Bài bạc: "Thuốc" gây nghiện của sinh viên

08/06/2012 14:54
Lê Nga, Báo in K30a1
(GDVN) - Bài bạc đã trở thành một “phong trào kiếm tiền” của giới trẻ hiện nay. Nhưng, đằng sau xới bạc là những câu chuyện "dở khóc dở cười".
Ghé qua một quán trà sữa M. ở ngõ Quan Thổ 1, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội vào những buổi chiều, thật ngạc nhiên vì những học sinh Trường THPT Đống Đa đang giết thời gian bằng cách chìm trong “kiếp đỏ đen”.

Phong trào… kiếm tiền lẻ

Trong khi các học sinh đang chăm chú nghe giảng, thì một số học sinh khác lại vùi mình trong quán nước để sát phạt nhau bằng lá bài đỏ đen. Hình ảnh các nam thanh, nữ tú cầm bộ bài trên tay, tiếng đập bàn, tiếng cười đùa, hò hét ầm ĩ, cùng tiếng chửi thề khiến những người chứng kiến cảnh tượng ấy không khỏi khó chịu.
Đối tượng giờ đây không chỉ còn là những nam sinh, mà các nữ sinh cũng khẳng định vị trí của mình ở các "sòng bài mi ni” này. Ngồi quay tròn bên chiếc bàn kế sát bàn của tôi là 5 học sinh “tự cho phép mình nghỉ” để giải khuây sau những giờ học vất vả. Ba nữ và một nam đang trực tiếp sát phạt nhau, còn lại một nữ sinh do thừa “chân” nên đã trở thành thư kí nhanh nhẹn, đồng thời là cổ động viên tích cực hết mình. Họ chơi tá lả theo quy luật “tái, gửi, ù, đền” rất chuyên.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài việc tập trung đánh bài thì tiếng cười đùa, văng tục chửi bậy từ những câu chuyện trên trời dưới đất đều được họ lôi ra “chém gió” thành bão. Thắng thì “hên” còn thua thì coi như hôm nay “xui”. Chuyện mê tín cũng được những “bác thằng bần” này lôi vào sòng bài. Những câu nói “đen tình đỏ bạc” hay “thất không cất trong nhà”… được nói ra là chuyện hết sức bình thường.
Không chỉ phục vụ đồ ăn, thức uống, âm nhạc… quán trà sữa M. đã “vô tình” trở thành "casino" lý tưởng của học sinh quanh khu vực này. Cô bán hàng trẻ trung, nhiệt tình, ngay cả việc cung cấp bộ tú lơ khơ cũng đầy đủ cả, không thiếu thứ gì, chỉ cần gọi vài cốc nước, mấy đồ ăn vặt là có thể “chiếm lĩnh” nơi đây đến lúc tan học. 
Có nhiều người chỉ chơi vui, mang tính giải trí. Song trò chơi ăn thua này đã trở thành một “phong trào kiếm tiền” của nhiều bạn trẻ hiện nay. Sinh viên cũng là một đối tượng điển hình. Hiện nay, nhiều quán café ở khu vực các trường đại học đã dần trở thành những “đấu trường” casino của rất nhiều sinh viên.
Phòng trọ là địa điểm lý tưởng của những kẻ ham trò đỏ đen. Đ.T.N.L - sinh viên một trường đại học ở quận Cầu Giấy cho biết: “Ban đầu chúng mình chỉ chơi vui, chơi bài sai vặt nhau, ai thua thì làm theo mệnh lệnh của người thắng. Nhưng chơi mãi trò đấy cũng chán, chúng mình bắt đầu chơi tiền và giờ thì thành thói quen rồi, cứ mỗi lần ra chơi chúng mình lại tranh thủ kiếm ít tiền gửi xe”.
Ngoài quán café, trường học… thì phòng trọ lại là “thiên đường” của những con ma cờ bạc. Không đâu bằng nhà mình, an toàn và tự do mà không vướng mắc điều gì. P.T.D. - sinh viên trường Học viện Hành chính tâm sự: “Phòng em chỉ chơi bài đến tầm 12 giờ hoặc 1 giờ thôi vì phải đi học sáng, nhưng những hôm “máu lửa” thì ngồi đến sáng. Chỉ cần alo “ngoại giao” tốt với lớp trưởng hoặc cán bộ lớp là có ngay tên trong danh sách điểm danh thôi mà”.
Những thành tựu của “phong trào kiếm tiền lẻ”
“Cờ bạc là bác thằng bần”. Khi sinh viên chơi cờ bạc, dù thắng hay thua thì chung qui lại họ đều mất. Cái mất ở đây không phải là mấy đồng tiền lẻ, mà là những cái rất lớn: thời gian, sức khỏe, kiến thức và đạo đức con người…

Sức khỏe giảm sút, tình trạng mệt mỏi do mất ngủ dễ thấy ở các sinh viên thời nay. Nhiều sinh viên đến lớp gục mặt xuống bàn ngủ “ngon lành”. Bài giảng bỏ ngoài tai, kiến thức từ đó cũng trôi dạt. Học hành sa sút, kết quả yếu kém đó là những hậu quả của “phong trào kiếm tiền lẻ” này để lại. “Tha hóa đạo đức” cũng từ bài bạc mà ra. Hiện tượng cầm đồ, lừa đảo để trả nợ vì thua bài bạc ở học sinh, sinh viên hiện nay đã không còn xa lạ.
Vẫn biết điều đó là sai trái nhưng tuổi trẻ thời nay vẫn ra sức thúc đẩy “phong trào” này. Vấn đề đặt ra ở đây là giáo dục đạo đức. Điều này đòi hỏi gia đình, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đẩy lùi tình trạng này.
Lê Nga, Báo in K30a1