Học giả Bắc Kinh tưởng tượng "vòng vây Trung Quốc" trên Biển Đông

08/01/2013 13:00
Hồng Thủy (Nguồn: Tân Hoa Xã)
(GDVN) - Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ "liên thủ" với nhau để "chống lại" Trung Quốc.
Tân Hoa Xã và Nhân Dân nhật báo Trung Quốc bản điện tử ngày 6/1 đăng bài phân tích với tựa đề: "Chuyên gia: Năm 2013 Nhật -  Mỹ - Philippines liên thủ khuấy động các vùng biển tranh chấp quanh Trung Quốc" của Vương Hải Bằng, một học giả chuyên nghiên cứu các vấn đề lãnh hải tại viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Vương Hải Bằng, học giả thuộc viện Khoa học xã hội Trung Quốc đang tưởng tượng ra cái gọi là "vòng vây Trung Quốc" trên Biển Đông?
Vương Hải Bằng, học giả thuộc viện Khoa học xã hội Trung Quốc đang tưởng tượng ra cái gọi là "vòng vây Trung Quốc" trên Biển Đông?

Tác giả bài phân tích cho rằng năm 2012 là năm bạo phát tranh chấp chủ quyền tại các vùng biển "quanh Trung Quốc" và đưa ra dự đoán, năm 2013 tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ khó có gì đáng để lạc quan và nó đang xuất hiện một số đặc điểm mới.

Năm 2013 sẽ là năm có nhiều biến động trong vấn đề chủ quyền biển đảo với 3 đặc điểm chính, theo Tân Hoa Xã. Một là Trung Quốc bắt đầu đưa ra và thực hiện chiến lược "cường quốc về biển", hai là những tranh chấp chủ quyền biển đảo trên thế giới sẽ gia tăng và ba là sự điều chỉnh chiến lược quay trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Vương Hải Bằng cho rằng hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với một vòng vây trên Biển Đông khi Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ "liên thủ" với nhau để "chống lại" Trung Quốc.

Cái gọi là "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc thành lập trái phép và vô hiệu để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông thành ao nhà
Cái gọi là "thành phố Tam Sa" do Trung Quốc thành lập trái phép và vô hiệu để thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông thành ao nhà

Nhật Bản sau khi thay đổi Nội các mới vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách chủy quyền đối với nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông với chiến lược "Bắc công Nam thủ". Theo Vương Hải Bằng, phía Bắc biển Hoa Đông Nhật Bản sẽ khuếch trương vấn đề đường trung gian trên biển để đối phó với tuyên bố về "thềm lục địa" mà Bắc Kinh đưa ra.

Phía Nam biển Hoa Đông, học giả này cho rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền nhóm đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Tokyo sẽ tiếp tục phái chiến đấu cơ ra ngăn chặn máy bay Hải giám Trung Quốc nếu nó xuất hiện trên không phận nhóm đảo này và Vương Hải Bằng cho rằng đây là cái cớ để Tokyo "quân sự hóa" hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản tại khu vực.

"Mũi giáp công" liên thủ số 2 được Vương Hải Bằng cho rằng đến từ Philippines và Việt Nam (?!) khi cả hai bên đều thống nhất vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình giữa ASEAN với Trung Quốc. Việc Philippines ủng hộ lập trường chính đáng của Việt Nam đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cũng như quan điểm của Việt Nam đối với bãi cạn Scarborough, theo Vương Hải Bằng là một "mũi giáp công" liên thủ với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ tạo thành "vòng vây Trung Quốc".

Bài phân tích trên Tân Hoa Xã và Nhân Dân nhật báo bản điện tử cho rằng, "mũi giáp công" số 3 nhằm vào Trung Quốc là Mỹ và Ấn Độ khi cả 2 quốc gia này đều đang thực hiện sự thay đổi chiến lược sang phía Đông. Washington và New Delhi cũng khẳng định rõ ràng, họ có lợi ích tại Biển Đông, đặc biệt là về mặt tự do hàng hải.

Lính Trung Quốc đồn trú và tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ngày 4/12/2012
Lính Trung Quốc đồn trú và tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ngày 4/12/2012

Tân Hoa Xã cho rằng, ở Biển Đông hiện nay Mỹ đang đứng sau hậu thuẫn cho Philippines và Việt Nam nhưng tại nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông thì Mỹ lại "ra mặt" bảo vệ Nhật Bản.

Tuy nhiên, cả Vương Hải Bằng cũng như giới truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như đang cố gắng né đi một thực tế là họ đang tìm mọi cách biến Biển Đông thành ao nhà của mình thông qua một loạt hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép - PV) với tổng số tiền lên tới 1,6 tỉ USD.

Bằng việc tưởng tượng ra cái gọi là "vòng vây Trung Quốc" hoặc các nước láng giềng đang "chĩa mũi nhọn" vào Trung Quốc, Vương Hải Bằng và giới truyền thông nước này đang tìm cách lái dư luận người dân Trung Quốc cũng như công luận quốc tế khỏi sự chú ý vào những động thái leo thang liên tục của Bắc Kinh trên các vùng biển tranh chấp.
Hồng Thủy (Nguồn: Tân Hoa Xã)