Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Xe chính chủ, Cục trưởng CSGT: Người đi xe chỉ cần mang 4 loại giấy tờ

20/11/2012 07:20
Tuệ Minh
(GDVN) - “Cụ thể là giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”, ông Tuyên nói.
"CSGT cũng không tự nhiên chặn xe ngoài đường để hỏi..."

Trong những ngày qua, rất nhiều người dân hoang mang sau khi Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật bởi những băn khoăn liệu mình có bị phạt khi đi xe của người khác không hay khi ra đường thì cần mang những giấy tờ gì để không bị phạt.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt Nguyễn Văn Tuyên cho biết: “Luật Giao thông đường bộ quy định có 4 loại giấy tờ phải mang khi đi xe đó là: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội (Ảnh: Dương Hiệp)
Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội (Ảnh: Dương Hiệp)

Bây giờ, một chiếc xe lưu hành phải có đủ 4 loại giấy tờ ấy. Còn các giấy tờ khác thì tùy theo sự điều chỉnh của luật khác. Ví dụ như khi Nghị định về phí bảo trì đường bộ có hiệu lực mà quy định khi đi xe phải mang theo giấy chứng nhận đã nộp phí thì người dân phải mang đi. Nếu không quy định thì không phải mang đi”.

Ông Tuyên nhấn mạnh: “Quy định xử phạt người không sang tên đổi chủ khi mua bán xe là hướng vào chủ xe chứ không phải người điều khiển xe. Cụ thể là nếu một người đi xe mà xe đó chưa sang tên đổi chủ khi mua bán thì CSGT phạt chủ xe chứ không phạt người điều khiển xe”. 

Theo ông Tuyên, chỉ trong những trường hợp như khi mang hồ sơ lên để xin chuyển tên đổi chủ mà quá hạn thì bị phạt. Còn thông qua các vi phạm khác mà bị giữ xe hoặc giấy tờ xe thì khi đi giải quyết như nộp phạt chẳng hạn, Cảnh sát giao thông nếu thấy có dấu hiệu vi phạm quy định thì mới có quyền hỏi việc sang tên đổi chủ và sau 1/1/2013 thì hỏi cả về việc nộp phí bảo trì đường bộ.

Với các vi phạm xử lý ngay ngoài đường thì không ai hỏi về cái đó. Chắc chắn, CSGT cũng không tự nhiên chặn xe ngoài đường để hỏi về các việc sang tên đổi chủ hay sau này là việc nộp phí bảo trì đường bộ.

“Tóm lại, hiện tại, người dân khi đi ra đường chỉ cần mang 4 loại giấy tờ như Luật Giao thông đường bộ quy định là đủ và hoàn toàn yên tâm”, ông Tuyên kết luận.

"CSGT không có quyền yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận nộp phí”

Về quy định của Nghị định 71/2012/NĐ-CP có liên quan đến Nghị định về phí bảo trì đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2013 tới đây, trong một trao đổi khác với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về các loại giấy tờ mà người đi đường phải mang theo, ThS, LS. Phạm Thanh Bình – Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc cho hay:

“Cũng giống vấn đề chứng minh “nguồn gốc xe” gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, nếu có việc CSGT yêu cầu người đi xe phải chứng minh đã nộp phí bảo trì đường bộ (giấy chứng nhận đã nộp phí) là không đúng quan hệ pháp luật cần điều chỉnh, không đúng thẩm quyền của CSGT và trao thêm những gánh nặng không thích hợp cho lực lượng này.

Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái xe khi điều khiển xe cơ giới phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (ô tô) và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, khi làm nhiệm vụ, CSGT không có quyền yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận nộp phí bảo trì đường bộ để kiểm tra làm căn cứ xử phạt do luật không bắt buộc.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nghị định 71 chỉ quy định mức phạt khi chủ xe “không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông” mà không có hướng dẫn cụ thể về việc kiểm tra, xác minh chủ xe đã nộp phí bảo trì đường bộ hay chưa nên CSGT không có quyền yêu cầu người dân xuất trình giấy chứng nhận nộp phí”.

Theo LS. Bình, vấn đề gây xôn xao dư luận đối với Nghị định 71 không phải là những quy định xử phạt tăng nặng mà là vấn đề đưa Nghị định vào thực tiễn cuộc sống. Xây dựng luật cần dựa trên cơ sở thực tiễn đất nước, và việc đưa luật vào cuộc sống là vấn đề khó, cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể. 

Việc thu phí bảo trì đường bộ là hợp lý, tuy nhiên để đưa vấn đề này vào thực tiễn không dễ bởi nhiều quy định chưa đầy đủ, chưa đảm bảo được tính hợp lý, phù hợp với thực tế. Theo Nghị định 18/2012 thì phí bảo trì đường bộ được thu hàng năm trên “đầu phương tiện” theo kỳ đăng kiểm hoặc giao trực tiếp cho địa phương (đối với xe máy).

Với quy định này, phí bảo trì đường bộ trở thành “loại phí cố định” đối với phương tiện cho dù trong tháng đó, năm đó xe chạy nhiều hay ít hoặc thậm chí không chạy vẫn phải đóng phí. Điều này là không công bằng. Thêm nữa, việc đẩy cho địa phương thu phí xe máy là hoạt động không phù hợp với nguyên tắc thuế vì thuế phải do người của cơ quan thuế thu theo Luật Ngân sách, và dường như là việc làm “quá sức” đối với cấp quản lý này khi khả năng, năng lực có hạn.

Ông Bình nói tiếp, Nghị định 71 hướng dẫn cụ thể Luật Giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng hơn mức phạt so với Nghị định 34. Vấn đề xử phạt hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” hay “không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông” là cần thiết, tuy nhiên tính khả thi trong thực tiễn không cao do thiếu những biện pháp thực thi phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Ví dụ, vấn đề thu phí bảo trì đường bộ có thể được thực hiện qua phương thức thu “phí sử dụng đường bộ được thu qua xăng dầu tính trên khối lượng xăng dầu nhập khẩu và số lượng xăng dầu sản xuất tiêu thụ trong nước dùng cho đường bộ”. Áp dụng phương thức này, Nhà nước sẽ thu đúng, thu đủ cho nguồn quỹ, trong khi giảm được chi phí cho việc tổ chức bộ máy thu cồng kềnh, tốn kém và dễ thất thu. Đồng thời, không bỏ sót một lượng lớn xe nước ngoài đang lưu hành ở nước ta.

"Do vậy, theo tôi Nghị định 71 với mức xử phạt tăng nặng những hành vi vi phạm nhằm ổn định trật tự giao thông, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước là cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có những biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tế để Nghị định đi vào cuộc sống, ví dụ như giảm phí đăng ký sở hữu xe, thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu…”, ông Bình đề xuất.
Tuệ Minh