Vụ “tù oan 10 năm”: Đạo đức của điều tra viên và sinh mạng con người

11/11/2013 08:28
Ngọc Quang
(GDVN) - “Tôi cho rằng đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên cũng không kém gì y đức, vì họ là những người nắm giữ, định đoạt sinh mạng của người khác. Những vấn đề liên quan tới biên chế, áp lực công việc có ảnh hưởng đến những quyết định tố tụng hay không?”, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường đặt câu hỏi.
Qua vụ “tù oan 10 năm” của ông Nguyễn Thanh Chấn, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nhắc lại một loạt các vụ án oan trong quá khứ như Bùi Minh Hải ở Đồng Nai (tù chung thân – PV), Trần Văn Chiến ở Tiền Giang (tù chung thân – PV), Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh (bị tuyên án tử hình, sau đó được minh oan và trả tự do – PV)… đồng thời chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động tố tụng – những nguyên nhân dễ dẫn tới oan sai.
“Dẫu biết rằng án oan sai không phải là hiện tượng cá biệt chỉ có ở Việt Nam mà nó tồn tại cả ở những nước phát triển có nền tư pháp mạnh. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng hậu quả mà nó gây ra là vô cùng nghiêm trọng, nó không chỉ gây mất mát về thể chất tinh thần, sự nghiệp, gia đình không thể bù đắp được đối với người bị oan mà vấn đề nghiêm trọng không kém là nó làm mất lòng tin của xã hội, người dân đối với cơ quan tư pháp.

Đối với hệ thống tư pháp, nó có thể làm đổ vỡ mọi thành tích cố gắng mà các cơ quan tư pháp đạt được. Qua vụ việc này, tôi cho rằng đã đến lúc Quốc hội, các cơ quan tư pháp rất cần một sự nhìn nhận thật sự nghiêm túc, khách quan về hệ thống tư pháp và hoạt động tư pháp, sớm có những điều chỉnh thay đổi cần thiết và rút ra những bài học kinh nghiệm”, ông Cường nói.

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường.

Qua vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ một số vấn đề rất cần quan tâm:

Cần phải đề cao nhận thức về trách nhiệm của chính những người tiến hành tố tụng là những người nắm giữ, định đoạt sinh mạng của người khác thì phải có trách nhiệm quán triệt đầy đủ các nguyên tắc của tố tụng hình sự. Không chỉ làm rõ những chứng cứ xác định có tội, mà còn phải làm rõ cả những chứng cứ xác định vô tội.

Tuy nhiên, trên thực tế trong rất nhiều trường hợp mới chỉ quan tâm chủ yếu đến những chứng cứ xác định có tội, chứ phần chứng cứ xác định vô tội rất ít được quan tâm, thí dụ như trong vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn. Những nguyên tắc xứng đáng vô tội, nếu được đề xuất để trong Hiến pháp thì sẽ hạn chế được oan sai.

Trước đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nói: “Xin chia sẻ với các đồng chí và đặc biệt trong thời gian vừa qua xảy ra một vụ oan sai, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC đã dũng cảm kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để minh oan cho họ…”. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Mạnh Cường, cho rằng: “Nếu như chúng ta thấy oan sai phải dũng cảm mới kháng nghị được thì tôi nghĩ rằng có nói như thế sẽ không thuyết phục với người dân. Đây phải là trách nhiệm, đây phải là nghĩa vụ, oan sai rõ ràng như vậy thì phải là trách nhiệm kháng nghị chứ không thể nói là dũng cảm”.

10 năm tù tội của ông Nguyễn Thanh Chấn là bài học đau đớn với các cơ quan tiến hành tố tụng.
10 năm tù tội của ông Nguyễn Thanh Chấn là bài học đau đớn với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị cần phải làm rõ trong vụ án oan sai của ông Chấn có chuyện ép cung không, từ đó phải có tổng kết đây là hiện tượng cá biệt hay không cá biệt, bởi đây là vấn đề có thể làm sai lệch việc giải quyết vụ án.

“Tôi cho rằng đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên cũng không kém gì y đức, vì họ là những người nắm giữ, định đoạt sinh mạng của người khác. Những vấn đề liên quan tới biên chế, áp lực công việc có ảnh hưởng đến những quyết định tố tụng hay không?”, ông Cường chia sẻ.

Ngoài ra, ĐB Cường cũng đặt câu hỏi quan trọng trong công tác của ngành kiểm sát: “VKS đã kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra chưa, đã đề ra các yêu cầu điều tra chưa? Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu như VKS làm hết trách nhiệm của mình thì không thể nào dẫn đến việc ép cung, đây không phải là cái kim mà có thể giấu được. Vấn đề đặc biệt quan trọng ở đây là vấn đề vai trò tham gia của luật sư, luật của chúng ta quy định rất rõ ràng luật sư được tham gia tố tụng từ khi tạm giữ hoặc là khi khởi tố bị can. Nhưng trên thực tiễn việc tạo điều kiện thật sự cho luật sư tham gia trong hoạt động tố tụng vẫn còn hạn chế, điều đó cũng ảnh hưởng tới việc bảo đảm vấn đề oan sai”.

Cũng theo ông Cường, cần phải đặt vấn đề vai trò bình đẳng giữa bên buộc tội với bên gỡ tội, vấn đề tranh tụng ở tại các phiên tòa, các ý kiến của luật sư có được đại diện VKS đối đáp hay không và Tòa án có thực sự căn cứ vào kết quả tranh luận để đưa ra các phán quyết của mình hay không? Tất cả những vấn đề này nếu làm tốt thì không để xảy ra những oan sai.
Ngọc Quang