Ai làm được, em xin bỏ nghề!

22/12/2018 07:53
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - N. nói “em bó tay chấm com rồi thầy ạ, sinh hoạt đầu giờ, em theo lớp từ đầu đến cuối, vậy mà anh em nhà A. mở mồm là nói tục, ai làm được, em xin bỏ nghề!”.

LTS: Chia sẻ câu chuyện về kinh nghiệm giúp học sinh hạn chế tật "nói tục, chửi bậy", thầy giáo Sơn Quang Huyến nhấn mạnh đến sự nêu gương của gia đình và lòng yêu thương của thầy cô trong việc giáo dục trẻ nhỏ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện lớp cô giáo N. từ đầu năm đến giờ luôn xếp hạng chót thi đua của trường làm rất nhiều người băn khoăn, trong đó có tôi.

N. là cô giáo năng nổ, nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, làm chủ nhiệm hàng chục năm rồi, nhận không ít cờ tiên tiến của trường, về công tác chủ nhiệm.

Tại sao vậy? Có phải nhiệt huyết của cô giáo đã giảm? Có phải ai đó “ghen ăn tức ở” mà hãm hại cô giáo? Có phải do “quyền lực” của sao đỏ đã tác động đến thi đua của lớp cô giáo?

Tôi gọi N. vào phòng trao đổi, N. nói “em bó tay chấm com rồi thầy ạ, sinh hoạt đầu giờ, em theo lớp từ đầu đến cuối, vậy mà anh em nhà A. mở mồm là nói tục, ai làm được, em xin bỏ nghề!”.

Mở nhật kí sao đỏ theo dõi lớp 6A4, lớp của N. chủ nhiệm, chi chít lỗi vi phạm của hàng chục học sinh, mẫu số chung là nói tục. Tôi ghi địa chỉ, số điện thoại của các học sinh có tần suất vi phạm cao, báo N. cùng đến nhà các em tìm hiểu.

Ảnh minh họa: Vov.vn
Ảnh minh họa: Vov.vn

Vào nhà học sinh A, T.(A. và T. anh em sinh đôi) đầu tiên, bố mẹ em tử tế, mời thầy cô vào nhà, uống được tuần trà, N. đặt vấn đề với gia đình về vi phạm của A.T., bố A. xoa tay xin lỗi cô giáo, mặt đỏ tía, và nói:

Đ.. m.., cô giáo à, cái thằng này tôi nói rồi, đ.. m.., đến trường không được hỗn, nói bậy với bạn bè, đ.. m.., trưa nay về tôi đánh cho tét mông mới được. Đ.. m.., xin lỗi thầy cô ạ.

Mặt N. tái mét, không còn giọt máu, rối rít xin lỗi chủ nhà, ra về. Tôi dẫn N. vào gặp bác trưởng thôn, tôi quen từ lâu. Kể lại chuyện vào nhà bố của A.T., ông cười ha hả:

Vừa ăn chửi về đấy à? Của đáng tội, nhà đó mới về đây mấy tháng, đất lề, quê thói, mở môm là đ.. m.., chứ tử tế lắm đó.

Hồi trước tôi cũng giận lắm, sau tìm hiểu mới biết, góp ý nhiều rồi, vẫn chưa sửa được bao nhiêu.

Ai làm được, em xin bỏ nghề! ảnh 2Nam sinh chửi bậy, bóp cổ cô giáo trong lớp ở Bến Tre bị đình chỉ học 1 năm

Đang nói chuyện, bố A. chạy vào, mặt ỉu xìu “ em, …em xin lỗi, cứ giận một chút, em lại nói bậy. Muốn sửa tật này cho cả nhà, mà không biết sao, khó sửa quá.”.

Tôi bảo N. ra tiệm tạp hóa mua ba chục cái bóng bay cùng mớ dây thun, cây viết lông, quay lại nhà A., thổi căng, cột vào nhiều vị trí trong nhà, trên mỗi quả bóng đều viết chữ Đ..M ; nói với bố của A.:

“Người lớn trong nhà, ai kìm chế được một lần không nói tục, bóp bể một trái bóng, nếu không thì mua mười trái, cột thêm; hết tuần sau thầy ghé kiểm tra nhé”.

Quả nhiên, tuần sau, lỗi vi phạm nói tục của anh em nhà A.T. giảm hẳn. N. gặp tôi, cảm ơn rối rít.

Cha mẹ, thầy giáo đầu tiên của học trò; giáo dục quan trọng nhất là nêu gương. Cha mẹ làm gương sửa đổi, con cái ắt học tập.

Thói quen không để ở nhà, nó theo đến trường đến lớp. Trong lớp của A. có trang trí nhiều bóng bay, vì thế cái bóng bay đã chắp cánh hành vi đẹp cho các em, không nói tục nữa.

Muốn con cái có hành vi đẹp khi ra khỏi nhà, không ai khác, cha mẹ phải làm gương; làm gương từ lời ăn, tiếng nói, biết cảm ơn khi ai giúp đỡ, biết xin lỗi khi làm ai phật lòng. Lời ăn tiếng nói có văn hóa đó giúp con cái vào đời suôn sẻ, cha mẹ hạnh phúc.

Với giáo viên, chuyện nói tục của học trò có gì ghê gớm, giáo viên “giáo dục” bằng hành vi phi nhân tính, để lại kí ức kinh hoàng cho các em.

Lòng yêu thương, ta sẽ tìm ra phương pháp tốt nhất cho học trò; mai này các con trưởng thành, kể lại kỉ niệm mến yêu về trường, về lớp, có tên thầy, tên cô với kí ức đẹp, có hạnh phúc nào hơn?

Sơn Quang Huyến