Tổng thống Mỹ Obama ra lệnh đánh giá kỹ "địa đạo hạt nhân" của TQ

08/01/2013 07:32
Việt Dũng
(GDVN) - Dự đoán Trung Quốc có đường hầm dài 3.000 dặm Anh chứa vũ khí hạt nhân của chuyên gia Karber thực sự gây lo ngại cho nước Mỹ.
Mỹ lo ngại về "Trường Thành ngầm dưới lòng đất" của Trung Quốc có chứa rất nhiều vũ khí hạt nhân
Mỹ lo ngại về "Trường Thành ngầm dưới lòng đất" của Trung Quốc có chứa rất nhiều vũ khí hạt nhân

Trang mạng Tin tức Quốc phòng Mỹ vừa đăng bài viết “Luật mới của Mỹ yêu cầu đánh giá đường hầm hạt nhân Trung Quốc”.

Một văn kiện của Lầu Năm Góc đã được Tổng thống Mỹ ký thành luật cho rằng, muốn áp chế các cơ sở chứa vũ khí hạt nhân dưới lòng đất của Trung Quốc, Quân đội Mỹ cần phải đồng thời đánh giá khả năng thông thường và khả năng hạt nhân của họ.

Ngày 2/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký Luật trao quyền quốc phòng mới, hạ lệnh cho Bộ Tư lệnh Chiến lược quân Mỹ trước ngày 15/8 phải trình một bản báo cáo về “mạng lưới đường hầm (địa đạo) của Trung Quốc, khả năng Mỹ sử dụng sức mạnh thông thường và sức mạnh hạt nhân để áp chế loại đường hầm này và trong đường hầm đó chứa thứ gì”.

Một đội ngũ nghiên cứu của trường Đại học Georgetown đứng đầu là Phillip Karber đã tiến hành nghiên cứu trong thời gian 3 năm, đã vẽ ra một hệ thống địa đạo phức tạp dài 3.000 dặm Anh (1 dặm Anh bằng khoảng 1,6 km).

Báo cáo mang tên “Tác động chiến lược của Trường Thành ngầm Trung Quốc” công bố năm 2011 quả quyết rằng, số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc như đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ là không chính xác. Đội ngũ của Karber dự đoán, trong mê cung ngầm khổng lồ dưới lòng đất của Trung Quốc có thể giấu tới 3.000 vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, các cơ quan tình báo Mỹ luôn dự đoán, trong kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nhiều nhất có 300 đầu đạn hạt nhân.

Luật trao quyền quốc phòng mới yêu cầu báo cáo sắp tới của Bộ Tư lệnh Chiến lược quân Mỹ phải xác nhận được “lỗ hổng nhận thức” về sự tồn tại của loại chương trình vũ khí hạt nhân này và bàn thảo sự tác động của lỗ hổng đó đối với an ninh nước Mỹ.

Báo cáo còn phải đánh giá chiến lược răn đe hạt nhân của Trung Quốc, gồm tiến hành đánh giá ở tầm nhìn mang tính lịch sử và nhân tố tác động của chiến lược này về mặt địa-chính trị, đồng thời mô tả kỹ lưỡng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, gồm số lượng vũ khí hạt nhân có tầm phóng xuyên lục địa.

Báo cáo còn phải tiến hành so sánh sức mạnh hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc, dự báo tình hình vũ khí hạt nhân tương lai có thể sở hữu của Trung Quốc, miêu tả hệ thống chỉ huy kiểm soát của nó, đánh giá tình hình dự trữ chất phân hạch của Trung Quốc và công suất, khả năng sản xuất dân dụng và quân dụng của họ.

Karber hoàn toàn không cho rằng, Luật trao quyền quốc phòng mới đưa ra những yêu cầu này là do công lao của ông. Ông nói: “Tôi cho rằng, rất nhiều nhân tố, đặc biệt là phương thức thử nghiệm và bố trí (vũ khí hạt nhân) của Trung Quốc, thúc đẩy Luật trao quyền quốc phòng mới đưa ra nhiệm vụ này”.

Nội bộ Mỹ cũng có quan điểm nghi ngờ về nhận định của Karber. Hans Christensen, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu thông tin hạt nhân Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ cho rằng, ngôn từ của Luật trao quyền quốc phòng mới đã phản ánh rất nhiều trường hợp.

Theo Christensen, một số ngườicảm thấy thất vọng về việc các cơ quan tình báo và Quân đội Mỹ đánh giá khả năng hạt nhân của nước khác. Điều này từng bước tăng rủi ro xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Với “vũ điệu” đó, hai bên sẽ làm cho quan hệ căng thẳng quân sự song phương trầm trọng hơn, có thể gây ra Chiến tranh Lạnh quy mô nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương.

Rất nhiều nhà phân tích đặt câu hỏi, rốt cuộc Mỹ làm thế nào “sử dụng sức mạnh thông thường và sức mạnh hạt nhân để áp chế loại địa đạo đó và trong địa đạo đó chứa thứ gì”.

Kết quả thử nghiệm vũ khí hạt nhân xuyên lòng đất như B61-11 đã gây thất vọng, bởi vì khả năng xuyên lòng đất của nó không mạnh. Không rõ chương trình bom hạt nhân xuyên lòng đất kiểu tăng cường B61-12 mới có giải quyết được vấn đề này hay không. Nhưng, cân nhắc vị trí hệ thống địa đạo do Karber miêu tả trong báo cáo, độ dài và độ sâu khác nhau, việc xóa bỏ mối đe dọa này cần không phải chỉ một quả bom.

Như vậy, cái gì làm cho Quốc hội Mỹ lo sợ về hệ thống địa đạo của Trung Quốc như vậy? Báo cáo của Karber dự đoán, “tài sản xã hội” nếu dùng để tấn công Mỹ, kho vũ khí hạt nhân tồn tại thực tế của Trung Quốc sẽ gây ra cái chết trực tiếp cho nhiều triệu người; khoảng 50% dân số sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại chất phóng xạ, khiến cho cơ thể bị suy nhược và tuổi thọ bị rút ngắn;

2/3 trong số 7.569 bệnh viện sẽ bị phá hủy hoặc không thể hoạt động, nửa số bác sĩ sẽ chết; 1/3 thiết bị phát điện và 40% đất đai nông nghiệp sản xuất lương thực sẽ bị tàn phá hoặc phơi dưới những chất phóng xạ còn sót lại một cách nghiêm trọng; hàng triệu người Mỹ sẽ bị đói khát trong 10 năm sau khi bị tấn công bất ngờ lần đầu tiên.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A của Trung Quốc
Việt Dũng