Nhiều web nhạc lớn cổ súy clip chế 'Kìa con bướm vàng'

11/12/2012 15:33
L.H
(GDVN) - Nhiều trang nhạc trực tuyến nổi tiếng không ngần ngại đăng tải clip cũng như định dạng MP3 của clip chế “Kìa con bướm vàng” với lời lẽ thô tục và bậy bạ của một nam ca sĩ hải ngoại.

Như đã thông tin, clip chế bài hát "Kìa con bướm vàng" có nội dung phản cảm, bậy bạ được đăng công khai trên website nhạc trực tuyến NhacCuaTui.

Trong clip có những đoạn hát tục tĩu như: Kìa con gái kìa, kìa con gái kìa, rủ đi chơi, rủ đi chơi. Ba tháng sau em có bầu, Ba tháng sau em có bầu, Mang zề nuôi, mang zề nuôi ...Thậm chí, còn có đoạn nhân vật văng tục nguyên văn 2 từ tục tĩu nhất (chúng tôi không thể nêu ra đây), 2 từ vốn không được phép xuất hiện trong bất kể một sản phẩm văn hóa (âm nhạc) nào. Vậy mà ở đây nó lại được nhóm làm clip ngang nhiên “phô bày”, và được trang NhacCuaTui cổ súy.

Ca khúc Kìa con bướm vàng đăng tải trên trang Zing.
Ca khúc Kìa con bướm vàng đăng tải trên trang Zing.


Theo những dòng thông tin tiểu sử về người thể hiện clip này trên trang nhạc MP3 của web giải trí trực tuyến Zing thì Phong Lê là ca sĩ kiêm nhạc sĩ rap đầu tiên trong làng nhạc Việt Nam tại Hoa Kỳ. Hiện ca sĩ này sinh sống tại Portland, tiểu bang Oregon. Mới 25 tuổi (sinh năm 1984, ở Sài Gòn), qua Mỹ năm 1997, định cư luôn tại Portland, Oregon. Từ năm 1997 cho đến nay, Phong Lê được nhiều người biết đến qua tài sáng tác các bài hát rap Việt Nam. Các tác phẩm được sáng tác trong sáu năm qua, và do chính Phong Lê tự trình bày, gồm có “Lấy tiền cho gái” ( năm 2005), “Lấy tiền cho gái 2” (2009), “Một ước vọng,” “Ghệ mập,” “Ðời không như mơ”...

Thông tin về người thể hiện ca khúc Kìa con bướm vàng trên trang Zing với phần thể hiện năm sinh khá mâu thuẫn và lộn xộn.
Thông tin về người thể hiện ca khúc Kìa con bướm vàng trên trang Zing với phần thể hiện năm sinh khá mâu thuẫn và lộn xộn.

Tuy nhiên thông tin về rapper này khá lộn xộn, phía trên thì ghi anh chàng này sinh năm 1980, trong khi thông tin tiểu sử bên dưới lại ghi sinh năm 1984. Trong phần danh sách các ca khúc của anh chàng này khi tìm theo tên, 285 ca khúc được đăng bởi các thành viên của trang Zing. Clip chế Kìa con bướm vàng trên Zing được đăng tải dưới dạng audio và đề tên Phong Lê, và ghi là thể loại Nhạc Việt Nam – Rap Việt.

Ngoài Nhaccuatui, Zing hay thậm chí cả trang chia sẻ video trực tuyến Youtube, Nhacsan, Chiasenhac, Vietgiaitri... cũng có mặt clip chế Kìa con bướm vàng, ngoài clip còn có định dạng audio MP3. Thực hiện lệnh tìm kiếm Kìa con bướm vàng – Phong Lê trên trang tìm kiếm Google thì cho ra 50.700 kết quả trong 0,23 giây.

Clip ca khúc chế Kìa con bướm vàng trên trang nhạc trực tuyến Nhaccuatui, trang này còn kinh doanh tin nhắn với ca khúc này.
Clip ca khúc chế Kìa con bướm vàng trên trang nhạc trực tuyến Nhaccuatui, trang này còn kinh doanh tin nhắn với ca khúc này.

Trên các trang nhạc nhỏ khác như Nhacsan hay các diễn đàn mạng, ca khúc trên cũng được cư dân mạng Việt đăng tải và chia sẻ rất xôm tụ. Tuy nhiên nhiều bạn trẻ lại tỏ ra đặc biệt thích thú và cổ vũ.

Bên cạnh, vẫn có không ít những lời chỉ trích và la ó khi cho rằng clip này không phù hợp với văn hóa Việt và tục tĩu. Thành viên Long Tattoo trên trang Rappervn chia sẻ: “Lúc trước ai cũng thích Phong Lê, dù nhảm và bựa cỡ nào cũng không chê. Từ ngày có bài này, được coi là Lịch sử rap Việt thì bài nào của Phong Lê cũng chê”.

Số khác kết luận clip chế Kìa con bướm vàng vào hàng thảm họa của rap Việt, hay có người lại thắc mắc không hiểu sao lại có nhiều người nghe ca khúc này đến vậy?

L.H