Học giả Mỹ nói về những gì TQ đã, đang và sẽ làm ở Biển Đông, Hoa Đông

03/01/2013 11:54
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc thực sự đã và đang đẩy mạnh áp đặt chủ trương chủ quyền biển đảo "đặc sắc Trung Quốc" với các nước láng giềng.
Năm 2012, Trung Quốc triển khai nhiều thủ đoạn mới để tranh đoạt chủ quyền trên biển, trong đó lần đầu tiên điều máy bay hải giám xâm nhập không phận đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát.
Năm 2012, Trung Quốc triển khai nhiều thủ đoạn mới để tranh đoạt chủ quyền trên biển, trong đó lần đầu tiên điều máy bay hải giám xâm nhập không phận đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát.

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho biết, có học giả Mỹ cho rằng, Trung Quốc thể hiện cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền biển Hoa Đông và biển Đông chủ yếu là muốn tận dụng cơ hội khi nước khác hành động trước, đưa ra phản ứng mạnh, tạo ra một hiện trạng mới.

Tại một cuộc hội thảo gần đây của Viện Brookings, cố vấn cấp cao Bonnie Glaser của Trung tâm nghiên cứu chiến lược-quốc tế Mỹ (CSIS) đã phân tích về hành động của Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku, cho rằng, có thể nhìn thấy Trung Quốc “phối hợp rất nhịp nhàng” trong vấn đề đảo Senkaku, họ sử dụng nhiều biện pháp cả về pháp lý, ngoại giao lẫn kinh tế, tính phối hợp này “tốt hơn” so với những hành động của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông năm 2010.

Theo Glaser, Trung Quốc áp dụng thái độ cứng rắn trong vấn đề chủ quyền chủ yếu có 5 lý do sau:

Thứ nhất, do sức ép từ trong nước, đặc biệt là dân mạng ra sức kêu gào chính phủ phải kiên quyết giành lấy lãnh thổ, đây là điều mà Chính phủ Trung Quốc cũng muốn tận dụng theo ý định chiến lược của mình.

Thứ hai, Trung Quốc quy cho nước khác là người hành động trước, đặc biệt là ở biển Đông, theo đó Trung Quốc cho rằng các nước có liên quan đã đi ngược lại “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), còn họ thì cứ muốn “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” (tất nhiên Trung Quốc đặt ra điều kiện tiền đề là: chủ quyền thuộc về họ, nên chẳng có ai theo).

Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên cực kỳ khát dầu!
Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên cực kỳ khát dầu!

Truyền thông báo chí, chuyên gia học giả Trung Quốc thường xuyên than phiền là Trung Quốc chưa “uống” được một giọt dầu nào ở gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam)... vì vậy, Trung Quốc kiên quyết hơn trong việc áp đặt chủ trương lãnh thổ, lãnh hải trên biển Đông đối với các nước khác, tức là họ ra sức đòi hỏi chủ quyền đối với “đường lưỡi bò”.

Thứ ba, những thách thức từ các nước khác đã đem lại cơ hội cho Bắc Kinh lợi dụng mọi “thủ đoạn mở rộng” để áp đặt chủ trương lãnh thổ, chẳng hạn trong vấn đề đảo Senkaku, Trung Quốc đổ lỗi cho Nhật Bản đã gây hấn trước, và Trung Quốc chỉ là người phản ứng sau.

Thứ tư, khả năng của Trung Quốc được tăng cường, lực lượng tàu tuần tra cỡ lớn của Trung Quốc đã đem lại những sự lựa chọn mà trước đây không có. Đáng chú ý là, trong năm 2012, Trung Quốc đã liên tục biên chế những tàu công vụ cỡ lớn mới, có lượng giãn nước hàng nghìn tấn, tập trung vào vùng biển Senkaku để tranh chấp với Nhật Bản.

Nhiều tàu của Trung Quốc vốn là tàu chiến được cải tạo mà thành, có thể lắp vũ khí nóng bất cứ lúc nào. Trung Quốc còn có kế hoạch chế tạo nhiều tàu công vụ cỡ lớn trong những năm tới.

Năm 2012, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức diễn tập liên hợp giữa hải quân với hải giám và ngư chính
Năm 2012, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức diễn tập liên hợp giữa hải quân với hải giám và ngư chính

Thứ năm, người Trung Quốc tin rằng, thời gian thuộc về họ, các nước láng giềng cuối cùng sẽ thuận theo lợi ích quốc gia của họ. Trung Quốc cũng học Mỹ, sử dụng thủ đoạn “cây gậy lớn” cộng với “củ cà rốt” khi "giải quyết" đàm phán với các nước láng giềng, đồng thời áp dụng một số thủ đoạn đe dọa về kinh tế.

Glaser không nghĩ là Trung Quốc đã thay đổi chiến lược “trỗi dậy hòa bình” và chính sách “hòa thuận với láng giềng” (kiểu TQ, tức là không đếm xỉa đến thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế của nước khác...), nhưng Trung Quốc thực hiện những chính sách này (trỗi dậy hòa bình, hòa thuận với láng giềng) phải “có điều kiện”, tiền đề là Trung Quốc sẽ thực thi đòi hỏi chủ quyền mạnh mẽ hơn so với trước kia.

Glaser cho rằng, Trung Quốc tỏ rõ thái độ kiên quyết, cứng rắn đối với bất cứ thách thức nào liên quan đến “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” mà họ chủ trương (Trung Quốc coi đó là lợi ích cốt lõi như Sách trắng Phát triển hòa bình, do Trung Quốc đưa ra ngày 6/9/2011). Trung Quốc “sẽ không do dự trừng phạt những nước muốn bảo vệ chủ quyền của mình, mà hy sinh đi lợi ích của Trung Quốc”. Trung Quốc sẽ tìm cách “chộp lấy các cơ hội để làm thay đổi hiện trạng, tạo ra một hiện trạng mới có lợi cho Trung Quốc”.

Tàu chiến "khoác áo" tàu Ngư chính của Trung Quốc
Tàu chiến "khoác áo" tàu Ngư chính của Trung Quốc

Glaser chỉ ra, các lãnh đạo Trung Quốc đương nhiên hiểu được các hành động của họ là có rủi ro và sẽ càng gây chia rẽ với các nước láng giềng, đồng thời làm cho các nước láng giềng càng nghiêng về phía Mỹ, ủng hộ Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực - đây hoàn toàn không phải là kết quả mà Trung Quốc mong muốn.

Nhưng, theo Glaser, Trung Quốc “sẵn sàng trả cái giá này trong ngắn hạn, sẵn sàng duy trì các thủ đoạn hiện có trong trường hợp xung đột cấp độ thấp”. Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với láng giềng, nhưng cũng “có thể chịu được các cuộc xung đột ở mức độ nhất định”.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng, do Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về thực lực kinh tế, cho nên “về lâu dài, các nước láng giềng sẽ ngày càng lệ thuộc hơn vào Trung Quốc, theo đó các nước này sẽ buộc phải thuận theo hơn với lợi ích của Trung Quốc, chỉ cần kiểm soát được tình hình, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép trên cơ sở chủ trương của họ”.

Glaser cho rằng: “Trong cuộc chơi lâu dài, Trung Quốc sẽ tạo ra thách thức to lớn cho Mỹ”.

Michael Swaine, nhà nghiên cứu cấp cao Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie đánh giá, gần đây, Trung Quốc sở dĩ liên tục điều tàu tuần tra và máy bay tuần tra đến vùng biển đảo Senkaku là nhằm tìm được nền tảng chắc chắn hơn cho chủ trương của họ, muốn rêu rao với thiên hạ rằng đảo Senkaku hoàn toàn không nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.

Do sự mạnh bạo của Trung Quốc của Trung Quốc trong lãnh hải và không phận đảo Senkaku, Nhật Bản đã nhiều lần triển khai các hành động ngăn chặn cứng rắn, trong đó có sử dụng phi đội máy bay chiến đấu F-15
Do sự mạnh bạo của Trung Quốc của Trung Quốc trong lãnh hải và không phận đảo Senkaku, Nhật Bản đã nhiều lần triển khai các hành động ngăn chặn cứng rắn, trong đó có sử dụng phi đội máy bay chiến đấu F-15

Trung Quốc có ý đồ thông qua tăng cường hiện diện và xâm nhập, ứng phó với tình hình và “làm thay đổi tình hình”. Đương nhiên đây hoàn toàn không phải là việc dễ dàng ngày một ngày hai, Trung Quốc muốn thông qua “xuất chiêu” và “tiếp chiêu” với người Nhật Bản để tìm kẽ hở cho việc áp đặt chủ trương của họ.

Theo Swaine, sự kiện Trung Quốc "làm lớn" ở bãi cạn Scarborough trong năm 2012 được coi là một tín hiệu mang tính chất “đe dọa” đối với những nước có liên quan “muốn làm thay đổi hiện trạng”. Đối với Trung Quốc, hiện nay, Philippines đã không còn cứng rắn như trước đây, nên họ càng tự tin hơn đối với việc kiểm soát khu vực này.

Trung Quốc cho rằng, tình hình biển Đông hiện nay đã ổn định hơn, Trung Quốc kiểm soát nhiều hơn. Tình hình thời gian tới phát triển đến đâu, có khả năng giảm sự cố hay không thì còn phải tiếp tục quan sát. Trái với quan điểm này, tướng “học giả” Trung Quốc là La Viện dự đoán, tình hình biển Đông năm 2013 dễ bùng phát xung đột hơn nhiều.

Swaine tiếp tục nhận định, tình hình biển Hoa Đông nguy hiểm hơn nhiều so với biển Đông. Hai bên Trung Quốc và Nhật Bản đều sẽ không muốn tiếp tục làm leo thang căng thẳng tình hình, nhưng hiện nay khả năng làm dịu tình hình của hai bên đều có hạn, một phần là do ban lãnh đạo mới hai nước đều đang đối mặt với sức ép chính trị ở trong nước.

Ông nói, Shinzo Abe là một người ôn hòa nhưng có ngôn từ rất cứng rắn, trong thời gian tới, hai bên có hiểu nhau hơn hay không hiện vẫn còn chưa rõ.

Trung Quốc không chỉ khát dầu, mà còn khát cá, khát các tài nguyên khác. Trong hình là biên đội tàu cá của tỉnh Hải Nam xuống tận vùng biển của nước khác đánh bắt cá.
Trung Quốc không chỉ khát dầu, mà còn khát cá, khát các tài nguyên khác. Trong hình là biên đội tàu cá của tỉnh Hải Nam xuống tận vùng biển của nước khác đánh bắt cá.

Giáo sư Robert Ross, Học viện Boston cho rằng, sách lược của Trung Quốc ở đảo Senkaku là ở chỗ “ngăn chặn và trả thù hành động quốc hữu hóa đảo Senkaku” của Nhật Bản, yêu cầu Chính phủ Nhật Bản không để phe cực hữu như cựu Thị trưởng Tokyo chi phối chính sách Trung Quốc của Nhật Bản, đồng thời tìm cách buộc Nhật Bản phải trả giá cho điều đó, đây là điều quan trọng về mặt ngoại giao.

Theo Robert, Trung Quốc đệ trình báo cáo xác định ranh giới biển Hoa Đông lên Liên Hợp Quốc vừa qua không có liên quan nhiều lắm đến tranh chấp đảo Senkaku, mà là để nhấn mạnh “tính hợp pháp” về chủ trương vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, thể hiện Trung Quốc tự tin về chủ trương đối với sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển có những từ ngữ có ý nghĩa mơ hồ, theo đó, Trung Quốc sẽ lợi dụng để đòi hỏi và mở rộng “quyền lợi biển”.

Ngày 1/1/2013, tỉnh Hải Nam Trung Quốc bắt đầu áp đặt quy định tự chế đối với "đường lưỡi bò" tự chế, gây lo ngại cho các nước láng giềng. Theo tướng Trung Quốc La Viện, biển Đông năm 2013 sẽ nóng lên.
Ngày 1/1/2013, tỉnh Hải Nam Trung Quốc bắt đầu áp đặt quy định tự chế đối với "đường lưỡi bò" tự chế, gây lo ngại cho các nước láng giềng. Theo tướng Trung Quốc La Viện, biển Đông năm 2013 sẽ nóng lên.
Đông Bình