Xử lý hình sự với bảo mẫu bóp cổ, tát bôm bốp vào mặt trẻ mầm non

17/12/2013 15:21
Xuân Trung
(GDVN) - Sau khi phát hiện vụ việc, UBND Q. Thủ Đức (TP. HCM) đã chỉ đạo công an quận tiến hành điều tra, lập hồ sơ xử lý hình sự đối với Lê Thị Đông Phương về hành vi kinh doanh trái phép và hành vi hành hạ người khác, Nguyên Lê Thiên Lý và Nguyễn Thị Điều về hành vi hành hạ người khác.
Sau khi sự việc làm đau lòng bao phụ huynh, sự phẫn nộ của xã hội đối với bảo mẫu hành hạ trẻ em tại Nhà trẻ tư thục Phương Anh, đóng trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức (TP. HCM), đến nay cơ quan công an điều tra Q. Thủ Đức đang tiến hành lập hồ sơ và xử lý hình sự với ba bảo mẫu liên quan.

Theo đó, Lê Thị Đông Phương, sinh năm 1982, trú tại Nguyễn Duy, phường 9, Quận 8 làm trưởng nhóm. Theo báo cáo của UBND Q. Thủ Đức, chị Phương có bằng đại học, chuyên ngành giáo dục mầm non, do trường Đại học Sài Gòn cấp, xếp loại tốt nghiệp khá, đã học qua lớp sơ cấp cứu căn bản.

Cũng đã qua lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, lớp quản lí chủ trường, lớp cấp dưỡng, đã có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ ở trường mầm non Hoa Lư. Chồng là Lê Đào Phùng, có trình độ thạc sĩ đang dạy nhạc ở Nhạc viện TP. HCM.

Bảo mẫu hành hạ trẻ em. Ảnh: Tuổi Trẻ
Bảo mẫu hành hạ trẻ em. Ảnh: Tuổi Trẻ


Hai vợ chồng đã tổ chức dạy đàn cho trẻ từ tháng 6/2012, lúc đầu chỉ là dạy đàn cho trẻ  từ 4-10 tuổi, mỗi ngày có từ 5-10 em theo học.

Đến khoảng tháng 8/2013 chị Phương mới chính thức nuôi trẻ tại nhà, lúc đầu chỉ có 3 bé, do chị trực tiếp trông giữ. Từ ngày 29/8/2013 chị Phương đã tuyển thêm Nguyễn Lê Thiên Lý, sinh năm 1994 quê ở Kiên Giang vào làm cấp dưỡng (hợp đồng thử việc 3 tháng). Tiếp theo đó chị Phương có tuyển Nguyễn Thị Điều, sinh năm 1989, trú tại Hưng Nguyên, Nghệ An làm bảo mẫu.

Hàng ngày Lý có nhiệm vụ nấu ăn cho các bé, còn Phương và Điều làm bảo mẫu dạy các bé, khi cho các bé ăn vào giờ buổi sáng và xế chiều thì do Điều và Phương thực hiện, còn vào buổi trưa thi thoảng Lý mới cho các bé ăn.

Quá trình kiểm tra cho thấy, ngày 15/11/2013 tổ kiểm tra liên ngành của phường đã tiến hành kiểm tra tại địa điểm trên và ghi nhận, chị Phương có giữ 9 trẻ (tuổi từ 12 tháng trở lên), do chị Phương phụ trách và có thuê thêm 2 người giúp việc trông giữ trẻ. Tại đây, UBND phường Hiệp Bình Phước đã lập biên bản kiểm tra và đề nghị chị Phương ngừng việc nuôi giữ trẻ, đồng thời hướng dẫn chị làm hồ sơ thủ tục để được cấp phép hoạt động theo quy định.
Tuy nhiên, do không chấp hành nên vào khoảng 15h ngày 6/12/2013, UBND phường Hiệp Bình Phước tiếp tục kiểm tra tại địa điểm trên và vẫn còn thấy nuôi giữ trẻ, tổ kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về việc “Tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép), đồng thời ban hành Quyết định của UBND phường Hiệp Bình Phước xử phạt 750.000 đồng (vi phạm tại điểm a, Khoản 4, Điều 8, Nghị định số 40 của Chính phủ và Nghị định số 49 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Vào lúc 12h 30 ngày 13/12/2013 sau khi nhận được tin báo từ công an phường Hiệp Bình Phước có người tố cáo bảo mẫu của nhóm trẻ Phương Anh có hành vi hành hạ trẻ em. Ngay sau đó, UBND phường Hiệp Bình Phước tiến hành kiểm tra lập biên bản vụ việc, công an phường Hiệp Bình Phước cũng đã mời đương sự về tại trụ sở làm việc.

Qua kiểm tra clip của người tố cáo gửi tới UBND phường Hiệp Bình Phước cho thấy, ngày mùng 2, mùng 6 và 12/12/2013 có cảnh cô Lý đang cho bé ăn, Lý có hành vi dùng tay nhận đầu các bé xuống, dùng tay đánh vào vai và kéo áo lên đánh vào mông bé.

Bước đầu xác định các bé bị Lý hành hạ gồm: Lê Tuấn Khanh, tên gọi khác là Bush sinh năm 2012, Nguyễn Trần Hòa, tên gọi khác là Bin, sinh năm 2011, Bùi Ngọc Diệp, tên gọi khác là Nhỏ, sinh năm 2009.

Qua xác minh của công an Q. Thủ Đức, TP. HCM cho thấy, Nguyễn Lê Thiên Lý có khai nhận khi cho bé ăn có hành vi hành hạ các bé như trên. Lý khai do các bé khó ăn hay nhận ói thì Lý nhận đầu hoặc đánh vào mông các bé để khỏi ói. 

Kiểm tra thân thể các bé Hòa, Diệp, Nhỏ không bị thương tích gì, xác minh được biết ngoài Lý ra thì Điều và Phương cũng có các hành vi nêu trên đối với các bé. 

Sau khi phát hiện vụ việc, UBND Q. Thủ Đức đã chỉ đạo công an quận tiến hành điều tra, lập hồ sơ xử lý hình sự đối với Lê Thị Đông Phương về hành vi kinh doanh trái phép và hành vi hành hạ người khác, Nguyên Lê Thiên Lý và Nguyễn Thị Điều về hành vi hành hạ người khác. UBND phường Hiệp Bình Phước cũng tổ chức kiểm điểm đối với các cán bộ công chức liên quan trong công tác quản lý địa bàn.

Pháp luật hình sự Việt Nam đã có điều luật tương ứng (Điều 110) quy định về tội hành hạ người khác. Theo đó, hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình, như gây đau đớn về thể xác hoặc đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc bằng các hành vi: Đánh đập, giam hãm, không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm...

Về hình phạt dành cho loại tội phạm này, nhẹ thì phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Quy định về trường hợp phạm tội đối với một trong các đối tượng như: người già, trẻ em (là người chưa đủ 16 tuổi), phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Tuy nhiên, nếu hành vi đối xử tàn ác này mà gây thương tích cho người bị hành hạ thì người phạm tội còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra nếu hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình mà  nạn nhân là ông bà, cha mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (điều 151).

Xuân Trung