vì sao ở dọc tuyến Quốc lộ 48C này gỗ lậu được chất đầy dưới các căn nhà sàn của người dân. Thậm chí có những đoạn gỗ được chất công khai ngay bên vệ đường thành từng đống lớn.
Từ thưở còn thơ những đứa trẻ nơi đây đã biết đập trâu đi kéo gỗ (ảnh chụp chiều 7/12 trên Quốc lộ 48C)
Từ thưở còn thơ những đứa trẻ nơi đây đã biết đập trâu đi kéo gỗ (ảnh chụp chiều 7/12 trên Quốc lộ 48C)

Trong cái ngày định mệnh 7/12 khi đi từ thị trấn Quỳ Hợp lên đến địa điểm xảy ra vụ lật xe tại dốc Pù Huột, huyện Con Cuông trên dọc Quốc lộ 48C dài hơn  60 km chúng tôi đã có dịp chứng kiếm cảnh hàng chục đứa trẻ vắt mũi chưa sạch đập từng đoàn trâu kéo theo sau là những cây gỗ đã được xe thành phiến về bản. Có lẽ chẳng có nơi nào gỗ lậu lại được vận chuyển gỗ lậu một cách công khai như vậy. Và cũng chẳng có nơi nào lực lượng phu gỗ lại còn quá nhỏ tuổi như nơi đây.

“Cũng chỉ vì nghèo mà phải làm vậy thôi các chú ạ! Không làm gỗ thì không biết làm gì để sống, mà người dân cũng quen rồi từ nhỏ đã làm gỗ nên lớn lên cũng chỉ biết bám vào gỗ mà sống thôi. Đời này qua đời khác dân bản đều vậy cả”, một người dân tại đây giải bày.

Đó là lời ngụy biện của người dân nơi đây hay là lời tâm sự chân thành cái đó còn phải xem lại. Nhưng có lẽ ai cũng hiểu được tại sao ở đây người dân lại có thể khai thác và vẫn chuyển gỗ lậu công khai dễ như vậy bởi một lẽ, chỉ sau khi vụ tai nạn lật xe gỗ làm 10 phu gỗ tử nạn cho đến nay đã có đến 4 vị kiểm lâm liên quan bị bắt giữ.

Và con số đó có thể chưa dừng lại khi mà ngay cả vị lãnh đạo đứng đầu một cơ quan kiểm lâm như Trịnh Thanh Long – PGĐ, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Huống cũng bị chính cấp dưới của mình tố nhờ cấp dưới đi áp tải chiếc xe tải chở gỗ bất hợp pháp bị lật sáng ngày 7/12.

Nếu một khi trong nghành kiểm lâm đang nuôi những con mối, con mọt đục khoét gỗ rừng hàng ngày thì người dân sẽ còn tin vào ai. Nhà nước ra sức bảo vệ rừng, giao cho kiểm lâm quản lý bảo vệ rừng chống lại nạn khai thác gỗ lậu nhưng chính từ trong đội ngũ đó lại có những kẻ sống bằng những đồng tiền bất hợp pháp nhờ vào buôn bán gỗ lậu.
Gỗ được người dân khai thác bất hợp pháp được người dân chất đầy dưới chân nhà sàn và thậm chí được chất công khai thành từng đống lớn ngay bên vệ đường Quốc lộ 48C
Gỗ được người dân khai thác bất hợp pháp được người dân chất đầy dưới chân nhà sàn và thậm chí được chất công khai thành từng đống lớn ngay bên vệ đường Quốc lộ 48C

Liệu rằng những diện tích rừng nguyên sinh nhỏ nhoi còn sót lại này tồn tại được bao lâu nữa khi giao cho những viên kiểm lâm đã bị biến thành những tên “lâm tặc”.
Với những đứa trẻ nơi đây, có thể giờ chúng vẫn chưa hiểu việc vẫn chuyển gỗ bất hợp pháp là vi phạm pháp luật. Chúng cũng không hiểu hết được bao nhiêu nguy hiểm đang rình rập chúng khi đi làm nghề phu gỗ. Vì vậy mong rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm có biện pháp chấn chỉnh lại tình trạng buôn bán gỗ lậu bất pháp trên “cung đường gỗ lậu” này.

Để mai này những cánh rừng nơi đây vẫn rợp bóng cây xanh và những đứa trẻ nơi đây không trở thành những nạn nhân như những phu gỗ xấu số trong thảm kịch vừa qua.
Xuân Hòa