Bài thơ ca ngợi tàu cá 96382 bị Trung Quốc bắn cháy rụi cabin

06/04/2013 07:29
Hoàng Dân
(GDVN) - Một trong 2 bài thơ thầy Hoàng Dân đề trang trọng: Kính tặng tàu cá QNg 96382 TS (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cùng thuyền trưởng Bùi Văn Phải và thuyền viên Phạm Quang Thạnh...
LTS: Đến lúc này có thể khẳng định, những bức thư của học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc đã và đang khơi gợi cảm hứng yêu nước lớn chưa từng có trong nhiều giới. Tình cảm dâng trào, rất nhiều bạn đọc đã gửi thơ, văn liên quan đến chủ quyền biển đảo về cho Tòa soạn. Đặc biệt trong đó có cả người thầy của cô giáo ra đề bài Đặng Nguyệt Anh. Thầy Hoàng Dân, nguyên Chủ nhiệm khoa năng khiếu, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, gửi 2 bài thơ dạt dào cảm xúc: Những màu đỏ, Nếu không có biển.

Anh Bùi Văn Phải bên lá cờ Tổ quốc cắm lại trên nóc tàu bị bắn cháy. Ảnh: Tiền Phong.
Anh Bùi Văn Phải bên lá cờ Tổ quốc cắm lại trên nóc tàu bị bắn cháy. Ảnh: Tiền Phong.

NHỮNG MÀU ĐỎ

Kính tặng tàu cá QNg 96382 TS (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cùng thuyền trưởng Bùi Văn Phải và thuyền viên Phạm Quang Thạnh

Chiếc tàu cá mỏng manh
Can trường đè sóng dữ
Nghìn đời nay vẫn thở
Bằng hào khí cha ông

Đất Nam thì vua Nam ở (*)
Biển Nam thì dân Nam đánh cá
Cớ sao có kẻ manh tâm
Giở thói côn đồ, hải tặc?
                    *
Chiếc tàu cá mỏng manh
Chở theo những ngư dân quả cảm
Tay không đối mặt bao họng súng kẻ thù
Giữ lá cờ bằng máu đỏ trong tim

Lá cờ đỏ ngời lên trong lửa đỏ
Ngạo nghễ, thiêng liêng cột mốc chủ quyền
Bên những chàng trai thô ráp lành hiền
Giương cao lá cờ như một đức tin
                     *
Chiếc tàu cá mỏng manh
Treo cờ đỏ ra khơi
Lá cờ đỏ tươi màu máu
Mặc cho lửa ác đỏ trời...

Thạch Bàn, 29.3.2013

(*) Lấy ý của câu thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” trong bài thơ “Thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt.
 
NẾU KHÔNG CÓ BIỂN

Nếu không có biển thì không có cuộc chia tay huyền thoại
của 50 người con lên rừng và 50 người con xuống biển
người lên rừng thì toả xuống đồng bằng trồng lúa, làm nhà
dựng đình, chùa và đặt ra lễ nghi, phong tục
người xuống biển thì đóng thuyền đánh cá ra khơi
lập đền thờ Cá Ông thấm đẫm hồn thiêng lễ hội
trăm người con cứ nhẫn nại sinh sôi
trên dải đất có dáng hình cong cong như hàng mi không chớp
nghìn năm qua vẫn đau đáu dõi biển Đông
những giọt lệ ngóng chồng, đợi cha
đuổi theo những con tàu ngoài khơi xa biền biệt
vì mưu sinh và cũng vì phên giậu cõi bờ
 
Nếu không có biển thì cũng khó biết ta là ai
giữa trùng khơi luôn thất thường bão tố
những hiểm nguy rình rập đêm ngày
biển cho đôi bàn tay những lớp chai dày
những thớ thịt trụi trần rám nắng
những ánh mắt khát khao cháy bỏng
những bền gan đè sóng ra đi
không đầu hàng sau mỗi cuộc chia li
dẫu nhiều lần trắng tay vẫn không rời bể
những chiến binh cảm tử với ngư trường

Nếu không có biển thì đất nước sẽ nghèo đi biết bao
khi thiếu những tên người, tên đảo từ thời vua Lê, chúa Nguyễn
một đảo Lý Sơn với những ngôi mộ gió
những lễ khao lề gọi vong lính Hoàng Sa
một đảo chìm Gạc Ma với vòng tròn bất tử
máu loang đại dương đau đớn vỗ vào bờ
một Côn Sơn với anh linh người liệt nữ (1)
khiến kẻ thù cũng phải thành tâm làm bia mộ dâng hương
một biển Đông mênh mông vẫn sừng sững một con đường
với những cái tên Phan Vinh (2) , Văn Hiệu (3)...

Nếu không có biển thì tâm hồn ta sẽ nghèo đi biết bao
khi thiếu những câu thơ mặn mòi sóng gió:

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu (4)…
…    


Nếu không có biển thì chỉ còn sa mạc mênh mông
không có những buồn vui kiếp người thăng trầm cùng sóng vỗ
những giọt nước mắt
dù chân thành
khổ đau và thương nhớ
cũng nhạt đi
và lạnh lẽo,
vô hồn...

3.2011-3.2013

Chú thích:
1. Viên thiếu tá nguỵ Tăng Tư, chúa đảo Côn Sơn (1966-1968) đã đặt làm một tấm bia bằng đá cẩm thạch rất đẹp ở Chợ Lớn, đưa ra Côn Sơn, long trọng làm lễ đặt bia, dâng hương tại ngôi mộ của Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu.
2,3. Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu là những người anh hùng đã hi sinh cùng những con tàu chở vũ khí vào chiến trường miền Nam thời kì chống Mĩ, trên con đường huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
4. Trích trong bài thơ “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh.

Hoàng Dân