Trung Quốc sẽ dùng J-31 trên tàu sân bay của hải quân?

10/12/2012 06:00
Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)
(GDVN) - Chiến đấu cơ J-31 có thể dùng để xuất khẩu, có thể trang bị cho Hải quân TQ, nhưng vấn đề động cơ tiếp tục gây đau đầu cho các kỹ sư TQ.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-31 Trung Quốc

Ngày 5/12, tờ “Người đưa tin công nghiệp quân sự” Nga cho biết, Trung Quốc đã chuẩn bị để trở thành nước sản xuất máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm mới, nhưng máy bay tàng hình J-31 có thể chủ yếu dùng để xuất khẩu, nó giống với J-20, còn tương đối lâu mới có thể sản xuất hàng loạt.

Báo Nga cho rằng, trong Triển lãm Hàng không Chu Hải của Trung Quốc vừa kết thúc cách đây không lâu, một trong những sản phẩm trưng bày rất thu hút chính là loại máy bay tiêm kích tàng hình thứ hai J-31 của Trung Quốc.

Công nghiệp Hàng không Trung Quốc đã đưa ra mô hình J-31, loại máy bay do Công ty máy bay Thẩm Dương nghiên cứu chế tạo, còn chưa được đặt tên chính thức, nó tuy thỏa mãn lòng hiếu kỳ của một số chuyên gia, nhưng cũng gây ra sự hoài nghi cho các chuyên gia khác.

Trên thực tế, kết cấu thực tế của máy bay này cơ bản giống với kết cấu của máy bay với các hình ảnh được tiết lộ trên internet. Mô hình máy bay chiến đấu 2 động cơ F-60 tháng 9/2011 đã lần đầu tiên xuất hiện tại Bảo tàng hàng không Bắc Kinh.

Hình ảnh "máy bay bánh tét" Trung Quốc gây nhiều phỏng đoán cho dư luận
Hình ảnh "máy bay bánh tét" Trung Quốc gây nhiều phỏng đoán cho dư luận

Tháng 6/2012, trên mạng đã công khai những hình ảnh máy bay (rất giống F-60) được vận chuyển từ Công ty máy bay Thẩm Dương đến Trung tâm bay thử Tây An (Diêm Lương) của Không quân Trung Quốc, máy bay này được bọc kín, nên còn được gọi là “máy bay bánh tét”.

Tháng 9/2012 đã xuất hiện hình ảnh máy bay ở gần sân bay. Ngày 31/10, máy bay J-31 có số hiệu 31001 đã bay thử lần đầu tiên.

Tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2012, Công nghiệp Hàng không Trung Quốc cũng trưng bày máy bay J-31 ở trạng thái tĩnh – loại máy bay chiến đấu phiên bản xuất khẩu. Người phát ngôn của của công ty cho biết, công ty đặt ra yêu cầu nghiên cứu chế tạo loại máy bay này là phải có giá không cao, khả năng tàng hình khá mạnh, tải trọng hiệu quả và bán kính tác chiến lớn hơn.

J-31 là máy bay chiến đấu 2 động cơ 1 chỗ ngồi, thân hình thoi, cánh tam giác cao, 2 đuôi đứng xiên cố định. Theo giới thiệu tại triển lãm, J-31 có trọng lượng cất cánh là 17,5 tấn, dài 16,9 m, cao 4,8 m, sải cánh 11,5 m.

Máy bay J-31 bay thử tháng 10 năm nay trang bị 2 động cơ RD-93 do Công ty Klimov Nga nghiên cứu chế tạo. Nhưng, bên nghiên cứu chế tạo của chương trình này không hề cho rằng công suất của loại động cơ này đủ lớn.

Chiến đấu cơ J-31
Chiến đấu cơ J-31

Người phát ngôn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc cho biết, máy bay tiêm kích JF-17/FC-1 do Công ty máy bay Thành Đô nghiên cứu chế tạo, lắp 1 động cơ phản lực RD-93, lực đẩy là 8.618 kg.

Nếu muốn tự bảo đảm an toàn, không bị Nga có thể cấm Trung Quốc tiêu thụ máy bay chiến đấu J-31 cho nước thứ ba, bất kể là động cơ RD-93 có lực đẩy lớn thế nào, thì Công ty máy bay Thẩm Dương cũng có nhu cầu sử dụng động cơ nội địa.

Trong đó, một phương án thay thế có thể là động cơ WS-13 “Thái Hành” do Công ty động cơ hàng không Lê Dương, Quý Châu, Trung Quốc sản xuất. Cho dù như thế nào, nhìn vào kích cỡ mô hình J-31 được trưng bày tại triển lãm có thể nhận định, J-31 thích hợp với động cơ có kích thước lớn hơn.

Theo số liệu của Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, J-31 không mang theo thùng dầu phụ sẽ có bán kính tác chiến là 1.250 km, nếu mang theo thùng dầu phụ ở bên ngoài thì bán kính tác chiến có thể đạt 2.000 km. Tốc độ tối đa là 1,8 Mach, cự ly chạy cất cánh là 400 m, cự ly chạy hạ cánh là 600 m.

Hiệu quả tác chiến của máy bay rõ ràng cao hay thấp hơn so với máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư loại hoàn thiện hiện đại hóa hiện vẫn chưa có gì kiểm chứng, tuy nhiên báo chí TQ luôn "tự tung" rằng sản phẩm J-31 có thể đứng cạnh, so sánh với F-35 và F-22 của Mỹ!.

Máy bay chiến đấu J-31 (trên) và J-20 (dưới)
Máy bay chiến đấu J-31 (trên) và J-20 (dưới)

Theo báo Nga, J-31 có sự khác biệt tương đối lớn so với J-20 có kích cỡ lớn hơn. J-20 áp dụng bố cục kiểu con vịt cánh tam giác; hình ảnh J-20 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2010, bay thử lần đầu tiên có thể là năm 2011.

Nhìn vào hình ảnh, kích cỡ máy bay J-31 của Công ty máy bay Thẩm Dương nhỏ hơn nhiều máy bay J-20, công suất động cơ bằng khoảng 2/3 máy bay J-20.

Nhìn vào bố cục kết cấu, về cơ bản, J-31 giống với F-22 của Mỹ. Về kích thước thì giống với F-35A. Khoang vũ khí của J-31 bố trí ở bên dưới của thân máy bay, từ cửa nạp đến buồng động cơ, hoàn toàn khác với J-20. J-31 áp dụng phương thức thao tác thông thường, có cần điều khiển riêng và cánh tà đơn – cánh phụ.

J-31 cũng như J-20, phần lớn công nghệ tàng hình tương tự máy bay F-22 và F-35 của Mỹ, nhưng vòi phun động cơ của nó có hình tròn bình thường, chứ không phải là hình chữ nhật như F-22. Vòi phun động cơ của máy bay nguyên mẫu thử nghiệm J-31 cơ bản phù hợp với đặc trưng của RD-93, nhưng không chỉnh vòi phun động cơ tới bờ nổi hình tròn của phần đuôi thân máy bay.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ

Hiện nay, Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển vòi phun xoay của động cơ đẩy véc-tơ, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra thử nghiệm. J-20 và J-31 hiện đều đã trải qua giai đoạn định hình khái niệm, tức là hai loại máy bay này sẽ đều trang bị khoang vũ khí, trở thành mẫu thật, nhưng hai loại máy bay chiến đấu này hầu như còn chưa sử dụng bất cứ bộ kiện máy bay kiểu sản xuất hàng loạt nào.

Hiện nay, một vấn đề đáng quan tâm là, tại sao Công nghiệp Hàng không Trung Quốc lại trưng bày máy bay mới tinh J-31 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải?

Tờ “Aviation Week & Space Technology” Mỹ phân tích, mặc dù các quan chức Trung Quốc không tiến hành bất cứ hoạt động tuyên truyền nào về máy bay tiêm kích tàng hình nội địa, nhưng thông tin phi chính thức của các tờ báo điện tử Trung Quốc đã tiết lộ rất nhiều tình hình có liên quan của J-31, hơn nữa thông tin nhiều hơn nhiều so với máy bay do Công ty máy bay Thẩm Dương tiết lộ.

Một số chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể là chương trình J-31 không hề hoàn toàn do Không quân Trung Quốc tài trợ, Công ty máy bay Thẩm Dương có thể xoay sở một phần nguồn vốn. Có thể, Quân đội Trung Quốc bỏ vốn chỉ là muốn xây dựng một nơi trình diễn công nghệ, chứng minh nó có triển vọng tốt đẹp tiếp tục phát triển thành máy bay tác chiến tiên tiến, để sau này xuất khẩu ra nước ngoài.

Mô hình máy bay chiến đấu J-31 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc 2012
Mô hình máy bay chiến đấu J-31 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, Trung Quốc 2012

J-20 sở dĩ không trưng bày ở Triển lãm Hàng không Chu Hải, là do nó hoàn toàn không dùng để chào bán cho nước khác, trong tương lai chỉ sử dụng để trang bị cho Không quân Trung Quốc, vì vậy phía Trung Quốc không muốn tiết lộ quá nhiều thông tin.

Ngược lại, J-31 trưng bày ở triển lãm hàng không được xác định là hàng xuất khẩu, Không quân Trung Quốc rõ ràng không quan tâm lắm đối với nó. Công ty máy bay Thẩm Dương xoay vốn phát triển chương trình J-31 thực chất là để nghiên cứu chế tạo một loại sản phẩm triển vọng công nghệ cao, chào bán cho các nước không thể có được máy bay tiêm kích phương Tây trong tương lai.

Ở góc độ này, J-31 sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh chủ yếu của máy bay tiêm kích Nga, đặc biệt là trước năm 2025, quy mô hàng hóa quân sự của Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (OAK) Nga phải cắt giảm tới 30%, máy bay dân dụng, trong đó có máy bay vận tải sẽ chiếm 70% toàn bộ hoạt động của công ty, vì vậy đối với các nhà sản xuất máy bay chiến đấu Nga, tình hình xuất khẩu có thể phức tạp hơn.

Tổng giám đốc công ty, ông Pogosyan cho biết, công nghiệp hàng không Nga mỗi năm sản xuất 70-80 chiếc máy bay chiến đấu, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay. Nhưng, khoảng 70% thị trường quốc tế đóng cửa đối với sản phẩm hàng không quân sự Nga, bởi vì họ cần sản phẩm của Mỹ và các nước NATO, chỉ có 30% thị trường là mở cửa đối với Nga.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga

Báo Nga cho rằng, Công ty máy bay Thẩm Dương đương nhiên muốn khách hàng máy bay chiến đấu phương Tây mở rộng phạm vi lựa chọn, bởi vì trong 10-20 năm tới, một số máy bay chiến đấu của Mỹ và châu Âu sẽ hết hạn hoạt động.

Điều quan trọng hơn là, máy bay chiến đấu Trung Quốc “giá rẻ”, JF-17 do Trung Quốc-Pakistan hợp tác chế tạo vừa có thể bảo đảm kỹ thuật bay và tính năng kỹ chiến thuật cần thiết, ít nhất là tính năng tàng hình, giá cả cũng rất rẻ.

Còn có suy đoán cho rằng, Hải quân Trung Quốc có thể là người tài trợ chính thức cho máy bay J-31 của Công ty máy bay Thẩm Dương, công ty này còn là nhà nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu hải quân đầu tiên J-15 của Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc

Một số chuyên gia TQ cho hay, J-31 sử dụng cho tàu sân bay thích hợp hơn là J-20, nó được nâng đỡ bởi 2 bánh đáp phía trước kiểu tăng cường, 2 đuôi đứng xiên cố định, có thể tăng cường tính ổn định theo chiều thẳng đứng, cho dù J-31 vẫn cần tiếp tục cải tiến, như tăng diện tích cánh máy bay, nâng cao lực nâng, cải thiện hệ thống kiểm soát bay.

Có thể dự đoán, Hải quân Trung Quốc từng xem xét trang bị máy bay J-31 cho liên đội hàng không, triển khai trên một chiếc tàu sân bay của Trung Quốc. Nhưng, cho dù suy đoán này là sự thực, J-31 cũng sẽ không dùng để giải quyết nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, Hải quân Trung Quốc chưa hẳn sẽ giống như Không quân, muốn công khai trưng bày máy bay tương lai.

Việt Dũng (nguồn báo Phương Đông)