App giải bài tập thách thức các thầy cô lấy đề kiểm tra trực tuyến trên mạng

20/12/2021 06:36
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vũ khí giúp học sinh “cân” các môn kiểm tra trắc nghiệm, đó chính là app giải bài tập. Chỉ cần tải app về điện thoại, vài thao tác đơn giản, có ngay kết quả.

Phần lớn các địa vì dịch Covid-19 nên phải dạy trực tuyến và kiểm tra đánh giá định kì cũng bằng hình thức trực tuyến.

Trong lúc dư luận lo ngại về chất lượng học trực tuyến thì một số đồng nghiệp lại tỏ ra rất khả quan về kết quả kiểm tra trực tuyến giữa kì I vừa qua.

Cô giáo M. (xin giấu tên) dạy Toán lớp 9 chia sẻ: “Vừa qua trường em tổ chức kiểm tra giữa kì I trên Azota, phần lớn các môn ra 100% đề trắc nghiệm.

Thật mừng, kết quả kiểm tra ngoài mong đợi, phần lớn học sinh làm bài rất tốt. Điều đặc biệt, những câu hỏi nâng cao, do em tự ra đề, số học sinh làm được ít hơn nhiều”.

Nhiều giáo viên khác cũng có chia sẻ tương tự, học sinh làm bài kiểm tra trực tuyến rất tốt, dù lực học, đánh giá thường xuyên không tương xứng.

Với kiểm tra trên Azota, sau khi kết thúc, giáo viên chỉ cần trích xuất kết quả là có ngay điểm, câu nào sai, câu nào đúng của từng học sinh.

Vì thế, nhìn vào thống kê, giáo viên có thể biết được số học sinh làm đúng, hay sai của từng câu hỏi; qua đó có kế hoạch bổ sung kiến thức cho học sinh.

Học trực tuyến nhưng điểm kiểm tra cao phải chăng do… chất lượng giáo dục?

Người viết đã tìm hiểu thực tế, phát hiện ra “chiêu trò” của học sinh, một học sinh đạt điểm cao, còn “hùng hồn” tuyên bố: “Em “cân” các môn kiểm tra trắc nghiệm luôn đó thầy”.

Vũ khí giúp học sinh “cân” các môn kiểm tra trắc nghiệm, đó chính là app giải bài tập. Học sinh chỉ cần tải app về điện thoại, vài thao tác đơn giản, có ngay kết quả khi kiểm tra trực tuyến.

Người viết thử trải nghiệm làm kiểm tra trực tuyến bằng app, môn Hóa học, một môn “ngoại đạo” của mình, xem thực hư ra sao, kết quả ngoài mong đợi, đúng là “cân” được môn Hóa học!

Ảnh chụp màn hình sử dụng app để giải bài tập trắc nghiệm trực tuyến môn Hóa học

Ảnh chụp màn hình sử dụng app để giải bài tập trắc nghiệm trực tuyến môn Hóa học

Theo anh Đoàn Anh Quân, chuyên viên của Công ty công nghệ giáo dục Manabie Việt Nam: “Các app có thể đưa ra câu trả lời nhanh chóng trong vài giây là nhờ vào AI được “huấn luyện” chuyển hình ảnh thành text (văn bản) rồi tự động tìm đáp án phù hợp”.[1]

Điểm kiểm tra trực tuyến cao, có thể do chất lượng dạy trực tuyến tốt, đề kiểm tra giáo viên ra phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, thế nhưng, cũng không loại trừ học sinh đã “lạm dụng” app giải bài tập vào kiểm tra… đã vô hình trung “nâng cao” chất lượng.

Làm sao để kiểm tra trực tuyến vẫn có kết quả thật?

Một giáo viên dạy Tin học (xin giấu tên) cho biết, các app chỉ cho kết quả nhanh, chính xác với các câu hỏi trắc nghiệm có sẵn trên mạng Internet hoặc tương tự để đưa ra đáp án hoặc lời giải.

Nếu giáo viên ra đề mà cứ tải đề trên mạng về không chỉnh sửa gì, học sinh sử dụng app sẽ làm đúng hết đáp án. Nếu có chỉnh sửa, app không đưa ra kết quả chính xác, muốn có kết quả, học sinh cũng phải biết cách chọn, có kiến thức bộ môn.

Người viết đã đề nghị giáo viên môn Hóa học ra 30 câu trắc nghiệm, 15 câu lấy trên mạng, không chỉnh sửa, 15 câu giáo viên tự ra, làm 1 đề thi trên Azota, người viết thi thử.

Kết quả app lựa chọn đúng 15 câu hỏi có sẵn trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Kết quả app lựa chọn đúng 15 câu hỏi có sẵn trên mạng. (Ảnh chụp màn hình)

Kết quả app lựa chọn đúng 15 câu hỏi có sẵn trên mạng nhanh chóng, còn 15 câu do giáo viên ra đề, app không chọn được, người viết đã chọn sai hoàn toàn.

Như vậy, để chống lại “chiêu trò” của học sinh sử dụng app giải bài khi kiểm tra trực tuyến không khó; giáo viên phải tự ra đề kiểm tra của môn mình phụ trách, tuyệt đối không “sao y bản chính” các đề thi, câu hỏi trắc nghiệm đã có sẵn trên mạng.

Giáo viên thêm vất vả khi ra đề kiểm tra, nhưng kết quả kiểm tra thu được là thật, đánh giá đúng chất lượng dạy học, kết quả học tập của học sinh; đảm bảo công bằng giữa các học sinh, góp phần xây dựng nền giáo dục thật.

Không thể cấm học sinh tải và sử dụng app giải bài tập, trong kiểm tra trực tuyến, thực tế, khó có thể phát hiện học sinh sử dụng app; chỉ còn cách giáo viên trung thực khi ra đề, đề kiểm tra phải là của giáo viên.

Kiểm tra trực tuyến là phép thử lòng trung thực của học sinh và của cả giáo viên, giáo viên trung thực khi ra đề bằng trách nhiệm của mình, học sinh chỉ có thể trung thực khi làm bài bằng năng lực của mình.

Giáo viên trung thực là đang gieo sự trung thực, tử tế vào học sinh.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/hoc-sinh-dung-ung-dung-giai-bai-tap-con-dao-2-luoi-post1409116.html

Nguyễn Nhật Minh