TQ xâm phạm chủ quyền Việt Nam, chuyên gia Indonesia lo ngại

09/08/2011 04:49
(GDVN) - Ngày hôm nay, trên các trang báo đều đăng tải thông tin Việt Nam phản đối việc Trung Quốc tiến hành hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán

(GDVN) -Quan điểm rõ ràng, kiên quyết của Việt Nam phản đối việc Trung Quốc tiến hành hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, thái độ của chuyên gia Indonesia đối với phía Trung Quốc, thông tin về việc Trung Quốc khảo sát băng cháy trên biển Đông vào năm 2012, tư liệu khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam... là những thông tin được đăng tải trên các báo ngày hôm nay.

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền

Ngày hôm nay, trên các trang báo đều đăng tải thông tin Việt Nam phản đối việc Trung Quốc tiến hành hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Hôm 2/8, Tân hoa xã đưa tin từ ngày 13/6 đến ngày 30/7/2011, Cục thăm dò địa chất Trung Quốc hợp tác với phía Pháp đã sử dụng tàu thăm dò Tan Bao Hao tiến hành đo đạc, khảo sát khoa học từ vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa (bản tin của Tân hoa xã gọi là "Tây Sa") đến phía Bắc quần đảo Trường Sa (bản tin của Tân hoa xã gọi là "Nam Sa").

Trước các hoạt động của tàu Tan Bao Hao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho hay đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc nêu rõ quan điểm của Việt Nam.

Đó là phản đối các hoạt động của phía Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động tương tự.

Chuyên gia Indonesia lo ngại Trung Quốc
 
Đó là thông tin được đăng tải trên Thanh niên.

Tờ báo này đưa tin: Các hoạt động đánh cá xa bờ của ngư dân Trung Quốc đang khiến dư luận Indonesia lo ngại. Hiện chính phủ nước này công nhận 10 nước có vùng biển chồng lấn gồm Ấn Độ, Đông Timor, Malaysia, Palau, Philippines, Papua New Guinea, Singapore, Thái Lan, Úc và Việt Nam.

a
Tàu sân bay được cho là sắp hạ thủy của Trung Quốc - Ảnh: Qlwb.com.cn

Tuy nhiên, Trung Quốc cách Indonesia khá xa nhưng lại hành xử như thể đang có vùng biển chồng lấn. Trong bài xã luận đăng trên tờ Jakarta Post, chuyên gia Andi Arsana của Đại học Gadjah Mada nêu rõ vào năm 2009 và 2010, tàu cá Trung Quốc bắt đầu thả lưới ở ngoài khơi đảo Natuna của Indonesia, dưới sự bảo vệ của tàu ngư chính. Theo ông, đó cũng là thời điểm Bắc Kinh bắt đầu tuyên bố mạnh mẽ về bản đồ đường 9 đoạn ở biển Đông. Jakarta Post còn dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro cho hay Indonesia đang phải thực hiện nhiều biện pháp để đuổi tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã đưa tin do ảnh hưởng của bão Muifa nên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chưa thể hạ thủy nhưng một số nguồn tin quân sự cho hay công tác chuẩn bị đang tích cực được triển khai.

Năm 2012, Trung Quốc khảo sát băng cháy trên biển Đông
 
Theo thông tin từ Đất Việt: Trung Quốc đã có kế hoạch  tiến hành khảo sát thăm dò nguồn nguyên liệu băng cháy ở khu vực biển Đông vào năm tới (2012).

TQ
TQ lên kế hoạch khảo sát băng cháy trên biển Đông, Ảnh Đất việt

Tháng 8/2011, tàu lặn Giao Long của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm lặn xuống độ sâu 5188m ở vùng biển Tây Thái Bình Dương và trở về an toàn. Theo Cục quản lý Hải dương quốc tế cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã chính thức phê chuẩn kế hoạch khảo sát thăm dò khoáng sản ở khu vực biển giữa Châu Phi và Châu Nam Cực

Theo kế hoạch, năm 2012, Giao Long sẽ lập kỷ lục lặn xuống độ sâu 7000m, đây là một nỗ lực để nâng cao khả năng thăm dò tài nguyên đáy biển của Trung Quốc

Viện sỹ viện khoa học Trung Quốc Vương Phẩm cho biết, với ngân sách 150 triệu Nhân dân tệ, sang năm Giao Long sẽ tiến hành khảo sát thăm dò nguồn nguyên liệu băng cháy ở khu vực biển Đông.

Trong những năm gần đây, các quốc gia trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu thăm dò khảo sát nguồn nguyên liệu mới này, Trung Quốc mới tiến hành nghiên cứu được vài năm trở lại đây, bước đầu đạt được kết quả rất khả quan.    

Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: Tư liệu phía Việt Nam.

Tiếp tục cung cấp thêm Tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tờ Thanh Niên đăng tải bài viết của Ts.Nguyễn Hồng Thao về vấn đề này.

Theo TS.Thao, các tác phẩm và các văn kiện chứng minh quyền phát hiện và chủ quyền  của VN trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có niên đại chỉ từ thế kỷ XV, các văn kiện trước đó có  lẽ bị tiêu hủy và thất lạc dưới thời Bắc thuộc và các cuộc chiến tranh liên miên.

Tác phẩm cũ nhất có nói về sự tồn tại của các đảo là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (1630  - 1653) do Đỗ Bá, tự Công Đạo soạn. Tài liệu này bao gồm các bản đồ An Nam từ thế kỷ XV trong đó có tấm vẽ các quần đảo Paracels và Spratlys trong biển Đông dưới tên gọi Bãi Cát Vàng và Trường Sa, thuộc phủ Quảng Ngãi

a
Một trong những bản đồ của cuốn sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, mô tả tỉ mỉ tình hình địa lý, tài nguyên ở Hoàng Sa và Trường Sa và công việc khai thác của Chúa Nguyễn đối với hai quần đảo này (nguồn: Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin - Truyền thông)

Trong Phủ biên  tạp  lục (1776), Lê Quý Đôn, Hiệp trấn Thuận Hóa viết:

“Phủ  Quảng  Ngãi,  huyện  Bình  Sơn, có  xã  An Vĩnh, ở  gần  biển, ngoài  biển  về  phía Đông Bắc, có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn một trăm ba mươi ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng dài ước hơn ba mươi dặm, bằng  phẳng,  rộng  lớn, nước trong suốt đáy”.

Đại  Nam  thực  lục  tiền  biên,  phần  về  các  chúa Nguyễn  (1600  -  1775),  quyển X cũng ghi nhận địa danh Hoàng Sa và Trường Sa và các hoạt động quản lý của các chính quyền VN.

a
Bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá soạn vẽ vào thế kỷ XVII. Lời chú giải trên bản đồ khu vực phủ Quảng Ngãi ghi rõ "Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng", "do họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hóa vật..."  -  Ảnh: biengioilanhtho.gov.vn

Các  tác phẩm chính thức khác do Quốc Sử quán biên soạn và in dưới thời nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên (1848), Khâm định Đại Nam hội diễn sử lệ (1843 - 1851), Đại Nam nhất thống chí (1865  -  1882), Lịch  triều  hiến chương  loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876) đều chép tương tự về Hoàng Sa và Trường Sa. Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ quyển 165 còn khẳng định sự đánh giá của Bộ Công  tâu  lên Vua  năm  Bính  Thân,  niên  hiệu Minh Mạng  thứ 17  (1836,  tức năm Đạo Quang  thứ 16 đời Thanh): “Xứ  Hoàng  Sa  thuộc  cương  vực  mặt  biển nước ta rất là hiểm yếu”. Đại Nam nhất thống chí, bộ sách địa lý lịch sử chung  thống nhất của Đại Nam, phần Hình thể nói về tỉnh Quảng Ngãi “phía đông có đảo Hoàng Sa liền với biển xanh làm hào che…”. Đó đều là các nguồn chính thức và có giá trị chân thực.

Viện Hán Nôm Hà Nội còn lưu trữ hàng chục châu bản  triều Nguyễn gồm các bản  tấu, phúc tấu của các Bộ Công, Bộ Hộ, các cơ quan khác, các dụ của các vua về các hoạt động thực thi chủ quyền của VN trên quần đảo.

Một số bản đồ VN vẽ các đảo này như bộ phận của lãnh  thổ VN, nhất  là Đại Nam nhất thống toàn đồ (1838). Ngoài ra các sách địa lý lịch sử như Sử  học bị khảo của Đặng Xuân Bảng, Địa dư toát  yếu (niên  hiệu Duy Tân 1907-1916), Quảng Thuận đạo sử tập, Trung kỳ địa dư lược, Quảng Ngãi tỉnh chí đều có những đoạn văn và bản đồ xác nhận Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Trong gia phả của các họ Phạm, họ Đặng trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ các sắc chỉ của vua Minh Mạng giao cho dòng họ chọn những  thanh niên khỏe mạnh và giỏi bơi lội để gia nhập đội Hoàng Sa...  

Trung Quốc tuyên bố “không thầu khai thác dầu của Philippines” ở Biển Đông

Theo Dân trí,  ba tập đoàn dầu khí của Trung Quốc đã bác bỏ thông báo của chính phủ Philippines mới đây đưa rằng các doanh nghiệp này đã tham gia đấu thầu các hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông.

a
Philippines khẳng định nhiều công ty của Trung Quốc muốn tham gia hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Palawan, phía tây Philippines.

Báo chí Philippines và các hãng tin lớn của nước ngoài hôm 2/8 dẫn lời Thứ trưởng Năng lượng Philippines Jose Layug xác nhận một số công ty nước ngoài, trong đó có cả Tổng Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đã bày tỏ quan tâm tới hoạt động khoan thăm dò tại các vùng biển ngoài khơi đảo Palawan, phía tây Philippines.

Tuy nhiên, theo báo Trung Quốc People’s Daily ra ngày 8/8, cả CNOOC và 2 công ty kia của Trung Quốc - là BGP Ltd, một chi nhánh của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Dầu khí quốc tế Polyard (PPIG) - đều bác bỏ thông tin này.

Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông (mà nước này gọi là biển Hoa Nam). Trong thông báo mời thầu, quan chức Philippines hy vọng “Bắc Kinh sẽ không quấy rối các tàu thăm dò dầu mỏ được Philippines cho phép hoạt động”.

Theo các mạng tin, Thứ trưởng Năng lượng Philippines đã nói là có 15 khu vực thăm dò, rộng khoảng 100.000 km2, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Thứ trưởng Philippines khẳng định “vùng thăm dò không phải là nơi có tranh chấp về chủ quyền, mà là thuộc chủ quyền của Philippines”.

Tuy nhiên, People’s Daily dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên khẳng định là trong số 15 khu vực mà Philippines cho gọi thầu, “có một số chỗ thuộc quyền tài phán của Bắc Kinh và có 4 khu vực khác đồng thời là lãnh thổ của Trung Quốc và của Philippines”.

Hồi tháng 6, sứ quán Trung Quốc tại Manila đã có công hàm phản đối khi chính phủ Philippines thông báo gọi thầu.

Hải Hà (tổng hợp)