Trung Quốc đang dốc sức đóng tàu chiến để làm gì?

14/01/2013 12:10
Việt Dũng
(GDVN) - Việc một quốc gia liên tục tăng trưởng về sức mạnh kinh tế thì nhu cầu tăng trang bị cho quân sự là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với Trung Quốc, một quốc gia đang cố tình đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ ở tứ phía thì lại khác.
Với những gì Trung Quốc đã làm, tuyên bố, dư luận không thể không nghi ngại khi TQ đang dốc sức đóng mới, cải tạo, biên chế nhiều loại tàu chiến, tàu công vụ để biên chế cho Hải quân, Hải giám... của nước này.
Tàu hộ vệ tên lửa Châu Sơn Type 054A, Hải quân Trung Quốc.
Tàu hộ vệ tên lửa Châu Sơn Type 054A, Hải quân Trung Quốc.

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết dẫn nguồn mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cho biết, những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ chế tạo tàu chiến mới. Trong vài ngày cuối năm 2012, có 2 tàu hộ vệ tàng hình mới trang bị cho Hải quân Trung Quốc.

Ngày 22/12/2012, tàu hộ vệ tàng hình Type 054A Lâm Nghi trang bị cho Hạm đội Bắc Hải, Hải quân Trung Quốc. Con tàu này do nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu chế tạo.

Phương án thiết kế của nó từng được sửa đổi. Ban đầu, Hải quân Trung Quốc có kế hoạch dựa vào phương án của Type 054 để chế tạo tàu Lâm Nghi, nhưng sau khi bắt đầu công tác lắp ráp, lại quyết định thay đổi kế hoạch chế tạo.

Cuối cùng tàu Lâm Nghi hoàn toàn không trở thành tàu hộ vệ Type 054 thứ ba, mà là trở thành thành viên thứ 12 của Type 054A tiên tiến hơn. Con tàu này hạ thủy vào ngày 13/12/2011, sau đó trải qua gần 1 năm mới hoàn thành toàn bộ và bắt đầu được kiểm tra.

Một chiếc tàu hộ vệ Type 054A khác là tàu Liễu Châu được nhà máy đóng tàu Hỗ Đông, Thượng Hải chế tạo, thời gian hạ thủy tuy sớm hơn tàu Lâm Nghi 3 ngày, nhưng thời gian trang bị cho Hải quân Trung Quốc lại muộn hơn một chút.

Tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu Type 054A
Tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu Type 054A

Ngày 26/12/2012, tàu Liễu Châu chính thức trang bị cho Hạm đội Nam Hải – hạm đội phụ trách tác chiến ở khu vực biển Đông, trở thành tàu hộ vệ Type 054A thứ 13 đi vào hoạt động.

Như vậy, chỉ trong năm 2012, Hải quân Trung Quốc đã trang bị mới 4 tàu hộ vệ Type 054A. Trong số 13 tàu hộ vệ này, 7 tàu do nhà máy đóng tàu Hỗ Đông, Thượng Hải chế tạo, còn 6 chiếc do nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, Quảng Châu chế tạo.

Nhìn vào tình hình triển khai 15 tàu hộ vệ hiện nay gồm cả tàu Type 054 và Type 054A, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải đều trang bị 6 tàu, Hạm đội Bắc Hải trang bị 3 tàu.

Trong đó, 2 tàu hộ vệ Type 054 lần lượt đi vào hoạt động năm 2005 và năm 2006, công tác trang bị Type 054A bắt đầu từ năm 2008.

Cuối mùa xuân và mùa hè năm 2012, có 2 tàu hộ vệ Type 054A lần lượt hạ thủy ở nhà máy đóng tàu Hỗ Đông và nhà máy đóng tàu Hoàng Phố, hiện đang tiến hành kiểm tra, thử nghiệm.

Ngoài ra, còn có 1 tàu hộ vệ loại này hạ thủy ở nhà máy đóng tàu Hỗ Đông vào cuối tháng 11/2012, hiện công tác chế tạo đã gần hoàn thành.

Hiện nay, có đầy đủ bằng chứng cho thấy, tại xưởng đóng tàu của hai nhà máy đóng tàu trên, còn có nhiều tàu hộ vệ Type 054A đang ở trong các giai đoạn chế tạo khác nhau.

Tàu hộ vệ tên lửa Lâm Nghi Type 054A
Tàu hộ vệ tên lửa Lâm Nghi Type 054A

Hải quân Trung Quốc chế tạo và trang bị quy mô lớn tàu hộ vệ Type 054 và Type 054A có mục đích là để thay thế cho tàu hộ vệ Type 053 kiểu cũ được bắt đầu trang bị hàng loạt từ đầu thập niên 1970.

Trong quá trình nghiên cứu chế tạo tàu hộ vệ kiểu mới, các cơ quan thiết kế của Trung Quốc từng tiến hành hợp tác bí mật với Cục thiết kế Phương Bắc của Nga, thành quả của sự hợp tác này là tàu chiến mặt nước hiện đại 054A, phù hợp với xu thế phát triển mới nhất của tàu hộ vệ hiện nay.

Trong quá trình tiến hành sửa phương án Type 054 trước kia, thân tàu hộ vệ được làm to ra: độ dài tăng 2 m, đạt 134 m, còn độ rộng tăng tới 16 m.

Do đã lắp thêm trang bị và tăng tải trọng có hiệu quả, lượng giãn nước tàu Type 054A cũng cao hơn tàu Type 054, lượng giãn nước tiêu chuẩn từ 3.500 tấn tăng lên 3.600 tấn, lượng giãn nước đầy từ 3.900 tấn tăng lên 4.050 tấn.

Về hệ thống động lực, sự khác biệt của hai loại tàu hộ vệ hoàn toàn không rõ rệt, đều đã trang bị 4 động cơ diesel Type SEMT Pielstick 16 PA6V-280 của Pháp được cấp phép sản xuất, tổng công suất hơn 25.000 mã lực.

Tốc độ tối đa của tàu hộ vệ Type 054A là khoảng 28-30 hải lý/giờ, khi chạy với tốc độ tiết kiệm 18 hải lý/giờ, hành trình của nó có thể đạt 3.800 hải lý. Thủy thủ đoàn theo quy định của tàu hộ vệ Type 054 và Type 054A đều là 160 người.

Tàu hộ vệ dòng Type 054 làm nhiệm vụ hộ tống, chống cướp biển ở vịnh Aden.
Tàu hộ vệ dòng Type 054 làm nhiệm vụ hộ tống, chống cướp biển ở vịnh Aden.

Tàu hộ vệ Type 054A trang bị 2 loại thiết bị vô tuyến điện, gồm radar tìm kiếm và bám theo Type 382, radar Type 344 và Type 345 dùng để do thám và bám theo mục tiêu, chỉ huy tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không tiến hành tấn công.

Ngoài ra, tàu hộ vệ Type 054A cũng đã trang bị hệ thống tác chiến điện tử, dẫn đường và sonar hiện đại. Tất cả các thiết bị điện tử của tàu hộ vệ này đều được tích hợp bởi hệ thống xử lý dữ liệu chiến thuật Thomson-CSF TAVITAC nhập khẩu của Pháp. Về thiết bị truyền số liệu, tàu hộ vệ Type 054A đã nhập hệ thống liên kết dữ liệu HN-900.

Một sự cải tiến quan trọng khác của tàu hộ vệ Type 054A là đã trang bị hệ thống phóng thẳng đứng, lắp được 32 quả tên lửa. Tên lửa chuẩn của hệ thống này là tên lửa phòng không HQ-16 (sao chép tên lửa Buk của Nga). Cự ly đánh chặn của loại tên lửa này là 25-30 km.

Tên lửa chống hạm trang bị cho tàu Type 054A là YJ-83. Kích cỡ của loại tên lửa này to hơn một chút so với HQ-16, tầm phóng khoảng 200 km. Ngoài ra, tàu 054A còn trang bị một pháo cỡ nòng 76 mm, 2 pháo phòng thủ gần 7 nòng 30 mm, 2 máy phóng ngư lôi chống tàu ngầm 3 nòng 324 mm và 2 máy phóng đạn tên lửa săn ngầm 6 nòng.

Trung Quốc đẩy mạnh chế tạo tàu hộ vệ tên lửa Type 054A
Trung Quốc đẩy mạnh chế tạo tàu hộ vệ tên lửa Type 054A

Phần đuôi của tàu hộ vệ Type 054A có bố trí kho chứa máy bay, có thể chở 1 máy bay trực thăng Z-9C hoặc Ka-27. Từ số liệu hiện có để phán đoán, trong kho chứa máy bay này có thể còn chứa vũ khí chống tàu ngầm và chống hạm dùng để trang bị máy bay trực thăng.

Vào năm 2009 từng có nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã hoàn thành công tác nghiên cứu chế tạo 054A phiên bản cải tiến. Được biết, loại tàu hộ vệ được gọi là 054B này hiện đã khởi công chế tạo, chiếc đầu tiên sắp hoàn thành và sẽ hạ thủy trong thời gian sắp tới.

Sự khác biệt chủ yếu giữa tàu 054B và 054A tập trung vào thiết bị điện tử dùng cho hệ thống chỉ huy thông tin tác chiến. Ngoài ra, việc bố trí vũ khí trên tàu chiến mới cũng có thể thay đổi. Các dấu hiệu cho thấy, tàu 054B có thể sẽ trang bị tên lửa chống hạm và phòng không kiểu mới.

Nếu thông tin được tiết lộ năm 2009 là sự thực, thì tàu hộ vệ 054B đầu tiên có khả năng sẽ được hạ thủy trong thời gian tới.

Việc một quốc gia liên tục tăng trưởng về sức mạnh kinh tế thì nhu cầu tăng trang bị cho quân sự là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với Trung Quốc, một quốc gia đang cố tình đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ ở tứ phía thì lại khác.

Với những gì Trung Quốc đã làm (căng thẳng với Phillipines, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ), tuyên bố (đường lưỡi bò 9 đoạn, thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, phát hành hộ chiếu in hình lưỡi bò bao trùm toàn bộ Biển Đông, phát hành bản đồ lãnh hải bao trùm cả lên vùng đặc quyền kinh tế của  cácnước khác...), dư luận không thể không nghi ngại khi TQ đang dốc sức đóng mới, cải tạo, biên chế nhiều loại tàu chiến, tàu công vụ để biên chế cho Hải quân, Hải giám, Ngư chính... của nước này.

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054B, phiên bản cải tiến của Type 054A do dân mạng đăng tải
Tàu hộ vệ tên lửa Type 054B, phiên bản cải tiến của Type 054A do dân mạng đăng tải
Việt Dũng