Những con số đáng lo ngại về Vệ sinh an toàn lao động

17/12/2012 06:24
T.L
(GDVN) - Mỗi năm, nước ta đã xảy ra tới gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 6.000 người bị nạn, trong đó có 500 vụ tai nạn gây chết người với hơn 600 người lao động bị thiệt mạng.
Mỗi năm gần 6.000 vụ tai nạn lao động

Sáng 8/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động và định hướng triển khai đến năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bùi Hồng Lĩnh: “Tai nạn lao động ở nước ta trong những năm qua có chiều hướng tăng. Trong đó, bình quân giai đoạn 2001 - 2012, mỗi năm đã xảy ra tới gần 6.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 6.000 người bị nạn, trong đó có 500 vụ tai nạn gây chết người với hơn 600 người lao động bị thiệt mạng”.

Ảnh inh họa - Nguồn Internet.
Ảnh inh họa - Nguồn Internet.

Điển hình là các vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2008 làm 53 người chết, 12 người bị thương; vụ tai nạn sập mỏ đá D3 công trình thủy điện Bản Vẽ, Nghệ An năm 2007 làm 18 người chết và gần đây nhất là vụ tai nạn lao động do nổ xe bồn chứa gas tại KCN Bắc Ninh làm 47 người bị thương vào ngày 5/12/2012.

Tổng số vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người (theo thống kê chưa đầy đủ của các đơn vị trực thuộc Bộ XD) trong 3 năm qua (2009 - 2011) là 43 vụ, làm chết 47 người (bình quân trên 15 người chết/năm). Còn theo CĐ Xây dựng Việt Nam, riêng năm 2011, toàn ngành có 133 vụ TNLĐ thì các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng để xảy ra 14 vụ TNLĐ chết người, khiến 15 công nhân thiệt mạng.

Tuy nhiên, số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do tai nạn lao động thường nhiều gấp ba lần số liệu được báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH, cụ thể mỗi năm có tới 1.700 người lao động bị thiệt mạng do tai nạn lao động gây ra.

Trong đó, các vụ tai nạn lao động đang xảy ra ở cả loại hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu là sản xuất các loại vật liệu xây dựng, cơ khí, điện, khai thác mỏ… do phần lớn các thiết bị đều cũ, lạc hậu, mua lại nên chưa thực sự coi trọng công tác bảo hộ lao động.

Tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc các lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí, chế tạo và lắp ráp ô tô, xe máy, hàng điện tử… Mặc dù, tổ chức sản xuất trên cơ sở công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại nên điều kiện lao động được cải thiện, song chỉ được đáp ứng tại các liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có mức vốn đầu tư lớn, được thẩm định kỹ về mọi mặt trước khi được cấp giấy phép và được thanh tra, kiểm tra ngay từ khi tiến hành xây dựng, hoặc những doanh nghiệp có mục tiêu làm ăn dài hạn tại Việt Nam.

Còn những doanh nghiệp hoặc liên doanh có vốn đầu tư ít, năng lực sản xuất thấp, thuộc các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến và xây dựng công nghiệp thì tình hình thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn vi phạm nghiêm trọng.

Hơn 27.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp

Bên cạnh đó, Hội nghỉ chỉ rõ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ tăng cao trong giai đoạn 2013 – 2020. Đây là nhận định của hầu hết các chuyên gia tại Hội nghị tổng kết 18 năm thi hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và định hướng triển khai đến năm 2020.

Dự báo số lượng người bị tai nạn sẽ ngày càng tăng lên, đặc biệt là lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp bởi quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày càng sử dụng nhiều máy móc, phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật. Trong khi đó, lực lượng làm công tác bảo hộ lao động ở cấp xã là không có.

Hiện, Việt Nam có 28 bệnh được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được thanh toán bảo hiểm. Tổng số người mắc bệnh nghề nghiệp đã qua giám định tính đến cuối năm 2011 là hơn 27.000 trường hợp. Trong đó, chủ yếu là bệnh bụi phổi silic, điếc nghề nghiệp.

Số liệu của Cục Quản lý môi trường y tế cho thấy, tính đến tháng 12/2011, bệnh bụi phổi silic chiếm 20.274 ca/27.246 ca bệnh nghề nghiệp (chiếm 75%) và xảy ra chủ yếu trong ngành xây dụng; điếc nghề nghiệp là 4.202 ca (chiếm 15,6%). Còn theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu KHKT BHLĐ (Tổng LĐLĐVN), thì bệnh phổi silic trong sản xuất vật liệu xây dựng chiếm tỉ lệ cao nhất - 33,41% số người mắc bệnh này trên cả nước. 

Ngoài hậu quả gây chết người, thương tật, tai nạn lao động còn gây ra thiệt hại lớn về của cải vật chất với hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đó là tiền bồi thường, trợ cấp từ người sử dụng lao động và thiệt hại do người lao động phải nghỉ việc.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận: “Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động chưa tương xứng với trách nhiệm đối với người lao động”. 

Bộ trưởng cho biết, dù Bộ luật Lao động được sửa đổi năm 2012 có một chương về vấn đề an toàn lao động nhưng quy định này mới chỉ chi phối một bộ phận đối tượng có quan hệ lao động. Vì vậy, Luật Vệ sinh an toàn lao động cần sớm được ban hành làm cơ sở pháp lý để thực hiện công tác bảo hộ cho tất cả những người tham gia lao động.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên nhân tai nạn lao động cao trước hết là do chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong các phương án để bảo vệ điều kiện lao động, đảm bảo an toàn. 

Ngoài ra, bản thân người lao động hiểu biết về pháp luật an toàn còn hạn chế. Nhà nước chưa xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân không làm tốt quy định, từ đó họ xem nhẹ hoặc chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về lĩnh vực này.

Nguy cơ mất an toàn cao 

Theo CĐ Xây dựng Việt Nam, xuất phát từ điều kiện đặc thù của ngành, công việc của người công nhân xây dựng thường được tiến hành ngoài trời, trên cao hoặc dưới sâu rất phức tạp, địa bàn lao động lại luôn thay đổi. Nhiều công việc buộc người công nhân phải làm việc ở tư thế gò bó, làm ở  những chỗ chênh vênh nguy hiểm... dễ gây tai nạn. 

Ảnh inh họa - Nguồn Internet.
Ảnh inh họa - Nguồn Internet.

Môi trường làm việc lại độc hại, ô nhiễm (bụi, hơi, khí độc, tiếng ồn) hoặc chịu ảnh hưởng xấu của khí hậu, thời tiết (nắng gắt, mưa gió) ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người lao động. Trong khi đó, người lao động nhất là lao động ngắn hạn, thời vụ chưa được đào tạo bài bản, nên trong xử lý công việc, xử lý tình huống còn lúng túng, thậm chí thao tác sai dẫn đến tai nạn lao động.

Theo ông Phạm Đức Hinh - Trưởng phòng ATLĐ, Vụ Quản lý hoạt động Bộ Xây dựng cho biết: “Công nhân xây dựng có nguy cơ bị thiệt mạng do TNLĐ cao gấp 2 lần so với công nhân các ngành khác. Nguyên nhân gây chấn thương hàng đầu là do ngã cao. Vì điều kiện làm việc tại công trường không đảm bảo an toàn, cơ sở hạ tầng không hoàn chỉnh, nơi làm việc tạm bợ, chật hẹp, luôn thay đổi... nên TNLĐ trong ngành xây dựng những năm qua chưa có xu hướng giảm”. 

Doanh nghiệp đã làm hết trách nhiệm?

Kiểm tra 16 doanh nghiệp trực thuộc 8 sở xây dựng địa phương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam trong 9 tháng đầu năm 2012 (do CĐ Xây dựng Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng và Tổng LĐLĐVN, Bộ LĐTBXH thực hiện) cho thấy: Công tác BHLĐ được các đơn vị quan tâm tổ chức thực hiện. 

Trong đó, tỉ lệ số CNLĐ được khám sức khỏe định kỳ hằng năm đạt trên 70%. Tuy vậy, nhiều yếu tố về độ ẩm, ánh sáng, rung, hơi khí độc, nhiệt độ... vẫn còn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch và đề ra biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo môi trường làm việc cho NLĐ, hạn chế mắc BNN. Mặc dù các DN có nhiều cố gắng, nhưng 3 năm gần đây số vụ TNLĐ vẫn chưa thuyên giảm, đặc biệt là TNLĐ chết người.

Theo CĐ Xây dựng Việt Nam, để xảy ra TNLĐ và BNN, nguyên nhân chủ yếu là do các nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo ATLĐ, chưa hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện trong quá trình thi công, đồng thời ý thức chấp hành các quy định về ATLĐ của NLĐ chưa cao.

Quá trình kiểm tra cũng phát hiện một số tồn tại đáng lưu ý. Đó là chất lượng xây dựng kế hoạch BHLĐ còn hạn chế, thiếu các nội dung về biện pháp kỹ thuật ATLĐ-PCCN, biện pháp kỹ thuật vệ sinh LĐ và cải thiện điều kiện làm việc. Việc thực hiện ATVSLĐ tại công trường còn một số tồn tại như thiếu lan can, rào chắn, nắp che đậy, hệ thống lưới che chắn bụi, biển báo, biển cấm tại một số vị trí nguy hiểm có nguy cơ gây TNLĐ. Công tác AT về điện, PCCN tại công trình, công tác đo kiểm, đánh giá điều kiện làm việc cũng như yếu tố phát sinh về bụi, ồn, rung... chưa được được quan tâm thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Thống kê  tai nạn LĐ và số người chết trong ngành xây dựng 
- Năm 2009: Có 184 vụ TNLĐ trong ngành xây dựng, trong đó 15 vụ TNLĐ chết người. Tổng số công nhân các DN trực thuộc Bộ Xây dựng thiệt mạng là 15.
- Năm 2010: Có 89 vụ TNLĐ, trong đó 14 vụ chết người. Số công nhân các DN thuộc Bộ XD thiệt mạng là 17.  
- Năm 2011: Có 133 vụ TNLĐ, trong đó 14 vụ chết người. Số công nhân các DN thuộc Bộ XD thiệt mạng là 15.  
- Một số vụ TNLĐ chết người đặc biệt nghiêm trọng:  Vụ sạt lở đá tại mỏ Lèn Cờ (Nghệ An) xảy ra ngày 1.4.2011, khiến 18 công nhân (cả DN thuộc Bộ Xây dựng và DN, đơn vị thuộc tỉnh) thiệt mạng, 6 người khác bị thương nặng. Vụ chập điện hệ thống van xả nước công trình thủy điện Suối Sập (Sơn La) xảy ra ngày 17.12.2011, làm 8 công nhân thiệt mạng...  
    (Nguồn: Bộ Xây dựng và CĐ XDVN) 


T.L