Bộ Giáo dục "phớt lờ" ý kiến từ các trường ngoài công lập?

22/12/2012 07:28
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều chính sách tuyển sinh trong những năm qua của Bộ GD&ĐT đã mang đến một “màu sắc” mới với nhiều hình thức khác nhau. Những hình thức này vô tình đã đem đến một kết cục buồn cho các trường NCL, chỉ tiêu hàng năm đối với các trường NCL luôn thiếu, trong khi đó các trường công thì thừa, thậm chí không muốn tuyển vẫn có thí sinh “nhảy” vào.
Theo GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, trong những năm qua Bộ GD&ĐT không những không tiếp thu ý kiến từ các trường NCL mà các chính sách có hại cho các trường hàng năm vẫn được tiến hành. Dường như “đứa con” NCL mà Bộ GD&ĐT sinh ra đã không được quan tâm đúng mức. Các trường NCL mới chỉ phát triển ở những giai đoạn đầu, hiện nay hệ thống các trường NCL đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân do một số chủ trương, điều đó dẫn đến có thể làm thất bại chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Trường công, trường tư 50% – 50%

Theo GS Trần Hồng Quân, ngay từ năm 2009 là năm có mùa tuyển sinh khó khăn, Hiệp hội các trường NCL đã có đề nghị với Bộ GD&ĐT cần phải thay đổi hình thức, tuy nhiên không nhận được sự phản hồi từ Bộ. Năm 2010, các trường NCL cũng đề nghị xóa bỏ điểm sàn, cho phép các trường NCL được tuyển sinh, điều đó nâng cao tính tự chủ nhưng vẫn không được được phản hồi tích cực từ Bộ. Nhiều lần Hiệp hội đã có ý kiến cải tiến hình thức tuyển sinh theo hướng hiện đại, nhưng Bộ Giáo dục chưa thực sự quan tâm.

Việc các trường NCL vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế, đó là lẽ tất yếu trong quá trình phát triển. Trong mùa tuyển sinh vừa qua các trường NCL cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện không phải không có nhiều trường NCL không có điều kiện về cơ sở vật chất  mà trái lại hệ thống các trường đang một nâng cao về chất lượng. Tuy nhiên, với chính sách của Bộ GD&ĐT trong những năm qua dẫn đến việc có nên quyết định đầu tư mới cho các trường trở nên khó khăn hơn và nhiều rủi ro, dự báo trong thời gian tới có một vài trường NCL sẽ phải đóng cửa. Khâu tuyển sinh chỉ là một mặt của vấn đề, quan trọng hơn với cơ chế và chính sách như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớp tới chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Đại diện các trường ĐH, CĐ NCL họp tại Tp. HCM ngày 20/12 để đóng góp ý kiến cho đổi mới tuyển sinh. Ảnh VNN
Đại diện các trường ĐH, CĐ NCL họp tại Tp. HCM ngày 20/12 để đóng góp ý kiến cho đổi mới tuyển sinh. Ảnh VNN

Theo kiến nghị của GS Quân, Bộ GD&ĐT cần chấm dứt bỏ thi “ba chung”, xây dựng điểm chuẩn theo trường, vùng, miền, không căn cứ trên điểm sàn chung vì do các nguyên nhân như phân vùng và phân tầng.

Ông Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng ĐH FPT nêu thực tế, hàng năm nguồn tuyển dường như không thay đổi về số lượng, chất lượng so với những năm trước. Tuy nhiên, năm 2012 là năm tuyển sinh vô cùng khó khăn đối với các trường NCL, vậy thí sinh đi đâu? 

Ông Tùng giải thích, có 3 lí do khiến các trường NCL không tuyển được thí sinh. Thứ nhất, hiện nay ngân sách cấp cho các trường công không căn cứ vào số lượng tuyển sinh. Thứ hai, chính sách các trường ĐH tự xác định chỉ tiêu, với điều kiện của mình các trường ĐH công lập thường là tăng chỉ tiêu. Nếu chỉ tiêu tăng 10% ở trường công sẽ dẫn đến ảnh hưởng tới 50% chỉ tiêu của các trường NCL. Thứ ba, hiện trường công đang nắm giữ nhiều ưu thế: được cấp ngân sách bù giá nên học phí thấp, tiếng tăm tốt hơn, được tạo điều kiện tốt về cơ sở vật chất. Trong khi đó, với cùng điều kiện, các trường NCL muốn hoạt động được trong tình hình không được hỗ trợ sẽ phải tăng học phí, đó là lí do khiến sinh viên không mặn mà.

Từ lí do trên ông Tùng đề xuất, giảm số lượng tuyển sinh ở các trường công để hướng đến đào tạo tinh hoa, Bộ GD&ĐT sẽ quản lí chặt chẽ loại hình đào tạo này, tăng đầu tư cho sinh viên, giảm 7% chỉ tiêu đối với trường công, chỉ tiêu còn lại dồn cho các trường NCL để thực hiện tốt mục tiêu xã hội hóa. Điều nữa,  theo ông Tùng có thể áp dụng lộ trình như các nước, tỉ lệ sinh viên của trường công và trường tư là 50%-50%, từ đó giảm số sinh viên công lập, tăng suất đầu tư trên sinh viên thay vì tăng học phí.

Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT
Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT

Phản biện trước những chủ trương và chính sách tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nhà văn Nguyên Ngọc (Trường ĐH Phan Chu Trinh) thẳng thắn, hàng năm tiến hành tuyển sinh có điểm sàn, về nguyên tắc áp dụng điểm sàn là sai. Nên cho các trường chủ động tuyển theo đặc thù, theo điều kiện đầu vào riêng. Thực tế, điểm sàn không quyết định năng lực của thí sinh vì mỗi sinh viên sẽ có những thế mạnh riêng, không do điểm quyết định. 

“Trong quá khứ đã có nhiều Hội thảo của Hiệp hội với mục đích phản biện chính sách của Bộ GD&ĐT, giúp cho nền giáo dục hoàn thiện và tốt hơn, nhưng không nhận được trả lời phản hồi từ Bộ. Đề nghị có buổi đối thoại trực tiếp giữa Hiệp hội và Bộ GD&ĐT”, nhà văn Nguyên Ngọc bức xúc.
Không nên kéo dài thời gian tuyển sinh

Theo TS. Nguyễn Minh Châu – Hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung (Bình Định), nguyên nhẫn dẫn tới tình hình khó tuyển sinh trong những năm qua đối với các trường NCL, một phần do chính sách bảo hộ của nhà nước. Về chủ quan, theo ông Châu, Bộ cho các trường kéo dài thời gian tuyển, điểm chuẩn cao hơn điểm sàn, trường công được tự xác định chỉ tiêu nên thường tăng chỉ tiêu, đó là việc cạnh tranh không công bằng.
 
“Việc thiếu thí sinh xảy ra khắp các vùng miền Bắc, Trung và Nam nên yếu tố vùng miền có lẽ không quyết định. Phải chăng việc xác định điểm sàn không đúng tạo thiếu nguồn tuyển. Các trường ĐH NCL tuyển sinh yếu do tiếng tăm, thời gian thành lập, …? Vậy, nguyên nhân chính là do Hội đồng xác định điểm sàn chưa chính xác dẫn đến thiếu hụt nguồn tuyển” ông Châu nêu thực trạng.

Theo đề xuất của ông, nếu năm tới vẫn tuyển sinh “ba chung”, bộ phận máy tính tuyển sinh phải thực hiện công tác thống kê chính xác loại số lượng ảo do thí sinh thi nhiều đợt. Thêm đó, cấp độ thi phải phù hợp, vừa mức tạo phổ điểm tốt. Bỏ điểm sàn, điểm sàn không hợp lí cho hai hệ thống trường ĐH NCL và CL (tính vị trí khác nhau, xếp hạng khác nhau, bề dày lịch sử khác nhau,…). Còn về lâu dài đề nghị bỏ thi “ba chung”, các trường được tự chủ trong tuyển sinh, có thể xét tuyển học sinh THPT, thi tuyển riêng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Cao Đạt - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long đề nghị, nếu năm tới Bộ vẫn giữ điểm sàn nhưng cần lưu ý tới điểm ưu tiên vùng miền. Nếu cách tính điều kiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải dựa trên yếu tố cơ sở vật chất, đội ngũ, điều đó chẳng khác nào tạo điều kiện cho các trường công do các yếu tố đó đều cao hơn các trường NCL. Hơn nữa, các trường tự chủ trong điểm chuẩn, có trường lấy bằng điểm sàn thì các trường NCL phải thua là đúng. Từ đó, ông đề nghị xác định điểm sàn phải có tính khu vực, có chính sách khuyến khích các trường NCL phát triển, định hướng nhìn nhận của xã hội về vai trò của các trường NCL. Bộ GD&ĐT cần xem xét chặt chẽ khi quyết định cho thành lập trường, nâng cấp trường, một trường không nên tồn tại hai cấp…
Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, ông Trương Quang Mùi - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn cho rằng, chính sách tuyển sinh của Bộ có nhiều chỗ chưa tốt. Bộ nên dành quyền cho các trường chủ động, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, Bộ không nên can thiệp quá sâu. 

Đồng ý với việc bỏ điểm sàn, ông Mùi nói “Chất lượng đào tạo rõ ràng không phụ thuộc vào điểm sàn. Quyền được đi học ĐH là quyền của người dân, việc thi tuyển là do cung không đáp ứng được cầu, nhưng hiện nay cũng đã đáp ứng đủ cho “cầu” thì tại sao phải duy trì điểm sàn, điều đó là ngăn cản quyền được đi học của người dân”. 

Ông Mùi cũng đồng ý với quan điểm, nhà nước không đủ sức đầu tư cho giáo dục ở tất cả các trường thì việc sử dụng nguồn khác trong xã hội là việc làm phải được khuyến khích. Làm được điều này các trường công lập sẽ giảm tải hơn để tăng chất lượng đào tạo. 

Các ý kiến cũng bày tỏ, chính sách từ Bộ GD&ĐT phải kiên quyết thực hiện đúng Điều 34 Luật GDĐH (Trường chủ động lựa chọn phương thức tuyển sinh), năm tới không kéo dài thời gian tuyển sinh. 
Điều 34 (Luật GDĐH có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 về Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh nêu rõ: 

1. Chỉ tiêu tuyển sinh:

a) Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học; 

c) Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tuyển sinh:

a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Clip: Học sinh Hà Nội không biết tên Thủ đô của Việt Nam!

Học sinh Hà Nội nói: Yết Kiêu đánh giặc Minh, Sơn Tinh là... thần nước

Clip trắc nghiệm: HS Hà Nội nhầm lẫn Thủ đô Việt Nam là... Cầu Giấy

 Bộ Giáo dục công bố nhiều sai phạm tại ĐH Kinh tế Quốc dân

Một bộ phận thanh thiếu niên có biểu hiện suy thoái tư tưởng

Sai phạm hơn 51 tỷ ở ĐH Kinh tế Quốc dân:Hiệu trưởng bị xử lý thế nào?

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Xuân Trung