Chuyện gì xảy ra nếu giáo dục mầm non vẫn bị bỏ rơi?

01/01/2013 08:50
Theo Tien phong
Mới đây, trong phiên giải trình với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lần đầu thừa nhận: “Một phần do nhận thức, một phần do điều kiện tài chính nên có giai đoạn đã không coi trọng giáo dục mầm non bằng các cấp học phổ thông”.

Hệ lụy từ nhận thức hạn chế

Sự không coi trọng đó khiến những năm 2007 – 2010, cả nước khủng hoảng thiếu trường mầm non cũng như giáo viên mầm non. Tỉ lệ trẻ trong độ tuổi đi học vốn đã thấp mà vẫn không đủ chỗ học cho học sinh, đặc biệt là ở đô thị lớn.

Năm ngoái, trong một hội thảo về phát triển trường mầm non, một cán bộ quản lý giáo dục mầm non Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, mỗi năm Hà Nội tạo thêm khoảng 20.000 chỗ học cho trẻ mầm non, nhưng vẫn không đuổi kịp số trẻ gia tăng.

Vì thế, Hà Nội phải xoay xở nhiều cách, kể cả việc chấp nhận những lớp 60 học sinh, trong khi quy định của Bộ GD&ĐT chỉ cho phép tối đa 35 học sinh/lớp...

Nhờ đề án phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi (được Chính phủ phê duyệt tháng 2-2010), bậc học mầm non trỗi dậy nhưng vẫn không theo kịp nhu cầu thực tế.

Sau khi có đề án, gần 1.300 trường mầm non bán công được chuyển đổi sang trường công lập cũng như hàng trăm trường được xây mới, nên đến nay quy mô các cơ sở giáo dục mầm non công lập và tư thục tăng đáng kể. Song, cả nước vẫn thiếu hàng chục nghìn phòng học.

Các bé trường Mầm non Sơn Ca Định Công (Hà Nội) học trồng cây
Các bé trường Mầm non Sơn Ca Định Công (Hà Nội) học trồng cây

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước có 84,4% trẻ trong lứa tuổi mẫu giáo và 22,7% trẻ trong lứa tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng tuổi) được ra lớp.

Số trẻ được đi học chưa cao, thậm chí rất thấp ở bậc nhà trẻ, nhưng ngay cả với trẻ được đi học thì điều kiện nuôi dưỡng, học tập, vui chơi cũng chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng giáo dục.

Trong số gần 149.000 phòng học mầm non trên toàn quốc, chỉ hơn nửa là phòng học kiên cố, còn lại là phòng học cấp 4 hoặc phòng tranh tre nứa lá, thậm chí trong đó có gần 1.400 phòng học là nhờ, mượn của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Ngay cả chỗ học cho các cháu, nhiều trường chật vật xoay xở mà không đủ, nên sân chơi cùng thiết bị đồ chơi ngoài trời là thứ xa xỉ, ngay cả với một số trường học tại Thủ đô.

Chật vật đời sống giáo viên mầm non

Cũng trong phiên giải trình nói trên, nhiều đại biểu quốc hội có mặt cũng như lãnh đạo Bộ GD&ĐT chia sẻ thông tin về đời sống giáo viên mầm non.

Do cơ chế hiện hành nên các chế độ, chính sách phụ thuộc điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, chính sách đối với giáo viên mầm non không đồng đều. Cả nước hiện chỉ có chưa đến 60% giáo viên mầm non được trả lương theo thang bảng lương và nâng lương theo định kỳ.

Nhờ chủ trương chuyển các trường mầm non bán công sang trường mầm non công lập mà hàng loạt giáo viên mầm non trở nên “có tương lai”: được vào biên chế.

Trong 3 năm qua có trên 31.000 giáo viên được tuyển dụng vào biên chế. Theo bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, mỗi năm Nhà nước chi thêm 3.000 tỷ đồng để giải quyết chính sách cho giáo viên mầm non khi tuyển họ vào biên chế.

Tuy nhiên, nhiều địa phương không có nguồn chi lương cho giáo viên, dẫn đến việc tuyển dụng giáo viên vào biên chế hạn chế. Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, một bộ phận khá lớn giáo viên mầm non hiện nay làm hợp đồng, trong khi rất ít địa phương thực hiện được cơ chế hỗ trợ ngân sách để đảm bảo giáo viên ngoài biên chế cũng được hưởng lương theo ngạch bậc như TPHCM, Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc…

Phần lớn số giáo viên mầm non ngoài biên chế của các tỉnh, thành phố chưa được hưởng lương theo ngạch bậc, không được tăng lương theo định kỳ, thu nhập bình quân chỉ từ hơn 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng.

“Thậm chí có nơi hỗ trợ cho giáo viên ngoài biên chế thấp hơn mức tối thiểu chung như Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên (500.000 - 550.000 đồng/tháng), Thái Nguyên, Hà Nam (600.000 - 800.000 đồng/người/ tháng)”, ông Hiển cho biết.

Nhưng điều khiến nhiều đại biểu quốc hội cũng như lãnh đạo Bộ GD&ĐT băn khoăn hơn cả là điều kiện làm việc của giáo viên mầm non đầy căng thẳng, luôn phải làm việc thêm giờ vượt quá quy định của Luật Lao động.

Bà Phạm Thị Hải, đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Theo quy định, giáo viên làm việc 6 giờ/ngày, còn 2 giờ để soạn giáo án, chấm điểm và chuẩn bị các điều kiện cho hoạt động giảng dạy. Trên thực tế, giáo viên mầm non thường xuyên phải làm việc từ 10 đến 12 tiếng/ngày. Tính ra mỗi năm họ làm việc vượt 400 giờ trong khi Luật Lao động quy định mỗi người chỉ được làm việc vượt 200 giờ/năm. Thành thử, mỗi giáo viên mầm non ở Đồng Nai chỉ được hưởng tối đa tiền làm thêm tương đương 200 giờ”.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, các chủ trương chính sách phát triển giáo dục mầm non đến nay về cơ bản đã đầy đủ, vấn đề còn lại là ở sự ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non của các địa phương.

Cụ thể, địa phương phải dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học, bố trí kinh phí để đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên.

“Về phần Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã xây dựng chương trình kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn 2012 – 2015 chờ Chính phủ phê duyệt, trong đó ưu tiên cho giáo dục mầm non để có đủ phòng học, nhằm đạt mục tiêu phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2015”.

Theo Tien phong