Siêu hạm TQ "hâm nóng" biển Đông trước chuyến thăm của Phó TT Mỹ

15/08/2011 04:32
(GDVN) - Trung Quốc hoàn tất lần chạy thử tàu sân bay đầu tiên, Mỹ - Trung gặp gỡ, vị thế của Việt Nam so với Trung Quốc trong nghiên cứu biển Đông...

(GDVN) - Trung Quốc hoàn tất lần chạy thử tàu sân bay đầu tiên, Mỹ - Trung gặp gỡ, vị thế của Việt Nam so với Trung Quốc trong nghiên cứu biển Đông, câu chuyện cảm động về ông lão 80 tuổi miệt mài phục dựng thuyền câu khơi của đội hùng binh Hoàng Sa...đó là những thông tin tiếp tục được nhiều báo quan tâm phản ánh.

Tàu sân bay Trung Quốc hoàn tất lần chạy thử đầu tiên

Tàu sân bay Trung Quốc hoàn tất lần chạy thử đầu tiên
Tàu sân bay Trung Quốc hoàn tất lần chạy thử đầu tiên

Một thông tin được các báo trong nước rất quan tâm: Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn tất chuyến chạy thử ra biển đầu tiên và vừa quay lại cảng Đại Liên ở miền đông bắc nước này. Tàu sân bay đã được kéo vào cảng sáng hôm qua. Người ta nhìn thấy một số thủy thủ đi bộ trên tàu, nhưng tất cả vũ khí đều được che lại.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định chuyến hành trình trên biển sẽ không kéo dài lâu và sau đó chiếc tàu sân bay này sẽ quay trở về cảng Đại Liên để tiếp tục được cải tạo và thử nghiệm.

Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc hôm 10/8 bắt đầu cho tàu chạy thử ra biển lần đầu tiên là một diễn tiến quan trọng, làm cho các nước trong khu vực cảm thấy lo ngại, mặc dù tàu sân bay chưa có tên chính thức này không có nhiều tác dụng về mặt chiến đấu.

Ông Andrei Chang, người đứng đầu Trung tâm Thông tin Kanwa - cơ quan chuyên theo dõi các hoạt động của quân đội Trung Quốc, cho rằng mục đích của Trung Quốc là nhằm thử nghiệm động cơ con tàu và các cuộc hành trình trên biển có thể sẽ được tiếp tục trong một vài năm tới.

Các giới chức Trung Quốc nói chiếc tàu này không đe dọa bất cứ ai, và mục đích của nó là nghiên cứu khoa học và huấn luyện. Hãng tin chính thức của Trung Quốc Xinhua đăng bài nhấn mạnh trong số 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc là thành viên sau cùng có tàu sân bay.

Nhưng Mỹ và các nước châu Á quan tâm trước sự kém minh bạch của Trung Quốc về chiếc tàu sân bay này.

Cùng thời điểm Trung Quốc tiến hành chạy thử tàu sân bay, Mỹ đã gửi 2 tàu sân bay đến khu vực. Tại Đài Loan, chính quyền hòn đảo này tuyên bố triển lãm tên lửa siêu thanh Hùng Phong-3 mà họ gọi là “tên lửa diệt tàu sân bay”.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Trung Quốc: Biển Đông tiếp tục nóng?

a
Từ ngày 17/8, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo Đất Việt: Tuần này, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài tới 6 ngày trong bối cảnh không phải nhạy cảm, nhưng khá phức tạp.

Tuy vấn đề chính trong chuyến thăm chính là kế hoạch trị giá 4,5 tỷ USD Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan nhưng một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm không kém chính là biển Đông. Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục cảnh cáo Mỹ không can thiệp vào tranh chấp hiện nay, điều này Mỹ sẽ khó chấp nhận khi biển Đông nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

'Việt Nam ngang ngửa Trung Quốc' trong nghiên cứu Biển Đông

Theo Tiến sỹ Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu đã có nhiều công trình học thuật về biển Đông đăng tải trên Đất Việt: Việc nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông phải được phát triển mạnh trong môi trường đại học, nhằm đào tạo một lực lượng chuyên nghiệp để làm chủ lực. Trong việc nghiên cứu vấn đề này, Việt Nam ngang ngửa Trung Quốc.

a
Cần chuyên nghiệp hóa việc nghiên cứu để tăng sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.Ảnh Đất Việt

Cũng theo TS. Huy:  "Đã có rất nhiều các công trình học thuật về tranh chấp Biển Đông của các học giả nước ngoài được công bố. Cũng có một phần đáng kể những công trình của học giả Trung Quốc và học giả Hoa Kiều. Về công trình học thuật về tranh chấp Biển Đông được công bố thì có lẽ tính theo tỷ lệ Việt Nam ngang ngửa Trung Quốc.

Tuy nhiên, lực lượng người Việt vẫn thua lực lượng của Trung Quốc về bề sâu cũng như bề rộng. Về bề sâu, Trung Quốc có thẩm phán ở Toà án Công lý Quốc tế và Toà án Luật Biển Quốc Tế. Về bề rộng, có nhiều người Hoa là giáo sư trong các ngành luật pháp, chính trị trong các trường đại học trên thế giới – điều đó rất thuận tiện cho việc đăng bài có lợi cho Trung Quốc trên báo chí".

Về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa: Chúng ta phải ở tư thế khác

Câu chuyện biển Đông: “Phía Trung Quốc tự biết chứng cứ lịch sử của họ không trung thực nên cố tuyên truyền bằng cách nói nhiều, Việt Nam phải ở tư thế khác”. Nhà nghiên cứu Hán học Phạm Hoàng Quân trao đổi với PV Tiền Phong về những chứng cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhà nghiên cứu Hán học Phạm Hoàng Quân cho biết, nhiều thư tịch cổ Trung Quốc đã cho thấy có sự công nhận chủ quyền ở biển Đông của Việt Nam. Các tư liệu để nghiên cứu về vấn đề này có thể phân thành 4 nhóm để tiện theo dõi: các tư liệu trong Chính sử, hai là các tư liệu trong sách Dư địa chí (Trung Quốc gọi là Phương chí), ba là tư liệu Địa đồ và bốn là tư liệu trong các loại sách khác ( gồm những ghi chép trong các sách về hải phòng, hàng hải, địa lý du ký…).

Kết quả nghiên cứu từ hai mảng Chính sử và Dư địa chí cho thấy trong suốt 2000 năm từ Hán đến Thanh, chưa có triều đại nào của Trung Quốc thể hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các ghi chép trong hai loại tư liệu này cũng cho thấy không gian biển về phía nam Trung Hoa mà các chính quyền quân chủ nước này quản lý chỉ đến ngoài khơi châu Nhai, tức nay là chỗ cửa cảng Tam Á ở vào khoảng 18 độ vĩ Bắc.

Cũng theo ông Quân, ông chưa thấy có chi tiết nào được ghi nhận theo dạng trực tiếp đề cập đến việc công nhận chủ quyền của một nước khác đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ Trung Hoa, bởi trong các ghi chép đều cho thấy nhận thức về phía biển nam của các sử quan và các quan trấn nhậm địa phương cực nam của họ rất lơ mơ. Họ không biết rõ về vùng đảo vùng biển này nên không biết nước nào đang quản lý các nơi ấy.

Trong các ghi nhận gián tiếp, nhiều chi tiết liên quan đến hải giới đã cho thấy sự thừa nhận của nhà nước quân chủ Trung Hoa, một thí dụ cụ thể là trong một chỉ dụ đề ngày Nhâm Dần tháng 11 năm Đạo Quang thứ 12 (20-1-1833), vị hoàng đế nhà Thanh này trong lúc chỉ đạo việc tuần tra mặt biển, đã thừa nhận rằng “Đại Mạo châu ở vùng biển khơi Tam Á thuộc châu Nhai là nơi tiếp giáp biển Việt Nam”.

Đại Mạo châu nói trên là nơi ở vào khoảng 18 độ 15 phút vĩ Bắc, và chi tiết này nằm trong bộ Đại Thanh thực lục, là một biên niên sử chính thống của nhà Thanh.

Nhận định về quan điểm và cách tiếp cận của  các học giả Việt Nam về vấn đề khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ông Quân phân tích: “Nghiên cứu thư tịch cổ Việt Nam nhằm đưa ra những chứng cứ về việc xác lập chủ quyền trong lịch sử của Việt Nam trên biển Đông và các quần đảo đã được nhiều thế hệ nối tiếp thực hiện.

Trước và sau năm 1975 đến nay nhiều học giả ở cả hai miền Nam, Bắc và hải ngoại đã tận tâm lực trong vấn đề này, tư liệu lịch sử đã được khai thác hầu như đã hoàn toàn, chúng cho thấy rõ quá trình chiếm hữu của người Việt liên tục từ nhiều thế kỷ trước và chính quyền Việt Nam thời nhà Nguyễn đã xác lập một cách rõ ràng chủ quyền trên biển Đông trong đó có cả các quần đảo.

Tuy nhiên có tình trạng nghiên cứu rời rạc, là do chúng ta chưa kết tập những sử liệu nhiều đời thành hệ thống để trên cơ sở ấy tiến hành phân loại và phân tích cặn kẽ. Không thể có tư liệu lịch sử thống nhất, chỉ có lý luận đem đến sự thống nhất, đây là đặc điểm và cũng là điều phải lưu ý thường xuyên khi làm việc với sử liệu. Sử liệu của chúng ta về vấn đề này nhất quán trên đại thể.

Trước tình hình biển Đông căng thẳng trong thời gian qua và cách giao tế của Việt Nam đối với Trung Quốc, ông Quân khẳng định: Việt Nam phải ở một tư thế khác: “Giao tế hay giao thiệp nó có nhiều phương diện, ở đây tôi chỉ nói về mặt đối đáp tức liên quan đến báo đài, hai tháng qua chúng ta đã nói nhiều về cứ liệu lịch sử sau một thời gian nói quá ít hoặc không nói gì cả. Nhìn tổng quan, hình như chúng ta chưa phân biệt việc phản ánh thời sự với nghiên cứu lý luận.

Việc tàu Bình Minh bị phía Trung Quốc cắt cáp vài mươi năm sau tự nó trở thành sự kiện lịch sử, mới hoà vào các sự kiện lịch sử từ trước, bổ sung tình tiết về hành động trái lẽ của nước lớn, chúng ta phải ghi nhận nó ở góc độ thời sự, chính xác và trung thực, phản kháng đúng với mức độ sự kiện.

Về chủ quyền, đương nhiên là như từ trước tới nay chính phủ đã tuyên bố và vẫn tuyên bố, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu và vẫn nghiên cứu. Chính phủ Trung Quốc tự biết chứng cứ lịch sử của họ không trung thực nên cố tuyên truyền bằng cách nói nhiều, Việt Nam phải ở tư thế khác”. Ông Quân khẳng định.

Người phục dựng thuyền câu khơi Hoàng Sa

Câu chuyện về một ông lão ngấp nghé tuổi tám mươi nhưng vẫn lao tâm khổ trí với công việc phục dựng thuyền câu khơi của đội hùng binh Hoàng Sa thuở trước, miệt mài đi tìm những cứ liệu về chủ quyền Việt Nam trên hải đảo giữa biển Đông đăng tải trên Tuổi trẻ cuối tuần khiến người xem không khỏi xúc động.

Ông Võ Hiển Đạt bên chiếc thuyền câu được phục dựng tại Bảo tàng Lý Sơn - Ảnh: TTCT

Ông Võ Hiển Đạt bên chiếc thuyền câu được phục dựng tại Bảo tàng Lý Sơn - Ảnh: TTCT


Tuổi cao nhưng ông Đạt vẫn đọc vanh vách hơn 100 chi tiết làm nên một chiếc thuyền câu khơi của đội hùng binh Hoàng Sa: “Chiều dài ghe 3,5m, rộng 1m, mui bằng nan tre lợp lá dừa, mê cũng bằng nan tre, trét phẩm, dầu rái…, có đủ cả buồm lòng, buồm mũi” (buồm được làm bằng đệm để sản xuất quạt). Những thuyền câu khơi ông đang phục dựng thật ra có kích thước nhỏ hơn nhiều so với thuyền thật ngày xưa.

Tại khu di tích lịch sử đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, phía trước là tượng đài ba nhân vật cao 4,5m, một là vị cai đội trưởng tay cầm giáo, tay đặt trên cột mốc chủ quyền mang dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”, hai bên là người lính Hoàng Sa và người dân chài. Phía sau tượng là Bảo tàng hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, nơi sẽ đặt chiếc thuyền câu khơi của đội hùng binh Hoàng Sa được ông Đạt phục dựng.

Bên cạnh đó, với vốn chữ Hán uyên thâm, ông còn phát hiện nhiều chứng cứ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, chẳng hạn một bản gốc in trên giấy thô từ thời nhà Nguyễn vừa được ông gửi đến Bộ Ngoại giao: “Đó là một tư liệu được viết bằng chữ Hán trên giấy thô tui tìm thấy ở một dòng họ trên đảo”.

Cách đây vài năm, cũng chính ông Đạt đã phát hiện một tư liệu vô cùng quý giá khi tình cờ đến nhà họ Đặng ở thôn Đồng Hộ vốn có những bậc tiền hiền đã tham gia đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. “Tui đọc kỹ như nuốt từng con chữ vào ruột gan mình. Đó là tờ lệnh điều binh phu ra Hoàng Sa của triều Nguyễn truyền cho dòng họ Đặng từ gần 200 năm trước. Vậy là lại có thêm một chứng cứ xác đáng về chủ quyền Hoàng Sa của nước nhà” - ông Đạt thốt lên.

Đã ở cái tuổi bên kia dốc cuộc đời, vậy nhưng “ổng cứ ôm đủ thứ vô người, chắc tới lúc nhắm mắt cũng chưa làm hết chuyện muốn làm” - bà Đặng Thị Lãnh, vợ ông Đạt, nói. Mỗi ngày ông vẫn chậm rãi đi đến những dòng họ tiền hiền trên đảo, tiếp tục tìm những cứ liệu về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. Đôi khi đứng trước biển, ông đọc lại đoạn văn tế trong lễ khao lề thế đội hùng binh Hoàng Sa - Trường Sa: “Phong ba dồn dập, tuyết sương chẳng quản, mưa nắng chẳng sờn, Hoàng Sa lãnh hải, biển cả mênh mông…”.

{iarelatednews articleid='10490,10387,10302,10299,10207,10182,10048,9931,9820,9761,9784,9713,9686,9604,9571,9560,9513,9323'}

Hải Hà (tổng hợp)