Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.911

Chuyện về “nhà khoa học” từng là con nghiện

28/12/2012 07:30
“Không ai sống bằng quá khứ, nhưng phải nhớ về những lần từng vấp ngã để biết cách đứng dậy vững vàng hơn”. Bởi thế cho nên ông Trần Khuông Dẫn từ một người nghiện đã trở thành “nhà khoa học” sáng chế ra loại thuốc dành cho những người nghiện cắt cơn một cách nhẹ nhàng.
Chuyện về “nhà khoa học” từng là con nghiện ảnh 1
Để phục vụ cho công trình khoa học ông Dẫn lấy ngắn nuôi dài 
bằng những bài thuốc dân gian chữa bệnh dạ dày, đau lưng

Phong ba cuộc đời

“Tôi từng nghiện thuốc phiện, bắt đầu hút từ những năm 84-85 của thế kỷ trước”- ông Dẫn cho biết. Còn tôi, nhìn cử chỉ nhanh nhẹn của một người năm nay bước sang tuổi 79, tiếng nói vẫn sang sảng, khuôn mặt và da dẻ vẫn hồng hào lại chợt hoài nghi về những gì mà ông kể.
Ông Dẫn tâm sự, tại ông có tiền nên chẳng biết tiêu vào việc gì cả. Ngày đó, tiền thu được từ nghề làm thuốc nam của gia đình, cứ 2 ngày lại mua được 1 chỉ vàng cất hộp. Với ông, việc làm quen cùng “nàng tiên nâu” chỉ như một thú chơi, một cách ném tiền qua cửa sổ chẳng tiếc tay. Khi vấp phải, ông cũng không còn trẻ thơ ngây dại, vậy mà…
Thế rồi, một ngày lương tri của con người sinh ra trong gia đình lương y cũng phần nào giúp ông thức tỉnh. Ông chợt nhớ ra, gia đình đã nhiều đời làm thuốc, và ở đâu đó vẫn còn những người thân sống bằng nghề ông cha truyền lại. Lật giở trong tâm trí, ông đã tìm vào Sài Gòn để gặp người anh học nghề thuốc mà chính ông từng uổng phí bỏ qua. Nơi hẹn là hiệu thuốc nam trên con phố Trần Quang Diệu, Sài Gòn, người anh Trần Ngọc Thản mừng tủi vì thằng em cứng đầu đã ngộ ra lẽ phải. Trần Khuông Dẫn thổ lộ với anh rằng, muốn học nghề thuốc để tự cứu mình.
Giờ không còn những mùa hoa anh túc nở đầy bản bên cánh rừng Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La, nhưng khi xưa nơi đây chứa nhiều nỗi buồn u ám bởi một thời đã nhấn chìm nhiều người đàn ông trai tráng. Ông Dẫn tìm về mảnh đất cửa ngõ Tây Bắc ấy không phải để ngắm cảnh phù vân trên những mỏm núi mùa đông, mà mang trong lòng một ý định của người thức tỉnh tính thiện muốn tìm ra phương thuốc cắt cơn từ thảo dược mà ông biết đồng bào nơi đó thường dùng. “Khi ấy, vào khoảng tháng 3 âm lịch, đồng bào Mông lấy nhựa cây thuốc phiện và sau đó là những cuộc nằm bẹp tai, mờ ảo. Họ hút cho đến hết mùa và hết thuốc, nhưng họ cắt cơn rất tài, chỉ dùng lá cây rừng đun lên và uống để cắt cơn” - ông Dẫn nhớ lại. Và một hành trình được bắt đầu bằng những ngày tháng tìm kiếm gian nan để ông “chia tay” với “ả phù dung” đeo đẳng. 

Sức nóng của mặt trời - Heantos

Mới chỉ là khởi đầu nhưng ông Dẫn đặt cái tên thật ấn tượng. Sức nóng của mặt trời - Heantos. Đó là tên công trình cũng là tên loại thuốc đặc trị do ông bào chế để cắt cơn nghiện. “Khi làm chủ được thì điều gì cũng thật đơn giản, cách tốt nhất để vượt qua 3 ngày vật vã là ngủ. Vấn đề là làm thế nào để ngủ được, dùng thuốc ngủ thì không được phép…” - ông Dẫn đặt ra câu hỏi rồi trả lời bằng kinh nghiệm mà ông đã từng “nằm gai nếm mật”. Giúp người nghiện vượt qua cơn vật vã trong 3 ngày êm dịu mới là điều quan trọng. Thuốc của ông nghiên cứu có làm được điều này? Ông Dẫn không trả lời mà cười sảng khoái. Chẳng lẽ một công trình khoa học lại dễ dàng như vậy ư? Một câu hỏi gợi lại quãng đường chông gai đến với khoa học của một người nghiện Trần Khuông Dẫn liệu có làm ông tự ái. “Ừ thì ban đầu cũng bực mình chút thôi. Ban đầu tôi đến gõ cửa Bộ Y tế nhưng đã bị lắc đầu và những lần sau cũng vậy, đều bị chối từ”. Có một người thấy ông Dẫn đam mê với đề tài quá, nên đã giúp bằng cách giới thiệu lên Viện Khoa học Việt Nam. 
Nhưng gặp là chuyện dễ, còn tiếp tục công trình mới là điều không đơn giản. Ban đầu ông Dẫn buồn bởi một mình lạc vào đường “độc đạo”, mà lại đầy chông gai. Số tiền để ông Dẫn nghiên cứu đã tốn kém nhiều, nhưng chưa thấy le lói tia sáng nào. Khi ông Dẫn gặp được Giáo sư Đặng Vũ Ninh lúc đó là Viện Trưởng Viện Khoa học Việt Nam, và Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu thì được cả 2 người đồng tình ủng hộ. Tiếp tục hành trình khoa học của mình, ông Dẫn may mắn được Viện Khoa học Việt Nam tiếp nhận công trình, rồi sau đó giao cho Viện Hóa học nghiên cứu. Những kết quả phân tích, đánh giá hội đồng khoa học của Viện đã chứng minh và tiếp tục hoàn tất. Sau đó, Bộ Y tế chấp thuận đưa bài thuốc của ông vào thử nghiệm lâm sàng tại một trung tâm cai nghiện do Sở LB-TB&XH TP Hà Nội quản lý. Sau thử nghiệm, hội đồng khoa học kỹ thuật do GS. Nguyễn Văn Đàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, làm chủ tịch đã kết luận: “Trên 33 người nghiện thuốc phiện được thử nghiệm, kết quả bước đầu cho thấy thuốc có tác dụng cắt cơn nghiện, chưa thấy phản ứng phụ đáng kể”. 
Song tất cả những gì mà “nhà khoa học” Trần Khuông Dẫn theo đuổi mới chỉ là khởi đầu, bởi bài thuốc cắt cơn nghiện ma túy theo phương thức “gia truyền” đến việc chứng minh tính hiệu quả bằng những phân tích, kiểm nghiệm khoa học là cả một hành trình dài.  Một thông tin sau những ngày dài chờ đợi đã đến làm ông Dẫn vỡ òa niềm vui: Viện Khoa học Việt Nam thông báo, đề tài được Liên hợp quốc hỗ trợ gần 3 triệu USD để tiếp tục nghiên cứu áp dụng vào y dược. 
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, ông Dẫn dường như bị hụt hẫng khi liên tiếp những bước hoàn thành dự án cần sử dụng đến tiền ngày một nhiều hơn. Những lần phân tích hợp chất, tỷ lệ phần nghìn, phần trăm trong thuốc… đều cần đến chi phí. Quãng đường muôn vàn khó khăn đã về gần đến đích, không lẽ đành gác lại tất cả? Ông tính bán nốt thửa vườn trong ngôi làng cổ ở Thọ An, Đan Phượng, để theo đuổi công trình. Hay tin người anh vì khoa học sẽ bán nơi chôn nhau cắt rốn, người em vội vã trở về gặng hỏi. Biết công trình tâm nguyện của anh vẫn dở dang, người em gái thảo hiền đã gửi tặng số tiền 2 tỷ đồng để hỗ trợ anh trai làm khoa học... 
Khi chúng tôi đến tìm ông, ông vẫn đang miệt mài bên những can thuốc: “Đó, thuốc tôi nghiên cứu thì đang nằm đây, còn công trình giấy tờ liên quan thì đã bảo lưu trên Viện Khoa học Việt Nam, và ban ngành của Bộ Y tế rồi”. Chúng tôi đã liên hệ với GS. TS Trần Văn Sung - Viện Hóa học Việt Nam, người được giao trọng trách chủ nhiệm đề tài cùng với “cha đẻ” bào chế ra nó là ông Trần Khuông Dẫn để xác thực xem đề tài được triển khai đến giai đoạn nào. GS. TS Trần Văn Sung khẳng định, công trình thực sự có hiệu quả, và ông Dẫn đã cùng Viện Hóa học Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt các quy trình để đảm bảo hiệu quả khi được áp dụng trong y học. GS. TS Trần Văn Sung tiết lộ: “Bộ Y tế đã duyệt và cấp giấy phép sản xuất loại thuốc Heantos 4 để sử dụng trong việc cắt cơn cho những người nghiện ma túy”. 

Đức Trí - Nguyễn Long/An ninh thủ đô