Bài toán cung cầu giáo viên chưa được tính toán khoa học theo Nghị định 116

12/01/2022 06:46
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh: "Tổng cầu nhân lực giáo viên – tổng chỉ tiêu đào tạo tương ứng – tổng cung nhân lực giáo viên chưa được thiết kế một cách khoa học".

Tại buổi làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên vào ngày 15/10/2021, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, năm 2021, tình hình tuyển sinh sư phạm rất khả quan, kết quả đáng khích lệ so với những năm trước cả về số lượng và chất lượng tuyển sinh. [1]

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên các trường đào tạo giáo viên thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP “Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, thực tiễn triển khai nghị định này còn lúng túng, khó khăn về cả phía các cơ sở đào tạo và phía các địa phương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tiền Giang nói rằng, Nghị định 116 đã bước đầu thực hiện được mục tiêu thu hút nhiều người học, trong đó có nhiều người giỏi vào ngành sư phạm, điều này đã được chứng minh ở mùa tuyển sinh năm 2021 vừa qua.

Đây là yêu cầu hết sức cần thiết và quan trọng, nhằm đảm bảo sự nghiệp giáo dục phổ thông với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thành công. Kể từ năm 2025 trở đi, thế hệ sinh viên sư phạm được đào tạo theo Nghị định 116 sẽ hứa hẹn đáp ứng tốt hơn nhu cầu đội ngũ cho ngành giáo dục.

Tuy nhiên, xét về mục tiêu giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ thì vẫn còn khó khăn do bài toán cung cầu chưa được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, Nghị định 116 đã thực hiện được mục tiêu thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, song cơ chế đặt hàng còn nhiều khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, Nghị định 116 đã thực hiện được mục tiêu thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, song cơ chế đặt hàng còn nhiều khó khăn. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho biết, Trường Đại học Tiền Giang là cơ sở đào tạo đa ngành, có khoa Sư phạm đang đào tạo giáo viên các ngành sư phạm Toán học, sư phạm Ngữ văn, Giáo dục tiểu học trình độ đại học và ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng .

Trong năm đầu tiên thực hiện Nghị định 116, nhà trường cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, khó khăn lớn nhất là trường chưa chính thức nhận được đơn đặt hàng nào theo Nghị định 116 trong khi sinh viên 04 ngành trên đã vào học gần hết học kỳ 1 theo chỉ tiêu tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, có ngành gần đạt chỉ tiêu, có ngành vượt chỉ tiêu.

Ngoài ra, đối với các ngành đào tạo giáo viên hiện nay, nhà trường chỉ tuyển các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Tiền Giang. Học phí của các sinh viên sư phạm từ nguồn ngân sách do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, phát tính trên số sinh viên trúng tuyển, nhập học trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao.

Cơ cấu ngành nghề đào tạo giáo viên chỉ đáp ứng một phần các ngành nghề theo nhu cầu tuyển dụng giáo viên của tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2021- 2023.

Năng lực đào tạo của 04 ngành nghề trên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các địa phương lân cận có nhu cầu như tỉnh Long An, Bến Tre.

Hiện tại, nhà trường cũng đang và sẽ phát triển thêm nhiều ngành đào tạo giáo viên cũng như tăng cường đội ngũ cho những ngành đang có, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu bổ sung nhân lực giáo viên cho tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh lân cận.

Cơ chế đặt hàng giáo viên còn khó thực hiện

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, nhiều trường đào tạo giáo viên cũng đã bày tỏ lo lắng khi các địa phương còn lúng túng, chưa hoặc không đặt hàng cho các trường.

Cơ chế đặt hàng còn nhiều khó khăn vì nhiều lý do như các địa phương hiện vẫn có thể tuyển dụng giáo viên từ nhiều nguồn thông qua kỳ thi tuyển viên chức dù không đặt hàng đào tạo giáo viên; nếu đặt hàng, ngân sách địa phương trước mắt phải dành một khoản chi khá lớn cho nhiệm vụ này. Khi đã đặt hàng rồi nhưng sinh viên tốt nghiệp ra trường không chất lượng, không đạt kỳ thi tuyển viên chức thì địa phương không thể tuyển dụng; Hoặc do năng lực cơ sở đào tạo không đáp ứng trọn gói đặt hàng cho nhu cầu nhân lực giáo viên của địa phương.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo khó có thể biết được số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành; số lượng sinh viên trúng tuyển vào từng ngành và đặc biệt có bao nhiêu thí sinh đồng ý về các điều kiện để được hưởng trợ cấp học phí và sinh hoạt phí. Việc này dẫn đến tình trạng chưa phù hợp giữa cung và cầu trong quá trình đặt hàng cho các trường nên địa phương chưa dám đặt hàng.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị định 116 là giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ hiện nay. Tuy nhiên, khi các địa phương không tính toán được nhu cầu tuyển dụng, không đặt hàng thì mục tiêu này vẫn khó đạt được.

Nguyên nhân là do bài toán cung cầu chưa được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến một lý do, có thể là lý do cốt lõi, đó là tổng cầu nhân lực giáo viên – tổng chỉ tiêu đào tạo tương ứng – tổng cung nhân lực giáo viên chưa được thiết kế một cách khoa học. Điều bất cập này được thể hiện ngay trong Khoản 2 Điều 3 của Nghị định 116: ‘Căn cứ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo công khai rộng rãi cho các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo giáo viên và thông báo lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên’.

Như vậy khi cơ sở đào tạo giáo viên đã thông báo công khai rộng rãi chỉ tiêu trong một khoảng thời gian nhất định mà các địa phương, tổ chức, cá nhân vẫn không đăng ký đặt hàng với nhiều lý do hoặc đăng ký không hết chỉ tiêu thì mục tiêu cân bằng cung cầu ở từng địa phương hay trên phạm vi cả nước một cách tương đối sẽ khó đạt được. Và thực tiễn cũng đang diễn ra như vậy”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh trăn trở.

Mặt khác, dù địa phương có đặt hàng cho các cơ sở đào tạo thì kết quả thống kê nhu cầu, đơn đặt hàng theo Nghị định 116 vẫn có sau thông báo xác định chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó dẫn đến tình trạng bất cập giữa nhu cầu tuyển dụng và năng lực đào tạo của các trường.

Ngoài ra các kế hoạch đặt hàng nếu làm gấp gáp có thể còn mang tính chủ quan, cảm tính, thiếu thông tin về cơ sở đào tạo và nguyện vọng của người học. Đây cũng là vấn đề đáng lo ngại trong công tác đào tạo giáo viên.

3 kiến nghị để thực hiện Nghị định 116 có hiệu quả

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh nêu ra ba kiến nghị để việc thực hiện Nghị định 116 hiệu quả, đạt được những mục tiêu đề ra.

Thứ nhất, cần điều chỉnh nội dung Điều 3 trong Nghị định 116 cho phù hợp thực tiễn, khả thi.

Cụ thể, lưu ý về tổng cầu, tổng chỉ tiêu tuyển sinh, phân phối chỉ tiêu và tổng cung. Trên cơ sở rà soát nhu cầu giáo viên các cấp trong tỉnh cho 4, 5, 6 năm sau, các sở giáo dục và đào tạo sẽ dự báo được nhu cầu giáo viên ở từng cấp học, từng môn học cụ thể trong từng tỉnh. Từ đó tổng cầu giáo viên chi tiết trong 4, 5, 6 năm tới trên toàn quốc sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê trên cơ sở dữ liệu từ 63 tỉnh thành.

Trên cơ sở tổng cầu giáo viên chi tiết trong 4, 5, 6 năm tới trên toàn quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo ước tính được tổng chỉ tiêu tuyển sinh chi tiết trong 1, 2, 3 năm tới tương ứng với hệ số đào tạo tốt nghiệp bình quân.

“Chẳng hạn như với 100 sinh viên năm thứ nhất của ngành X với hệ số đào tạo tốt nghiệp bình quân là 0,8 thì 4 năm sau chỉ có khoảng 100 x 0,8 = 80 sinh viên tốt nghiệp ra trường. Do đó nếu nhu cầu cần có 80 sinh viên ngành X cho 4 năm sau thì chỉ tiêu tuyển sinh ước tính cho ngành đó phải là 100.

20 sinh viên ngành X chưa tốt nghiệp sẽ có một tỉ lệ bỏ học, một tỉ lệ học chậm theo học chế tín chỉ (phương thức đào tạo tiên tiến này đã được triển khai ở hầu hết các trường đại học từ hơn 10 năm nay) nên có thể tốt nghiệp 1-3 năm sau. Từ đó vẫn có thể ước tính được chỉ tiêu tuyển sinh ngành X cho năm thứ 2, năm thứ 3 tương ứng nhu cầu nhân lực ngành X trong 5, 6 năm tới.

Tương tự như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ước tính được chỉ tiêu tuyển sinh ở tất cả các ngành trên cơ sở tổng cầu giáo viên chi tiết trong 4, 5, 6 năm tới trên toàn quốc”, thầy Thịnh phân tích.

Các trường đào tạo giáo viên trọng điểm ở mỗi vùng, miền thường có các ngành đào tạo khá đầy đủ so với nhu cầu tuyển dụng giáo viên bổ sung của các địa phương, trong khi các trường đại học hay cao đẳng trực thuộc địa phương thì nhìn chung số ngành đào tạo còn khiêm tốn.

Vì vậy, căn cứ vào năng lực đào tạo đã đăng ký của các trường đào tạo giáo viên (đã được các bộ phận chức năng của Bộ kiểm tra, xác nhận), Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành phân phối chỉ tiêu tuyển sinh 03 năm đầu (tính từ lúc Nghị định 116 có hiệu lực) và hằng năm tiếp theo cho từng trường hoặc từng cụm trường một cách hợp lý, hài hòa nhất có thể.

Bên cạnh đó Bộ cũng cần giao nhiệm vụ hay ủy quyền cho các trường sư phạm trọng điểm hỗ trợ về chuyên môn cho các trường đào tạo giáo viên khác trong một phạm vi nhất định xung quanh trường sư phạm trọng điểm theo mô hình chị - em hay hay hạt nhân – vệ tinh.

Từ đó hệ thống các trường đào tạo giáo viên trên toàn quốc sẽ hỗ trợ, chia sẽ qua lại với nhau về nhiều mặt (kể cả chỉ tiêu tuyển sinh) để chủ động, linh hoạt tạo ra tổng cung nhân lực giáo viên với chất lượng tốt, đáp ứng được tổng cầu nhân lực giáo viên như đã phân tích trên.

Thứ hai, giáo viên không nên là viên chức, sinh viên đã tốt nghiệp là đủ điều kiện tuyển dụng. Sinh viên sư phạm là những giáo viên, nhà giáo tương lai, vì vậy một khi Luật nhà giáo (đang được xây dựng) ra đời thì đối tượng đặc thù này nhiều khả năng sẽ không còn là viên chức nên sẽ không phải thi tuyển viên chức như hiện nay.

Những nội dung cần thiết cho giáo viên hay nhà giáo nói chung để có thể làm nghề giáo tốt cần được tích hợp trong chương trình đào tạo của từng ngành, từng trình độ. Do đó, một khi đã tốt nghiệp thì họ đủ năng lực làm giáo viên đối với ngành, tương ứng với trình độ được đào tạo mà không cần phải tổ chức thêm kỳ thi tuyển dụng nào.

Thứ ba, cần có lộ trình thực hiện Nghị định 116 phù hợp với thực tiễn hơn.

Do Nghị định 116 còn có một vài nội dung bất cập như đã phân tích trên và giai đoạn đầu triển khai còn khá nhiều lúng túng nên vấn đề khảo sát nhu cầu giáo viên, địa phương đặt hàng, xác định chỉ tiêu cho từng cơ sở đào tạo kết hợp giao nhiệm vụ,… cần được tính toán ra tổng số trong 03 năm đầu tiên (2021-2023) chứ không nên rạch ròi từng năm. Từ năm 2024 trở đi có thể thực hiện những việc trên theo từng năm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm tổng chỉ tiêu nên cần nắm tổng ngân sách hỗ trợ cho sinh viên theo Nghị định 116. Điều này cũng sẽ giúp Bộ thuận lợi trong việc điều phối giáo viên (được đào tạo theo Nghị định 116) từ tỉnh này sang tỉnh khác nhằm góp phần khắc phục triệt để tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như lâu nay.

Cũng cần có sự tham gia phối hợp của ngân hàng để vấn đề liên quan tài chính được quản lý một cách chuyên nghiệp, hiệu quả cũng như không tạo thêm gánh nặng cho Bộ, địa phương hay cơ sở đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cũng bày tỏ tin tưởng: "Nghị định 116 đã cho thấy thành công bước đầu trong việc thu hút nhiều học sinh đến với nghề giáo. Một số vướng mắc trong Nghị định 116 cũng như trong quá trình triển khai sẽ sớm được khắc phục nhằm giải quyết tốt bài toán cung cầu nguồn nhân lực giáo viên chất lượng cao cho nước nhà".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7569

Phạm Minh