"Trung Quốc muốn kiếm lợi từ bán vũ khí ở Trung Á nhưng vô vọng"

02/01/2013 09:54
Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, TQ)
(GDVN) - Khu vực Trung Á hiện trở thành mối quan tâm, gia tăng ảnh hưởng của nhiều cường quốc, nhất là trong hợp tác kỹ thuật quân sự nhằm kiếm lợi.
Sơ đồ căn cứ quân sự của Mỹ và Nga ở khu vực Trung Á.
Sơ đồ căn cứ quân sự của Mỹ và Nga ở khu vực Trung Á.

Tờ “Bình luận quân sự độc lập” Nga vừa dẫn bài viết của Stanislav, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới, Viện Khoa học Nga cho rằng, khu vực Trung Á là nơi giao thoa lợi ích giữa Nga, Mỹ, Trung Quốc và các nước có liên quan khác, trở thành đối tượng tranh giành giữa các nước lớn hiện vẫn chưa từ bỏ triệt để tư tưởng Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là cạnh tranh trong những lĩnh vực nhạy cảm như hợp tác kỹ thuật quân sự.

Stanislav cho rằng, gần đây, hiện trạng quân đội và triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự của 5 quốc gia Liên Xô cũ ở khu vực Trung Á gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Tajikistan, Kyrgyzstan ngày càng trở thành đối tượng nghiên cứu học thuật, đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới.

Điều này ít nhất được thúc đẩy bởi 2 nhân tố sau đây: Thứ nhất, tình hình Trung Á bị tác động nghiêm trọng bởi sự bất ổn ở Afghanistan. Các mâu thuẫn về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, lãnh thổ cùng các mâu thuẫn khác ở Afghanistan đã đan xen chặt chẽ với nhau.

Trong thời điểm quân Mỹ và quân đồng minh sắp rút khỏi Afghanistan vào năm 2014, ý nghĩa đặc biệt của khu vực này càng quan trọng, 5 nước Trung Á sẽ trở thành “tiền tuyến” của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, lực lượng Hồi giáo cực đoan, di dân bất hợp pháp, buôn lậu ma túy đến từ hướng Afghanistan.

Mỹ và liên quân sẽ rút khỏi Afghanistan vào năm 2014, khi đó vấn đề an ninh ở khu vực Trung Á sẽ nổi lên.
Mỹ và liên quân sẽ rút khỏi Afghanistan vào năm 2014, khi đó vấn đề an ninh ở khu vực Trung Á sẽ nổi lên.

Giới tinh hoa chính trị của một số nước Trung Á đương nhiên rất muốn tăng cường lực lượng vũ trang của họ để bảo vệ quốc gia, ứng phó với sự xâm lược từ bên ngoài, đồng thời đề phòng phe đối lập trong nước chuẩn bị tấn công bất ngờ.

Thứ hai, trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, các nước Trung Á đứng trước hai sự lựa chọn khó khăn: Hoặc duy trì quan hệ truyền thống với Nga, hoặc phát triển hợp tác với các nước khác, trong đó có các nước phương Tây, tạm thời rất khó lựa chọn.

Hiện nay, Nga vẫn chiếm ưu thế rõ ràng trong hợp tác kỹ thuật quân sự với 5 nước Trung Á, hơn nữa còn đang đóng vai trò ngày càng nổi bật về mặt “nhất thể hóa tổ chức khu vực” như bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy các nước này gia nhập Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), cộng đồng kinh tế Âu-Á.

Mặc dù 5 nước Trung Á tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống với Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự vẫn là một xu thế nổi bật, nhưng các nước này rõ ràng cũng có ý định từng bước tiến hành đa dạng hóa hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài, đang nỗ lực mở rộng phạm vi phân bố địa lý đối tác hợp tác quân sự, không còn tiếp tục từ chối tham gia một loạt chương trình của NATO, bắt đầu tích cực hội đàm với phương Tây trên rất nhiều phương diện, thậm chí trong quá trình hợp tác cũng đã thảo luận ý tưởng ngoại giao “con đường tơ lụa mới” và “con đường Ba Tư” với Mỹ.

Căn cứ không quân Manas của quân Mỹ ở Bishkek, Kyrgyzstan
Căn cứ không quân Manas của quân Mỹ ở Bishkek, Kyrgyzstan

Chuyên gia Nga chỉ ra, Mỹ luôn tìm cách đưa quân đến Trung Á, không chỉ không hề che giấu ý đồ giữ lại căn cứ quân sự Manas ở Kyrgyzstan, mà còn muốn xây dựng một vài căn cứ tượng tự ở các nước khác, trong đó có Uzbekistan và Tajikistan, đồng thời còn đang thảo luận vấn đề chuyển nhượng không hoàn lại cho các nước Trung Á những vũ khí dư thừa và trang bị tác chiến của liên quân sau khi rút khỏi Afghanistan.

Cuối tháng 11/2011, Brooks, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Lục quân Mỹ đến thăm Tajikistan và Uzbekistan hầu như đã thảo luận vấn đề này với lãnh đạo hai nước này, nói là chuyển nhượng lượng lớn các loại trang bị tác chiến và trinh sát cho quân đội hai nước này, gồm có máy bay không người lái, điện đài số hóa, trang bị cá nhân nguyên bộ được lắp thiết bị dẫn đường GPS, ô tô bọc thép, xe vận chuyển bọc thép, vũ khí phòng không, xe tăng, pháo và vũ khí khá nhỏ được lắp thiết bị nhìn đêm.

Lầu Năm Góc rõ ràng đã đưa ra kết luận, cho rằng không thể đưa số vũ khí công nghệ cao này trang bị cho Quân đội Afghanistan, nếu không rất có thể chúng sẽ rơi vào tay các phần tử vũ trang Taliban.

Trong thời gian thăm hai nước Uzbekistan và Tajikistan, Brooks đã thảo luận đề nghị của Lầu Năm Góc về xây dựng mạng lưới trung tâm huấn luyện quân sự tại hai nước Uzbekistan và Tajikistan với nền tảng là Hiệp ước lâu dài song phương, giúp cho quân đội các nước Trung Á nắm chắc vũ khí và trang bị tác chiến được liên quân chuyển nhượng.

Tướng Brooks, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm, Lục quân Mỹ thăm Tajikistan.
Tướng Brooks, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm, Lục quân Mỹ thăm Tajikistan.

Được biết, trung tâm huấn luyện quân sự có liên quan do Mỹ tài trợ đã bắt đầu hoạt động ở thành phố Fakhrabad, Tajikistan. Sứ quán Mỹ tại Tajikistan tuyên bố đã chuyển nhượng cho cơ quan sức mạnh của Tajikistan 300 bộ thiết bị và trang bị cá nhân, cung cấp cho đại đội đặc nhiệm sở tại sử dụng, do sĩ quan huấn luyện Mỹ đào tạo.

Trong khi đó, bắt đầu từ năm 1992, Mỹ đã cung cấp viện trợ 984 triệu USD cho Tajikistan, hỗ trợ cho nước này phát triển kinh tế, chế độ dân chủ, y tế, giáo dục và hệ thống an ninh.

Đồng thời, chính quyền Kazakhstan tuyên bố chuẩn bị mua 20 máy bay trực thăng vận tải chiến thuật EC725 của Công ty Trực thăng châu Âu, có kế hoạch đáp ứng nhu cầu của Bộ Quốc phòng Kazakhstan, đơn giá ước tính là 25 triệu USD. Hiện nay, chính quyền Kazakhstan đã bắt đầu sử dụng phiên bản dân dụng VIP máy bay trực thăng EC725 phục vụ đi lại cho các nhân vật quan trọng của nhà nước.

Uzbekistan cũng đang tích cực phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với Mỹ và NATO, đặc biệt là sau khi EU và Mỹ lần lượt hủy bỏ trừng phạt hạn chế đối với họ. Phương Tây hầu như quan tâm hơn tới việc củng cố vị thế của họ ở Uzbekistan, chứ không phải là vấn đề nhân quyền.

Máy bay trực thăng EC-725 của Công ty Trực thăng châu Âu.
Máy bay trực thăng EC-725 của Công ty Trực thăng châu Âu.

Đặc biệt, Đức tăng cường toàn diện hợp tác với Uzbekistan, trong đó có lĩnh vực quân sự, hỗ trợ xây dựng Quân đội Uzbekistan, tiếp thị một số loại trang bị quân sự, trong đó có máy bay huấn luyện phản lực Alpha cũ của quân Đức.

Mỹ cũng đã cung cấp một lô áo chống đạn cho cơ quan sức mạnh của Uzbekistan, đồng thời còn chuẩn bị cung cấp thiết bị nhìn đêm và hệ thống dẫn đường, bảo đảm cho con đường vận chuyển vật tư tới Afghanistan an toàn hơn, chặn đứng các hoạt động buôn lậu.

Chuyên gia Nga cho rằng, hiện nay, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khác cũng đang tích cực chào bán hàng hóa quân sự cho các nước Trung Á.

Căn cứ vào thống kê của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế London, chi tiêu quân sự năm 2012 của Kazakhstan và Uzbekistan đều là 1,4 tỷ USD, gấp 20 lần chi tiêu quân sự của Tajikistan, gấp 45 lần chi tiêu quân sự của Kyrgyzstan.

Chi tiêu quốc phòng của Turkmenistan vẫn như trước đây, chiếm 1,5% chi tiêu ngân sách. Mọi người đều biết, trong củng cố chủ quyền của mình, Turkmenistan không phải chủ yếu dựa vào sức mạnh quân sự, mà họ luôn nhấn mạnh vị thế trung lập quốc tế.

Máy bay huấn luyện phản lực Alpha của Quân đội Đức.
Máy bay huấn luyện phản lực Alpha của Quân đội Đức.

Hiện nay, sức mạnh quân sự tổng thể của 5 nước Trung Á tương đối yếu, vũ khí trang bị và quân số tương đối ít, chẳng hạn Quân đội Kazakhstan hiện có khoảng 70.000 quân, trang bị 2.210 xe vận chuyển bọc thép, 980 xe tăng, 278 máy bay trực thăng và máy bay tiêm kích;

Còn Quân đội Turkmenistan hiện có khoảng 20.000 quân, trang bị 1.941 xe vận chuyển bọc thép, 680 xe tăng, 112 máy bay trực thăng và máy bay tác chiến. Quân đội Uzbekistan hiện có khoảng 50.000 quân, trang bị 700 xe vận chuyển bọc thép, 340 xe tăng, 135 máy bay tiêm kích và 500 khẩu pháo.

Quân đội Tajikistan hiện có khoảng 16.000 quân, số lượng vũ khí trang bị tương đối ít, chỉ có 46 xe vận chuyển bọc thép, 37 xe tăng, 3 máy bay trực thăng và 1 máy bay quân dụng.

Quân đội Kyrgyzstan hiện có khoảng 20.000 quân, số lượng vũ khí trang bị cũng tương đối ít, nhưng để tránh tái diễn sự kiện chảy máu Osh, Kyrgyzstan rõ ràng đang cố gắng tăng cường quân đội và cơ quan chấp pháp, hiện nay chi tiêu quốc phòng và an ninh của họ mỗi năm khoảng 223 triệu USD, chiếm 13% tổng chi tiêu ngân sách, trong đó ít nhất 50% dùng cho chi tiêu quốc phòng.

Trung Á là các nước lục địa nên có nhu cầu lớn về vũ khí trang bị thông thường của lục, không quân.
Trung Á là các nước lục địa nên có nhu cầu lớn về vũ khí trang bị thông thường của lục, không quân.

Về việc tăng cường sức mạnh quân sự, Kyrgyzstan hy vọng có thể được viện trợ quân sự từ bên ngoài. Tajikistan cũng có nhu cầu viện trợ quân sự từ bên ngoài, đặc biệt là trong mùa hè và mùa thu năm 2010, chính quyền Tajikistan đã hai lần tiến hành cuộc chiến vũ trang với phe đối lập, làm cho chi tiêu quân sự của Tajikistan đã tăng 25%.

Trong bối cảnh tình hình chung của Tajikistan tiếp tục bất ổn, cuộc đối đầu vũ trang giữa chính quyền Tajikistan với phe đối lập rất có thể sẽ tiếp diễn. Vì vậy, hai nước Kyrgyzstan và Tajikistan đều yêu cầu Nga viện trợ quân sự thêm.

Trên thực tế, để củng cố ưu thế truyền thống ở khu vực Trung Á, tăng cường hợp tác toàn diện với các nước trong khu vực, trong đó có hợp tác kỹ thuật quân sự, Nga đã tuyên bố chuẩn bị chi 1,1 tỷ USD giúp Quân đội Kyrgyzstan đổi mới vũ khí trang bị, bỏ ra khoảng 200 triệu USD để đáp ứng nhu cầu của Quân đội Tajikistan, trong đó phần lớn vũ khí và trang bị quân sự có thể đến từ các kho vũ khí của quân Nga, đó là những sản phẩm đã qua sử dụng.

Căn cứ không quân Kant của Nga tại Kyrgyzstan.
Căn cứ không quân Kant của Nga tại Kyrgyzstan.

Chuyên gia Nga cho rằng, thông qua nghiên cứu ý đồ tích cực tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự với 5 nước Trung Á của Mỹ và NATO, có thể đưa ra một kết luận, đó là, những động thái này không những có liên quan đến việc liên quân quốc tế sắp rút khỏi Afghanistan, Mỹ-Âu tăng cường cô lập Iran, mà còn có liên quan tới kế hoạch chiến lược của Mỹ, đó là chuẩn bị tiến quân vào Trung Á một cách toàn diện và lâu dài.

Năm nước Trung Á rõ ràng đã phát hiện ra Mỹ có ý đồ phá vỡ cân bằng sức mạnh hiện có của khu vực, phần nào muốn gạt bỏ Nga. Nhà lãnh đạo các nước trong khu vực đặc biệt lo ngại nước họ bị động khi bị kéo vào các hoạt động chống Iran của phương Tây, thậm chí bị cuốn vào cuộc xung đột vũ trang nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua biện pháp quân sự do Mỹ-Israel tiến hành.

Họ hiểu rõ rằng, một khi nổ ra bất cứ cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn mới nào, phá hủy hạ tầng tên lửa, hạt nhân và mỏ dầu khí của Iran, có thể sẽ làm cho tình hình chung của khu vực xấu đi nghiêm trọng, thậm chí gây ra thảm họa sinh thái, trong đó có nguồn nước ngọt và vùng biển Caspian rất quan trọng của các nước Trung Á.

Trung Quốc cũng muốn kiếm lợi nhuận từ vũ khí ở thị trường các nước Trung Á. Trong hình là tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của tên lửa HQ-9 Trung Quốc.
Trung Quốc cũng muốn kiếm lợi nhuận từ vũ khí ở thị trường các nước Trung Á. Trong hình là tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của tên lửa HQ-9 Trung Quốc.

Ngoài ra, làn sóng cách mạng Ả-rập do Mỹ, NATO và các nước đồng minh thúc đẩy vẫn chưa lắng xuống, làm cho tầng lớp cầm quyền của 5 nước Trung Á lo ngại phương Tây sẽ có tính toán âm mưu tương tự đối với họ.

Một khi âm mưu lập đổ chính quyền Syria, cô lập Iran của Mỹ được thực hiện, thì có thể sẽ đưa tiến trình dân chủ hóa khu vực Trung Á lên chương trình nghị sự, vì vậy đa số các nhà lãnh đạo khu vực Trung Á hoàn toàn không muốn gấp gáp sa vào vòng tay của các đối tác mới, mà cố gắng dựa vào nền tảng nguyên tắc chủ nghĩa thực dụng, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Còn việc hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước phương Tây, 5 nước Trung Á tạm thời chỉ mua hàng hóa công nghệ cao mà Nga không thể cung ứng, nhưng thông qua các nước phương Tây để tiến hành đa dạng hóa các kênh mua sắm vũ khí trang bị.

Trong khi đó, các hàng hóa quân sự của Trung Quốc thì chẳng thể được các nước chấp nhận nhập được bao nhiêu.

Đông Bình (nguồn báo Phương Đông, TQ)