Âm mưu phía sau việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 trở lại Biển Đông

27/06/2015 05:42
QUỐC TOẢN
(GDVN)-Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 trở lại Biển Đông là cách họ “bẫy” dư luận trong việc thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại các khu vực chiếm đóng phi pháp.

Thông tin từ Cục an toàn Hàng hải của Trung Quốc, giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) đã quay trở lại biển Đông và sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại phía tây bắc Hoàng Sa.

Vị trí (có tọa độ 17 độ 3, 75 phút kinh Đông; 109 độ 59,05 phút vĩ Bắc) này thuộc vùng biển phía nam cửa vịnh Bắc Bộ và phía tây tây bắc quần đảo Hoàng Sa.

Cũng theo thông báo này, giàn khoan HD 981 sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại đây từ ngày 25/6 đến ngày 20/8/2015.

Cục an toàn hàng hải của Trung Quốc yêu cầu tàu bè di chuyển trên vùng biển này tránh xa vị trí giàn khoan HD 981 từ 2 km trở lên để đảm bảo an toàn cho hoạt động thăm dò dầu khí của giàn khoan.

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc (ảnh: Zing)
Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc (ảnh: Zing)

Tại sao Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 trở lại Biển Đông? 

Hôm 26/6, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, đây tiếp tục là âm mưu nguy hiểm của Trung Quốc trong việc hợp thức hóa chủ quyền phi pháp của họ tại vùng biển này.

“Phải xác định rõ, vị trí trên thuộc vùng biển chồng lấn giữa hai nước, đang trong

Âm mưu phía sau việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 trở lại Biển Đông ảnh 2

"Biển Đông là vấn đề chung của hơn 90 triệu dân Việt Nam"

quá trình thỏa thuận để hoạch định ranh giới.

Do đó Trung Quốc không có quyền tự ý (đơn phương) hạ đặt gian khoan thăm dò dầu khí tại khu vực này nếu chưa có sự thỏa thuận rõ ràng từ các bên có liên quan.

Trong trường hợp nếu hai bên chưa đi đến thống nhất lâu dài về việc hoạch định ranh giới trên biển tại khu vực chồng lấn, thì có thể áp dụng biện pháp tạm thời là thỏa thuận, đưa ra giải pháp tạm thời để hợp tác cùng phát triển.

Do đó, việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD 981 để tiến hành thăm dò tại vùng biển chồng lấn này, hay thực hiện bất kỳ một hoạt động nào khác mà không có sự thỏa thuận (nhất trí) từ phía nước có liên quan là vi phạm luật pháp quốc tế.

Đó là chưa nói đến việc Trung Quốc tự ý, áp đặt “chủ quyền” phi pháp tại các vị trí thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam", Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích.

Tiến sĩ Trần Công Trục cũng đưa ra quan điểm, việc Trung Quốc yêu cầu tàu bè di chuyển trên vùng biển này tránh xa vị trí giàn khoan HD 981 từ 2 km trở lên là đề nghị hoàn toàn vô lý.

“Theo quy định về luật biển, đối với các hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thì hoạt động (thi công, thăm dò...) được phép cách khu vực hoạt động là 500m, chứ không phải 2 km như cách tuyên bố của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là khu vực chồng lấn nên Trung Quốc càng không có quyền áp đặt "lệnh cấm" vô lý như vậy.

Do đó, Trung Quốc với những tuyên bố và hành động đơn phương nêu trên là hoàn toàn sai trái", Tiến sĩ Trần Công Trục chỉ rõ.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Công Trục, những động thái này từ phía Trung Quốc đều nằm trong sự tính toán của chúng ta. Việt Nam và các nước có liên quan cần hết sức cảnh giác trước những động thái này từ phía Trung Quốc.

“Đây là mũi tiến công tiếp theo của Trung Quốc nhằm hợp thức hóa các yêu sách vô lý, phi pháp của họ trên Biển Đông. Chúng ta cần cảnh giác trước những hành động này.

Nếu chúng ta không cẩn thận, sẽ mắc mưu Trung Quốc.

Âm mưu phía sau việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 trở lại Biển Đông ảnh 3

Ts Trần Công Trục: Trung Quốc tuyên bố sắp kết thúc bồi lấp bản chất là gì?

Bởi nếu nghĩ khu vực chồng lấn này nằm ngoài vùng biển Việt Nam thì đây là điều nhầm lẫn tai hại. Chúng ta có quyền và lợi ích trong khu vực này.

Mặt khác đây cũng là cái cớ để Trung Quốc “gạt” vấn đề Hoàng Sa khỏi tranh chấp trên bàn đàm phán giữa các bên. Đồng thời đánh lạc hướng dư luận trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Hướng các nước vào việc thừa nhận chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại các vị trí đã chiếm đóng.

Tóm lại những hoạt động phi pháp của Trung Quốc nói trên đều nhằm khẳng định yêu sách, chủ quyền phi pháp của họ tại Biển Đông".

Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng , Việt Nam cũng như các nước có chung lợi ích trên Biển Đông cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong các hoạt động đấu tranh (pháp lý) nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo, ổn định tình hình khu vực và thế giới…

QUỐC TOẢN