Con trai đại gia Trầm Bê, sếp ngân hàng giàu nhất sàn chứng khoán Việt

26/12/2012 14:46
Theo Infonet
Còn gần 1 tuần nữa năm 2012 mới kết thúc, nhưng 10 sếp ngân hàng giàu nhất trên sàn chứng khoán tính theo giá trị cổ phiếu đã lộ diện. Đứng đầu danh sách là con của đại gia Trầm Bê - Trầm Khải Hòa và chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam - Trần Hùng Huy.
 
Tuy nhiên, không phải tất cả những sếp ngân hàng có cổ phiếu nhiều nhất trên sàn chứng khoán là những ông chủ có quyền lực thực sự.
1. Trầm Khải Hòa – Thành viên HĐQT ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB)
Xuất thân từ doanh gia giàu có, sinh năm 1988, con trai út của đại gia Trầm Bê là thành viên trẻ nhất trong HĐQT ngân hàng Sacombank, đồng thời cùng là sếp trẻ nhất trên sàn chứng khoán. Sở hữu 20,8 triệu cổ phần Sacombank, giá trị cổ phiếu Sacombank hiện nay của ông Hòa khoảng 418,5 tỷ đồng.

10 CEO giàu nhất sàn chứng khoán năm 2012

10 CEO giàu nhất sàn chứng khoán năm 2012

7 doanh nhân khiến báo chí tốn nhiều giấy mực nhất năm 2012

7 doanh nhân khiến báo chí tốn nhiều giấy mực nhất năm 2012

Giống như bố mình - ông Trầm Bê, Trầm Khải Hòa cũng chỉ bắt đầu nổi danh sau sự kiện "tin đồn sáp nhập Sacombank". Tuy nhiên, thực tế, nghiệp kinh doanh của Trầm Khải Hòa bắt đầu từ rất sớm, khi doanh nhân này mới 21 tuổi. Cuối năm 2009, khi hầu hết bạn bè cùng trang lứa còn ngồi trên ghế giảng đường, Trầm Khải Hòa đã là Phó phòng quản lý các chi nhánh Ngân hàng Phương Nam.
Tại nhiệm chưa đầy 5 tháng, ông Hòa được giao vị trí Phó Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Phương Nam, trước khi trở thành Trợ lý Phó Chủ tịch nhà băng này chỉ 2 tháng sau đó. Hiện nay, ông Hòa đảm nhận chức Thành viên HĐQT của cả Sacombank và chứng khoán Phương Nam, nơi bố và anh trai của ông đều giữ vị trí cốt cán tại HĐQT.
Trầm Trọng Ngân - anh trai của ông Hòa nắm giữ tới 48 triệu cổ phiếu Sacombank nhưng chỉ là một cổ đông, không nắm giữ vị trí lãnh đạo tại nhà băng này. Mới đây, ông Ngân cũng công bố bán toàn bộ số cổ phiếu Sacombank mà mình đang nắm giữ.
2. Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Á Châu (ACB)
Sinh năm 1978, ông Trần Hùng Huy hiện là chủ tịch HĐQT ngân hàng trẻ nhất Việt Nam hiện nay. 24 triệu cổ phiếu ACB mà ông Huy sở hữu đang có thị giá khoảng 385,7 tỷ đồng, đưa ông Huy xếp thứ hai trong danh sách những sếp ngân hàng giàu có nhất thị trường chứng khoán năm 2012. Trước đó, vào thời kỳ hoàng kim của cổ phiếu ACB, phần vốn mà chủ tịch ngân hàng này nắm giữ có lúc đã vượt con số 750 tỷ đồng.

Tháng 9/2012, ông Trần Hùng Huy được lựa chọn thay ông Trần Xuân Giá lên nắm quyền điều hành cao nhất tại ACB sau khi vị này từ nhiệm và bị khởi tố sau đó. Quyết định trên được chính các lãnh đạo nhà băng này đánh giá là "hợp tình hợp lý", từ việc ông Huy đã có nhiều năm gắn bó với nghiệp ngân hàng, có bằng tiến sĩ kinh tế tại Mỹ đến là con của người sáng lập ACB. Ông Huy được kỳ vọng sẽ trở thành "biểu tượng của ngân hàng ACB mới hiện đại". Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm này cũng khiến giới đầu tư nghi ngờ về khả năng từ mô hình quản trị đề cao tính độc lập, ACB đang có bước chuyển mang dáng dấp gia đình trong điều hành.
Trên thực tế, tại ACB, ông Trần Mộng Hùng - người sẽ chính thức quay lại HĐQT ACB sau cuộc họp cổ đông bất thường hôm nay (26/12), mới là người có quyền lực thực sự tại nhà băng này.
3. Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank
Là một trong 4 "người cũ" của Ngân hàng Phương Nam được bầu vào HĐQT mới của Sacombank vào tháng 5/2012 vừa qua, ông Phan Huy Khang cũng nhanh chóng trở thành sếp sở hữu nhiều cổ phiếu thứ 2 của nhà băng này sau ông Trầm Khải Hòa. Trước khi chính thức đảm nhiệm vị trí CEO của STB, ông Khang đã có hơn một tháng giữ chức phó tổng giám đốc.


Theo mức giá chốt phiên ngày 21/12, gần 14 triệu cổ phiếu STB của ông Khang có giá trị tương đương với 280,77 tỷ đồng.
4. Dương Hoàng Quỳnh Như – Phó tổng Sacombank
Sếp nữ ngân hàng duy nhất lọt top 10 là bà Dương Hoàng Quỳnh Như. Nhậm chức vào tháng 5/2012 sau khi vừa rút khỏi ngân hàng Phương Nam, bà Như gia nhập nhóm 12 phó tổng của STB, dưới sự điều hành của ông Phan Huy Khang.



Với hơn 6,1 triệu cổ phiếu của Sacombank, giá trị tài sản trên sàn của bà Như hiện là hơn 122,6 tỷ đồng.
5. Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB)
Là ông chủ của công ty Cổ phần T&T Group, SHB, sở hữu 2 đội bóng của Vleague (không chính thức) bầu Hiển từng gây xôn xao giới kinh doanh năm 2012 khi SHB sáp nhập với Habubank và trở thành cổ đông sáng lập công ty Thủy sản Bình An.
Sau gần 20 năm lăn lộn trong giới kinh doanh, bầu Hiển nổi tiếng là người chơi ngông. Ông từng rút tiền mặt, thưởng nóng cầu thủ ngay trên sân, cho rằng thành công của mình chủ yếu là nhờ trời. "Tôi không thích nói nhiều mà muốn khẳng định bằng việc làm. Tôi là người may mắn và thành công đạt được có sự trợ giúp tới 70% của ông Trời. Vì lẽ này mà tôi không cho phép mình dừng lại. Bởi nếu dừng lại tức là tôi đã phụ công trời đất, phụ công những gì cuộc đời dành cho tôi".


Hiện giữ hơn 22 triệu cổ phiếu SHB, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán theo mức chốt ngày 21/12 của ông Hiển là 116,9 tỷ đồng. Trên thực tế, tài sản của bầu Hiền ở SHB không chỉ dừng ở số cổ phiếu đứng tên cá nhân mà còn nằm ở những tổ chức khác mà ông này cũng giữ vị trí chủ chốt. Chủ tịch SHB là người có "quyền lực tuyệt đối" tại đây.
6. Đặng Thành Tâm - thành viên HĐQT ngân hàng Nam Việt - Navibank (NVB)
Cùng với bầu Hiển, ông Đặng Thành Tâm là một trong hai người thuộc top 10 vừa có tên trong danh sách thành viên HĐQT, vừa là cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng. Dù lượng cổ phiếu NVB của ngân hàng Nam Việt là thấp nhất trong số 5 mã chứng khoán ông đang nắm giữ, nhưng với giá trị gần 95 tỷ đồng, đại gia này vẫn nằm trong top những sếp ngân hàng giàu nhất chứng khoán Việt năm 2012. Tại Navibank, dù chỉ là thành viên HĐQT và lượng cổ phiếu nắm giữ không quá lớn nhưng ông Tâm có ảnh hưởng rất lớn tại nhà băng này.

Dù có nghiệp kinh doanh trải rộng trong nhiều ngành, từ ngân hàng, khoáng sản tới địa ốc, công nghệ, phát triển khu công nghiệp, nhưng trước khó khăn của tình hình kinh tế 2012, vị này từng chia sẻ muốn được trở về ngày xưa, không canh cánh nỗi lo nợ nần.

Ông Tâm cũng chia sẻ, món nợ ngân hàng mà tập đoàn của ông cùng chị gái là bà Đặng Thị Hoàng Yến đang phải gánh lên tới 500 triệu USD, đó là kết quả của những thất bại do lấn sân đầu tư tài chính. Thế nhưng, không lâu trước đó, ông cũng từng phát biểu đầy kiêu hãnh: "Riêng lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài thì chả doanh nghiệp nào bằng chúng tôi. Nếu chúng tôi chết thì chẳng ai sống được".
7. Hà Thanh Hùng - thành viên HĐQT Ngân hàng Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB)
Theo báo cáo thường niên của Eximbank, ông Hà Thanh Hùng từng là trưởng phòng kế hoạch đầu tư đài tiếng nói nhân dân TP.HCM, Phó chủ tịch HĐQT công ty điện tử SamsungVina. Hiện ông là Cố vấn HĐQT công ty cổ phần Sóng Việt, công ty may thêu Lan Anh và giữ chức thành viên HĐQT Eximbank từ năm 2005.


Hiện ông Hùng sở hữu 2,34 triệu cổ phần tại Eximbank, tương đương giá trị 35 tỷ đồng.
8. Nguyễn Tấn Thành - Trưởng ban Kiểm soát Sacombank

Từng nắm giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank vào trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2005, ông Nguyễn Tấn Thành hiện là Trưởng ban Kiểm soát. Tính đến ngày 21/12, hơn 1,04 triệu cổ phiếu STB mà ông Thành nắm giữ có giá trị khoảng 20,9 tỷ đồng.
9. Nguyễn Vĩnh Thọ - Chủ tịch HĐQT Navibank


Là chồng của bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Hoàng Yến, ông Nguyễn Vĩnh Thọ đã có 10 năm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Việt (Navibank). Tuy nhiên, ông này lại chỉ nắm hơn 2,57 triệu cổ phần của nhà băng này, tương đương giá trị 16,47 tỷ đồng.
10. Lê Văn Bé - Phó chủ tịch Ngân hàng Cổ phần Quân đội - MB (MBB)
Là người trực tiếp tham gia xây dựng Đề án thành lập MB, ông Lê Văn Bé đã có 17 năm giữ vị trí trong ban lãnh đạo của ngân hàng, trong đó có 15 năm đảm nhận cương vị CEO. Hiện tại, ông giữ vị trí Phó Chủ tịch thứ nhất MB và đồng thời kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT công ty Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản. Ngoài ra, ông Bé còn là Thành viên HĐQT công ty Tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel, tổ chức vừa có vụ "tố" ồn ào với SeABank trong hợp đồng bảo lãnh trị giá 150 tỷ đồng.

Gần 1,2 triệu cổ phiếu mà ông Bé nắm giữ của MB hiện có giá khoảng 14,67 tỷ đồng, đưa ông vào danh sách những sếp ngân hàng giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012. Nắm giữ lượng cổ phiếu không nhiều nhưng ông Lê Văn Bé là một nhân vật có ảnh hưởng lớn tại MB.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!


Theo Infonet