Liệu Pháp có “sa lầy” khi can thiệp quân sự vào Mali?

16/01/2013 09:44
Theo VOV
(GDVN) - Quyết định can thiệp quân sự được đưa ra chóng vánh, tuy nhiên bao giờ nó kết thúc vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Ngày 10/1, Tổng thống Mali Dioncounda Traoré đã kêu gọi Liên Hợp Quốc và Pháp hỗ trợ đẩy lùi phiến quân Hồi giáo có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda sau khi các phiến quân chiếm thị trấn chiến lược Konma và đang áp sát thị trấn trọng yếu Mopti do chính phủ kiểm soát và là cửa ngõ đi về phía Nam.

Đáp lại lời kêu gọi này, ngày 11/1, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố khởi động chiến dịch Saval (Mèo sa mạc) mở màn cho sự can thiệp quân sự của Pháp vào Mali. Pháp tiến hành không kích vào nhiều vị trí của phiến quân tại Mali nhằm hỗ trợ chính phủ nước này đẩy lùi các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo.

Quyết định can thiệp quân sự chóng vánh

Lính Pháp đang có mặt ở Mali chuẩn bị vũ khí cho các chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào lực lượng phiến quân
Lính Pháp đang có mặt ở Mali chuẩn bị vũ khí cho các chiến dịch tấn công quân sự nhằm vào lực lượng phiến quân

Lý giải cho quyết định tấn công chóng vánh này, phát biểu tại một cuộc họp báo tại thủ đô Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc không kích tại Mali. Từ vài ngày qua, tình hình đã xấu đi nghiêm trọng khi nhóm khủng bố đã tấn công vào miền Nam Mali. Mục tiêu của nhóm này rất rõ ràng. Đó là khống chế toàn bộ Mali để thành lập một nhà nước khủng bố tại đây. Đây là lý do tại sao các quan chức Mali kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Pháp giúp họ can thiệp quân sự khẩn cấp”.

Giới lãnh đạo Pháp tin rằng, Mali và các nước láng giềng ở Tây Phi, cũng như châu Âu và đặc biệt là nước Pháp đang bị đe dọa bởi 3 tổ chức Hồi giáo cấp tiến, trong đó có chi nhánh al-Qaeda hiện đang kiểm soát miền Bắc Mali và đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng xuống miền Nam, đặc biệt là thủ đô Bamako để thành lập một nhà nước khủng bố.

Có lẽ bởi những lý do trên mà Tổng thống Pháp Hollande - người bị chỉ trích là thiếu quyết đoán đã quyết định can thiệp quân sự vào Mali chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Quyết định này của ông Hollande đã gây bất ngờ cho dư luận quốc tế và cả người dân Pháp. Hiện chưa rõ tương lai của chiến dịch này sẽ đi tới đâu, nhưng giới quan sát cho rằng, “sự kiện Mali” có lẽ là một bước ngoặt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Hollande.

Mali từng là một trong những quốc gia ổn định nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, trong một năm trở lại đây, quốc gia Tây Phi này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012. Tình trạng rối ren đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc, đồng thời tuyên bố ly khai và lập ra "Nhà nước Azawad” áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc.

Phiến quân Mali dọa sẽ tấn công vào “trung tâm nước Pháp”


Lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Mali mới đây đã đưa ra lời đe dọa sẽ khởi động các cuộc tấn công tại “trung tâm nước Pháp" sau khi quốc gia châu Âu này bắt đầu các hoạt động quân sự để giúp quân đội Mali giành lại vùng lãnh thổ phía Bắc nước này từ tay các chiến binh trong một chiến dịch mà Ngoại trưởng Pháp cho biết sẽ kéo dài trong "một vài tuần."

Abou Dardar, một lãnh đạo của Phong trào Độc tôn và Thánh chiến ở Tây Phi (MUJAO) - một trong những nhóm Hồi giáo đang hoạt động ở Mali nói với AFP rằng: "nước Pháp đã tấn công vào người Hồi giáo và chúng tôi sẽ tấn công vào trung tâm nước Pháp".

Khi được hỏi địa điểm mà nhóm này dự định sẽ tấn công, Abou Dardar cho biết: "Ở khắp mọi nơi. Tại thủ đô Bamako của Mali, tại châu Phi và tại châu Âu". Nhân vật này cũng nói rằng, nhóm MUJAO có quan hệ với tổ chức al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) sẽ sớm có tuyên bố về số phận của 8 con tin người Pháp bị al-Qaeda bắt giữ.

Lời đe dọa này được đưa ra một ngày sau khi Pháp tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu của phiến quân Hồi giáo tại Mali nhằm ngăn chặn lực lượng này tiến về thủ đô Bamako ở phía Nam. Theo AFP, không quân Pháp đã ném bom vào các căn cứ, trung tâm huấn luyện giết chết nhiều phiến quân và đẩy lui lực lượng này khỏi Gao - thành phố chính ở miền Bắc Mali. Tuy nhiên, theo Reuters, các chiến binh Hồi giáo đã phát động một cuộc phản công và giành quyền kiểm soát thị trấn Diabaly, nằm cách thủ đô Bamako 400 km về hướng Bắc.

Trong khi đó, phát ngôn viên của nhóm Hồi giáo MUJWA - một trong các phái chính trong liên minh nổi dậy cũng đã đe dọa rằng, công dân Pháp sẽ phải trả giá cho các cuộc không kích hôm 13/1 vào thị trấn Gao - thành trì phiến quân. "Họ nên tấn công trên bộ nếu còn là đàn ông. Chúng tôi sẽ chào đón họ với vòng tay rộng mở", phát ngôn viên Oumar Ould Hamaha nói với Đài phát thanh  Europe 1. "Pháp đã mở cửa địa ngục cho tất cả người Pháp. Nước này đã rơi vào một cái bẫy nguy hiểm hơn nhiều hơn so với Iraq, Afghanistan hay Somalia", Hamaha nói.

Việc ông Hollande can thiệp quân sự vào Mali đã nhận được sự ca ngợi từ các nhà lãnh đạo phương Tây, đồng thời cũng làm tăng mức độ nguy hiểm đối với 8 con tin Pháp đang bị các đồng minh của al-Qaeda giam giữ tại sa mạc Sahara và làm tăng nguy cơ cho khoảng 30.000 người Pháp ở các quốc gia láng giềng với Mali - nơi người Hồi giáo chiếm đa số.

Lo ngại sự trả thù của các phần tử Hồi giáo cực đoan, Pháp đã siết chặt an ninh tại các tòa nhà công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời đưa ra khuyến cáo 6.000 công dân Pháp hiện đang sống tại Mali nên rời khỏi nước này khi các phiến quân Hồi giáo tuyên bố sẽ trả thù. Pháp cũng đã chịu tổn thất đầu tiên trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali khi một phi công đã thiệt mạng ngày 11/1 khi một trực thăng bị các phiến quân bắn hạ. Vài giờ trước đó, một sĩ quan tình báo Pháp bị bắt làm con tin ở Somalia bởi các chiến binh al Shabaab có liên hệ với al-Qaeda cũng đã bị giết trong một cuộc đột kích thất bại của lực lượng đặc nhiệm Pháp nhằm giải thoát anh ta.

Ngoài ra, giới chức Pháp cũng lo ngại các phần tử cực đoan có thể tiêm nhiễm tư tưởng khủng bố vào các nhóm người gốc Mali ở Pháp và nơi khác, tương tự như với một số người gốc Algeria ở Pháp đã hưởng ứng phong trào thánh chiến vào những năm 90 thế kỷ trước khi gửi vũ khí tiền bạc cho phiến quân Hồi giáo ở Algeria và tiến hành hoạt động khủng bố ở ngay tại nước Pháp.

Sẽ không dễ để Pháp kết thúc chiến dịch trong vài tuần


Ngày 14/1, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali sẽ kéo dài “một vài tuần ". Trong khi đó, tờ Financial Times cũng dẫn lời ông Fabius cho biết, Pháp “không có ý định ở lại mãi mãi". Financial Times cũng cho biết, mặc dù cho đến nay đã có hơn 700 binh sĩ Pháp đã được triển khai đến Bamako và thị trấn Mopti nhưng sẽ không tham chiến, thay vào đó, họ ​​sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho quân đội Mali và lực lượng quân sự hỗn hợp của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).


Tuy nhiên, chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp vào Mali cũng đang làm gia tăng nỗi ám ảnh về “vũng lầy châu Phi” khi phương Tây phát động một cuộc chiến chống khủng bố mới giống như trước đây khi Pháp và các đồng minh khác của Mỹ can thiệp vào Afghanistan.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là quân đội Pháp sẽ đóng vai trò hỗ trợ phía sau lực lượng quân đội của các quốc gia châu Phi như mục tiêu đặt ra lúc đầu theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hay họ sẽ bị cuốn vào cuộc chiến cùng với quân đội Mali và các quốc gia châu Phi khác và kéo theo sự can dự của các đồng minh phương Tây?

Nhà nghiên cứu Jean Pierre Maulny tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Paris nhận định: “Pháp đang đối mặt với nguy cơ mắc kẹt tại Mali trong một thời gian dài”. Trong khi đó Sajjan Gohel, Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở London thì cho rằng: để tránh bị sa lầy tại Mali thì “mục đích của sứ mệnh của Pháp ở Mali nên được giới hạn về quy mô, nhưng phải đặt ra những chiến lược cụ thể”.

Trên thực tế, các lực lượng vũ trang Pháp đã rất ngạc nhiên bởi khả năng quân sự của chiến binh Hồi giáo. Một quan chức Pháp được hãng tin AFP dẫn lời cho biết "Từ Libya phiến quân đã có được rất nhiều thiết bị, vũ khí tinh vi và hiệu quả hơn chúng ta có thể tưởng tượng". Quan chức này ám chỉ đến việc vũ khí đã được buôn lậu vào Mali sau khi sự sụp đổ của Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tại Libya.

Trong khi đó, nhà phân tích của hãng tin BBC, Mark Doyle  cho rằng, chiến dịch của Pháp tại Mali sẽ không thể kết thúc trong một vài tuần.

"Phiến quân Hồi giáo có thể sợ hãi của những oanh kích, nhưng điều đó không thay đổi tình hình trên mặt đất cho đến khi thực sự có sự ổn định chính trị ở Mali và quân đội Mali có thể giành lại quyền kiểm soát của đất nước. Tuy nhiên, quân đội Mali không phải được tổ chức tốt", ông Doyle nói.

Pháp đang nhận được hỗ trợ phi quân sự cho chiến dịch tại Mali từ cả Anh và Mỹ. Mặc dù Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh rằng sẽ không triển khai quân đội Anh  đến Mali, nhưng ông Cameron đã cam kết hỗ trợ máy bay vận tải quân sự cho chiến dịch của Pháp. Mỹ cũng sẽ chia sẻ thông tin tình báo với Pháp, hỗ trợ hậu cần và có khả năng sẽ hỗ trợ các chuyến bay tiếp liệu cho không lực Pháp.

Trong diễn biến mới nhất, các nước thành viên Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẵn sàng thông qua kế hoạch can thiệp vào Mali nhằm hỗ trợ nước này bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Theo VOV