Hồng Sơn - "thần tượng" của nông dân

15/08/2011 00:13
(GDVN) - Sở dĩ tôi gọi Hồng Sơn là "thần tượng" của nông dân bởi tôi đã được chứng kiến rất nhiều những tấm lòng của người hâm mộ ở nông thôn dành "ma làng".

(GDVN) - Nếu có một cuộc bình chọn diễn viên được khán giả nông dân yêu thích nhất thì tôi chắc chắn Hồng Sơn sẽ là một ứng cử viên nặng ký, với hình tượng gã Dỏ trong bộ phim "Ma Làng". Đấy chính là vai phản diện đầu tiên anh đóng và cũng là vai diễn để lại những ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả nông thôn.

{iarelatednews articleid='10527,10504,10484,10478,10334'}

"Thần tượng" của nông dân

Sở dĩ tôi gọi Hồng Sơn là "thần tượng" của nông dân là bởi tôi đã được chứng kiến rất nhiều những tấm lòng của người hâm mộ ở nông thôn dành cho gã "ma làng" ngang tàng và sâu sắc này.

Năm 2008, khi tôi thực hiện một loạt bài điều tra về cái nẹp vít titan bị gãy trong đùi trái của anh sau vụ tai nạn ô tô ở Đồng Mỏ (Lạng Sơn) thì nhận được điện thoại của 2 ông anh ở Di Trạch, Hoài Đức gọi ra. 2 ông nông dân chính hiệu "hai lúa" này cứ nằng nặc đề nghị tôi mời bằng được diễn viên Hồng Sơn về quê để các anh được khoản đãi đặc sản và bày tỏ niềm hâm mộ. Dù anh Sơn rất bận với công việc đi quay và chưa nhận lời nhưng ngày nào 2 khán giả cuồng nhiệt này cũng gọi điện cho tôi đưa ra đủ mọi phương án nhậu từ thịt mèo, thịt rắn cho tới những loài mà tôi nghe lạ hoắc.

aaaa
Diễn viên Hồng Sơn trong lần đầu tiên gặp tác giả bài viết.


Rồi ít lâu sau, tôi lại có dịp ngồi uống rượu với Hồng Sơn ở một quán trên phố Ngọc Khánh, và được chứng kiến tận mắt niềm vui mừng và hãnh diện của một ông nông dân từ xứ Thanh lặn lội ra Thủ đô để được uống với "gã Dỏ" của "Ma Làng" dù chỉ một chén rượu nhạt. Càng uống càng phấn khởi, vị triệu phú "chân đất" này còn nhất quyết đề nghị tổ chức một chuyến xe đón diễn viên Hồng Sơn vào Thanh Hóa thăm cơ ngơi của ông và thưởng thức những đặc sản nhà nông mà ông đang nuôi trồng. Tôi biết chuyến đi đó anh Sơn cũng không thể nhận lời bởi nếu không anh sẽ chẳng còn một chút thời gian nào dành cho nghề diễn.

Năm 2010, trong một lần vào huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An điều tra một vụ việc phá rừng chiếm đất, trong lúc ngồi trà dư tửu hậu với các bác nông dân là nạn nhân của vụ việc, không hiểu bằng cách nào chúng tôi lại nhắc đến Hồng Sơn. Nói đến "gã Dỏ" trong "Ma Làng", câu chuyện bỗng trở nên hào hứng hẳn. Những người nông dân này còn thuộc vanh vách từng câu nói, cử chỉ của diễn viên Hồng Sơn và luôn đem ra đối đáp với nhau để giải tỏa sự vất vả, mệt nhọc trong công việc hàng ngày. Một ông nông dân chuyên nuôi thủy hải sản, cũng được coi là có của ăn của để, hào hứng đứng ra đề nghị tôi đặt lịch giúp với diễn viên Hồng Sơn để ông thuê hẳn một chuyến xe đưa anh em, bạn bè, người thân lên Hà Nội gặp mặt. Tôi đi đâu, ở đâu có nông dân mà nhắc đến Hồng Sơn thì đều được gửi gắm những tấm lòng như vậy.

Sự ra đi vội vã...

Trong khi còn biết bao người hâm mộ diễn viên Hồng Sơn muốn được một lần nhìn thấy anh bằng xương, bằng thịt, muốn được bắt tay anh dù chỉ trong chớp nhoáng, ấy vậy mà anh đã vội vã ra đi.

Những giờ phút cuối cùng của Hồng Sơn trong phòng cấp cứu, khoa Thần Kinh, BV Bạch Mai
Những giờ phút cuối cùng của Hồng Sơn trong phòng cấp cứu, khoa Thần Kinh, BV Bạch Mai

Sáng 11/8, dù Hà Nội trời mưa rất to thế nhưng nhận được tin từ một người thân của anh, tôi tất tả đội mưa chạy vào phòng cấp cứu khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. Lúc này có nhiều bạn bè của anh đang nóng lòng chờ đợi vì anh được các bác sĩ đưa đi siêu âm tim mãi chưa thấy về. Mãi đến gần 11 giờ trưa anh mới được đưa về trên một chiếc xe điện ướt sũng nước mưa. Mắt trái anh tím quầng, có lẽ do lúc đột quỵ bị ngã đập xuống nền nhà. Gương mặt sạm đen, gầy guộc chẳng còn tìm đâu được nét phong trần, lãng tử của một diễn viên tài hoa, một đại gia phố cổ năm nào.

Dù khó khăn nhưng anh vẫn nhớ ra tên của từng người bạn. Người nào cầm tay anh hỏi thăm, anh cũng đều lặp đi lặp lại điệp khúc: "Cho anh xin điếu thuốc". Dù các bác sĩ không cho anh hút nhưng chúng tôi - những người bạn của anh - thì không chịu nổi ánh mắt van vỉ, nài nỉ đến tội nghiệp ấy. Sau khi gặp bác sĩ và biết rằng anh không còn hy vọng sống, một người bạn đã ra cổng viện mua một bao Esse xanh để cho anh hút. Phương án đề ra là châm điếu thuốc giấu vào lon nước ngọt rồi đưa lại gần miệng cho anh rít vài hơi. Thế nhưng sự kiểm tra nghiêm ngặt của các bác sĩ đã khiến chúng tôi không thực hiện được kế hoạch. Trước khi chúng tôi ra về, bao thuốc được bàn giao lại cho Kim Chi - con gái của diễn viên Hồng Sơn - để cô tranh thủ cho bố hút mấy hơi nếu anh còn được đưa ra ngoài đi chụp, chiếu. Thế nhưng chỉ mấy tiếng sau, tôi đã nhận được tin anh rơi vào hôn mê. Anh đã không một lần tỉnh lại cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Chỉ còn mấy tháng nữa "Ma Làng" phần 2 bấm máy. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dự tính đặt tên cho bộ phim là "Làng Bâm Dương 10 năm sau". Khán giả nông thôn sẽ được gặp lại một loạt những khuôn mặt gắn bó với làng quê Việt Nam như Bùi Bài Bình, Quang Lâm, Kim Oanh… và đương nhiên cả "gã Dỏ" với câu nói bất hủ "Làng Bâm Dương này loạn rồi". Thế mà giờ đây, Hồng Sơn đã vội vã ra đi. Điện ảnh Việt Nam đã chính thức mất đi một người nông dân tài năng trên cánh đồng nghệ thuật.

Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do bệnh nặng, diễn viên Hồng Sơn đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 5h20 ngày 13/8. Tang lễ được cử hành vào 8h ngày 16/8 tại Nhà tang lễ Phùng Hưng (Hà Nội), đưa tang 10h cùng ngày và hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ.

Nguyễn Thắng