Vào chính vụ, giá rau xanh ở Hà Nội vẫn đắt bất thường

08/01/2013 14:27
Theo Lao động
Thời điểm này là chính vụ của nhiều loại rau - củ - quả, thế nhưng tại các chợ ở Hà Nội, giá rau lại quá “chát”. Nguyên nhân là do dân buôn rau tự thổi giá lên gấp nhiều lần so với trước đây.
Nông dân và người tiêu dùng đều bị “móc túi”

Theo kinh nghiệm của những người chuyên trồng và chăm sóc rau thì thời tiết lạnh kèm theo mưa phùn là điều kiện thuận lợi cho các loại rau-củ-quả như su hào, cải bắp, cải cúc, cải canh, cải bẹ, rau cần, khoai tây, đậu côve, và nhiều loại rau thơm... phát triển nhanh. Đây cũng là thời điểm người trồng rau nơm nớp lo phải đối mặt với cảnh được mùa rớt giá, bán tháo với giá rẻ mạt.

Qua tìm hiểu tại một số huyện chuyên cung cấp rau cho thành phố, thời điểm này, giá cả không có biến động, thậm chí nhiều loại giá rất rẻ, nhưng giá rau khi được dân buôn chuyển vào các chợ trong nội thành có sự chênh lệch cực lớn.

Mức chênh lệch cụ thể như sau: Giá rau-củ-quả tại ruộng: Bắp cải 5.000-6.000 đồng/kg, su hào 2.000 đồng/củ, thậm chí 5.000 đồng/3 củ; cải cúc 1.500- 2.000 đồng/mớ; rau muống 2.000 đồng/mớ; cà chua 7.000-8.000 đồng/kg; đậu côve 10.000 đồng/kg... Tại chợ đầu mối: Bắp cải 8.000 đồng/kg; su hào 7.000 đồng/củ; cải cúc 3.000 đồng/mớ; rau muống 5.000 đồng/mớ; cà chua 10.000 đồng/kg; đậu côve 13.000 đồng/kg; khoai tây 15.000 đồng/kg...

Giá rau tại làng rau thì rẻ, còn người Hà Nội phải mua với giá quá “chát”. Ảnh: N.THU
Giá rau tại làng rau thì rẻ, còn người Hà Nội phải mua với giá quá “chát”. Ảnh: N.THU


Lái buôn Trung Quốc găm hàng khiến rau củ quả đắt đỏ?

Lái buôn Trung Quốc găm hàng khiến rau củ quả đắt đỏ?

Khi bán lẻ tại các chợ như Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Tam Đa, các chợ cóc lại ra mức giá mới: Bắp cải 12.000 đồng/kg, cà chua 15.000 đồng/kg; súp lơ 10.000 đồng/cây; cà chua 13.000 đồng/kg; đậu côve 17.000-18.000 đồng/kg...

Và khi được xếp vào xe thồ, gánh hàng đi rong ruổi khắp các phố thì giá rau được tiểu thương bán với giá “cắt cổ”, chị Lan (bán rong rau trên phố Hàng Đường) cho biết: Rau muống bán 15.000 đồng/mớ; su hào 10.000 đồng/củ; rau cần 13.000 đồng/cân; đậu côve 22.000 đồng/kg...

Như vậy là qua từng nấc trung gian dân buôn rau đều đua nhau đẩy giá lên cao khiến giá rau từ ruộng đến bàn ăn của người tiêu dùng tăng gấp 5, thậm chí chục lần so với ban đầu. Như vậy, cả nông dân và người tiêu dùng đều bị móc túi trắng trợn mà không biết kêu ai.

Một người trồng rau tại Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) cho biết, một số loại rau trái vụ như mùng tơi, dền, rau muống có giá đắt thì được ăn lãi chút ít, còn su hào, cải bắp, các loại rau cải đang đúng vụ giá rất rẻ. Biết rõ thương lái mua ép giá tại ruộng rồi đem vào thành phố bán với giá cao, nhưng vẫn phải bán cho họ để bù vào tiền đầu tư chăm bón cho rau, nếu không bán để rau quá lứa phải vứt bỏ.

Chị Thúy (ở 97 Nguyễn Phong Sắc) nói: Xem thông tin thấy giá rau thời điểm này giảm mạnh, nhưng ra chợ giá rau đắt quá, tiền mua rau bằng thậm chí còn hơn cả tiền mua thịt cá”.

Dân buôn rau ăn lãi khủng

Không chỉ tự đẩy giá lên cao, mà dân buôn còn có những chiêu trò để thu lãi khủng. Dễ thấy nhất là đổ nước vào rau làm cho mỗi cân rau tăng vài lạng, rồi thương lái mua rau tại ruộng theo cân, nhưng ra đến chợ đầu mối được chuyển thành mớ rồi mới bán cho tiểu thương bán lẻ.

Anh Hào (dân buôn tại chợ đầu mối Dịch Vọng) nói: “Rau cải mua tại ruộng 8.000 đồng/kg, về xẻ ra bó lại được khoảng 10 mớ rồi chuyển qua chợ đầu mối bán với giá 3.000 đồng/mớ cũng ăn lãi gấp 3 lần rồi”. Cũng theo thương lái này khẳng định, thì rau từ ruộng khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua 3-4 nấc trung gian và qua mỗi nấc như thế giá được đội lên gấp đôi, gấp ba.

Đáng lẽ ra mức chênh lệch chỉ vài trăm đồng cũng đủ bù tiền xăng và lãi rồi, tuy nhiên chẳng dân buôn, tiểu thương nào muốn vậy, trong khi các làng trồng rau ở ven đô chỉ cách nội thành có 10km, xa nhất cũng chỉ khoảng 15-20km.

Cô Minh - bán rau tại chợ Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) - nói: “Trời rét buốt, phải dậy từ 2-3 giờ sáng đội mưa đi lấy hàng, giá cao gấp vài lần so với giá tại ruộng cũng là chuyện thường”.

Tuy nhiên, cách nâng giá vô tội vạ của dân buôn, tiểu thương nhằm thu lãi lớn, trong khi người nông dân phải bán với giá rẻ mạt, còn người tiêu dùng phải mua với giá “chát” thì không còn là chuyện bình thường nữa.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Theo Lao động