"Mỹ chuyển hướng châu Á vừa tăng ảnh hưởng vừa kiếm được bộn tiền"

03/01/2013 08:16
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ chuyển hướng chiến lược sang hướng Đông, coi trọng hơn đồng minh châu Á, từ đó, Mỹ kiếm được nhiều lợi nhuận khổng lồ từ bán vũ khí trang bị.
Mỹ đẩy mạnh tiếp thị máy bay tấn công liên hợp F-35 và được nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương quan tâm.
Mỹ đẩy mạnh tiếp thị máy bay tấn công liên hợp F-35 và được nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương quan tâm.

Tờ “Quang Minh” Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho biết, những năm gần đây, Mỹ đưa ra chiến lược “chuyển hướng châu Á-Thái Bình Dương” và “tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, việc tăng cường đồng minh quân sự là một mắt xích quan trọng của chiến lược này. Hãng Reuters cũng cho rằng, dưới sự chỉ đạo của chiến lược này, Mỹ tiêu thụ vũ khí ở châu Á đã tăng lên.

Bài báo cho biết, trong những năm qua, đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ tập trung tiếp thị, chào hàng máy bay chiến đấu, hệ thống phòng ngự vũ khí và các “hệ thống vũ khí đắt tiền” khác, hiện rõ ràng có đạt được kết quả rõ rệt.

Theo thống kê, năm 2012, Quốc hội Mỹ nhận được 65 thông báo liên quan đến bán vũ khí, tổng kim ngạch là 63 tỷ USD, trong đó kim ngạch tiêu thụ vũ khí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 13,7 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2011, chưa kể các hợp đồng đang nằm trong quá trình đàm phán.

Trong bảng xếp hạng bán vũ khí trên toàn cầu của Mỹ năm 2011, Ấn Độ mua có trị giá tới 6,9 tỷ USD, xếp thứ hai, chỉ sau Saudi Arabia. Vào năm 2008, Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ chỉ là con số không, nhưng đến năm 2012 đã đạt tới 8 tỷ USD.

Dự kiến, Mỹ sẽ tăng mạnh xuất khẩu vũ khí cho Ấn Độ, do New Delhi có kế hoạch chi tới 100 tỷ USD trong 10 năm tới để nâng cấp kho vũ khí trang bị.

Ấn Độ mua máy bay trực thăng AH-64D Longbow Apache của Mỹ để đối phó Trung Quốc trong vấn đề biên giới
Ấn Độ mua máy bay trực thăng AH-64D Longbow Apache của Mỹ để đối phó Trung Quốc trong vấn đề biên giới

Ở khu vực Đông Bắc Á, đồng minh Nhật Bản cũng là một thị trường đáng kể của Mỹ. Trước sức ép tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, Nhật Bản đã chọn mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 để thay thế cho những máy bay chiến đấu cũ của họ.

Hiện nay, Mỹ cũng chưa có ý định dừng dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu F-16, thậm chí còn đang tiến hành sản xuất, nâng cấp cho nhiều nước và khu vực. Hãng Lockheed Martin đang tiến hành nâng cấp 145 máy bay chiến đấu F-16A/B cho Đài Loan, trong khi Đài loan nhiều năm qua cũng luôn có ý định mua tới 66 máy bay chiến đấu F-16C/D.

Vào cuối năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình kế hoạch bán cho Hàn Quốc 4 máy bay do thám không người lái Global Hawk lên Quốc hội xem xét thông qua, lý do là để tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Hàn, giúp đỡ Hàn Quốc theo dõi, giám sát CHDCND Triều Tiên.

Trước đó, Hàn Quốc đã sớm có ý định mua Global Hawk, nhưng luôn bị Mỹ từ chối. Đến nay, trong khuôn khổ tán cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, việc bán vũ khí cho Hàn Quốc cũng sẽ được tăng cường. Máy bay Global Hawk cũng đang được Nhật Bản, Australia và Singapore quan tâm. Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Singapore cũng có ý định mua máy bay tấn công liên hợp F-35.

Nhật Bản muốn triển khai máy bay do thám không người lái Global Hawk để theo dõi tình hình đảo Senkaku.
Nhật Bản muốn triển khai máy bay do thám không người lái Global Hawk để theo dõi tình hình đảo Senkaku.

Hãng Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, trong những năm tới, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí cho các nước châu Á, ngành quốc phòng Mỹ sẽ không ngừng nhận được các đơn đặt hàng lớn từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lý do được các chuyên gia này đưa ra là: Thứ nhất, Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược “quay trở lại” châu Á-Thái Bình Dương. Thứ hai, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hiện nay ở châu Á đang gia tăng, chẳng hạn tranh chấp giữa Trung-Nhật trong vấn đề chủ quyền đảo Senkaku, tranh chấp chủ quyền biển Đông giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Thứ ba, ban lãnh đạo mới của một số nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc đều nhấn mạnh sẽ tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ.

Như vậy, hiện nay, người được lợi nhất chính là các nhà cung ứng vũ khí của Mỹ. Trong thời điểm kinh tế châu Âu trì trệ, việc bán vũ khí bị thu hẹp, những đơn đặt hàng từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương làm cho họ có thể tiếp tục kiếm được rất nhiều lợi nhuận.

Fred Downey, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề quốc phòng, Hiệp hội công nghiệp hàng không Mỹ cho biết, chiến lược chuyển hướng tới châu Á-Thái Bình Dương sẽ “đem lại cơ hội không ngừng tăng lên cho ngành sản xuất vũ khí của chúng tôi”.

Hiệp hội này là một nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ, bao gồm nhiều tập đoàn là những nhà cung cấp vũ khí cho Lầu Năm Góc như Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman.

Mỹ đang nâng cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan.
Mỹ đang nâng cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan.

Trong khi đó, Cục hợp tác quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết, trong thời gian Obama cầm quyền, bán vũ khí trên phạm vi thế giới được tăng trưởng.

Tuy nhiên, báo Trung Quốc dẫn “nhiều chuyên gia” lo ngại, chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của Mỹ sẽ làm cho tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương “bất ổn”, “khả năng xung đột tăng lên”, theo đó sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của Mỹ.

Theo bài báo thì những nhân vật như nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm Mỹ, Charles Freeman và cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, J. Stapleton Roy nhiều lần cho rằng, chiến lược tái cân bằng hoàn toàn không có nghĩa là tiến hành đối đầu quân sự với Trung Quốc.

Nếu đơn thuần muốn thông qua tập hợp đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc về quân sự, có thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương xuất hiện bầu không khí căng thẳng, Mỹ sẽ bị cuốn vào trong xung đột, điều này hoàn toàn không phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Tranh chấp biển đảo nóng bóng ở Đông Á sẽ tiếp tục giúp Mỹ kiếm lợi nhuận từ vũ khí?
Tranh chấp biển đảo nóng bóng ở Đông Á sẽ tiếp tục giúp Mỹ kiếm lợi nhuận từ vũ khí?
Đông Bình