TQ có thể giấu tên tửa hạt nhân dưới “Trường Thành lòng đất”?

16/12/2012 09:21
Việt Dũng
(GDVN) - Một loạt thách thức từ hướng biển đảo cộng với sự can thiệp gia tăng của Mỹ, buộc Trung Quốc phải liên tục phóng tên lửa xuyên lục địa răn đe vũ lực.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc

3 tháng: 5 lần phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Nhiều tờ báo điện tử Trung Quốc vừa dẫn các nguồn tin cho biết, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8/2012, Trung Quốc đã 4 lần phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Trong đó, lần phóng cuối cùng là loại tên lửa xuyên lục địa kiểu cơ động đường bộ mới, được cho là DF-31A và được phóng từ một trung tâm phóng ở Sơn Tây, hướng phóng về phía tây. Nhưng, 3 tháng sau, ngày 30/11/2012, Trung Quốc lại tiếp tục phóng tên lửa DF-31A.

Trang mạng “Washingtoon Free Beacon” cho rằng, kể từ tháng 8/2012 đến nay, Trung Quốc đã 2 lần liên tiếp phóng tên lửa DF-31A đã khẳng định sức mạnh hạt nhân chiến lược của Trung Quốc đang tăng lên.

Trong khi đó, một số nhà quan sát Mỹ bình luận, Trung Quốc thông qua liên tục phóng tên lửa xuyên lục địa để phát đi tín hiệu cứng rắn trong bối cảnh Mỹ tạo chỗ dựa vững chắc cho Nhật Bản và các nước Đông Nam Á đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo.

Hiện nay, trong vấn đề đảo Senkaku, mặc dù tuyên bố không có lập trường gì đối với tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku giữa Trung-Nhât, nhưng thực chất Mỹ đang “chống lưng” cho Nhật Bản, coi đảo Senkaku thích hợp với Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, không ngừng cùng Nhật Bản tiến hành diễn tập quân sự liên hợp.

Ngoài ra, trong vấn đề biển Đông, Mỹ cũng là chỗ dựa vững chắc nhất cho Philippines, đồng thời tăng cường xây dựng quan hệ quân sự với các nước Đông Nam Á, mở rộng vai trò ảnh hưởng quân sự ra toàn bộ khu vực này.

Tên lửa hạt nhân DF-31A
Tên lửa hạt nhân DF-31A

Những điều này đều đang diễn ra trước mắt Trung Quốc. Thêm vào đó, Trung Quốc vừa hoàn thành chuyển giao thế hệ lãnh đạo giữa cũ và mới. Việc lựa chọn thời điểm này để phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A rõ ràng cho thấy, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu đã phát đi tín hiệu cứng rắn hơn đối với bên ngoài.

Nhà nghiên cứu cấp cao vấn đề quân sự Trung Quốc, Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế Mỹ, ông Richard Fisher cho rằng, Chính phủ Mỹ cần tiết lộ nhiều hơn các thông tin có liên quan tới việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, có thể tránh “những điều bất trắc về hạt nhân có thể xảy ra”, bảo đảm gây sức ép nhiều hơn để Trung Quốc tăng cường độ minh bạch trên lĩnh vực này.

Richard Fisher còn cảnh báo, nếu phóng từ giếng phóng hoặc bãi phóng ở Thanh Hải, Trung Quốc, tên lửa đạn đạo DF-31A có thể tấn công căn cứ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ ở bang North Dakota – miền trung nước Mỹ.

Theo Richard Fisher, việc phát triển tên lửa DF-31A cho thấy Trung Quốc có thể đang xây dựng chiến lược phản kích hạt nhân, chiến lược này cần bí mật chế tạo tên lửa và đầu đạn hạt nhân với con số nhiều hơn so với dự đoán của các cơ quan tình báo Mỹ.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A tham gia duyệt binh trên quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A tham gia duyệt binh trên quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc

Giáo sư Phillip Karber, Đại học Georgetown Mỹ, người từng tiết lộ Trung Quốc sở hữu “Trường Thành hạt nhân dưới lòng đất” dài 3.000 dặm Anh gây chú ý cho dư luận, thì cho rằng, ở trong các cơ sở dưới lòng đất quy mô lớn, chắc chắn Trung Quốc cất trữ rất nhiều tên lửa và đầu đạn hạt nhân.

Tháng 9/2012, tại một cuộc hội thảo quốc tế, cựu Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga Esin tiết lộ, số lượng cất giữ đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc nhiều nhất có thể lên tới 1.800 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 900 đầu đạn đã triển khai hoặc ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Một bản báo cáo của Marc Stokes, Viện nghiên cứu chương trình 2049 Mỹ có trụ sở tại Washington cho rằng, Trung Quốc đã triển khai 2 lữ đoàn tên lửa chiến lược DF-31A lần lượt ở Thiệu Dương - Hồ Nam và Nam Dương - Hà Nam (chính thức hoạt động năm 2006), thậm chí cũng có thể được triển khai ở Quảng Đông, Quảng Tây.

Loại tên lửa phóng kiểu cơ động này không dễ bị đối phương phát hiện, có thể kịp thời triển khai đáp trả hạt nhân, ở hướng tây có thể tấn công Nga và châu Âu, ở hướng đông có thể tấn công Mỹ, nó có khả năng răn đe và đáp trả tương đối lớn.

Truyền thông Mỹ tiết lộ, tên lửa DF-31A được triển khai sớm nhất vào trước sau năm 2007, nó có thể lắp 3-5 đầu đạn hạt nhân độc lập, tầm phóng tối đa là 5.000 dặm Anh (8.000 km). Có dấu hiệu cho thấy, loại tên lửa này còn có thể bố trí trên xe chạy đường sắt được ngụy trang làm tàu chở khách.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A được cho là có tầm phóng trên 10.000 km.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A được cho là có tầm phóng trên 10.000 km.

Phillip Karber cho rằng, sở dĩ tên lửa DF-31A đặc biệt quan trọng vì nó có thể lắp đầu đạn hạt nhân tấn công lãnh thổ Mỹ, trong khi đó việc nó được phóng thử liên tục đã phản ánh kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc không ngừng mở rộng.

Tháng 3/2012, Liên minh các nhà khoa học Mỹ tiết lộ, các hình ảnh vệ tinh mới nhất của cơ quan tình báo Mỹ cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng trận địa phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu cơ động DF-31/31A ở khu vực phía tây nước này; đồng thời một số thiết bị phóng đã xuất hiện ở khu vực phía đông tỉnh Thanh Hải vào tháng 6/2011.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, tại một bãi phóng tên lửa xuyên lục địa ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc đã xuất hiện 2 thiết bị phóng tên lửa DF-31/31A. Trong đó, một bãi phóng hình tròn với đầy đủ thiết bị bảo đảm kỹ thuật có thể được xây dựng từ năm 2005-2010.

Ngoài ra, còn có một bãi phóng khác hình chữ X. Trận địa phóng tên lửa xuyên lục địa này ở Thanh Hải tuy có những điểm giống với trận địa phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31 khác, nhưng hoàn toàn giống hệt nhau.

Một bức ảnh vệ tinh khác chụp ngày 6/6/2011 cho thấy, tại một bãi phóng tên lửa khác ở tỉnh Thanh Hải có 6 thiết bị phóng tên lửa DF-31/31A. Trước đó từng có suy đoán cho rằng, ở đó triển khai tên lửa tầm trung DF-21. Hiện nay, có thể đã đổi sang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31/31A. Liên minh các nhà khoa học Mỹ cho biết, hiện còn chưa rõ những thiết bị phóng này được triển khai lâu dài hay triển khai tạm thời.

Tên lửa hạt nhân xuyên lục địa DF-31A Trung Quốc duyệt binh
Tên lửa hạt nhân xuyên lục địa DF-31A Trung Quốc duyệt binh

Tất cả những dấu hiệu trên cho thấy, Trung Quốc không chỉ có các thiết bị phóng cố định, hơn nữa họ đã hoàn thiện công nghệ phóng cơ động, đây là thách thức cho hoạt động do thám của đối phương, giúp Trung Quốc có thể kịp thời tiến hành phản kích hạt nhân, tăng cường khả năng răn đe các đối thủ.

Một số chuyên gia Mỹ dự đoán, tên lửa DF-31 có tầm phóng 7.200 km, không thể từ miền trung Trung Quốc vươn tới được lãnh thổ Mỹ. Nhưng, tên lửa DF-31A thì lại có tầm phóng tối đa là 11.200 km, hoàn toàn có thể bao trùm hầu hết lãnh thổ Mỹ. Theo phán đoán của quân Mỹ hiện nay, Trung Quốc sở hữu khoảng 30 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A.

Máy bay RC-135 Mỹ luôn theo dõi chặt Trung Quốc phóng tên lửa DF-31A

Gary Lee, chuyên gia phân tích công nghệ vũ khí Anh cho rằng, hiện nay mỗi quả tên lửa đạo đạo xuyên lục địa DF-31A triển khai thực tế chỉ có thể mang theo 1 đầu đạn hạt nhân, tuy tầm phóng lên tới 10.000 km, nhưng tính hiệu quả của tên lửa bị hạn chế.

Vì vậy, Trung Quốc luôn tìm cách nghiên cứu sử dụng công nghệ nhiều đầu đạn độc lập (MIRV) cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A.

Đối với Mỹ, Trung Quốc sở hữu nhiều hơn tên lửa xuyên lục địa sử dụng công nghệ nhiều đầu đạn MIRV sẽ trở thành “người làm đảo lộn tình hình thực sự”.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A do Trung Quốc sản xuất
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A do Trung Quốc sản xuất

Nhà phân tích Mỹ phỏng đoán, dưới sự nỗ lực của các nhân viên kỹ thuật quân sự Trung Quốc, tên lửa DF-31A đã có khả năng mang nhiều đầu đạn, có thể lắp 3 đầu đạn độc lập, nhưng làm như vậy sẽ phải hy sinh tầm phóng của tên lửa, khiến cho nó không thể tấn công được lãnh thổ nước Mỹ.

Vì vậy, Trung Quốc 2 lần phóng tên lửa DF-31A trong thời gian ngắn rất có thể là nhằm mang theo nhiều đầu đạn độc lập hơn trong tình hình không rút ngắn tầm phóng, từ đó chọc thủng mạng lưới phòng thủ tên lửa châu Á của Mỹ.

Ngoài ra, tuy Trung Quốc hiện có khả năng phóng tên lửa đạn đạn xuyên lục địa mang 1 đầu đạn tới lãnh thổ Mỹ, nhưng về phạm vi bao trùm và khoa học công nghệ, do khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ liên tục được nâng lên, Trung Quốc lo ngại tình hình này sẽ làm giảm khả năng răn đe hạt nhân của tên lửa chiến lược của họ.

Bắt đầu từ đầu năm 2012, Mỹ đã đẩy nhanh các bước triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á để bảo vệ lãnh thổ Mỹ không bị tên lửa tấn công. Với tính cách là một phần trong chương trình phòng thủ tên lửa, trong tương lai Mỹ sẽ triển khai 1 hệ thống radar sóng ngắn X-band ở miền nam Nhật Bản. Trước đó, Mỹ đã triển khai một radar X-band ở căn cứ tỉnh Aomori tại nước này.

Radar cảnh báo sớm tên lửa X-band của quân Mỹ
Radar cảnh báo sớm tên lửa X-band của quân Mỹ

Mỹ sẽ còn triển khai radar X-band trên biển ở Thái Bình Dương (có thể là Bắc Thái Bình Dương), theo dõi hoạt động phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của khu vực châu Á. Ngoài ra, Mỹ còn đang triển khai radar GBR-P X-band ở đảo Kwajalein – Nam Thái Bình Dương, hỗ trợ cho mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tạp chí “Kanwa Defense Review” Canada cho rằng, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á thực chất là nhằm vào tên lửa đạn đạo tầm xa của Trung Quốc. Nhìn vào bề ngoài, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á là nhằm vào tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, nhưng căn cứ vào mục đích Mỹ có thể nâng cấp tên lửa đạn đạo tầm trung SM-3 đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A.

Trong giai đoạn đầu phóng lên, tức là sau khi phóng được 5-10 giây, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc sẽ bị vệ tinh do thám hồng ngoại dò tìm. Một khi phát hiện được tên lửa đạn đạo Trung Quốc phóng đi, vệ tinh sẽ chuyển thông tin tình báo thu được qua liên kết dữ liệu chiến thuật liên hợp về trạm mặt đất chiến thuật liên hợp trên lãnh thổ Mỹ, nó chủ yếu phụ trách thu thập thông tin về hoạt động phóng của tên lửa đạn đạo, đồng thời các trạm cũng được bố trí ở Nhật Bản, Hàn Quốc.

Máy bay trinh sát điện tử RC-135 (máy bay cảnh báo sớm) quân Mỹ
Máy bay trinh sát điện tử RC-135 (máy bay cảnh báo sớm) quân Mỹ

Trạm mặt đất theo dõi tên lửa đạn đạo của Pháo binh 2 được cho là thiết lập ở Nhật Bản. Ngoài ra, ở các căn cứ của Nhật Bản, quân Mỹ còn bố trí thường trực máy bay cảnh báo sớm RC-135, WC-135. Máy bay RC-135 đã luôn theo dõi các lần phóng tên lửa DF-31A của Trung Quốc.

Vào cuối thập niên 1990, Mỹ bắt đầu nghiên cứu phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm xa, lần lượt được gọi là “hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực” (TMD) và “hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia” (NMD). Đối tượng mục tiêu đánh chặn của TMD là tên lửa DF-15 của Quân đội Trung Quốc, còn đối tượng đánh chặn của NMD là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A.

Cùng với việc Mỹ mở rộng mạng lưới phòng thủ tên lửa châu Á, Trung Quốc đương nhiên cũng tìm mọi cách để chọc thủng “mạng lưới phòng thủ tên lửa” này. Ngoài việc thử lắp nhiều đầu đạn độc lập vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A lần này, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41 mạnh hơn cũng được cho là một “vũ khí sắc bén” đối phó “phòng thủ tên lửa” của Pháo binh 2 Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đang biên chế các tên lửa như DF-5A kiểu cũ, DF-31 và DF-31A có tính cơ động hơn. Trong 3 loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện có, tầm phóng của DF-31 vào khoảng 7.200-8.000 km, chỉ có thể vươn tới Alaska và lắp được 1 đầu đạn.

Tên lửa chiến lược DF-5A Trung Quốc
Tên lửa chiến lược DF-5A Trung Quốc

Trong khi đó, tên lửa DF-31A đã triển khai, có tầm phóng hơn 10.000 km và đã lắp nhiều đầu đạn độc lập. Còn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động thế hệ tiếp theo DF-41 được cho là có tầm phóng lên tới 14.000 km, có thể lắp tới 10 đầu đạn độc lập.

Giả thiết tỷ lệ tiêu diệt phát một của tên lửa đánh chặn được triển khai ở Alaska và California là 0.3, Mỹ đánh chặn một đầu đạn phải cần 4 tên lửa đánh chặn. Một khi trang bị tên lửa DF-41 có thể lắp 10 đầu đạn độc lập, số lượng tên lửa đánh chặn của Mỹ sẽ tăng lên gấp bội.

Nếu Trung Quốc sử dụng các biện pháp như mồi nhử và đáp trả, Mỹ phải cần nhiều tên lửa đánh chặn hơn. Vì vậy, ở góc độ công nghệ, việc triển khai tên lửa DF-41 sẽ tăng cường rất lớn sức mạnh hạt nhân cho Trung Quốc, tên lửa có khả năng lắp nhiều đầu đạn độc lập như DF-31A và DF-41 sẽ có thể chọc thủng hiệu quả hơn hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Máy bay trinh sát hạt nhân WC-135W của quân Mỹ
Máy bay trinh sát hạt nhân WC-135W của quân Mỹ
Việt Dũng