Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Nghi ngờ về lời khai “ném xác" của BS Tường

28/10/2013 14:36
Đỗ Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) - Anh Nguyễn Hữu Huy (chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền) bày tỏ nghi ngờ về lời khai “ném xác xuống sông” của vị bác sỹ vì “không biết vợ tôi có nằm dưới sông hay không hay lại bị phi tang bằng cách khác”.Theo lời anh Huy, những ngày qua gia đình “đã đi dọc sông Hồng hàng trăm km về phía hạ lưu, bới từng mớ rác ở hai bờ sông nhưng không hề thấy”.
Nghi ngờ về lời khai của nghi phạm
Dẫn lời trên tờ VTC  liên quan đến vụ việc bác sĩ Tường ném xác xuống sông phi tang đến tối 27/10, tức 9 ngày từ khi bác sỹ thẩm mỹ Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, số 45 Giải Phóng, Hà Nội) gây chết bệnh nhân rồi mang xác ra cầu Thanh Trì ném xuống phi tang, thi thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy dù nhà chức trách và gia đình đã hết sức nỗ lực.
Chiều tối 25/10, đội thợ lặn chuyên nghiệp tham gia tìm kiếm thi thể nạn nhân theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trong mấy ngày qua tại khu vực cầu Thanh Trì đã dừng việc tìm kiếm.
Theo ông Doãn Quốc Hưng (thành viên đoàn thợ lặn), dựa vào nhận định rằng thi thể nạn nhân có thể không còn ở vị trí xung quanh cầu Thanh Trì nữa nên bàn với gia đình dừng tìm kiếm. Ngoài lực lượng CSGT đường thủy và đội thợ lặn, gia đình cũng thuê thêm tàu tìm kiếm, thậm chí nhờ vào sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm nhưng chưa có kết quả.
Việc huy động nhiều người và phương tiện tham gia tìm kiếm nhưng chưa có kết quả đã khiến dư luận đặt ra nhiều giả thiết xung quanh như việc có hay không thi thể được buộc đá trước khi bị ném; thi thể được bỏ vào bao tải, túi nilon nên đã trôi xa; hay vị bác sỹ kia không hề ném xuống sông mà đem đi giấu ở chỗ khác để đánh lạc hướng điều tra?
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Hữu Huy (chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền) bày tỏ nghi ngờ về lời khai “ném xác xuống sông” của vị bác sỹ vì “không biết vợ tôi có nằm dưới sông hay không hay lại bị phi tang bằng cách khác”.Theo lời anh Huy, những ngày qua gia đình “đã đi dọc sông Hồng hàng trăm km về phía hạ lưu, bới từng mớ rác ở hai bờ sông nhưng không hề thấy”.

Thợ lặn xuống sông tìm kiếm thi thể. Ảnh VTC
Thợ lặn xuống sông tìm kiếm thi thể. Ảnh VTC

“Thi thể chưa nổi là bình thường”
Cũng theo đó, thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy (PC68), công an TP Hà Nội cho biết Suốt từ khi xảy ra vụ việc, lực lượng CSGT đường thủy Hà Nội đã huy động phương tiện lực lượng, ngày đêm phối hợp với đội thợ lặn và gia đình nạn nhân tìm kiếm thi thể nạn nhân nhưng đến thời điểm này vẫn chưa rõ tung tích.
"Cả hai ngày trước, tại khu vực sông Hồng phát hiện có 2 xác chết nhưng sau khi khám nghiệm, chúng tôi xác định 2 thi thể này là đàn ông, không phải nạn nhân do bác sỹ của thẩm mỹ viện phi tang.Hôm nay, chúng tôi cũng đã quyết định dừng phương án lặn tìm kiếm của đội thợ lặn, từ ngày mai sẽ chuyển hướng sang phương pháp câu xác dưới đáy sông": Thượng tá Nguyễn Văn Cương chia sẻ
Theo ông, với kinh nghiêm của mình  cũng như nhiều người dân sống trên vùng sông nước thì đến nay, thi thể nạn nhân chưa nổi là điều bình thường, không phải là trường hợp đặc biệt. Thực tế có những thi thể phải đến ba tuần sau mới nổi lên mặt nước.Với thời tiết lạnh, thi thể thường lâu nổi hơn, thời gian đó có thể là 10 ngày, 15 ngày thậm chí là đến 21 ngày. Do đó, việc thi thể nổi cần phải có thời gian.
"Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phải ngồi chờ mà phải chủ động sử dụng các biện pháp khác mà tới đây sẽ là dùng lưỡi câu rà dưới đáy sông": : Thượng tá Cương cho hay
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Tôi đã stress suốt mấy tuần qua
Dẫn lời trên báo Lao Động khi hỏi về sự việc Thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho hay khi sau khi biết được sự việc vể bác sĩ Tường bà vô cùng sốc, đau đớn và bàng hoàng. Điều đau đớn nhục nhã là bệnh nhân đã bị chết lại còn bị vứt xác bởi chính người thầy thuốc đã phẫu thuật cho mình. Lên xe ôtô, lúc trước tôi cầm điện thoại trong tay mà lúc này không nhớ là mình đã để điện thoại ở đâu nữa.  
Tôi đã yêu cầu ngay BV Bạch Mai và Sở Y tế làm việc ngay với cơ quan công an để nhanh chóng làm rõ sự việc. Thời gian qua, trong ngành y đã xảy ra nhiều việc không mong muốn. Sự việc 3 cháu bé sơ sinh ở Quảng Trị, trên facebook, blog có những ý kiến khác nhau, tôi đã stress suốt cả mấy tuần. Lúc này, với chuyện xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, tôi cũng như vậy, căng thẳng từ hôm đó đến nay": bộ trưởng bộ y tế chia sẻ

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh Lao động
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh Lao động

Theo bà, là công dân thì phải tuân theo pháp luật. Là con người bình thường có văn hóa thì phải có nhân cách. Là thầy thuốc phải chấp hành những quy định chuyên môn, đạo đức của ngành
"Tôi rất chia sẻ với các bác sĩ hiện nay phải làm thêm ngoài giờ. Hai vợ chồng tôi cũng đều là BS, chúng tôi cũng từng phải làm thêm như vậy. Nhưng làm ở đâu cũng vẫn phải giữ lấy chữ đức chứ. Việc làm mất nhân tính của bác sĩ Tường thì chúng tôi không bao giờ bảo vệ. Đành rằng hàng triệu bác sĩ mới có 1 người như thế, nhưng quá cay nghiệt. Là người đứng đầu ngành y tế, tôi cũng thấy ngượng với ngành. Án cho hành vi xâm phạm thi thể có thể không lớn, nhưng sự lên án của xã hội sẽ là vô cùng lớn": Bộ trưởng cho biết thêm.
Để tránh tái diễn sự việc tương tự, theo hộ trưởng hiện nay, việc cấp phép, kiểm tra giám sát hoạt động của các phòng mạch, phòng khám, cơ sở y tế tư nhân là do cấp TP, cấp quận/huyện thực hiện. Nhưng trên thực tế, cấp xã/phường mới nắm rõ nhất hoạt động của các cơ sở trên địa bàn. Ngành y tế cũng không thể làm hết được, cần có sự phối hợp của Bộ Nội vụ, Chính phủ. 
"Vì thế, chúng tôi đang xây dựng thông tư để có thể giao trách nhiệm quản lý giám sát cho cấp phường, cụ thể là UBND phường và trạm y tế xã/phường nắm ai hành nghề khám - chữa bệnh gì, có giấy phép không, có làm đúng thẩm quyền ghi trong giấy phép. Khi đó, thuế thu được từ các cơ sở kinh doanh này cũng cần trích lại cho phường, như vậy phường vừa có trách nhiệm, vừa có quyền lợi, việc giám sát sẽ hiệu quả hơn hiện nay": Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến nói./.

Thẩm mỹ viện làm chết người

Đỗ Tuyết (tổng hợp)