"Nuốt nước mắt" bỏ dở điều trị vì phí "khủng" ở phòng khám Maria

12/08/2011 04:26
(GDVN) - Nhiều bệnh nhân sau thời gian điều trị các bệnh thông thường tại phòng khám Maria phải "nuốt nước mắt" bỏ cuộc vì không chịu nổi chi phí "khủng"...

(GDVN) - Không chỉ thu giá “chát” trong điều trị bệnh trĩ, nhiều bệnh nhân sau một thời gian điều trị các bệnh thông thường tại phòng khám Maria cũng đành phải "nuốt nước mắt" bỏ cuộc giữa chừng vì không chịu nổi chi phí quá "khủng".

{iarelatednews articleid='9896'}

Bỏ cuộc điều trị, chấp nhận bệnh nặng hơn

Có mặt tại tầng 7 phòng khám Maria số 65 Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam chứng kiến không ít gương mặt mệt mỏi, thiểu não của các bệnh nhân đang điều trị nội trú ở đây chỉ vì lý do: bệnh mãi vẫn không khá hơn mà tiền thì "như muối bỏ bể".

Chị Lương (Sơn La) dở khóc dở mếu cho phóng viên biết, đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì trót theo đuổi phác đồ điều trị bệnh viêm lộ tuyến tử cung tại đây. Trước đó, nghe người bạn mách đến phòng khám này điều trị bằng các máy móc hiện đại, chị cất công bắt xe từ thành phố Sơn La xuống khám bệnh.

“Khi đến đây, các nhân viên không nói rõ, với bệnh của chị nếu điều trị dứt điểm tốn khoảng bao nhiêu tiền. Ngày đầu, chị mất 1,2 triệu đồng tiền khám, đắt hơn nhiều so với các bệnh viện, phòng khám mà chị đã đi. Song, chị cho rằng có thể chi phí ban đầu như thế, những ngày sau sẽ đỡ tốn hơn vì bệnh của chị không phải là bệnh nan y, khó chữa.

Nhưng bất ngờ, hôm sau chị nhận được hóa đơn chi phí cho cuộc phẫu thuật lên đến hơn 11 triệu đồng. Không dám tin vào mắt mình là 1,1 hay 11 triệu, chị hỏi lại nhân viên. Khi được khẳng định 11 triệu, chị tá hỏa và đành thú nhận là không đủ tiền nộp. Đến hôm sau, phòng khám gọi chị lên và giảm giá còn hơn 5 triệu đồng. Lúc này, chị đành nghe theo làm tiểu phẫu vì mình có bệnh thì phải chữa", chị Lương kể.

Chị Lương đang nằm điều trị tại phóng khám Maria
Chị Lương đang nằm điều trị tại phòng khám Maria.
"Chi phí cho một cuộc tiểu phẫu như thế là quá đắt. Nếu làm ở bệnh viện Sơn La, chị nghĩ cao lắm là hơn 2 triệu đồng", chị Lương than thở.

Nhưng vẫn chưa dừng lại ở đó, sau khi phẫu thuật, chị Lương phải nằm theo dõi tại phòng khám thêm một thời gian. "Mấy ngày sau, mặc dù chỉ truyền dịch, điều trị viêm vùng chậu nhưng mỗi ngày chị mất gần 2,5 triệu đồng. Mới nằm viện hơn 10 ngày mà chị đã mất đứt gần 30 triệu đồng rồi. Đấy là chị điều trị ở mức thấp nhất, có người còn điều trị lên đến gần 20 triệu một ngày”, chị Lương nói mà như mếu.
Khi chúng tôi đến, chị Lương đang truyền dịch chai cuối cùng và chị cho biết, mặc dù bệnh vẫn chưa khỏi nhưng chị buộc phải bỏ cuộc, về quê điều trị tiếp. "Mỗi ngày nằm đây thấy tiền triệu cứ "bay biến" mà xót cả ruột, hơn nữa chi phí như thế, một gia đình thu nhập bình thường như chị không thể kham nổi", chị Lương nói. Chấp nhận bỏ cuộc là mặc nhiên chị Lương sẽ chấp nhận bệnh có thể đỡ hoặc tồi tệ hơn rất nhiều.

Chìa cho chúng tôi xem tờ hóa đơn điều trị một ngày lên đến 2.493.000 nghìn đồng, chị Lương thì thào: “Hóa đơn này là mức thấp nhất ở đây đó em. Không có tiền nên chị không được điều trị sóng ngắn, thuốc bắc như họ quảng cáo. Cùng bệnh với chị, có bác điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng bệnh tình cũng không biết thế nào”.

“Sau hơn 10 ngày nằm ở phòng khám, chị chỉ giận người bạn sao không nói rõ thực hư về chi phí ở phòng khám này. Nếu biết chi phí "chát" như thế, ngay từ đâu chị đã không khám”, chị Lương còn cho biết thêm, trước khi rời phòng khám về quê, chị đã đến phòng khám do người thân giới thiệu trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội). Tại đây, chị được một vị bác sĩ từng công tác trong bệnh viện Phụ sản Trung ương tư vấn khá cẩn thận và yêu cầu chị tháng sau xuống khám lại từ đầu, bác sĩ này sẽ lên cho chị phác đồ điều trị và chi phí hợp lý. “Chỉ nghe qua, chị cũng khá yên tâm vì mọi thứ rõ ràng, giá cả lại phải chăng nên có thể chị sẽ quay lại”, chị Lương nói.

“Đốt” nhà vào khám bệnh ở Maria

Cũng nghe quảng cáo về phòng khám Maria trên kênh VOV Giao thông, chị Thảo (Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vội đi xe máy xuống trực tiếp phòng khám để xin tư vấn về khám phụ khoa.
Vừa vào đến nơi, nhân viên y tế đã giục chị làm sổ khám bệnh và vào khám. “Vừa vào khám qua, với kết luận bị viêm phụ khoa, nhân viên đã thu của chị 1,2 triệu tiền phí khám. Đó còn chưaa kể chi phí các ngày điều trị sau. Trong khi khám phụ khoa ở các phòng khám tư bên ngoài hoặc các phòng khám ở bệnh viên công, phí khám cao nhất là hơn 100.000 đồng. Mức phí như Maria không khác gì "cắt cổ" bệnh nhân”, chị Thảo búc xúc.

Không chỉ chị Thảo, bên dưới phòng khám có nhiều bệnh nhân đến nghe ngóng, tìm hiểu tình hình để đến khám bệnh và điều trị bệnh. Nhưng 10 người đến lại có đến 8, 9 người lắc đầu ra về “thấy bảo vào đây phải có trăm triệu mới điều trị được”.
Hóa đơn 1 ngày điều trị loại rẻ nhất ở Maria của chị Lương
Hóa đơn 1 ngày điều trị với mức phí rẻ nhất ở phòng khám
Maria của chị Lương.
Trường hợp của bác Hà (Mộc Châu, Sơn La) cũng rơi vào cảnh “phá sản” sau khi xuống phòng khám điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung. Sau hơn 10 ngày điều trị, chỉ tính riêng tiền trả cho phòng khám lên đến 120 triệu đồng.
Bác Hà ra viện mà vẫn chưa hết thất thần: “Hết nhiều tiền vậy không biết bệnh có giảm tý nào không”. Gia đình bác Hà có hoàn cảnh khó khăn, ở cái tuổi tiền mãn kinh nhưng bác Hà luôn bị đau bụng nhất là đến ngày kinh nguyệt. Bác nghe quảng cáo về phòng khám Maria nên khăn gói xuống Hà Nội khám.

"Đã vào đến đây rồi, ai cũng mong khỏi bệnh, bỏ ra cả núi tiền nếu mình bỏ lỡ chỉ sợ bệnh nặng thêm nên tâm lý đã theo lao thì cố phải theo", bác Hà nói. Mỗi ngày, gia đình bác lại chạy khắp nơi để gửi tiền xuống cho bác điều trị bệnh. Trong khi đó, chi phí mỗi lần điều trị bằng phẫu thuật ở bệnh viện chuyên khoa chưa đến 5 triệu đồng/ca.
Theo một bác sĩ chuyên sản khoa tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trường hợp bị bệnh như bác Hà, nếu bệnh nhẹ, chỉ cần đốt điện 1 lần với chi phí khoảng 600 nghìn đồng là khỏi. Còn bệnh nặng hơn, nên điều trị bằng phẫu thuật nội soi, chi phí khoảng 4 đến 5 triệu đồng. Phẫu thuật nội soi để phá hủy các tổ chức lạc nội mạc tử cung là một hướng mới trong điều trị bệnh này.

Đóng giả một bệnh nhân vào phòng khám để tư vấn được khám bệnh, phóng viên được nhân viên tư vấn yêu cầu cho biết tên tuổi và tuyên bố phí khám ban đầu lên đến 1 triệu đồng. Khi phóng viên chê mức phí khám đắt, nhân viên nói thẳng: “Ở đây khám đâu như trong bệnh viện, muốn khám ngon thì phải đắt. Chị cứ vào khám thử trước rồi so sánh sau. Sau khi khám thử, chị không thích thì cứ vào viện mà khám”.
Trong khi đó, khi phóng viên hỏi các nhân viên tư vấn tại phòng khám Maria về trường hợp của chị Lương, khi bệnh chưa khỏi hẳn nhưng bỏ cuộc giữa chừng liệu có để lại biến chứng gì không? và yêu cầu được gặp bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, các nhân viên này cho biết, việc bỏ dở điều trị là chủ ý của bệnh nhân còn phòng khám khẳng định sẽ điều trị dứt điểm bệnh cho chị Lương.

Về việc gặp bác sĩ điều trị, do đa số bác sĩ tại đây là người Trung Quốc, phóng viên muốn gặp phải được sự đồng ý của người quản lý để sắp xếp thông dịch viên. Trong thời điểm này, người quản lý đang đi công tác nên những yêu cầu của phóng viên sẽ được đáp ứng khi người quản lý này trở về.

Phương Thúy

Tin đọc thêm

>> Khám đông y Trung Quốc: Chi tiền khủng, rước hoang mang

alt