Tâm điểm Schalke - MU: Ralf Rangnick - Wenger của bóng đá Đức

26/04/2011 06:35
(GDVN) - Năm 1980, Rangnick được tặng vé tới Wembley xem chung kết cúp FA. 31 năm sau, Rangnick có cơ hội trở lại sân bóng ấy, không phải trong vai khán giả.

(GDVN) - Năm 1980, Ralf Rangnick được bạn bè tặng một chiếc vé tới Wembley xem trận chung kết cúp FA. 31 năm sau, Rangnick có cơ hội trở lại sân bóng ấy, không phải trong vai một khán giả, nếu giúp Schalke đánh bại được MU.


>>> Schalke - MU: Nỗi kinh hoàng của Ferguson

>>> Tottenham mở cửa đón Berbatov về lại nhà xưa

>>> Dzeko khai hỏa, Man City tiến gần suất dự Champions League


Đêm nay, Ralf Rangnick sẽ cùng các học trò ở Schalke 04 thi đấu chống lại Manchester United, một tượng đài của bóng đá châu Âu đương đại. Đó là một câu chuyện kỳ diệu với Schalke, đội bóng vùng Ruhr mới lần đầu được dự một trận bán kết Champions League. Với Ralf Rangnick, đó còn hơn cả một điều kỳ diệu, nó phải là một thần thoại.

30 năm trước, có lẽ không một ai dám nghĩ tới một ngày Ralf Rangnick sẽ làm huấn luyện viên bóng đá. Càng không thể mường tượng ra chuyện chàng sinh viên 22 tuổi ấy sẽ dẫn dắt một đội bóng tiến vào trận bán kết cúp châu Âu. Ngày ấy, chàng trai sinh ở thị trấn nhỏ Backnang, gần Stuttgart còn đang du học ở đại học Sussex (Brighton, Anh). Trước đó, Rangnick thi thoảng có chơi vài trận cho đội dự bị Stuttgart. Với sở thích đá bóng, Rangnick ghi tên vào đội bóng nghiệp dư Southwick nhưng anh lập tức phải nhập viện sau trận đấu đầu tiên của mình.

Rangnick có biệt danh ‘Giáo sư’ vì ‘dám’ tuyên truyền thứ bóng đá xa lạ.
Rangnick có biệt danh ‘Giáo sư’ vì ‘dám’ tuyên truyền thứ bóng đá xa lạ.

“Trong trận đấu đầu tiên, tôi bị gãy 3 xương sườn và thủng phổi. Tôi đã mất 3 tuần rưỡi nằm viện và nhiều tháng để phục hồi, vì thế thôi chỉ chơi bóng từ tháng 1 tới tháng 5 với vài ba trận đấu”, Rangnick hồi tưởng lại những ngày đen tối ấy.

Ralf Rangnick giống Jose Mourinho ở đặc điểm, anh gần như không chơi bóng đỉnh cao nhưng lại thành danh trong nghề huấn luyện. Ngoài ra, cả 2 đều học đại học với định hướng trở thành giáo viên. Rangnick cũng nổi tiếng với biệt danh 'fussball professor’ (Giáo sư bóng đá) bắt đầu gắn với anh từ năm 1998, sau khi anh xuất hiện trên truyền hình Đức và có những bài phân tích về chiến thuật bóng đá (về điểm này, Rangnick khá giống với Arsene Wenger, người cũng có bằng đại học và cũng có biệt danh ‘Giáo sư’).

Sau 5 tuần dẫn dắt Schalke thay Felix Magath bị sa thải, Rangnick đã kịp để lại dấu ấn với việc duy trì thành tích bất bại cho tới trận thua 0-1 trước Kaisers-lautern thứ Bảy vừa rồi. Đặc biệt, nhà cầm quân 52 tuổi còn giúp ‘Hoàng gia xanh’ làm nên kỳ tích - đánh bại nhà vô địch Inter Milan với tổng tỷ số 7-3 ở tứ kết Champions League.

Rangnick đang rất hạnh phúc trong lần ‘tái hôn’ với Schalke.
Rangnick đang rất hạnh phúc trong lần ‘tái hôn’ với Schalke.

Thành công, nhưng Rangnick không quên những ngày tháng gian khó ở Anh 30 năm trước. “Thời điểm đó, tôi 21 tuổi, đang học tiếng Anh và sư phạm ở trường đại học để trở thành giáo viên. Lộ trình học bao gồm một năm học ở nước ngoài, tôi đã tới du học ở đại học Sussex và sống cùng một gia đình người Anh ở Brighton. Sau 4 tháng, tiếng Anh của tôi rất trôi chảy và tôi đã trở thành một thành viên trong gia đình ấy. Chẳng hiểu từ đâu mà tôi luôn yêu thích tiếng Anh.

Mới lên 10, tôi đã viết một bài luận để nói rằng tôi muốn trở thành giáo viên tiếng Anh”, Rangnick hồi tưởng.

Những ngày ở Anh, Rangnick rất yêu thích bóng đá. Anh tới sân mỗi tuần để xem đội hạng Nhất Brighton được dẫn dắt bởi cựu danh thủ Alan Mullery thi đấu. “Trận bóng cuối cùng tôi xem là chung kết FA Cup giữa West Ham và Arsenal ở Wembley. Tôi được đồng đội ở tặng cho một vé”.

Ralf Rangnick sau đó trở về Đức, gác bỏ chuyên ngành đã học để dấn thân vào nghiệp huấn luyện viên, bắt đầu là từ đội nghiệp dư Stuttgart. 4 năm sau, một cuộc gặp thần kỳ với một trong số những tượng đài của bóng đá đã khiến sự nghiệp của Rangnick rẽ sang một hướng khác. Anh hoài niệm: “Năm 1984, tôi đang huấn luyện ở Backnang và đội của tôi đá giao hữu với Dynamo Kiev của Valeriy Lobanovsky (Lobanovsky khi ấy đã là huyền thoại của bóng đá Đông Âu còn Dynamo Kiev cũng đang là một thế lực - PV). Mỗi năm, họ cắm trại trong nửa tháng để tránh mùa đông rét mướt và năm ấy họ hạ trại gần chỗ chúng tôi. Chúng tôi đã được thi đấu với họ, tôi không thể tin vào mắt mình”.

Rangnick và Raul, những thành viên quan trọng nhất của Schalke.
Rangnick và Raul, những thành viên quan trọng nhất của Schalke.

“Tôi cứ ngỡ chúng tôi chơi ít hơn họ tới 3 cầu thủ. Tôi phải đếm đi đếm lại để chắc chắn rằng chúng tôi có 11 người chống lại 11 cầu thủ của họ. Họ mạnh mẽ, cơ động và cách dàn trận thật đáng kinh ngạc. Tôi đã nói chuyện với Valeriy và lĩnh hội được ý tưởng của ông ấy. Ở Đức ngày ấy người ta chơi với sơ đồ 3-5-2 nhưng tôi đã được mở mang thêm nhiều ý tưởng và tôi muốn tạo ra những điều khác biệt”, Rangnick tiếp tục kể về hành trình của mình.

Sau cuộc gặp với Lobanovsky vĩ đại, Rangnick đã mất hơn chục năm trau dồi để rồi gây tiếng vang với việc đưa SSV Ulm 1846 thăng hạng Nhì vào năm 1998. Từ đó, Rangnick liên tục được mời lên truyền hình để bình luận và anh trang bị cho mình một chiếc bảng từ tính để phân tích chiến thuật bóng đá. Thời đó, khán giả Đức không thích cách bình luận của Ralf và chế nhạo anh bằng biệt danh 'Fussball Professor’.

“Ở bất kỳ quốc gia nào khác, được gọi là giáo sư là một vinh dự. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đi hơi nhanh so với thời đại của mình. Ngày ấy, việc đem chiến thuật bóng đá lên TV để bàn tán rộng rãi là chuyện hiếm gặp. Tôi không thường xuyên nói về bộ tứ vệ bởi thời đó chỉ có vài ba CLB Đức đá phòng ngự khu vực và sử dụng 4 hậu vệ. Vì vậy, việc có một HLV trẻ giảng giải về những thứ đó không được hoan nghênh. Trong tình huống tương tự, tôi sẽ không làm như thế. Nay thì tôi đã hiểu sự chế giễu từ đám đông là thế nào”.

Rangnick sẽ bay cao hơn nếu Schalke thắng MU.
Rangnick sẽ bay cao hơn nếu Schalke thắng MU.

Rangnick giống Mourinho nhiều hơn là Wenger ở thói quen lang bạt. Anh giúp SSV Ulm 1846 thăng hạng Bundesliga rồi lần lượt kinh qua Stuttgart, Hanover và Schalke. Các CLB anh dẫn dắt đều chơi rất tốt trong mùa giải đầu tiên nhưng lại bắt đầu đi xuống ở mùa giải tiếp sau. Năm 2005, anh bị Schalke sa thải và xuống hạng dưới huấn luyện Hoffenheim. Anh giúp đội bóng vô danh ấy thăng liền 2 hạng và trải qua mùa giải đầu tiên ở Bundesliga (2008-09) cực kỳ hoàn hảo, dẫn đầu BXH cho tới mùa đông và chung cuộc xếp thứ 7.

Đầu năm nay, Rangnick bất ngờ từ chức HLV Hoffenheim sau khi tranh cãi với ban lãnh đạo về việc bán cầu thủ chủ chốt Luis Gustavo cho Bayern Munich. Anh được nhiều CLB châu Âu thèm muốn và Schalke đã nhanh chân đưa anh trở về Veltins-Arena.

Schalke của Rangnick sẽ phải đối mặt với MU đang có phong độ cao.
Schalke của Rangnick sẽ phải đối mặt với MU đang có phong độ cao.

Sự ‘tái hôn’ giữa Rangnick và Schalke có thể sẽ mang tới một kết cục lý tưởng, Rangnick được trở lại Wembley sau 30 năm, lần này không phải là vào sân nhờ chiếc vé được đồng đội ở Southwick tặng như một lời chia biệt nữa. Để có được tấm vé chính thức có mặt ở Wembley, Rangnick cần phải đánh bại được Manchester United trong 2 trận bán kết sắp tới.

“Chúng tôi đã có 2 trận đấu tuyệt đỉnh với Inter Milan và chúng tôi phải tái hiện nó một lần nữa. Chúng tôi ở cửa dưới nhưng nếu cứ chơi hết khả năng của mình, chúng tôi có thể sẽ làm tốt”, Rangnick kết lại.

Nguyễn Đỉnh