TQ tăng cường tên lửa hướng Đông Nam, TQ - Nhật dễ xung đột nguy hiểm

17/01/2013 13:44
Đông Bình
(GDVN) - Trung-Nhật tiếp tục leo thang căng thẳng, thậm chí có thể xung đột, nhất là trong tình hình TQ tăng cường áp dụng các hành động quân sự mới..
Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc diễn tập tên lửa phóng loạt
Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc diễn tập tên lửa phóng loạt

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc đưa tin cho biết, một lữ đoàn tên lửa của Lực lượng tên lửa chiến lược (Pháo binh 2) vừa tiến hành diễn tập đột kích cụm, lần đầu tiên vận dụng chức năng điểm hỏa tự động tiến hành phóng loạt tên lửa, sử dụng trên 10 quả tên lửa phát động tấn công chính xác đối với cùng một mục tiêu.

Báo Trung Quốc coi động thái này đã phản ánh, nhiều thành quả công nghệ thông tin đã chuyển hóa thành sức chiến đấu.

Đe dọa Nhật Bản

Thông tin trên được tiết lộ trong thời điểm tình hình quan hệ Trung-Nhật căng thẳng xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang áp dụng thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.

Tổng biên tập tạp chí “Tri thức vũ khí” Trung Quốc, ông Nghiêm Hiểu Phong cho rằng, Trung Quốc công bố thông tin về Pháo binh 2 trong thời điểm như vậy thực chất là muốn cảnh cáo Nhật Bản.

Tên lửa chiến thuật DF-15 sẵn sàng chiến đấu
Tên lửa chiến thuật DF-15 sẵn sàng chiến đấu

Bài báo cho rằng, việc Nhật Bản sơ bộ xây dựng được hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển và trên đường bộ, đồng thời bắt đầu triển khai trên thực tế đã khiến cho Nhật Bản “tự kiêu”, còn các “phần tử cánh hữu Nhật phát cuồng”.

Nhưng, bài báo dọa rằng, chỉ riêng ứng phó với các cuộc tấn công bão hòa (phóng loạt, của Trung Quốc) thì an ninh của Nhật chỉ như “lâu đài trên cát”.

Tờ “Bình luận quân sự độc lập” Nga cho rằng, Pháo binh 2 Trung Quốc có thể đang phát triển tên lửa chống bức xạ lắp nhiều đầu đạn kiểu mới, từ đó đưa phương thức tấn công phát triển từ đột kích tên lửa một đầu đạn thành đột kích cụm tên lửa nhiều đầu đạn nhằm tăng cường hiệu quả tấn công.

Triển khai tên lửa mới

Theo tờ “Kanwa Defense Review” Canada, vị trí triển khai của một bộ phận tên lửa thuộc Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc rõ ràng là dịch chuyển tới duyên hải đông nam.

Điều đáng chú ý nhất là, cùng với việc triển khai lực lượng tên lửa của Pháo binh 2 ở tuyến trước, việc trang bị hàng loạt tên lửa kiểu mới cũng có tính chất đa dạng hóa.

Được biết, ở khu vực tuyến 1 nhằm vào biển Hoa Đông-Okinawa, Pháo binh 2 rất có thể đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-16 kiểu mới, có tầm phóng trên 1.000 km, hơn nữa độ chính xác tấn công cao hơn tên lửa đạn đạo tầm gần trước đây.

Tên lửa đạn đạo DF-16 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo DF-16 Trung Quốc

Báo Nhật cho rằng, Trung Quốc đã triển khai một lượng nhỏ tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, loại tên lửa được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, ở dải dọc biển Hoa Đông, tập trung vào việc đối phó với tàu sân bay của Mỹ và tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Báo Trung Quốc tuyên truyền, đây là loại “siêu sát thủ cực mạnh” khiến cho Mỹ và Nhật Bản đều lo ngại.

Máy bay chiến đấu Trung Quốc bám theo máy bay quân Mỹ

Tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho biết, ngày 10/1, máy bay chiến đấu của Quân đội Trung Quốc đã tiến hành bám theo máy bay do thám P-3C của Hải quân Mỹ và máy bay vận tải C-130 của Không quân Mỹ.

Đồng thời, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã lập tức phản ứng, điều máy bay chiến đấu bay lên để đối ứng.

Sự kiện này có thể sẽ làm cho Chính phủ Nhật Bản tăng cường nghiên cứu các biện pháp đối phó với máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản, cuộc đối đầu Trung-Nhật sẽ tiếp tục leo thang ở biển Hoa Đông.

Máy bay săn ngầm P-3C của Quân đội Mỹ
Máy bay săn ngầm P-3C của Quân đội Mỹ
Máy bay vận tải C-130 của quân Mỹ
Máy bay vận tải C-130 của quân Mỹ

Được biết, khi đó, máy bay tuần tra P-3C và máy bay vận tải C-130 của quân Mỹ đã bay gần “tuyến trung gian” giữa Trung-Nhật trên biển Hoa Đông.

Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu cất cánh, tiếp cận và bám theo. Sau đó, Hải quân Mỹ còn điều máy bay trinh sát điện tử EP-3 đến và phía Trung Quốc cũng đã nhận được thông tin này.

Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc đã sớm nhiều lần sử dụng máy bay không người lái để đến đảo Senkaku hoạt động, đã chụp rất nhiều ảnh.

Mỹ triển khai tạm thời F-22 ở Okinawa

Hãng Kyodo Nhật Bản cho biết, ngày 11/1, Không quân Mỹ tiết lộ, từ trung tuần tháng này trở đi, sẽ tạm thời triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và khoảng 300 nhân viên (thuộc căn cứ không quân Langley, bang Virginia) ở căn cứ Kadena quân Mỹ, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Thời gian triển khai là 4 tháng.

Máy bay chiến đấu F-22 Raptor tại căn cứ không quân Mỹ ở Okinawa Nhật Bản
Máy bay chiến đấu F-22 Raptor tại căn cứ không quân Mỹ ở Okinawa Nhật Bản

Bình luận viên quân sự Nhạc Cương cho rằng, Mỹ triển khai máy bay chiến đấu ở cửa nhà đối tượng tác chiến thì sẽ bị giảm ưu thế tàng hình.

Hai bên cách nhau chưa đến 500 km, nên máy bay chiến đấu bay chỉ mất 7-8 phút, xâm nhập vùng tấn công tên lửa.

Một khi máy bay chiến đấu Trung Quốc không bị bắn rơi, xông lên và đánh giáp lá cà, từ đó tên lửa hồng ngoại và tên lửa không đối không cự ly ngắn (trong tầm nhìn) chiếm ưu thế, thì máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ không còn ưu thế nữa. Việc triển khai ở Okinawa có ý nghĩa “chính trị lớn hơn quân sự”.

Máy bay quân sự Trung-Nhật có khả năng xung đột

Tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản cho rằng, khác với các cuộc xung đột về máy bay dân dụng, tàu tuần tra hoặc tàu cá, ngày 10/1, Trung Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên điều máy bay quân sự gây ra một cuộc đối đầu trên biển Hoa Đông.

Đây là một tình thế nghiêm trọng, hơn nữa là một điềm báo không tốt, trừ phi có nước thứ ba có thể đứng ra thuyết phục hai bên nhượng bộ. Trước khi Trung-Nhật leo thang xung đột như trên, đã có rất nhiều người cảnh báo tranh chấp Trung-Nhật sẽ trở nên nguy hiểm hơn.

Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Trung Quốc

Báo chí Hồng Kông dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc điều máy bay quân sự tới vùng trời đảo Senkaku là điều rất hiếm gặp, tình hình căng thẳng giữa Trung-Nhật đã leo thang.

Chuyên gia quân sự Hoàng Đông cho rằng: “Đối đầu máy bay quân sự giữa hai nước Trung-Nhật có thể gây ra xung đột quân sự. Hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đều biết bản thân họ khó mà nhượng bộ, nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, hai nước có khả năng sẽ xảy ra xung đột”.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn".
Đông Bình