Chỉ kêu gọi sự bao dung, không thể "cứu" được Mai Linh

06/01/2013 07:33
Độc giả Trọng Hải
(GDVN) - Theo độc giả Trọng Hải, nếu chỉ kêu gọi sự bao dung của xã hội thì chẳng có ích gì cho Mai Linh. Cách duy nhất để cứu nguy cho Mai Linh là làm giảm nợ để giảm chi phí tài chính.

LTS:
Sau bài viết “Độc giả hiến kế giúp Tập đoàn Mai Linh vượt bão", báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều thư phản hồi của độc giả gửi về chia sẻ những khó khăn cũng như đóng góp ý kiến giúp Tập đoàn Mai Linh vượt qua qua khó khăn.

Để có cái nhìn đa chiều quanh những vấn đề Tập đoàn Mai Linh đang gặp phải, báo Giaoduc.net.vn xin trích nguyên văn những ý kiến, chia sẻ của độc giả Trọng Hải, từ hòm mail tronghai73@yahoo.com.

Chỉ kêu gọi sự bao dung là chưa đủ

Trong cơn quay cuồng của phá sản và giải thể, tôi cũng hy vọng Mai Linh – một thương hiệu Việt lớn – sẽ qua được khó khăn và sóng gió hiện nay. Tuy nhiên, ssau khi đọc xong bài viết “Độc giả hiến kế giúp Mai Linh vượt bão”, tôi chưa thấy đề xuất nào đáng được gọi là kế sách cả. Dĩ nhiên, kêu gọi sự thông cảm, bao dung và bình tĩnh của xã hội là điều cần thiết nhưng nó chỉ đóng vai trò hỗ trợ việc thực thi những chiến lược/giải pháp chính được thuận lợi hơn mà thôi. 
Giải pháp trong bài viết chưa đủ hữu dụng để được xem là kế. Kêu gọi sự bao dung của xã hội – vốn xem việc thành lập, giải thể và phá sản của doanh nghiệp diễn ra hàng ngày là điều hết sức bình thường thì có ích gì. Kêu gọi những điều tương tự từ những nhà đầu tư còn tiền kẹt lại ở Mai Linh thì e là quá khó.
Tính đến 30/9, tổng nợ phải trả của Mai Linh lên tới 2.279 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, tổng nợ phải trả của Mai Linh lên tới 2.279 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn khoảng 1.000 tỷ đồng.


Kinh tế thị trường đặt cạnh tranh lên hàng đầu, doanh nghiệp nào không đủ sức trụ lại sẽ phải bị đào thải. Đó cũng là quy luật và quy luật này không thông cảm hay “bao dung” ai bao giờ. Có nghĩa là, một khi Mai Linh dám đầu tư trái ngành vào bất động sản, giáo dục,… thì phải lường trước được rủi ro đi kèm với nó. Dám nắm bắt cơ hội và khao khát phát triển, chứ không thể chỉ nhắm mắt làm liều.
Lời thật mất lòng. Nhưng dưới góc nhìn của các nhà điều hành nền kinh tế, việc một doanh nghiệp từng có đóng góp trong xã hội thật ra không quan trọng bằng "liệu để doanh nghiệp ấy phá sản thì sẽ để lại hậu quả gì cho xã hội sau này" (các khoản nợ không ai thanh toán cùng với hậu quả dây chuyền của nó, công nhân thất nghiệp làm thêm gánh nặng cho quỹ BHXH, thất thu thuế, làm ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành nghề liên quan,...). 

Ông Hồ Huy: Vực dậy Mai Linh giống như trận đánh trên chiến trường

Ông Hồ Huy: Vực dậy Mai Linh giống như trận đánh trên chiến trường

Ông Hồ Huy: Chúng tôi không bán Mai Linh Group

Ông Hồ Huy: Chúng tôi không bán Mai Linh Group

Tập đoàn Mai Linh có thể được

Tập đoàn Mai Linh có thể được "cứu" với 500 tỷ?

Tập đoàn Mai Linh:

Tập đoàn Mai Linh: "Ông trùm" taxi đang nợ nghìn tỷ

Về mặt này, hy vọng Mai Linh được các nhà quản lý vĩ mô ưu ái hơn một chút khi xét đến cả đóng góp lẫn hậu quả có thể để lại. Mặc dù vậy, Mai Linh cũng đâu thể ngồi chờ “trời” cứu, mà phải tự cứu mình bằng những giải pháp hiệu quả và cụ thể.
Việc khen Mai Linh trả lãi sòng phẳng đúng hẹn trước đây chỉ có giá trị “trước đây” mà thôi. Những đồng lãi cao mà các nhà đầu tư nhận được từ Mai Linh lúc đó cũng đã bao gồm lãi suất bù đắp rủi ro (risk premium) cho những rủi ro mà họ đang gánh chịu ngày hôm nay. 
Nếu bình tĩnh, lúc đó, chắc những nhà đầu tư này phải hồ nghi tại sao Mai Linh lại dám vay ngắn và trung hạn với lãi suất cao và thường là nguồn không ổn định để đầu tư vào các dự án dài hạn vốn cần đến đồng vốn ổn định với lãi suất thấp và ổn định hơn. Đó là chưa kể đến mức rủi ro cao luôn đi kèm với các dự án đầu tư dài hạn. Và cũng chưa kể đến tình hình vĩ mô không thuận lợi của thời điểm đầu tư.

Có 2 cách duy nhất cứu Mai Linh

Mai Linh hiện nợ xấp xỉ 2.300 tỷ đồng, nếu chỉ tính lãi suất 12%/ năm, tiền lãi phải trả cho mỗi tháng là gần 23 tỷ đồng – một chi phí tài chính khủng khiếp và chắc chắn sẽ kéo đổ nhiều doanh nghiệp chứ chẳng phải riêng Mai Linh nếu cứ để kéo dài chỉ một thời gian ngắn nữa thôi.
Còn giải pháp ư? Cá nhân tôi không phải là chuyên gia nên không dám đưa ra bất kỳ một giải pháp nào vì tôi nghĩ Mai Linh cũng đang có những nhà chiến lược giỏi nhất tham gia vào chiến dịch “giải cứu” này. Tôi chỉ mạo muội nghĩ cách duy nhất để cứu nguy cho Mai Linh là làm giảm nợ để giảm chi phí tài chính và có hai khả năng có thể được Mai Linh đang tính đến:
• Một, bán tài sản để trả nợ. Phương án này làm giảm “Nợ phải trả” nhưng cũng đồng thời giảm “tài sản”.
• Hai, tái cấu trúc cơ cấu tài chính bằng cách tăng “Vốn chủ sỡ hữu” thông qua việc mời gọi các nhà đầu tư tâm huyết chuyển nợ vay thành vốn góp. Hoặc lạc quan hơn là bán được cổ phần cho các nhà đầu tư mới. Phương án này giúp giảm “nợ phải trả”, tăng “vốn chủ sở hữu” và tôi thích phương án này hơn vì nó không làm giảm “tài sản” – quy mô của doanh nghiệp.
Sau giai đoạn cứu nguy, có thể còn rất nhiều việc phải làm và đặc biệt là điều chỉnh lại danh mục đầu tư hiện nay, giải thể hoặc bán các doanh ngành nghề phi truyền thống (non-core businesses) của Mai Linh vốn đang thua lỗ để tập trung vào các ngành nghề thế mạnh (core businesses).
Cuối cùng, xin chúc cho Mai Linh vượt qua sóng gió hiện nay!”

* Tít phụ do tòa soạn đặt.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Độc giả Trọng Hải