Xử lý hình sự tội sản xuất và buôn bán phụ gia thực phẩm giả

26/03/2019 15:26
An Nhiên
(GDVN) - Tòa án Nhân dân Huyện Bình Chánh đã ra quyết định xử phạt hai anh em bị cáo H.V.L (1990) 2 năm 6 tháng tù giam và H.T. L (1987) 2 năm tù giam.

Đồng thời, hai bị cáo buộc phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 8.000.000 đồng để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

Trong quá trình điều tra làm rõ sự việc, Đội Quản lý thị trường Bình Chánh phối hợp Công an xã Qui Đức, huyện Bình Chánh đã tiến hành khám xét “nhà xưởng” của H.V.L tại xã Qui Đức, huyện Bình Chánh và phát hiện hơn 1.800 gói bột ngọt giả thành phẩm với trọng lượng hơn 600 kg và 78 gói hạt nêm giả thành phẩm với trọng lượng hơn 27kg cùng số lượng lớn các bao bì nhựa đã được in sẵn tên các thương hiệu và nhiều dụng cụ dùng để sản xuất bột ngọt giả...

Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện 10 bao bột ngọt loại 25kg hiệu HULUNBEIER, là nguyên liệu dùng để sản xuất bột ngọt giả.

H.V.L khai nhận đã mua số bột ngọt hiệu HULUNBEIER này tại chợ Bình Tây (Quận 5) từ nhiều người không rõ lai lịch và trực tiếp tham gia sản xuất, còn H.T.L tham gia sản xuất hàng giả, đi chào hàng và giao thành phẩm theo yêu cầu của H.V.L.

Bột ngọt giả thường được các đối tượng khoác lên các thương hiệu nổi tiếng hòng qua mắt người tiêu dùng.
Bột ngọt giả thường được các đối tượng khoác lên các thương hiệu nổi tiếng hòng qua mắt người tiêu dùng.

Luật mới có mức xử phạt mạnh hơn

Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã mạnh tay giải quyết những vấn đề mà người tiêu dùng hoang mang, lo lắng liên quan đến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm.

Cụ thể, Điều 193 về “Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm” ghi rõ người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 02-05 năm.

Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…mức án tù cũng tăng lên từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là tù chung thân.

Cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt hành chính từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Một điểm mới đáng lưu ý tại Điều 193 đó là pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm.

Theo đó, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này sẽ bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến mức cao nhất là 18 tỷ đồng thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.”, Luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) chia sẻ.

Như vậy, với Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, các cơ quan chức năng đã có thể mạnh tay xử lý triệt để các trường hợp vi phạm để những phụ gia thực phẩm giả như bột ngọt sẽ không còn cơ hội đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng tình với Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Luật sư Đặng Văn Sơn - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội bày tỏ: “Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 là tín hiệu thể hiện sự quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng nhái và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhận được nhiều quan tâm của người dân là tăng mức chế tài trong việc xử lý hình sự đối với các vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm từ mức cao nhất chỉ là 5 năm tù lên mức mức án cao nhất là phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tại điều 76 luật này cũng quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại khi vi phạm điều 193 thì mức xử phạt hành chính từ 01-18 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm”.

An Nhiên