Phòng chống biến đổi khí hậu: Rất cần nhận thức đúng đắn!

23/10/2012 13:46
Diện Hứa
(GDVN) -Biến đổi khí hậu đang là vấn đề được toàn thế giới quan tâm. Trước tình hình đó, cần có những nhận định và cái nhìn khách quan từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực biến đổi khí hậu để con người nhận thức đúng đắn về vấn đề đó.


Tiến sĩ Rajendra K Pachauri, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu:
"Chống biến đổi khí hậu cần có nhận thức"

Phóng viên (PV): Thưa ông, với những nước kém phát triển như Việt Nam, khó khăn lớn nhất trong cuộc chiến biến đổi khí hậu là gì?

Tiến sĩ Rajendra K Pachauri
Tiến sĩ Rajendra K Pachauri

Tiến sĩ Rajendra K Pachauri: Theo tôi, có rất nhiều thách thức, nhưng thách thức lớn nhất là nghèo đói của các quốc gia trong quá trình chống lại bdkh, thông thường những người nghèo dễ bị tổn thương hơn rất nhiều khi thiên tai sảy ra. Vì họ không có năng lực thích ứng và bảo vệ bản thân.

Với thực tế của Việt Nam, cần có biện pháp thích ứng hơn là giảm thiểu. Bên cạnh đó thì nhận thức rất quan trọng. Nếu muốn xây dựng mô hình thích ứng thì cần thiết phải có kế hoạch dài hạn, các cấp lãnh đạo cần phải nhận thức đúng để đánh giá được hiệu quả của các dự án đang được xây dựng cho tương lai.

- Cùng với biến đổi khí hậu thì khái niệm "tăng trưởng xanh" được nhắc nhiều trong những năm gần đây, ông nghĩ sao về vấn đề tăng trưởng xanh ở Việt Nam?

“Tăng trưởng xanh” là khái niệm xuất hiện từ năm 2009, sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Người ta kêu gọi việc sử dụng công nghệ sạch để phát triển kinh tế và đảm bảo môi trường. Nếu nói đến khái niệm bảo vệ môi trường thì chỉ đơn thuần là giữ sạch cho môi trường nhưng khi nói “tăng trưởng xanh” thì việc giữ sạch ấy còn phải gắn thêm mục tiêu phát triển kinh tế.

Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm tuy nhiên chất lượng tăng trưởng chưa thực sự tốt. Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển bền vững. Bởi vậy, theo tôi muốn thực hiện được tăng trưởng xanh cần phải thay đổi nhận thức. Nhận thức trong việc tiết kiệm năng lượng, trong việc đầu tư công nghệ (mặc dù tốn kém nhưng cũng cần sẵn sàng), có sự điều phối, hợp tác giữa các bộ, ngành.

- Hiện nay Việt Nam chưa có một bộ luật về chống biến đổi khí hậu , ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của bộ luật này trong biến đổi khí hậu?

Các hoạt động chống biến đổi khí hậu có thể đc thực hiện thông qua các điều luật, nguyên tắc, các tổ chức tính nguyện, hoặc là sự tham gia  của cả cộng đồng, trên thực tế thì một vài quốc gia khác cũng không có văn bản pháp lý về chống biến đổi khí hậu, nhưng họ vẫn làm được, điều quan trọng vẫn là nâng cao nhận thức của người dân.

- Ở Việt Nam, đề cập đến những sự cố do thiên tai gây ra, người ta thường quy kết do biến đổi khí hậu, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này? Và phải chăng cần có những cái nhìn chính xác và khách quan về biến đổi khí hậu, và những tác động của nó để biến đổi khí hậu không bị đổ lỗi cho những thiếu xót chính sách và sai lầm trong quản lý và trong các lĩnh vực khác?

Tuyên truyền rất quan trọng để người dân hiểu được đâu là do biến  đổi khí hậu, đâu là do cái khác gây ra. Nhiều khi người ta thường nhầm lẫn vì thiếu hiếu biết. Vì vậy, khi chúng ta  tuyền truyền, phổ biến rộng rãi người dân sẽ thấy được những thứ thực sự chịu ảnh hưởng của  biến đổi khí hậu và như vậy nguyên  nhân  bị họ phủ nhận sẽ bị phơi bày trước công chúng.

- Cảm ơn ông!

GS Nguyễn Quang Riệu - Đài Thiên Văn Paris: "Ứng phó sự nóng lên của trái đất phải từ hành động"

- Thưa Giáo sư, ông có thể nói rõ hơn sự gia tăng nhiệt độ của trái đất nói chung sẽ có tác động như thế nào đối với môi trường sống của chúng ta?

GS Nguyễn Quang Riệu:  Sự gia tăng nhiệt độ có thể có ảnh hưởng lớn đối với những nước đang phát triển, bởi vì những nước này hãy còn thiếu phương tiện để bảo vệ môi trường. Và để duy trì đà phát triển, họ coi công việc bảo vệ môi trường không phải là vấn đề ưu tiên.

Trước hết, sự biến đổi khí hậu làm thay đổi chế độ mưa. Có những vùng, chẳng hạn như những khu vực nhiệt đới ở Châu Á như Việt Nam có thể bị lụt lội, còn những vùng ôn đới lại có thể bị hạn hán. Mức biển dâng lên một phần là do mặt biển giãn nở vì bị hâm nóng và một phần vì những tảng băng trên núi cao và ở vùng cực tan đi. Việt Nam có bờ biển dài hàng nghìn kilomet nên có những điều kiện địa hình dễ bị ảnh hưởng đối với sự gia tăng mức biển. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng là những vùng có khả năng bị ngập.

Việt Nam là một trong những nước Châu Á có truyền thống nông nghiệp nên cần có đất đai phì nhiêu để phát triển nông nghiệp. Các chuyên gia ước lượng là nếu trong tương lai mức nước biển tăng lên 1m  thì 12% đất đai ở những vùng duyên hải cuả Việt Nam sẽ bị ngập lụt và khoảng 17 triệu dân phải di chuyển. Tuy nhiên, 1m là mức gia tăng tối đa cuả mức biển tương ứng với những kịch bản diễn biến khí hậu bi quan nhất. Cho tới nay, các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ cuả khí quyển mới chỉ tăng lên thêm khoảng một nửa độ nên mức biển chỉ tăng lên khoảng vài chục centimet.

Ứng phó với biến đổi khí hậu cần có những hành động thiết thực. Ảnh minh họa.
Ứng phó với biến đổi khí hậu cần có những hành động thiết thực. Ảnh minh họa.

 Trước tình trạng như vậy, những nước đang phát triển như Việt Nam theo Giáo sư có những biện pháp gì để ngăn ngừa hay đúng ra là giảm bớt những tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu?

Các nhà khoa học̣ kêu gọi các nhà lãnh đạo các quốc gia nên có những biện pháp hạn chế sự tiêu thụ năng lượng và đồng thời đầu tư vào những công trình phát triển kỹ thuật năng lượng tái tạo, nhằm giảm bớt nhiên liệu hóa thạch thải ra khí hiệu ứng nhà kính. Đa số các quốc gia đã đáp ứng lời kêu gọi này, trừ vài quốc gia vẫn còn muốn tiêu thụ thoải mái năng lượng hoá thạch để duy trì mức sống cao và ngành công nghiệp đang trong thời kỳ phát triển cuả họ, hoặc vì những lý do thương mại và kinh tế.

Việt Nam có những điều kiện khí hậu thích hợp cho sự phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Sự xây dựng những công trình thủy điện cỡ lớn như đập Sơn La cũng là một biện pháp nhằm thay thế năng lượng hoá thạch. Công việc phát triển công nghiệp cần được thực hiện song song với công việc cải thiện môi trường.

Hiện nay, tình trạng chung cuả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là tình trạng môi trường bị ô nhiễm nặng nề, đây chính là mặt trái cuả sự phát triển. Khí thải xe cộ và công nghiệp làm tổn thương đến sức khỏe cuả dân cư các đô thị. Dự báo khí tượng và khí hậu là công việc dài hạn và không đơn giản nên đòi hỏi những phương tiện nghiên cứu và quan sát hiện đại. Sự cộng tác với những quốc gia có kinh nghiệm qua những chuyển giao công nghệ có thể giúp Việt Nam đề phòng những thiên tai có khả năng̉ xầy ra trong tương lai.

Trong những năm gần đây, chúng tôi đã tổ chức thường xuyên những khoá học về Môi trường và Khí hậu học tại Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành cuả Đại học Pierre và Marie Curie ở Paris, để thế hệ trẻ Việt Nam ý thức được những hậu quả cuả sự biến đổi khí hậu và trau dồi những kiến thức nhằm bảo vệ môi trường.

Sự biến đổi khí hậu là một hiện tượng xẩy ra trên toàn cầu. Hai vùng Bắc cực và Nam cực là những vùng dễ bị ảnh hưởng bởi sự hâm nóng khí quyển và là những nơi được các nhà khí hậu học lưu ý đến để thực hiện những quan sát rất bổ ích trong công việc tìm hiểu quá trình biến đổi cuả khí hậu. Năm nay là Năm Địa cực Quốc tế, tức là năm khởi động nhiều hoạt động khoa học ở vùng Nam cực, để các nhà khoa học trên thế giới cộng tác với nhau và phối hợp những chương trình quan sát khí quyển, nhằm nghiên cứu hiện tượng biến đổi khí hậu.


- Xin cảm ơn ông!

Diện Hứa