Vụ nổ súng ở Thái Bình vọng đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội

13/09/2013 10:02
Theo VnEconomy
(GDVN) - Không mổ xẻ sâu, song sự việc một người dân vào tận trụ sở UBND thành phố Thái Bình nổ súng vào năm cán bộ trung tâm phát triển quỹ đất đã được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhắc đến khi bàn về sự phức tạp của công tác thu hồi đất, tại buổi họp chiều 12/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý góp ý sửa Luật Đất đai - Ảnh: NH.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý góp ý sửa Luật Đất đai - Ảnh: NH.

Cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đến các quy định về thu hồi đất.

Đây cũng là một trong những vấn đề lớn được nêu tại dự thảo giải trình, tiếp thu dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về ý kiến đề nghị không quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, xã hội, báo cáo cho rằng các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện.

Tổng hợp phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này có 265 đại biểu đồng ý, 109 đại biểu không đồng ý, do vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin cho giữ quy định thu hồi đất cho mục tiêu này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Với đề nghị quy định cụ thể hơn việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội hạn chế tùy tiện trong việc thu hồi đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể một số dự án, công trình thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội.

Bổ sung quy định việc thu hồi đất phải được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua đối với các dự án, công trình xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, khai thác khoáng sản quy mô lớn, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, để tránh thu hồi tràn lan thì nên quy định  hạn mức đất được thu hồi theo từng cấp một. Phải cụ thể các mức do Quốc hội, Chính phủ, hội đồng nhân dân quyết định, làm rõ quyền định đoạt của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, ông Hiển góp ý.

Cho biết là “rất sốc” khi xem ti vi thấy cảnh người dân được đền bù thì có người đến “cướp” tiền và còn đánh nhau trước mặt công an, ông Hiển than phiền vì sơ hở của luật nên một số người biết trước quy hoạch đã ngấm ngầm mua lại sau đó chuyển đổi mục đích. Sau khi nhà nước đền bù cho người dân, họ đến tận nơi để nhận số tiền đền bù cao và chỉ trả cho người dân số tiền theo giá ban đầu.

“Bởi thế, có người được đền bù mấy trăm triệu đồng nhưng đến ngày nhận bị “cướp” không còn đồng nào, thất thểu đi về, trông rất phản cảm”, ông Hiển chia sẻ và đề nghị, về phần quy hoạch khi sửa luật cần có quy định: khi đã quy hoạch rồi thì nghiêm cấm mua bán, nhất là vùng, địa bàn của đồng bào vùng sâu, vùng xa nơi bà con ít hiểu biết về pháp luật.

Cho rằng thu hồi đất là vấn đề được nhân dân quan tâm nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị đặc biệt quan tâm rà soát các quy định liên quan vì thu hồi đất vì phát triển kinh tế xa hội cũng trùng với thu hồi vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng,

Nhắc đến vụ nổ súng ở Thái Bình, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng công tác thu hồi đất thực sự phức tạp. Ông cũng nhắc lại vụ việc của gia đình ông Đoàn Văn Vươn và đề nghị, với đất bồi dân quai đê lấn biển mà khi thu hồi chỉ đền bù theo định mức thôi thì không ổn. “Công sức bỏ ra mất hết thì người dân không chịu nổi, dẫn đến chống đối chính quyền”, ông Phúc nói.

Hơn một lần lưu ý là chưa có luật nào kéo dài đến ba kỳ họp Quốc hội mới có thể thông qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là điều “rất không bình thường” song cũng chứng tỏ, cả Quốc hội và Chính phủ đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của luật này.

“Đây là luật điều chỉnh các mối quan hệ mang tính chính trị, nếu giải quyết tốt thì ổn cho xã hội. Khiếu nại, tố cáo, tham nhũng tiêu cực cũng từ cái đất đai này, lần này quyết tâm thông qua chứ không thể kéo dài mãi”, ông nhấn mạnh.

Chủ tịch cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà lại thật đầy đủ để đảm bảo tính khả thi của dự án luật, “đừng coi đến hôm nay là xong”.

Liên quan đến thu hồi đất, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần thêm điều kiện là thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế xã hội phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đền bù hay thu hồi cũng phải giải quyết theo nguyên tắc sát giá thị trường, ông yêu cầu.
Theo VnEconomy