Bài toán thiếu giáo viên các môn học mới, bao giờ ngành giáo dục giải xong?

27/02/2023 06:46
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài toán nhân lực đối với những môn học mới ở các cấp học phổ thông có lẽ phải còn nhiều năm nữa toàn ngành giáo dục mới lấp đầy những khoảng trống này.

Nếu so với với các chương trình giáo dục phổ thông trước đây, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự xáo trộn rất lớn về đội ngũ nhân lực ở các trường học, các cấp học phổ thông vì các chương trình trước đây thì các môn học cơ bản được giữ nguyên, các cấp học không có những môn học mới như bây giờ.

Một khi cấp này đưa thêm môn học mới vào cũng đồng nghĩa môn học mới sẽ thiếu giáo viên, hoặc nhà trường phải bố trí trí dạy sai chuyên môn hoặc không thể bố trí được giáo viên nhưng một số môn học khác lại có thể dư ra, khó sắp xếp, khó tinh giản, khó giảm lương giáo viên.

Gần 3 năm triển khai chương trình mới, bài toán nhân sự cho ngành giáo dục vẫn còn khá mông lung. Nhiều môn học vẫn không tuyển được giáo viên phải bỏ trống và không thể xếp được tổ hợp hoặc các phân môn để học trò học tập theo chủ trương của chương trình mới.

Bài toán nhân lực đối với những môn học mới có lẽ phải còn nhiều năm nữa toàn ngành giáo dục mới lấp đầy những khoảng trống này.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: giaoduc.net

Giải bài toán nhân lực cho các môn học mới, không dễ

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học sẽ được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Cụ thể, ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2). Như vậy, ở bậc học này xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ.

Ở cấp Trung học cơ sở có các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Như vậy, chương trình mới có cấp Trung học cơ sở, môn Tin học trở thành bắt buộc (trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Ở cấp Trung học phổ thông, các môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Như vậy, ngoài 8 môn học và hoạt động bắt buộc, học sinh Trung học phổ thông phải chọn tối thiểu 4 môn khác của nhóm môn được lựa chọn để thành các tổ hợp học tập. Đó là chưa nói đến các chuyên đề học tập.

Khi các cấp học đều có môn học mới nên cũng đồng nghĩa các trường, các địa phương phải tuyển thêm giáo viên mới mới có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy ở các nhà trường.

Cấp Tiểu học phải tuyển mới giáo viên Tin học và tuyển thêm giáo viên Ngoại ngữ vì lớp 1 và lớp 2 đã dạy Ngoại ngữ theo hình thức tự chọn.

Lên đến cấp Trung học cơ sở- cấp học có nhiều thay đổi nhất có thêm các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Trong đó, mới nhất, khó bố trí giáo viên nhất là môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Vì thế, hiện nay giáo viên ở các địa phương đang phải đi học bồi dưỡng theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT về việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên.

Cấp Trung học phổ thông có thêm môn Nghệ thuật (Âm nhạc; Mĩ thuật) là mới hoàn toàn. Chương trình 2006 đã cắt 2 môn học này sau khi kết thúc học kỳ I của lớp 9. Bên cạnh đó, Nội dung giáo dục địa phương có thêm phân môn Âm nhạc; Mĩ thuật.

Thừa thiếu giáo viên ở các cấp học

Việc chương trình mới có tổng số tiết ở các lớp, các cấp học có phần giảm một chút ít so với trước đây nhưng cấp học nào cũng thêm môn học mới nên dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ ở các cấp học.

Cấp Tiểu học bắt buộc phải tuyển mới giáo viên Tin học vì đây là môn học hoàn toàn mới đối với gần hết các trường Tiểu học trên cả nước. Chương trình 2006 một số trường có dạy môn Tin học ở Tiểu học nhưng đó là môn tự chọn và chỉ có những trường ở khu vực đô thị mới dạy.

Cấp Trung học cơ sở hiện đang có tình trạng thừa cục bộ ở một số môn học. Đặc biệt nhất là môn Tin học và môn Công nghệ 6. Bởi lẽ, chương trình 2006, 2 môn học này mỗi tuần có 2 tiết nhưng chương trình 2018 thì mỗi tuần chỉ còn 1 tiết/ lớp. Điều này cũng đồng nghĩa dư hẳn một nửa giáo viên của 2 môn học này.

Đó là chưa kể môn Công nghệ 6 dù chỉ còn 1 tiết/ tuần/ lớp nhưng từ tuần 27 đến tuần 33 thì phần kiến thức môn Công nghệ lại thuộc về Công nghệ công nghiệp nên phải chuyển cho giáo viên tổ Khoa học tự nhiên dạy.

Thành thử, giáo viên Công nghệ sinh hoạt thừa lại càng thừa hơn. Nhiều trường phải bố trí giáo viên dạy một số môn học khác, công tác khác như giám thị, tư vấn học đường để lấp chỗ trống theo định mức giảng dạy.

Khi chương trình 2018 thực hiện cuốn chiếu xong vào năm học 2024-2025, những giáo viên Tin học dư thừa không biết bố trí đi đâu vì số tiết co lại nhưng số giáo viên lại vẫn còn nguyên như trước đây.

Bên cạnh đó, 2 môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở đã thực hiện ở lớp 6 và lớp 7 nhưng những ý kiến trái chiều về môn học này vẫn chưa dừng lại vì các phân môn vẫn đang đứng độc lập với nhau nên 1 môn học nhưng có tới 2-3 giáo viên cùng dạy.

Đối với cấp Trung học phổ thông cũng phức tạp không kém và hiện tại phần lớn các nhà trường đang phải bỏ môn, bỏ phân môn vì thiếu giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật.

Môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật có tên trong nhóm tổ hợp (môn lựa chọn) và là 2 phân môn trong Nội dung giáo dục địa phương (môn bắt buộc) nhưng vì không có giáo viên nên đa phần các trường phải bỏ môn lựa chọn trong tổ hợp và bỏ 2 phân môn này trong Nội dung giáo dục địa phương để tăng số tiết các phân môn khác cho đủ 35 tiết/ năm/lớp.

Dù cấp Trung học phổ thông phải tuyển mới hoàn toàn giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật nhưng hiện nay đa phần các địa phương đều rơi vào tình trạng không có nguồn tuyển nên không thể nào tuyển được.

Chính vì vậy, bài toán nhân lực của ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới có sự xáo trộn rất lớn. Nhiều môn học phải tuyển mới hoặc phải bồi dưỡng thêm kiến thức mới có thể dạy được cả môn học.

Trong khi, nguồn tuyển và bố trí kinh phí để giáo viên có phần chậm trễ đã dẫn đến khó khăn trong việc phân công giáo viên giảng dạy ở các nhà trường. Nhiều tỉnh, thành thiếu giáo viên nhưng không thể tuyển được. Bởi lẽ, một phần do chủ trương giao biên chế, tinh giản biên chế và nguồn tuyển một số môn học hiện nay rất hiếm.

Vì thế, chương trình mới hiện nay đối với một số môn đang phải thực hiện chắp vá, bỏ trống không tạo được sự liền mạch đối với một số đơn vị kiến thức của một số môn học. Bài toán này đòi hỏi các địa phương, ngành giáo dục phải nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đối với môn học mới.

Thế nhưng, gần 3 năm học thực hiện chương trình mới ở Tiểu học, 2 năm ở Trung học cơ sở, 1 năm ở Trung học phổ thông mà các trường học vẫn đang loay hoay, khó khăn tìm hướng giải quyết cho phù hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN