Xúc phạm dân Việt, "người Trung Quốc xấu xí” lộ nguyên hình

28/02/2013 07:09
Bùi Hải
(GDVN) - Cái dòng chữ “hạ lưu” bằng tiếng Trung và tiếng Anh trước cửa một nhà hàng ở Bắc Kinh, không phải là một sự kì thị người Việt, người Philippine và người Nhật, mà thực sự là một đòn xúc phạm nặng nề của một kẻ có học nhưng… văn hóa đi vắng.
Tấm biển kỳ thị nói “Không phục vụ người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó” - Ảnh: do bà Rose Tang cung cấp cho Tuổi Trẻ
Tấm biển kỳ thị nói “Không phục vụ người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó” - Ảnh: do bà Rose Tang cung cấp cho Tuổi Trẻ
“Không phục vụ người Nhật, người Philippines, người Việt Nam và chó” – dù dòng chữ ấy chỉ là sản phẩm của một chủ cửa hàng vô danh, nhưng nó phản ánh cái tâm thức méo mó, bệnh hoạn của một bộ phận những người ở đất nước “rộng" nhưng không "lớn”: Trung Hoa. Đọc tác phẩm gây chấn động “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương, một tác giả "made in China" 100%, mới thấy cái khẩu hiệu xúc phạm Việt Nam, cũng chỉ là rất bình thường nếu so với nhiều chiêu trò hung hiểm khác của họ. Bá Dương đã viết thế này: “Người Trung Quốc không quen nhận lỗi và có thể đưa ra hàng vạn lý do để che dấu cái sai trái của mình. Có một câu tục ngữ: "Đóng cửa suy gẫm lỗi lầm" (Bế môn tư quá). Nghĩ về lỗi của ai ? Dĩ nhiên của đối phương.

Lúc tôi đi dạy học, học sinh hàng tuần phải viết tuần ký để kiểm thảo hành vi trong tuần. Kết quả kiểm thảo thường là: "Hôm nay tôi bị người này người nọ lừa tôi. Cái người lừa tôi ấy đã được tôi đối xử mới tốt làm sao, cũng bởi vì tôi quá trung hậu!". Lúc đọc đến kiểm thảo của đối phương, lại cũng thấy anh học trò kia nói mình quá trung hậu. Mỗi người trong kiểm thảo của mình đều là người quá trung hậu. Thế còn ai là người không trung hậu?

Người Trung Quốc không thể nhận lỗi, nhưng cái lỗi vẫn còn đó, đâu phải vì không nhận mà nó biến mất. Để che đậy một lỗi của mình người Trung Quốc không nề hà sức lực tạo nên càng nhiều lỗi khác hòng chứng minh rằng cái đầu tiên không phải là lỗi. Cho nên có thể nói người Trung Quốc thích nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa”.
Theo tư duy của Bá Dương, thì cái khẩu hiệu xúc phạm 3 nước kia, hẳn vô cùng độc địa. Nhưng nó có phải là sản phẩm đơn lẻ của một người chủ nhà hàng quá khích? Không phải, đó là sản phẩm của một bộ máy tuyên truyền khổng lồ, nhồi nhét vào đầu người dân những điều hết sức lệch lạc và sai trái về biên giới, lãnh thổ, về láng giềng, suốt nhiều chục năm qua. Bộ máy tuyên truyền ấy trắng trợn “nói dối, nói láo, nói độc địa” để vừa che đậy dã tâm cướp đoạt lãnh thổ láng giềng, vừa đổ tội "tham lam" cho nước khác mỗi khi họ dũng cảm lên tiếng bảo vệ cương thổ bị đe doạ của chính mình. Chỉ bằng phương pháp số học, tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an đã thống kê sơ bộ được rằng: Riêng chiến tranh biên giới năm 1979, Trung Quốc đã tung ra từ 600 - 800 tin bài để xuyên tạc đó là cuộc chiến tranh "tự vệ đánh trả Việt Nam". Đài truyền hình Phượng Hoàng, nhờ chiến dịch xuyên tạc, bóp méo lịch sử dày đặc, hiếu chiến, mà khi thăm dò dư luận, gần 90% độc giả Trung Quốc được thăm dò nói rằng “muốn dạy cho Việt Nam một bài học” khi Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Câu chuyện "Tăng Sâm giết người" ngày xưa đã được bộ máy tuyên truyền ấy vận dụng một cách nham hiểm. Tăng Sâm, người thời Xuân Thu, học trò Khổng Tử, là một hiền nhân. Có kẻ khác cũng tên là Tăng Sâm phạm tội sát nhân, người dân chạy đến nhà mẹ của "Tăng Sâm hiền nhân" báo tin con trai bà đã giết người. Hiểu tính con, người mẹ không tin, điềm nhiên ngồi dệt cửi. Lại có người thứ hai chạy đến báo Tăng Sâm giết người, bà vẫn điềm nhiên ngồi dệt cửi. Nhưng rồi khi người thứ ba đem tin dữ đến, bà mẹ tin con nhất mực ấy đã sợ hãi quăng cả con thoi và khung cửi trèo tường chạy trốn. Với những xuyên tạc thành hệ thống, xuyên tạc nhất quán từ sách giáo khoa đến thời sự hàng ngày, xuyên tạc kéo dài nhiều thập niên, thì chuyện biến đen thành trắng ngay trong nhận thức của nhiều người dân Trung Quốc, cũng không có gì khó hiểu. Nhưng tiếc rằng, thế giới hôm nay không phải là không gian hoang đường của truyện Tây Du Ký – nơi mà yêu tinh có thể biến hóa muôn hình vạn trạng để che đi cái lốt thật gớm ghiếc của mình. Sự dối trá, dù ngụy trang kỹ đến đâu, cũng sẽ bị phơi bày. Cổ nhân Trung Hoa có câu rất hay: "Hoàng thử lang cấp kê bái niên, một an hảo tâm" (tạm dịch nghĩa: Chồn cáo đến chúc tết gà, giả vờ thân thiện để rắp tâm ăn gỏi). Những kẻ tham lam, dù mồm luôn "hảo hảo" thì cũng lòi đuôi chồn cáo. Họ sẽ trả lời ra sao trước những câu hỏi đơn giản nhất: Ai đang làm biển Đông nổi sóng? Ai sáng tạo ra con bò quái thai nhất trong lịch sử nhân loại khi có cái lưỡi u bướu phì đại khổng lồ chực la liếm chủ quyền của bao nhiêu nước trên biển Đông? Ai khiến những người láng giềng khác luôn cảm thấy bất an từ những đòn “biến hóa khôn lường”: Tận thu, tận diệt từ con đỉa, cái móng trâu, đuôi bò, cây thuốc quý đến tài nguyên khoáng sản...? Ai đã tận dụng mọi cơ hội có thể để khuếch trương vị thế cường quốc, đe nẹt thế giới? Thậm chí, con tàu sân bay đã trở thành phế liệu cũng được biến thành một “con ngoaó ộp quân sự” để răn đe bè bạn. Người Trung Hoa luôn giương khẩu hiệu: "Tứ hải giai huynh đệ" (bốn biển đều là  anh em). Ngày hôm nay, bên cạnh những người Trung Hoa tốt, nhiều kẻ khác đang âm thầm và công khai biến câu thành ngữ hoà hiếu, nghĩa hiệp ấy thành câu: "Tứ hải giai...cừu địch".  Chủ nhà hàng xúc phạm Việt Nam nói trên, đã lộ nguyên hình là một trong số đó - một "người Trung Quốc xấu xí điển hình". Người xấu mà tự biết mình xấu thì còn biết tìm cách sửa chữa cái xấu. Người xấu không biết mình xấu thì không những nhan sắc ngày càng thảm hại mà còn có rất nhiều chiếc gương vô tội bị đập vỡ. Mà thực tế vốn khác xa với thành ngữ, gương đã vỡ thì không bao giờ có thể lành lại như xưa được.

LTS: Kính mời Quý độc giả bấm vào đây để chia sẻ, góp ý, bình luận về bài viết và vấn đề này theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Chỉ trong vài ngày, bốn tấm ảnh được đăng trên Facebook của bà, với chú thích là “kỳ thị nhuốm màu chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, đã được hơn 3.500 người chia sẻ cùng hàng ngàn người theo dõi và bình luận - điều chưa từng có với Facebook của nữ họa sĩ này.

Bà Tang, 44 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, hiện đang sống ở New York (Mỹ). Bà là một họa sĩ và một tác gia. Trả lời Tuổi Trẻ qua Skype và email, bà Tang giải thích: “Tôi đưa các tấm ảnh lên Facebook vì tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải vạch trần điều này”.

“Tôi quá chán ghét những lời to tát giả vờ yêu nước cùng mang tính kỳ thị kiểu vậy ở Trung Quốc và không còn muốn nghe thêm nữa. Tôi bị sốc vì sự kỳ thị trắng trợn đến như vậy”.

Bùi Hải