Vì sao ngày càng có nhiều giáo viên vô cảm?

26/12/2012 06:03
Hồ Tuấn Anh
(GDVN) - Gần đây dư luận xã hội ngày càng nói nhiều về bệnh vô cảm trong nhiều lĩnh vực. Giáo dục vốn được tôn vinh là nghề cao quý cũng không ngoại lệ. Đó là tình trạng không nhiệt tình trong công tác, né tránh trách nhiệm giáo dục vì sợ bị liên lụy, làm việc qua loa hời hợt, hình thức, bàng quan trước mọi vấn đề, không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức học sinh… thực sự, đây là một vấn đề đáng báo động.
Vậy, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng đáng buồn đó? 
Theo chúng tôi, trước hết là do cơ chế quản lí lạc hậu. Dù đã có nhiều cố gắng để tạo ra sự đột phá nhưng trên thục tế cơ chế quản lí trong các nhà trường ngày nay về cơ bản không khác gì thời bao cấp. Đó là cơ chế cào bằng, bình quân chủ nghĩa, nặng về hình thức và chạy theo thành tích. Vì thế không khuyến khích được sự làm việc hết mình của giáo viên, nhất là những giáo viên có năng lực. Bởi chỉ cần làm việc bình thường, nhàn nhạt thì cuối năm vẫn là lao động tiên tiến, ba năm lại lên lương. 

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Trong khi đó những người có năng lực thường được phân công nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn nhưng mức độ đánh giá cũng không có gì khác so với những giáo viên làm việc bình thường, thậm chí dưới mức bình thường. Những người phấn đấu hết mình trong công việc nếu thành công thì sự động viên cũng chỉ ở mức độ vừa phải, nếu không thành công thì đôi khi trở thành "ví dụ điển hình" trong mọi cuộc họp, thậm chí đôi khi còn mất danh hiệu thi đua vì có một nhiệm vụ khó khăn nào đó không hoàn thành như bồi dưỡng học sinh giỏi chẳng hạn. Cũng bởi tình trạng đó khiến cho một số giáo viên không muốn phấn đấu, ngại va chạm, làm việc cầm chừng dẫn tới vô cảm trong công việc. Vì có phấn đấu làm việc tốt hơn người khác cũng chẳng để làm gì, đôi khi còn bị mang tiếng là chơi trội.

'Cách học chết' ở bậc tiểu học

'Cách học chết' ở bậc tiểu học

Bao giờ mới bỏ thi “ba chung”?

Bao giờ mới bỏ thi “ba chung”?

Một nguyên lí căn bản là muốn giáo dục có hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Có tình trạng đó là do lệch lạc từ nhận thức của gia đình. Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa gia đình, xã hội với nhà trường ngày càng mờ nhạt nhất là trong thời kỳ kinh tế phát triển như hiện nay người ta xem "thời gian là vàng" hoặc "tiền là tất cả, tiền là thước đo giá trị". Vì thế, cái gọi là xã hội hóa giáo dục hiện nay chủ yếu là huy động tiền của phụ huynh. Mà đôi khi vì sự huy động đó càng làm cho phụ huynh vô trách nhiệm hơn đối với việc phối hợp với nhà trường để giáo dục con em mình, vì họ cho rằng nhiệm vụ của họ chỉ là nộp tiền, nộp càng nhiều thì trách nhiệm càng cao. Việc còn lại là của nhà trường và giáo viên! 

Vì thế họ không sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm phối hợp để giáo dục con em họ trong những trường hợp cần thiết, mà chỉ biết hoặc là trăm sự nhờ thầy(cô), hoặc là quay sang kết tội, phỉ báng nhà giáo. Thế nên mới có lớp VIP trong trường học, có phụ huynh đánh giáo viên ngay trên bục giảng… Điều đó khiến cho nhiều giáo viên không muốn đối diện với những học sinh chậm tiến bộ, không dám đưa ra những giải pháp quyết liệt để giáo dục học sinh, mà thực chất là không dám đụng chạm đến học sinh vì sự bị liên lụy, dẫn tới thái độ vô cảm.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà nước đã không ngừng đầu tư cho việc đào tạo đội ngũ nhà giáo đạt và vượt chuẩn. Nhưng thực sự đang có một khoảng cách lớn giữa trình độ đào tạo và năng lực thực tế của giáo viên .Nhiều người được đào tạo trên chuẩn nhưng thực tế làm việc hiệu quả, chất lượng rất thấp. Nhiều người đi học nâng cao trình độ nhưng sự thay đổi trong thực tế làm việc chẳng có là bao. Cống hiến lại càng ít...Đó là điều dể hiểu vì có rất nhiều giáo viên là sản phẩm của phong trào "đổ xô đi học thạc sĩ" . Họ đi học để có thêm "mác", để "giữ ghế "…

Nhân dân dành niềm tin và sự kỳ vọng rất lớn cho đội ngũ nhà giáo! Nhưng thật đáng buồn! Qua một cuộc thăm dò gần đây cho thấy có khoảng 50 % giáo viên không yêu nghề. Một khi giáo viên đã không yêu nghề thì không thể làm việc có trách nhiệm với nghề. Vì thế khi gặp phải cơ chế quản lí cứng nhắc, cào bằng, cộng thêm áp lực của xã hội, đa số giáo viên buộc phải tìm cách đối phó để hoàn thành nhiệm vụ về mặt hình thức, né tránh những vấn đề gai góc, phức tạp. Lâu dần tạo thành thói quen làm việc qua loa, ỉ lại, vô cảm, cốt sao hồ sơ đầy đủ, kiến thức chuyên môn không sai sót. Còn việc giáo dục, dạy người thì không cần quan tâm.
Trong một xã hội mà đồng tiền đang chi phối nhiều nấc thang giá trị, thì không thể đòi hỏi giáo viên cứ yên tâm sống và làm việc hết mình bằng cái gọi là nghề cao quý, trong khi chế độ đãi ngộ nhiều bất cập, đồng lương không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu. Vì không thể sống được bằng lương, nên giáo viên buộc phải tìm cách xoay sở để sống. Điều đó tạo ra nhiều hệ lụy cho ngành giáo dục. Một trong những hệ lụy đó là thói vô cảm, thiếu trách nhiệm và dĩ nhiên là không thể yêu nghề.

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, mọi sự việc đều trở nên nhạy cảm hơn, mà những sự việc liên quan đến lỗi của nhà giáo thì càng được các phương tiện truyền thông khai thác triệt để. Cho nên truyền thông cũng đóng một "vai trò" không nhỏ trong việc tạo ra thói vô cảm ấy.

Tất nhiên thời nào cũng có những người lạc lối trong đội ngũ nhà giáo đáng phải lên án. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là nhiều khi truyền thông khai thác quá đà một sự việc cá biệt làm cho công chúng hiểu nhầm thành những lỗi lầm phổ biến của đội ngũ nhà giáo. 

Điều đáng quan ngại hơn nữa là mỗi khi có sự cố học đường có liên quan đến giáo viên thì truyền thông thường khai thác theo hướng kết tội giáo viên và không ít trường hợp các nhà quản lý đã xử lí nặng giáo viên sai phạm dưới sức ép của truyền thông, đẩy nhà giáo vào tình thế làm việc bất an, mỗi hoạt động giáo dục trên lớp đều phải đề phòng sự soi mói của truyền thông. Chỉ cần một bức ảnh, một câu nói, một chút nóng giận thiếu kiềm chế... đều có thể bị các phương tiện truyền thông biến mình thành tội đồ. Không ít giáo viên buộc phải co mình lại làm việc một cách bị động.

Trong khi đó những câu chuyện giàu ý nghĩa nhân văn trong ngành giáo dục càng ngày càng ít được đề cập, có chăng là chỉ nhân dịp 20-11. Điều đó khiến cho ngành giáo dục vốn đã nhạy cảm lại càng trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết.

Để xảy ra tình trạng đó, là giáo viên, chúng tôi thấy mình cũng có nhiều phần trách nhiệm.Thiết nghĩ, để những người Việt nói chung và những người trong ngành giáo dục nói riêng không để sự vô cảm đi đến tận đáy thì cần rất nhiều sự thay đổi trong nhận thức và hành động. Bởi một hệ quả có tính chất nhỡn tiền là: nếu giáo viên vô cảm thì tất sẽ có nhiều thế hệ học sinh sống vô cảm, nhạt nhẽo, thiếu hoài bão!
Hồ Tuấn Anh