Xe quá tải có trách nhiệm lớn từ địa phương

26/11/2016 09:15
Minh Hồng
(GDVN) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo về công tác kiểm soát tải trọng xe trong tháng 10/2016 trong đó nêu vấn đề trách nhiệm địa phương.

Trách nhiệm địa phương

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo về công tác kiểm soát tải trọng xe trong tháng 10/2016.

Văn bản do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Vũ Đỗ Anh Dũng ký nhận định, công tác kiểm soát tải trọng xe tiếp tục được thực hiện quyết liệt trên cả nước, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. 

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ cho thấy, trong tháng 10/2016, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 37.804 xe, trong đó 1.962 xe vi phạm về tải trọng, 160 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 844 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 18,8 tỷ đồng.

“Công tác kiểm soát tải trọng xe tiếp tục được thực hiện quyết liệt trên cả nước, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lượng xe quá tải tiếp tục giảm, đặc biệt là các xe chở hàng đường dài, điển hình là trên Quốc lộ 1, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và cân bằng thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải...” ông Dũng đánh giá.

Xe quá tải vẫn hoạt động trên các tuyến đường - ảnh nguồn Vietnamnet.
Xe quá tải vẫn hoạt động trên các tuyến đường - ảnh nguồn Vietnamnet.

Tuy nhiên, vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thừa nhận, vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe vẫn cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải.

Các xe vi phạm chủ yếu là các xe chở nông, lâm sản, chở đất, đá, vật tư, vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án xây dựng dân dụng, giao thông.

“Qua theo dõi và phản ánh về đường dây nóng của Tổng cục, lực lượng chức năng một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng, thậm chí tiêu cực.

Vì vậy, các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải vẫn lưu thông trên địa bàn, chủ yếu lưu thông đường ngắn, qua địa bàn một số tỉnh, thành phố, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường,” ông Dũng khẳng định.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhiều địa phương đã làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe, vẫn duy trì hoạt động tại các Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải. 

Báo cáo thanh tra đã dẫn chứng, xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở ngô, sắn quá tải lưu thông trên Quốc lộ 6, đoạn qua huyện Tân Lạc (Hòa Bình).

Xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải lưu thông trên Quốc lộ 18 (đoạn qua Thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương và huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình...

Bên cạnh đó, theo phản ánh của các chủ xe, lái xe, chủ hàng, vẫn còn tình trạng các chủ xe, lái xe, lợi dụng sơ hở của các lực lượng làm công tác xuất, xếp hàng hóa tại các cảng, không có giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng quá khổ, quá tải trọng ra khỏi cảng, lưu thông trên đường bộ.

Kiểm tra trong tải xe trên Quốc lộ 2 đoạn qua Đoan Hùng - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải.
Kiểm tra trong tải xe trên Quốc lộ 2 đoạn qua Đoan Hùng - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải trong công tác kiểm soát xe quá tải, tăng cường kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng (kho bãi, bến cảng, nhà máy, xí nghiệp…), đồng thời kiểm tra đột xuất những điểm có tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông, nâng cao hiệu quả kiểm tra tải trọng xe.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng sẽ thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền rút giấy phép kinh doanh có thời hạn theo quy định...

Để tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, trong tháng 11/2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải tiếp tục chủ động bố trí lực lượng tại các trạm kiểm soát tải trọng xe, rà soát việc ký cam kết không chở hàng quá tải, tăng cường bố trí lực lượng thanh tra tại các trạm cân và phối hợp với các lực lượng để kiểm soát tải trọng xe tại các đầu mối hàng hoá…

Xử lý vi phạm từ gốc

Nguyên nhân dẫn đến xe quá tải lưu thông trên đường do chủ xe, chủ doanh nghiệp hám lợi muốn tăng tăng cho từng chuyến hàng nhằm tăng lợi nhuận.

Bên cạnh xe quá tải vận chuyển hàng hóa, hiện tượng xe quá tải chủ yếu chở đất, đá, vật tư, vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án xây dựng dân dụng, giao thông.

Trước thực trạng này Bộ Giao thông vận tải vừa có yêu cầu các Ban quản lý dự án, nhà đầu tư tạm đình chỉ thi công với nhà thầu sử dụng xe quá tải...

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải ban hành Chỉ thị yêu cầu các dự án đang triển khai, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát ký cam kết và bổ sung các quy định về kiểm soát tải trọng xe và kích thước thùng hàng vào hợp đồng. 

Xử lý nhà thầu có xe tải chở quá tải, xử lý doanh nghiệp, chủ xe có phương tiện chở quá tải là cách xử lý tận gốc vấn đề quá tải - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải
Xử lý nhà thầu có xe tải chở quá tải, xử lý doanh nghiệp, chủ xe có phương tiện chở quá tải là cách xử lý tận gốc vấn đề quá tải - ảnh nguồn Báo Giao thông vận tải

Đối với các dự án chuẩn bị triển khai, bổ sung các nội dung, quy định về kiểm soát tải trọng xe vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hợp đồng ký kết.

Chủ đầu tư, nhà thầu thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng phương tiện đúng tải trọng, kích thước tại hiện trường dự án; xử lý vi phạm theo các điều khoản hợp đồng, trường hợp nghiêm trọng báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nhà thầu vi phạm; đồng thời, tổng hợp số xe vi phạm, số lần vi phạm, báo cáo cấp thẩm quyền xử lý.

Nhà thầu có trách nhiệm quản lý các phương tiện của mình trên công trường; phương tiện thuê, mượn phải bảo đảm các quy định về kích thước thùng hàng, tải trọng; không tiếp nhận vật tư, vật liệu của các xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tải trọng...

Tư vấn giám sát có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các phương tiện ra, vào công trường; hàng ngày kiểm tra, xác nhận việc ghi nhật ký các phương tiện ra, vào công trình của Nhà thầu.

Nếu nhà thầu thi công vẫn cố tình vi phạm, ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà đầu tư tạm đình chỉ thi công, đồng thời kiến nghị xem xét điều chuyển một phần khối lượng hoặc chấm dứt hợp đồng nếu nhà thầu không cam kết khắc phục vi phạm.

Ngoài ra để hạn chế xe quá tải lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra xử lý nghiêm xe quá tải.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong tháng 10/2016, lực lượng chức năng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 2.000 xe vi phạm tải trọng, 164 xe vi phạm về kích thước thùng hàng… Xử phạt nộp kho bạc nhà nước 20 tỷ đồng.

Trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực đầu nguồn hàng, những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép; triển khai kiểm soát tải trọng xe lưu động và đột xuất tại những đoạn đường bộ khi xuất hiện tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông.

Duy trì công tác kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống đường bộ tại các Trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động, cố định, các kiểm soát tải trọng xe lưu động, các vị trí có lắp đặt thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe của đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ thuộc các dự án BOT, đường cao tốc; tiến hành kiểm tra, rà soát, hướng dẫn việc lắp đặt, kiểm định, sử dụng, độ chính xác, tính kết nối đối với hệ thống thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe đặt tại các trạm thu phí BOT và đặt độc lập trên đường bộ, để phục vụ việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm quá tải trọng.

Minh Hồng