Ai “chở mùa hè của tôi đi đâu?”

07/06/2019 07:00
TRƯỜNG SA ĐÔNG
(GDVN) - Kỳ nghỉ hè của giáo viên đã không còn “tồn tại” trong suy nghĩ của nhiều người. Có khi công việc trong hè còn nhiều vất vả hơn trong năm học chính khóa.

LTS: Đặt ra câu hỏi "Ai “chở mùa hè của tôi đi đâu?”, tác giả Trường Sa Đông cho rằng, kỳ nghỉ hè của giáo viên đã không còn “tồn tại” trong suy nghĩ của nhiều người trong nhiều năm qua. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.                            

Đó là một câu hát trong bài hát “Phượng hồng”, nguyên văn là: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”.

Nay vận dụng câu hát này vào việc nghỉ hè của giáo viên thì quả đúng như vậy!

Ai “chở mùa hè của tôi đi đâu?”, vì kỳ nghỉ hè của giáo viên đã không còn “tồn tại” trong suy nghĩ của nhiều người trong nhiều năm qua. Có khi công việc trong hè còn nhiều vất vả hơn trong năm học chính khóa.

Giáo viên có được nghỉ hè đúng nghĩa? (Ảnh minh họa: vov.vn).
Giáo viên có được nghỉ hè đúng nghĩa? (Ảnh minh họa: vov.vn).

Cuối tháng 5 tổng kết năm học. Theo “lịch trình” học sinh nghỉ học thì thầy cô nghỉ dạy! Nhưng không, giáo viên còn phải vào học bạ, viết lời phê cho xong.

Tiếp đó là họp thi đua, kiểm điểm, bình chọn, bình bầu, bỏ phiếu các danh hiệu thi đua cuối năm… để báo cáo kịp thời lên cấp trên. Nhiều trường họp sáng, họp chiều, có khi họp cả tối mới hoàn tất công việc này.

Theo quy định là giáo viên được nghỉ hè ba tháng trọn vẹn (tháng 6, 7, 8) nhưng trên thực tế hầu như không nghỉ.

Chưa hết, bên cấp sở, cấp phòng còn “lên lịch” tập huấn, hội nghị đủ thứ (chuyên môn, Đoàn, Đội, phòng chống ma túy, đuối nước, học bồi dưỡng chính trị hè…) trong tháng tám. Mỗi kỳ tập huấn thường ba, bốn ngày hoặc một tuần…

Công việc, dự kiến du lịch, nghỉ ngơi, về thăm quê của giáo viên (nếu ở xa) đều bị đảo lộn, cắt vụn, không đâu vào đâu cả. Chỉ riêng chuyện dự các lớp tập huấn, các hội nghị này đã chiếm mất nhiều thời gian.

Những giáo viên sợ… nghỉ hè

Các trường chuyên thì tham dự “Trại hè phương Nam” vào dịp hè nên thầy cô cũng phải tháp tùng; vừa giao lưu, học hỏi vừa phụ trách các em học sinh đi dự trại hè (có thi, thăm quan…).

Đến nửa đầu tháng tám đã rục rịch tựu trường, giáo viên phải vào trường nhận lớp, hướng dẫn học sinh lao động, làm vệ sinh trường, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới.

Thế là “xong” ba tháng hè, tưởng chừng chín mươi ngày thư giãn, nghỉ ngơi nhưng ngày nghỉ thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.

Sự quan tâm đến nhà giáo cần có một sự thống nhất, quán triệt từ cấp cao nhất đến cơ sở. Nếu chỉ nói, chỉ hô hào thì sự quan tâm chẳng có ý nghĩa.

Cụ thể việc nghỉ hè, quyền lợi chính đáng của giáo viên mà còn bị cắt xén, bị “nâng lên đặt xuống”. Nó trở thành “xa xỉ” đối với giáo viên, người quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục… 

TRƯỜNG SA ĐÔNG